- Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia - https://nafosted.gov.vn -

Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017

Sáng ngày 18/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng ngày KH&CN – 18/5.

Tham dự buổi Lễ có UV BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội Phan Xuân Dũng; Giám đốc Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt; Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Phạm Công Tạc, cùng các thành viên thuộc Ban Tổ chức giải thưởng; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành; các nhà khoa học thuộc các Viện, trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong cả nước và các cơ quan báo chí.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu – giải thưởng của Bộ KH&CN, do Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia làm Cơ quan thường trực được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển. Được triển khai từ năm 2013, Giải thưởng Tạ Quang Bửu ngày càng khẳng định được uy tín trong cộng đồng khoa học Việt Nam, được các nhà khoa học quan tâm và ủng hộ. Các lĩnh vực của Giải thưởng bao gồm: Toán học, Khoa học máy tính và thông tin, Vật lý, Hóa học, Khoa học trái đất và môi trường, Khoa học sự sống – Y sinh Dược học, Khoa học sự sống – Sinh học Nông nghiệp, Cơ học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017
Theo quy chế của Giải thưởng, các hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng được đánh giá tại các Hội đồng khoa học chuyên ngành và Hội đồng Giải thưởng. Hội đồng khoa học chuyên ngành là các Hội đồng khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tương ứng với các lĩnh vực xét thưởng. Hội đồng Giải thưởng  xem xét và lựa chọn tác giả được đề xuất từ các Hội đồng khoa học chuyên ngành để tặng Giải thưởng. Bên cạnh các chuyên gia trong nước, Hội đồng Giải thưởng cũng lấy ý kiến của các chuyên gia phản biện quốc tế đối với các hồ sơ được đề cử. Trong các năm 2014, 2015 và 2016, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã được trao tặng cho 07 nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học xuất sắc trong các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Khoa học Thông tin và Máy tính, Khoa học Trái đất và Môi trường và 02 nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực Toán học và Vật lý.

Năm 2017, Ban Tổ chức Giải thưởng đã tiếp nhận 30 hồ sơ đăng ký. Các Hội đồng Khoa học chuyên ngành của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia đã đánh giá và đề cử 4 hồ sơ để đánh giá tại Hội đồng Giải thưởng. Ngày 28/4/2017, Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu (HĐGT) đã họp phiên chính thức đánh giá 04 hồ sơ đề cử. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã quyết định trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 cho hai nhà khoa học được Hội đồng Giải thưởng đề xuất, bao gồm:

–         PGS.TS. Nguyễn Sum, Trường Đại học Quy Nhơn, lĩnh vực Toán học đoạt giải với công trình: On the Peterson hit problem, đăng trên tạp chí Advances in Mathematics năm 2015 (Vol. 274, 432–489). Kết quả của công trình được ứng dụng để rút ngắn rất nhiều trường hợp được xem xét khi giải tường minh bài toán hit trong trường hợp số biến cụ thể và mô tả ngắn gọn cấu trúc của các tập hợp sinh cực tiểu. Cụ thể là, nó được ứng dụng để giải tường minh bài toán hit đối với đại số đa thức 4 biến. Đây là cơ sở để kiểm định giả thuyết của William Singer đối với đồng cấu chuyển đại số thứ tư và xác định các biểu diễn modular của nhóm tuyến tính tổng quát hạng

–         GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Tp. HCM, lĩnh vực Hóa học đoạt giải với công trình: Propargylamine synthesis via sequential methylation and C-H functionalization of N-methylanilines and terminal alkynes under metal-organic-framework Cu2(BDC)2(DABCO) catalysis đăng trên tạp chí Journal of Catalysis năm 2014 (Vol. 319, 258–264). Nội dung công trình tập trung vào việc nghiên cứu sử dụng vật liệu khung hữu cơ-kim loại làm xúc tác cho phản ứng điều chế các hợp chất họ propargylamine theo con đường hoạt hóa trực tiếp liên kết cacbon – hydro. Các hợp chất chứa cấu trúc propargylamine có nhiều ứng dụng quan trọng trong lĩnh vực hóa dược, hóa chất nông nghiệp, vật liệu chức năng. Đặc biệt, trong quá trình nghiên cứu đã phát hiện ra một chuyển hóa mới của N-methylaniline và công trình của nhóm nghiên cứu đều được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam, với toàn bộ tác giả là người Việt Nam.

 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cùng hai nhà khoa học đoạt giải năm 2017: PGS.TS Nguyễn Sum và GS.TS Phan Thanh Sơn Nam
Tại Lễ trao giải, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam cảm ơn sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, các đơn vị quản lý khoa học, cộng đồng khoa học đã nỗ lực hết mình để thúc đấy hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, qua đó giúp tạo cơ hội để các nhà khoa học được sống trọn vẹn với niềm đam mê nghiên cứu khoa học ngay trên chính quê hương mình. PGS.TS Nguyễn Sum khẳng định sẽ tiếp tục cố gắng hết sức mình trong nghiên cứu khoa học để đóng góp những kết quả có chất lượng tốt, xứng đáng với vinh dự đã được nhận hôm nay.

Phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu ngày 18/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, năm nay ngành khoa học công nghệ đã có kế thừa những năm trước và đã có những bước đổi mới đáng mừng. Điều này được thể hiện ở Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã xuất hiện đông hơn các gương mặt trẻ, các nhà khoa học nghiên cứu không chuyên, các đại diện cộng đồng startup, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh vấn đề công khai minh bạch trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN do ngân sách nhà nước tài trợ.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chúc mừng và biểu dương hai nhà khoa học đoạt giải thưởng năm nay với hai công trình nghiên cứu xuất sắc. Trong bài phát biểu tại Lễ trao giải, Bộ trưởng cho biết, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản, văn kiện quan trọng  khẳng định KH&CN là động lực, là cấu thành quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nghiên cứu cơ bản được coi là một yếu tố quan trọng để chúng ta quan tâm đến chất lượng, tăng cường hiệu quả, thông qua đó chúng ta duy trì được môi trường nghiên cứu, và đặc biệt hơn là một môi trường đào tạo chất lượng cao. Đó cũng là những yếu tố sống còn giúp chúng ta tạo ra được lực lượng khoa học có thể tham gia ngay vào phát triển nền kinh tế đất nước.
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017
Bộ trưởng khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tập trung trí tuệ, tâm huyết xác định các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, tạo môi trường chính sách thực sự thuận lợi, lành mạnh, dỡ bỏ các rào cản và giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo của lực lượng KH&CN để gia tăng hiệu quả và tác động của hoạt động KH&CN đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước;
 Ảnh: MinhVV

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017

Tác giả bài viết: TrangVQ

Nguồn tin: nafosted