Những lưu ý đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng hồ sơ đăng ký thực hiện đề tài NCCB thuộc lĩnh vực KHXH&NV
Trong tháng 8/2016, Cơ quan điều hành Quỹ đã tổ chức đánh giá xét chọn hồ sơ đăng ký đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực KHXH&NV. Đây là đợt đầu tiên thực hiện đánh giá theo Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN. Cơ quan điều hành Quỹ tổng hợp góp ý của các Hội đồng khoa học ngành/liên ngành và lưu ý các tổ chức và cá nhân một số điểm trong việc chuẩn bị hồ sơ đăng ký thực hiện ĐT NCCB như sau. A. Khi chuẩn bị hồ sơ 1. Cá nhân đăng ký thực hiện đề tài nên chú ý cung cấp thông tin đầy đủ và rõ ràng về các công trình của mình đã đăng trên các tạp chí có uy tín theo qui định của Quỹ trong thời hạn 5 năm tính thời điểm kết thúc nhận hồ sơ. 2. Kiểm tra khả năng trùng lắp với các đề tài/ nhiệm vụ nghiên cứu đã và đang thực hiện (có thể sử dụng phần mềm Tunitin để kiểm tra tỷ lệ trùng lắp) B. Xây dựng thuyết minh đề cương nghiên cứu 1. Xác định hướng nghiên cứu: Cần làm rõ hướng nghiên cứu phù hợp phạm vi tài trợ của Quỹ, thể hiện rõ là hướng nghiên cứu cơ bản; – Nội dung nghiên cứu đề tài phù hợp với chuyên môn của cá nhân đăng ký thực hiện đề tài. Khi đăng ký, cần xác định lĩnh vực nghiên cứu của đề tài đề tài đúng với mã và tên chuyên ngành khoa học. 2. Xác định mục tiêu nghiên cứu: rõ ràng, qua đó xác định nhiệm vụ nghiên cứu (cần làm gì) và chỉ rõ phương pháp cần áp dụng cho nghiên cứu. – Nhiều đề tài bị loại/ không được đánh giá cao do không có sự nhất quán giữa mục tiêu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu: mục tiêu quá lớn, trong khi phương pháp lại không phù hợp dẫn đến sản phẩm không tương xứng và không giải quyết được mục tiêu đề ra. 3. Phần tổng quan vấn đề nghiên cứu: cần chỉ rõ các hướng nghiên cứu hiện nay về chủ đề nghiên cứu, khoảng trống mà các nghiên cứu đã có để lại, để nghiên cứu này hướng đến giải quyết-bù đắp về mặt lý luận và thực tiễn, cần thể hiện được các quan điểm bình luận-phê phán trong nội dung này. – Cần đưa ra những phân tích, bình luận, đánh giá về các công trình nghiên cứu đề cập. Phần tổng quan vấn đề nghiên cứu cần lưu ý những nghiên cứu cập nhật trong nước và quốc tế, cho thấy mức độ theo dõi của nhóm nghiên cứu về vấn đề quan tâm; – Cần làm rõ những đóng góp mới của đề tài; trình bày rõ ràng phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài (nguồn dữ liệu – bộ dữ liệu có sẵn hay điều tra khảo sát; các phương pháp thu thập dữ liệu và phân tích). 4. Phần mô tả phương pháp nghiên cứu: cần rõ ràng – tránh việc quá khái quát, mô tả chung chung mà không đi vào chi tiết của vấn đề nghiên cứu, cần làm rõ quy mô của từng phương pháp nghiên cứu thực hiện để thu thập thông tin; phương thức xử lý thông tin; – Cần thuyết minh được phương pháp triển khai đối với từng nội dung, mục tiêu nghiên cứu. 5. Nội dung: Một số nội dung được xây dựng không đáp ứng mục tiêu. Mô tả nội dung/hoạt động nghiên cứu của đề tài cần xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu, các công việc cần làm, lực lượng thực hiện, sản phẩm có thể đạt được; 6. Đăng ký sản phẩm đầu ra: Nên chú ý cân nhắc năng lực của chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu (đặc biệt kinh nghiệm đăng bài quốc tế) để có đề xuất sản phẩm đầu ra phù hợp (Ví dụ: số bài đăng trên tạp chí ISI hay Scopus). Làm rõ sản phẩm đạt được từ đề tài nghiên cứu: chú trọng các sản phẩm là bài viết trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong danh mục ISI/Scopus, các chủ nhiệm đề tài có thể tham khảo trang web http://scimagojr.com hoặc tra cứu theo hướng dẫn của Quỹ để biết được tên tạp chí uy tín – phân loại tạp chí. – Ngoài các sản phẩm là các công trình công bố, các chủ nhiệm đề tài cũng cần làm rõ ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn của đề tài: các hình thức đóng góp, các hình thức trợ giúp về đào tạo sau đại học, đào tạo lực lượng các nhà khoa học trẻ, cũng như khả năng phát triển nhóm nghiên cứu thành nhóm nghiên cứu mạnh-tiềm năng thuộc lĩnh vực nghiên cứu; Cần làm rõ chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu có khả năng hoàn thành như cam kết đầu ra bao gồm cả năng lực và tính khả thi, tính hấp dẫn của đề cương. 7. Kinh phí: Các đề tài cần xem chính xác định mức kinh phí để đề xuất, tránh trường hợp đề xuất kinh phí không trong hạng mục cho phép, hoặc quá cao so với định mức hoặc so với sản phẩm dự kiến của đề tài. – Cần nghiên cứu kỹ các mục chi, mức chi theo quy định tương ứng với các nội dung nghiên cứu nào đó để dự toán cho đủ và sát. – Cần nghiên cứu và đề xuất hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hay khoán chi từng phần./. Tác giả bài viết: Phòng KHXH&NV Nguồn tin: nafosted