Print This Post

Đánh giá xét chọn 259 hồ sơ đề nghị tài trợ chương trình NCCB trong KHTN&KT đợt 1 năm 2019

Ngày 26/1/2019 tại Hà Nội, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Quỹ) tổ chức Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài Nghiên cứu cơ bản (NCCB) trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Kỹ thuật (KHTN&KT) đợt 1 năm 2019. Trong đợt này, Quỹ đã tiếp nhận 259 hồ sơ đề nghị tài trợ ở tất cả 8 lĩnh vực, trong đó Vật lý có số lượng nhiều nhất với 59 hồ sơ.

Tham dự Hội nghị, có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, các nhà khoa học là thành viên của 08 Hội đồng khoa học (HĐKH) ngành thuộc lĩnh vực KHTN&KT, các cơ quan báo chí thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và các cán bộ Cơ quan điều hành (CQĐH) Quỹ.

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ cung cấp thông tin về hoạt động của Quỹ giai đoạn 2008 – 2018, thông tin về Chương trình NCCB lĩnh vực KHTN&KT và triển khai tiếp nhận hồ sơ năm 2019 đợt 1.

Chương trình NCCB trong KHTN&KT chính thức triển khai từ năm 2009, với khoảng 300 đề tài được tài trợ hằng năm. Đến nay, Quỹ đã tài trợ cho trên 2.700 nhiệm vụ với hơn 10.000 lượt nhà khoa học, 2.400 Tiến sĩ được đào tạo thông qua các đề tài, trên 5.000 bài ISI được công bố từ đề tài do Quỹ tài trợ (4.000 bài báo ISI được công nhận là kết quả của hơn 1.300 đề tài NCCB trong lĩnh vực đã hoàn thành). Từ năm 2017, Quỹ thực hiện tiếp nhận hồ sơ 2 lần/năm đối với chương trình NCCB.

Số lượng hồ sơ đề tài đăng ký tài trợ và được tài trợ giai đoạn 2009 – 2018

Số bài báo ISI là kết quả của đề tài do Quỹ tài trợ trên ISIKNOWLEDGE qua các năm

Trong đợt 1 năm 2019, Quỹ đã tiếp nhận 259 hồ sơ đề nghị tài trợ lĩnh vực KHTN&KT, trong đó Vật lý là ngành có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều nhất với 59 hồ sơ. Ông Đỗ Tiến Dũng cho biết, các hồ sơ đăng ký xét chọn tài trợ năm 2019 tiếp tục có xu hướng cân bằng hơn so với giai đoạn trước về tỷ lệ hồ sơ giữa các vùng miền trong cả nước, giữa các khối trường đại học và viện nghiên cứu. Đặc biệt, tỷ lệ các nhà khoa học trẻ (không quá 35 tuổi) đăng ký chủ trì các đề tài nghiên cứu trong đợt 1 năm 2019 chiếm 42%, tỷ lệ nhà khoa học nữ chiếm 25% cho thấy xu hướng trẻ hóa, cân bằng về giới tính của lực lượng nghiên cứu tại Việt Nam.

Tỷ lệ CNĐT đề nghị tài trợ chương trình NCCB đợt 1 năm 2019 theo lứa tuổi và giới tính

Về mục tiêu giai đoạn tiếp theo, Quỹ sẽ nỗ lực trong rút ngắn thời gian đánh giá và phê duyệt đề tài, duy trì tỷ lệ hồ sơ được phản biện quốc tế, khuyến khích các nhóm nghiên cứu mạnh với hướng nghiên cứu dài hạn, nội dung đột phá và kết quả nghiên cứu nổi bật. Bên cạnh đó, Quỹ sẽ chú trọng đến đánh giá hoạt động của đề tài, hiệu quả và tác động của các đề tài đối với sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Theo thống kê bài báo khoa học từ ISIKNOWLEDGE, giai đoạn 2013-2018 vừa qua, các đề tài do Quỹ tài trợ công bố 600-800 bài báo ISI hằng năm, chiếm khoảng 20% công bố của Việt Nam và chiếm trên 50% các công bố kế quả nghiên cứu được ngân sách Nhà nước tài trợ.

Với quy định cụ thể, khách quan và theo thông lệ quốc tế, các chương trình tài trợ của Quỹ, đặc biệt là chương trình NCCB đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học trong cả nước tham gia. Nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài trở về nước làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu và tham gia các chương trình tài trợ của Quỹ. Với nguồn vốn được cấp khoảng 1-2% tổng chi Ngân sách cho KH&CN hằng năm, hoạt động của Quỹ có tác động đáng kể đến hoạt động nghiên cứu khoa học của đất nước. Kết quả hoạt động của Quỹ đóng vai trò tích cực, góp tỷ trọng lớn đối với các chỉ số quan trọng về năng lực KH&CN quốc gia như năng suất KH&CN, công bố khoa học, nguồn lực KH&CN.

Trao đổi Hội nghị, các đại biểu là thành viên HĐKH ngành lĩnh vực KHTN&KT đánh giá cao tính minh bạch trong hoạt động của Quỹ từ khâu tiếp nhận, đánh giá hồ sơ đến xét duyệt, cấp kinh phí, nghiệm thu. Các đại biểu nhận định hoạt động của Quỹ đã có tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao số lượng và chất lượng công bố quốc tế của các nghiên cứu tại Việt Nam trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề cần điều chỉnh, thay đổi như danh mục tạp chí quốc tế uy tín, thực tế triển khai hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh, chính sách cho nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc), phí quản lý đề tài tại các tổ chức chủ trì.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ ghi nhận những ý kiến phát biểu của các nhà khoa học đồng thời đánh giá cao đóng góp của các nhà khoa học trong HĐKH chuyên ngành cũng như cách thức hoạt động minh bạch của Quỹ. Sau mười năm chính thức hoạt động, đến nay hoạt động của Quỹ đã tương đối ổn định, là địa chỉ tin cậy hỗ trợ các nhà khoa học theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu tại Việt Nam.

Trên cơ sở ý kiến của các HĐKH chuyên ngành, Thứ trưởng đề nghị CQĐH Quỹ có kế hoạch làm việc cụ thể, đề xuất điều chỉnh phù hợp nhằm tiếp tục cải thiện việc thực hiện các chương trình tài trợ, hỗ trợ. Bên cạnh đó, Quỹ cần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, hỗ trợ trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, tăng cường kết nối, phát triển mạng lưới hợp tác quốc tế từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ngay sau phiên họp toàn thể, HĐKH tiếp tục họp các hội đồng chuyên ngành đánh giá xét chọn, rà soát điều kiện hồ sơ thuộc lĩnh vực nghiên cứu và phân công phản biện.