Print This Post

Các chương trình tài trợ, hỗ trợ giai đoạn 2016 – 2020

1. Các chương trình tài trợ, hỗ trợ

Trong những năm vừa qua, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) đã trở thành kênh tài trợ nghiên cứu thường xuyên, với quy mô lớn, trải rộng trên các vùng miền trong nước. Các chương trình tài trợ, bao gồm tài trợ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu (nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu hướng ứng dụng) và hỗ trợ các hoạt động KH&CN, góp phần phát triển, duy trì nguồn lực KH&CN, nâng cao chất lượng, năng suất nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

Chương trình nghiên cứu cơ bản (NCCB) luôn là trọng tâm trong hoạt động tài trợ của Quỹ, được triển khai sớm, từ năm 2009 đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật (KHTN&KT), từ năm 2010 đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV). Mục tiêu của các chương trình tài trợ NCCB là tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, hướng tới chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản cơ bản trong các tổ KH&CN Việt Nam, hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao. Kết quả triển khai chương trình được đánh giá bởi công bố khoa học từ các nghiên cứu được tài trợ, hoạt động, phát triển của nhà khoa học tham gia nghiên cứu, đào tạo sau đại học.

Giai đoạn vừa qua Quỹ cũng bắt đầu thực hiện các chương trình nghiên cứu hướng ứng dụng. Mục tiêu của các chương trình này bao gồm phát triển, mở rộng các kết quả NCCB phù hợp với nhu cầu và đặc thù của Việt Nam trong các lĩnh vực KH&CN (nghiên cứu ứng dụng), nghiên cứu các vấn đề KH&CN có tính ứng dụng cao, có tiềm năng tạo ra hướng nghiên cứu mới hoặc sản phẩm công nghệ mới (nhiệm vụ tiềm năng), hay nghiên cứu những vấn đề mới xuất hiện trong thực tiễn, có tính cấp thiết, đòi hỏi phải giải quyết kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội (nhiệm vụ đột xuất). Kết quả các tài trợ này hướng tới tạo ra công nghệ mới có khả năng triển khai, hoàn thiện đưa vào sản xuất và đời sống, thúc đẩy đăng ký sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, Quỹ còn hợp tác với các cơ quan tài trợ các nước, thực hiện các chương trình hợp tác song phương, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, hỗ trợ trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, thu hút các nguồn lực quốc tế cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam và tăng cường kết nối, phát triển mạng lưới hợp tác quốc tế trong nghiên cứu KH&CN. Các chương trịnh được triển khai giai đoạn vừa qua bao gồm chương trình NAFOSTED-RCUK (Anh Quốc), NAFOSTED-FWO (Bỉ) và NAFOSTED-NHMRC (Úc).

Bên cạnh tài trợ thực hiện các nghiên cứu, Quỹ cũng thực hiện hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, nhằm nâng cao năng lực, chất lượng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam thông qua việc tạo môi trường thuận lợi để các nhà khoa học hợp tác, trao đổi học thuật, công bố kết quả nghiên cứu, hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Các hoạt động được hỗ trợ từ giai đoạn trước bao gồm hỗ trợ tổ chức hội thảo quốc tế ở Việt Nam, tham dự hội thảo quốc tế, thực tập nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài, hỗ trợ phí công bố, hoàn thiện công trình khoa học. Năm 2020, Quỹ triển khai mới chương trình hỗ trợ nghiên cứu sau tiến sỹ, nhằm khuyến khích các nhà khoa học trẻ, có năng lực nghiên cứu xuất sắc, tham gia nghiên cứu và góp phần thúc đẩy các hoạt động KH&CN tại các tổ chức KH&CN ở Việt Nam.

2. Quy mô tài trợ, hỗ trợ

Chương trình NCCB được triển khai với quy mô lớn, hằng năm, cho tất cả các ngành, chuyên ngành của KHTN&KT, KHXH&NV. Trong giai đoạn vừa qua, chương trình NCCB được tăng cường quy mô tài trợ, thông qua việc tiếp nhận hồ sơ 2 lần mỗi năm đối với mỗi lĩnh vực KHTN&KT (từ năm 2016) và KHXH&NV (từ năm 2017). Số lượng hồ sơ và tài trợ NCCB có xu hướng tăng hằng năm, với trung bình khoảng 300 nhiệm vụ giai đoạn trước và gần 400 nhiệm vụ được tài trợ mới hằng năm trong những năm gần đây.

Đối với các chương trình nghiên cứu hướng ứng dụng, Quỹ bắt đầu thu hồ sơ (theo đợt) đối với chương trình tiềm năng từ năm 2017, chương trình nghiên cứu ứng dụng từ năm 2019. Số lượng nhiệm vụ được tài trợ, đối với mỗi chương trình, trung bình từ 10-20 nhiệm vụ/năm. Nhiệm vụ đột xuất được xem xét quanh năm, khi có vấn đề phát sinh cần nghiên cứu, giải quyết (số lượng tùy thuộc vấn đề phát sinh và kinh phí được cấp của Quỹ).

Các chương trình hợp tác quốc tế thường được tiến hành với quy mô nhỏ, theo thỏa thuận với đối tác, khoảng 5-10 nhiệm vụ được tài trợ mỗi đợt cho một chương trình hợp tác. Các hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia được hỗ trợ khoảng 100-200 hoạt động hằng năm. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động được hỗ trợ giảm, với số lượng được hỗ trợ dưới 100 hoạt động KH&CN.

Về kinh phí thực hiện, những năm gần đây, nhiệm vụ và hoạt động được phê duyệt tài trợ, hỗ trợ với tổng kinh phí thực hiện khoảng 300-400 tỷ đồng mỗi năm. Số lượng và kinh phí có xu thế tăng. Năm 2020, số lượng nhiệm vụ được phê duyệt giảm mạnh do Quỹ hạn chế nhận hồ sơ chương trình NCCB (một đợt thay vì hai đợt như các năm trước đó) do hạn chế về kinh phí được cấp.

Do được tổ chức thường xuyên, với quy mô lớn, yêu cầu cao về chất lượng nghiên cứu, các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ góp phần duy trì, phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao. Các chương trình tạo nên môi trường nghiên cứu thuận lợi, thúc đẩy các nhà khoa học (1.200-1.500 nhóm nghiên cứu tại một thời điểm) thường xuyên nghiên cứu các vấn đề có tính mới, có chất lượng chuyên môn cao. Số lượng các công bố quốc tế ISI từ các nghiên cứu do Quỹ tài trợ cũng tăng theo các năm, tương ứng với số lượng đề tài được tài trợ (1-3 năm trước đó).

Số lượng các bài báo ISI là kết quả nhiệm vụ do Quỹ tài trợ hằng năm.

3.  Kế hoạch tiếp theo

Hoạt động của Quỹ thực hiện theo quy định tại Điều 60 Luật KH&CN năm 2013 và Điều lệ tổ chức và hoạt động ban hành kèm theo Nghị định 23/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tháng 3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ. Nghị định cập nhật nội dung, thống nhất giữa các văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quỹ. Nghị định quy định về quản lý tài chính của Quỹ nhằm duy trì phương thức xây dựng kế hoạch ngân sách và cấp kinh phí thuận lợi của Quỹ đối với các nhiệm vụ KH&CN, hoạt động được tài trợ, hỗ trợ. Nghị định cũng khẳng định chính sách của Chính phủ tiếp tục duy trì các chức năng tài trợ, hỗ trợ và nguồn lực dành cho Quỹ, tạo điều kiện (về cơ chế tài chính, hành chính) để Quỹ tiếp tục hoạt động hiệu quả.

Các hoạt động của Quỹ được thể hiện rõ trong chủ trương, chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển nguồn lực KH&CN của Đảng[1] và Nhà nước[2]. Ngoài ra, các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ cũng đóng góp quan trọng trong thực hiện thực hiện các chính sách phát triển KH&CN như chương trình phát triển NCCB[3], hỗ trợ nguồn lực và các hoạt động KH&CN (trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN[4], phát triển nghiên cứu tại cơ sở giáo dục, đào tạo[5]…) của Chính phủ.

Trong giai đoạn tới, Quỹ cần tiếp tục triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ với quy mô đủ lớn, tiếp tục mở rộng so với giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các nhiệm vụ được giao, đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng, duy trì và phát triển nguồn lực KH&CN chất lượng cao của đất nước.

Để triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ năm 2021, Quỹ đang báo cáo Bộ KH&CN và các cơ quan chức năng về kế hoạch triển khai và nguồn kinh phí thực hiện. Trước mắt, với mức kinh phí phân bổ hiện có, Quỹ dự kiến sẽ mở một đợt nhận hồ sơ đối với các chương trình tài trợ, hỗ trợ năm 2021. Dự kiến các chương trình tài trợ, hỗ trợ (bao gồm NCCB trong KHTN&KT, KHXH&NV, nghiên cứu ứng dụng, nhiệm vụ tiềm năng) sẽ thu hồ sơ vào cuối Quý 2 và trong Quý 3 năm 2021. Kế hoạch thu hồ sơ đối với các chương trình sẽ được thông báo cụ thể trong thời gian tới, trong đó chương trình NCCB trong KHTN&KT và KHXH&NV dự kiến thông báo tháng 5/2021 và tháng 7/2021. Mong các nhà khoa học và tổ chức chủ trì chuẩn bị nội dung nghiên cứu đề xuất và đăng ký các chương trình phù hợp.

Tin: Phòng Kế hoạch – Tổng hợp

_________________________________________________

[1] Kết luận số 50-KL/TW năm 2019 nhấn mạnh việc “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia”, “quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu cơ bản”, “hỗ trợ hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật về KH&CN tầm khu vực và quốc tế”.

[2] Điều 60 của Luật KH&CN năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của Quỹ, Điều 50 về mục đích chi NSNN cho KH&CN “chú trọng nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực KH&CN”, “duy trì và phát triển năng lực KH&CN quốc gia”, “bảo đảm hoạt động nghiên cứu cơ bản của tổ chức KH&CN công lập”, “phát triển nguồn nhân lực KH&CN”.

[3] Chương trình phát triển vật lý giai đoạn 2021-2025 (Quyết định 1187/QĐ-TTg), chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025 (Quyết định 562/QĐ-TTg).

[4] Nghị định của Chính phủ về việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam (Nghị định 40/2014/NĐ-CP, Nghị định 27/2020/NĐ-CP, Nghị định 87/2014/NĐ-CP).

[5] Nghị định của Chính phủ về việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học (Nghị định 99/2014/NĐ-CP).