Print This Post

Hội nghị tổng kết năm 2017 và phương hướng hoạt động năm 2018 khối Ban, Quỹ

Ngày 28/12, tại Hà Nội, Khối Ban và Quỹ gồm Ban Quản lý Dự án FIRST, Ban Quản lý Dự án IPP2, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã tổ chức Hội nghị tổng kết Khối Ban và Quỹ. Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN) Trần Quốc Khánh tham dự và chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện 3 đơn vị thuộc khối Ban và Quỹ của Bộ KH&CN đã khái quát những nét chính về các kết quả đã đạt được và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lương Văn Thắng, Giám đốc Dự án FIRST cho biết, trong năm 2017 Dự án FIRST đã thực hiện được một số hoạt động góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo như: Theo dõi và giám sát hoạt động các dự án đã được ký kết Thỏa thuận tài trợ; Xây dựng Dự thảo Quy trình nghiệm thu các tiểu dự án. Một số tiểu dự án vòng 1 đạt kết quả tương đối tốt và đã đạt được nhiều kết quả cam kết. Ngân hàng thế giới đánh giá tốt về hiệu quả đầu tư cho đổi mới sáng tạo, xem đây là một hình thức đầu tư cần thiết cho tương lai tăng trưởng của Việt Nam và khẳng định Dự án FIRST đã được thiết kế phù hợp và đang phát triển đúng hướng. Một số đơn vị đã có sản phẩm đầu ra tốt và đang triển khai thương mại hóa điển hình như: Công ty Cổ phần Dịch vụ và Truyền thông Minh Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Trí Nam,…

Bên cạnh đó, năm qua, Dự án FIRST đã hoàn thành thương thảo và trao tài trợ cho vòng kêu gọi thứ hai theo cách tiếp cận mới tiệm cận chuẩn quốc tế. Đã có 27 tiểu dự án tốt nhất được lựa chọn và ký thỏa thuận tài trợ. Tổ chức vòng kêu gọi thứ 3 cho cả 3 khoản tài trợ, tính đến ngày 21/12/2017 đã nhận được 34 hồ sơ cho khoản tài trợ cho chuyên gia giỏi nước ngoài, 27 hồ sơ cho khoản tài trợ của nhóm liên kết, 21 hồ sơ cho khoản tài trợ cho các tổ chức KH&CN công lập. Đặc biệt, trong năm 2017, Dự án FIRST đã thay đổi xếp hạng đánh giá từ “có vấn đề” sang “đạt mức độ hài lòng tương đối” do Ngân hàng thế giới xếp hạng…

Tiếp đó, Hội nghị đã được nghe báo cáo của Dự án IPP2 do bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc trình bày. Bà Hương cho biết, trong năm qua, Dự án đã hỗ trợ phát triển thể chế và xây dựng năng lực về đổi mới sáng tạo. Cụ thể, về vấn đề hỗ trợ phát triển thể chế, từ cuối năm 2016 và trong năm 2017, với mục tiêu giúp Việt Nam nâng cao chất lượng và hiệu quả của các văn bản chính sách về đổi mới sáng tạo dựa trên cơ sở thực chứng, IPP đã chuyển hướng linh hoạt trong việc kết hợp phương thức đưa chuyên gia quốc tế vào Việt Nam giảng bài, tư vấn chính sách với việc đưa cán bộ hoạch định chính sách cấp trung và cao cấp của Việt Nam ra nước ngoài đào tạo theo các khóa tập trung ngắn hạn. Từ cuối năm 2016 đến nay, IPP2 đã phối hợp với AEE tổ chức 4 khóa đào tạo tại Phần Lan và Singapore cho gần 100 cán bộ hoạch định và thực thi chính sách về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Hoạt động này đã góp phần tăng cường năng lực hoạch định chính sách về đổi mới sáng tạo cho cán bộ trực tiếp tham gia vào quá trình chỉ đạo thiết kế, soạn thảo, phản biện, tham mưu chính sách và pháp luật về KH&CN và đổi mới sáng tạo; trang bị kiến thức và tư duy mới cho người học về bối cảnh quốc tế, các xu hướng quốc tế, bài học thực hành tốt nhất và kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trong quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quản lý KH&CN góp phần đóng góp tốt hơn cho chất lượng và hiệu quả của các chính sách phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam…

Bên cạnh đó, năm 2017, IPP2 đẩy mạnh hợp tác và hỗ trợ các trường đại học đào tạo giảng viên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Từ giữa năm 2016, IPP2 đã bắt đầu triển khai hoạt động hợp tác với các trường đại học của Việt Nam để đưa chương trình và phương pháp đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào giảng dạy trong các trường đại học, thúc đẩy sự hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các trường đại học. Hiện nay, IPP2 đã tiến hành 3 khóa đào tạo giảng viên cho 90 giảng viên đến từ 30 trường đại học trong cả nước.

Đặc biệt, năm 2017, IPP2 đã tích cực triển khai hoạt động cầu nối hợp tác song phương giữa Việt Nam và Phần Lan trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp KH&CN.
Ngoài ra, trong hoạt động hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, IPP2 cũng đi tiên phong trong thử nghiệm các mô hình mới. Chương trình cung cấp các gói tài trợ theo 2 giai đoạn (hỗ trợ ban đầu và hỗ trợ nâng cấp) kèm theo các hỗ trợ mềm tư vấn, huấn luyện kỹ năng cho 3 nhóm dự án đổi mới sáng tạo gồm nhóm dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm, dịch vụ hướng tới thị trường quốc tế; nhóm dự án liên danh cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nhóm dự án hỗ trợ các trường đại học phát triển đào tạo đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Trong năm 2017, Quỹ NAFOSTED đã triển khai thành công nhiều nhiệm vụ quan trọng. Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ cho hay, năm 2017 Quỹ tiếp tục triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ đã thực hiện, đồng thời mở rộng dần các chương trình, tiến tới thực hiện đầy đủ các chức năng mới được bổ sung vào năm 2018. Các hoạt động của Quỹ vẫn tiếp tục gắn liền với việc triển khai thực hiện theo phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016 – 2020 gồm đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN; tiếp tục nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN.

Bên cạnh đó, Quỹ tiếp tục triển khai các hoạt động khác như: tiếp nhận và đánh giá hồ sơ 02 lần một năm trong chương trình nghiên cứu cơ bản; triển khai tiếp nhận hồ sơ đề tài Tiềm năng theo Thông tư số 40/2014/TT-BKHCN; đánh giá hồ sơ và tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu nhằm vinh danh các kết quả nghiên cứu cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật; tổ chức hội nghị NAFOSTED về khoa học thông tin và máy tính; triển khai chương trình hợp tác song phương với Hội đồng nghiên cứu Anh, Quỹ khoa học Flanders – Bỉ; tổ chức hội nghị về quản lý khoa học phối hợp với 03 tổ chức quốc tế và 01 tổ chức Việt Nam Việt Nam thuộc mạng lưới Châu Âu – Đông Nam Á, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả đạt được của 03 đơn vị. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, với khối lượng công việc lớn nhưng trong năm 2017, các đơn vị đã đạt được kết quả ấn tượng. Hoạt động của hai dự án FIRST và IPP2 trong thời gian qua đã góp phần hình thành hình thức hoạt động gắn chặt với hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và cộng đồng khoa học quốc tế.

Năm 2017, Quỹ NAFOSTED đã hoàn thành rất tốt khối lượng công việc, trong đó nổi bật đó là việc tiếp nhận và đánh giá hồ sơ 02 lần một năm; số lượng các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu được tài trợ lớn; tạo dựng được môi trường nghiên cứu thuận lợi;… Thứ trưởng cho rằng, để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục hạn chế trong năm 2017, năm 2018 các đơn vị cần chú ý một số vấn đề như: đổi mới công tác quản lý; chú ý đến tính hiệu quả của các dự án khi xét duyệt triển khai; phân bổ kinh phí hiệu quả, hoàn thiện mẫu đánh giá các nhiệm vụ trong đó chú ý đến tác động của dự án đối với ngành nói riêng và xã hội nói chung. Đặc biệt, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, các đơn vị cần chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông về các kết quả mà các đơn vị đã thực hiện được trong thời gian qua.

Nguồn tin: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN – Bộ KH&CN