- Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia - https://nafosted.gov.vn -

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt làm việc với Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Ngày 26/5/2021, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã có buổi làm việc với Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ). Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Phạm Công Tạc, đại diện các Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Vụ Kế hoạch – Tài chính và đại diện Ban Kiểm soát Quỹ.

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc CQĐH Quỹ và ông Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc CQĐH Quỹ đã báo cáo về hoạt động, phương thức quản lý đề tài và quy mô tài trợ, hỗ trợ của Quỹ.

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia được thành lập theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP ngày 22/10/2003 của Chính phủ và khai trương hoạt động từ tháng 2/2008. Đến nay, Quỹ được vận hành theo Điều lệ quy định bởi Nghị định số 23/2014/NĐ-CP và được điều chỉnh bởi Nghị định số 19/2021/NĐ-CP. Phương thức quản lý đề tài của Quỹ được xây dựng hướng tới chất lượng nghiên cứu, khách quan, thuận lợi trong thực hiện, dựa trên ba trụ cột – cơ chế quản lý khoa học, cơ chế tài chính, quy trình thủ tục hành chính. Cơ chế quản lý khoa học hướng tới các chuẩn mực, thông lệ quốc tế (trong phân loại loại hình nhiệm vụ tài trợ; trong các đánh giá năng lực nhà khoa học, nhóm nghiên cứu; trong đánh giá đề tài tài trợ). Cơ chế tài chính hướng tới rút ngắn tối thiểu thời gian xử lý tài chính và tài trợ thực chất, hiệu quả kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Quy trình thủ tục hành chính hướng tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, minh bạch thông tin, nêu cao tinh thần hỗ trợ, phục vụ, tạo thuận lợi tối đa cho nhà khoa học.

Các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ thực hiện các chính sách KH&CN của Đảng và Nhà nước (Điều 50 Luật KH&CN 2013 về mục đích chi NSNN cho KH&CN; nội dung phát triển NCCB, năng lực KH&CN của Kết luận 50-KL/TW năm 2019), các chương trình KH&CN của Chính phủ (các Nghị định của Chính phủ về sử dụng, trọng dụng và thu hút cá nhân hoạt động KH&CN; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các chương trình phát triển NCCB; chỉ số đổi mới sáng tạo GII…).

Quy mô tài trợ, hỗ trợ của Quỹ tăng dần qua các năm 2008-2019, trong đó chương trình tài trợ Nghiên cứu cơ bản (NCCB) chiếm tỷ trọng lớn (trên 80%) về cả số lượng đề tài và kinh phí. Trong những năm gần đây, Quỹ thực hiện tài trợ đối với số lượng lớn các nhóm nghiên cứu (1.200-1.500 nhóm tại một thời điểm), nghiên cứu các vấn đề có tính mới, có chất lượng chuyên môn cao, đóng vai trò quan trọng trong duy trì và phát triển năng lực chuyên môn của các nhà khoa học. Số lượng công bố khoa học quốc tế uy tín (CBQT) từ các nghiên cứu do Quỹ tài trợ tăng hằng năm, chiếm 15-20% CBQT tính cho Việt Nam (trên 50% đối với số lượng công bố tài trợ từ NSNN). Các nghiên cứu được tài trợ cũng mang tính “nội lực” cao (nhà khoa học Việt Nam chủ trì công bố khoa học là kết quả của nghiên cứu) và góp phần đào tạo sau đại học (mỗi đề tài góp phần đào tạo xấp xỉ 1 tiến sỹ và 2 thạc sỹ gắn với CBQT).

Về kinh phí thực hiện, những năm gần đây, nhiệm vụ và hoạt động được phê duyệt tài trợ, hỗ trợ với tổng kinh phí thực hiện khoảng 300-400 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi số lượng nhiệm vụ và kinh phí được phê duyệt tài trợ có xu thế tăng, kinh phí ngân sách cấp cho Quỹ giảm. Năm 2020, do hạn chế về kinh phí được cấp, Quỹ phải giảm số đợt tiếp nhận hồ sơ đăng ký mới, tạm dừng tiếp nhận hồ sơ với một số chương trình, dẫn đến giảm số lượng đề tài, không duy trì được xu thế tăng trưởng về quy mô tài trợ từ giai đoạn năm 2016-2019. Năm 2021, Quỹ cơ bản không ký hợp đồng tài trợ mới mà chỉ tiếp nhận hồ sơ các chương trình để xem xét tài trợ từ năm 2022. Việc giảm quy mô tài trợ 2020-2021 ảnh hưởng trực tiếp tới công tác nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu cũng như ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu, công bố quốc tế trong giai đoạn 2022-2024.

Để tiếp tục triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ với quy mô đủ lớn, tiếp tục mở rộng so với giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các nhiệm vụ được giao, đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng, duy trì và phát triển nguồn lực KH&CN chất lượng cao của đất nước, CQĐH Quỹ đề xuất trong năm 2021, Quỹ được bổ sung nguồn kinh phí để đánh giá, xét chọn các hồ sơ tài trợ mới, cấp kinh phí tài trợ theo tiến độ đối với các đề tài đang tài trợ; trong các năm tiếp theo, Quỹ được đảm bảo phân bổ ngân sách đủ như quy định tại Điều lệ Quỹ (Nghị định 19/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, CQĐH Quỹ cũng kiến nghị Lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường hỗ trợ để thực hiện các chương trình phát triển NCCB do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Sau khi nghe báo cáo của CQĐH Quỹ, phát biểu của đại diện các đơn vị, ý kiến của Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận uy tín mà Quỹ đã tạo dựng được trong cộng đồng khoa học Việt Nam, đánh giá cao phương thức quản lý tài trợ, hỗ trợ và đóng góp của Quỹ đối với hoạt động nghiên cứu tại các tổ chức KH&CN, tăng trưởng công bố quốc tế của Việt Nam. Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính bổ sung kinh phí cho hoạt động quản lý của Quỹ năm 2021 để thực hiện đánh giá hồ sơ đề xuất mới và hỗ trợ Quỹ trong việc xây dựng và đề xuất mức phân bổ ngân sách năm 2022 theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ để phù hợp với nhu cầu và năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN. Bộ trưởng chỉ đạo Quỹ đẩy mạnh chương trình hợp tác song phương để tăng cường nguồn lực và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học; tổ chức, tham dự các hội nghị, trao đổi với các tổ chức KH&CN (trường đại học, viện nghiên cứu), các cơ quan quản lý nhà nước để chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý tài trợ, xây dựng và hoàn thiện chính sách tài trợ nghiên cứu khoa học.

Dự kiến trong thời gian tới, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt sẽ gặp mặt một số nhà khoa học, tổ chức KH&CN để tiếp tục trao đổi, đánh giá về phương thức quản lý cũng như quy mô tài trợ, hỗ trợ của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

Tin: Phòng Kế hoạch – Tổng hợp