Print This Post

Hội nghị tập huấn chuyên đề giới thiệu một số quy định về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ tại Hà Nội

Ngày 6/10, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề giới thiệu một số quy định về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ. Hội nghị đã thu hút hơn 400 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà quản lý, đại diện các đơn vị và doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Hà Nội và các khu vực lân cận tới tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ (CQĐH) cho biết, hằng năm Quỹ tổ chức Hội nghị tập huấn về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ nhằm mục đích phổ biến thông tin về các chương trình của Quỹ tới các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu tham gia những hoạt động của Quỹ, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu, chuẩn bị bài báo khoa học, các nguồn dữ liệu khoa học. Mặt khác, qua Hội nghị, Quỹ cũng muốn tiếp nhận thông tin, phản hồi nhằm hoàn thiện hoạt động của Quỹ.


Toàn cảnh Hội nghị
Về hoạt động của Quỹ, ông Đỗ Tiến Dũng trao đổi, các chương trình của Quỹ đang ngày càng được phổ biến, được sự tham gia tích cực của cộng đồng khoa học. Hằng năm, Quỹ tài trợ từ 250 – 300 nhiệm vụ KH&CN, cùng hàng trăm hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN Quốc gia. Hoạt động của Quỹ hướng tới nâng cao chất lượng nghiên cứu, trực tiếp hỗ trợ công tác nghiên cứu của các tổ chức KH&CN, chất lượng nghiên cứu và đào tạo của các trường đại học. Mỗi năm, có 700 – 800 bài báo ISI là kết quả của các nghiên cứu do Quỹ tài trợ được công bố. Số lượng các đề tài hỗ trợ các viện nghiên cứu duy trì và tăng mạnh đối với các trường đại học. Bên cạnh đó, hoạt động của Quỹ cũng hướng tới phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ chất lượng cao, hỗ trợ đồng đều các lĩnh vực, hỗ trợ trao đổi học thuật, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học.
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe Bà Nguyễn Thị Huyền Trang – Phụ trách phòng Kế hoạch – Tổng hợp giới thiệu tổng quan, cung cấp cái nhìn toàn diện về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ. Bên cạnh đó, phần trình bày cũng đề cập đến những điểm thay đổi mới được áp dụng đối với một số chương trình, những thông tin cập nhật nhất về tình hình triển khai đến nay giới thiệu về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ. Bà Đỗ Phương Lan – Phó Giám đốc CQĐH Quỹ giới thiệu một số quy định về chương trình cho vay theo Thông từ 14/2016/TT-BKHCN mới ban hành ngày 30/6/2016. Chương trình cho vay Quỹ với lãi suất ưu đãi đối với các dự án có ứng dụng khoa học công nghệ, hoặc đổi mới công nghệ, với điều kiện có bảo đảm tiền vay và có hiệu quả kinh tế. Đại diện NXB Wiley, Bà Yelena Parada, Phó Giám đốc Dự án trình bày với các đại biểu tại Hội nghị về một số kỹ năng, kinh nghiệm công bố công trình khoa học, các công cụ hỗ trợ nghiên cứu, quản lý KH&CN.

Đại diện NXB Wiley – Bà Yelena Parada trao đổi tại Hội nghị
Trong phần trao đổi, thảo luận, các đại biểu tại Hội nghị phản hồi với Lãnh đạo Quỹ nhiều vấn đề xoay quanh cách thức và quy trình đăng ký tài trợ, hỗ trợ của Quỹ, thông tin cụ thể về các chương trình tài trợ đề tài Nghiên cứu cơ bản (NCCB), đề tài Đột xuất, Tiềm năng, đề tài Nghiên cứu ứng dụng, các chương trình Hợp tác quốc tế. Các đại biểu tham dự Hội nghị đặc biệt quan tâm đến các điều kiện đối với chủ nhiệm đề tài và thành viên nghiên cứu và danh mục tạp chí uy tín thuộc chương trình NCCB trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn. Một số Chủ nhiệm đề tài (CNĐT) tham dự Hội nghị chia sẻ tâm huyết đào tạo và phát triển đội ngũ nhà khoa học trẻ, mong muốn Quỹ có những xem xét hợp lý đối với những đề tài do các nhà khoa học trẻ đủ điều kiện tham gia với tư cách CNĐT. Các đại biểu đến từ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN quan tâm đến các điều kiện và lãi suất cụ thể chương trình cho vay. Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN Quốc gia cũng được các nhà khoa học quan tâm và đưa ra thắc mắc về các nội dung hỗ trợ tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế; hỗ trợ tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế trong nước; chương trình thực tập nghiên cứu ngắn hạn… Bên cạnh đó, đại biểu cũng mong muốn Quỹ có những giải đáp cụ thể hơn về các chương trình hợp tác quốc tế đang triển khai.

Đại biểu trao đổi tại Hội nghị

Lãnh đạo CQĐH Quỹ: Giám đốc Đỗ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Mai Thế Bình, Phó Giám đốc Đỗ Phương Lan, Phó Giám đốc Phạm Đình Nguyên và đại diện NXB Wiley cùng trao đổi với đại biểu tại Hội nghị. Lãnh đạo CQĐH cho biết, đối với mỗi chương trình tài trợ/hỗ trợ đều có những điều kiện và tiêu chí khác nhau trong quy trình và đánh giá hồ sơ. Đối với chương trình NCCB (hiện chiếm khoảng 70% kinh phí tài trợ của Quỹ), điều kiện được quy định cụ thể trong Thông tư 37/2014/TT-BKHCN đối với cả hai lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật và Khoa học xã hội và nhân văn. Đối với kinh phí của một đề tài NCCB, Lãnh đạo CQĐH Quỹ cho biết Quỹ không có mức kinh phí tối đa hoặc tối thiểu, việc dự toán kinh phí các đề tài thực hiện theo Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN. Hiện nay mức kinh phí trung bình là từ 750 – 800 triệu/đề tài NCCB (mức kinh phí của từng đề tài phụ thuộc vào nội dung nghiên cứu, kết quả dự kiến). Về chương trình hợp tác quốc tế, hiện nay, Quỹ đang triển khai đa dạng các chương trình hợp tác như hợp tác với Hội đồng nghiên cứu Anh (RCUK), Quỹ khoa học Đức (DFG), Quỹ khoa học Flanders – Vương quốc Bỉ (FWO), Hội đồng nghiên cứu sức khỏe và y tế Úc (NHMRC), Hội đồng Anh (BC), các Viện hàn lâm Anh Quốc (The UK Academies) … Đối với từng chương trình, các điều kiện và tiêu chí sẽ theo quy định trong Biên bản thỏa thuận đã ký kết. Thông tin cụ thể về các đợt tài trợ có thể theo dõi thường xuyên và liên tục trên website của Quỹ.

Đối với chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ Quốc gia, Lãnh đạo CQĐH Quỹ cũng có những giải đáp cụ thể về tiêu chí cũng như các nội dung hỗ trợ. Đối với chương trình cho vay, với các dự án có tính khả thi cao hoặc đã có bằng sáng chế sẽ được hỗ trợ lãi suất tương ứng với quy định trong Thông tư 14/2016/TT-BKHCN.

Đại biểu tham dự Hội nghị cũng đặt một số câu hỏi đến đại diện nhà xuất bản Wiley liên quan đến vấn đề hỗ trợ xuất bản sách/chương sách, chương trình đào tạo, hỗ trợ xuất bản… Đại diện Nhà xuất bản Wiley trao đổi, hiện nay, Wiley chưa có văn phòng chính thức tại Việt Nam nên đang triển khai tiếp cận các tổ chức tài trợ cho khoa học và công nghệ như NAFOSTED để phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo. Phía Wiley cũng cho biết, trong tương lai sẽ có nhiều tiềm năng để hợp tác với các tạp chí tại Việt Nam.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc CQĐH Quỹ hy vọng Hội nghị đã cung cấp những thông tin thiết thực tới các nhà khoa học và các doanh nghiệp trong việc triển khai nghiên cứu và phát triển các dự án. Quỹ sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp từ phía các nhà khoa học để ngày càng nâng cao chất lượng trong các hoạt động tài trợ, hỗ trợ.

Tải tài liệu Hội nghị tại đây.

Nguồn tin: nafosted