Hội nghị Nafosted về Khoa học thông tin và máy tính lần thứ 3, 2016 (NICS 2016)
Hội nghị quốc tế thường niên lần 3 về “Khoa học thông tin và Máy tính” (gọi tắt là NICS 2016) do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) phối hợp với Đại học Đà Nẵng tổ chức vừa diễn ra từ ngày 14/9 đến 16/9/2016. NICS 16 làm việc với 13 tiểu ban kỹ thuật: 4 tiểu ban về Trí tuệ nhân tạo; 7 tiểu ban về Truyền thông và Mạng, 1 tiểu ban về Kỹ thuật phần mềm cùng 1 tiểu ban về Khoa học máy tính. Hội nghị đã mở ra cơ hội gặp gỡ, giao lưu và hợp tác khoa học cho các nhà khoa học Việt Nam và nhà khoa học ở nước ngoài.
Ông Phạm Đình Nguyên – PGĐ CQĐH Quỹ phát biểu khai mạc hội nghị
Với mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển nghiên cứu cơ bản trong khoa học thông tin và máy tính nói chung (trong khuôn khổ các hoạt động học thuật của NAFOSTED), NICS 2016 đã nhận được 103 bài báo khoa học của các các nhà khoa học đến từ 14 quốc gia thuộc 4 châu lục. Trong đó, có 2 báo cáo mời (Keynote Speech) do 2 nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng trình bày.
Báo cáo mời thứ nhất do Giáo sư Lê Ngọc Thọ (Đại Học McGill, Canada), một trong những nhà khoa học gốc Việt hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông, giới thiệu về “Công nghệ Massive MIMO (viết tắt của cụm từ: Multiple-Input Multiple-Output)” – một công nghệ lõi cho hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 5. Báo cáo mời thứ hai của một nhà khoa học đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội: TS. Lê Hoàng Sơn, trình bày về chủ đề “Hệ thống thông minh theo dõi để cải thiện sức khỏe con người”. Ngoài 2 báo cáo mời, hội nghị còn nghe và trao đổi các báo cáo liên quan đến các vấn đề khoa học mới trong lĩnh vực ICT, tiệm cận với xu hướng nghiên cứu trên thế giới ví dụ như mạng vô tuyến thu thập năng lượng, trí tuệ nhân tạo, tính toán hiệu năng cao,…
GS Lê Ngọc Thọ và TS Lê Hoàng Sơn trình bày báo cáo tại hội nghị
Mục đích của hội nghị là tạo một diễn đàn học thuật cho các nhà khoa học của Việt Nam và trên thế giới trình bày các kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực thông tin và máy tính, đặc biệt là các kết quả thuộc hướng nghiên cứu ưu tiên được NAFOSTED tài trợ ở các lĩnh vực như khoa học máy tính, hệ thống mạng, truyền thông, công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin, trí tuệ nhân tạo, phát triển tri thức.
Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị
Nguồn tin: Đại học Đà Nẵng