Print This Post

Hội thảo khoa học về thể lệ biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam

Ngày 30/06/2016, tại Nhà khách Quân đội, Ban Chủ nhiệm Đề án Khoa học xã hội cấp Quốc gia “Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” đã tổ chức Hội thảo khoa học về thể lệ biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam. Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Khoa giáo – Văn xã thuộc Văn phòng Trung ương Đảng, đại diện Vụ Tổng hợp – Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia Trần Quốc Khánh, đại diện Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, Ban Chủ nhiệm, thư ký Đề án và toàn thể thành viên Ban Biên soạn của các đề tài thuộc Đề án.


Toàn cảnh buổi Hội thảo về thể lệ biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam

Tại Hội thảo, GS Phan Huy Lê, Chủ nhiệm đề án nghiên cứu, biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam đã giới thiệu tổng quan về Đề án, những yêu cầu và quan điểm cơ bản trong nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam. Các đại biểu cũng đã nghe báo cáo và thảo luận cởi mở, khoa học về những vấn đề chung mang tính nguyên tắc đến những yêu cầu chi tiết, cụ thể về thể lệ biên soạn bộ Quốc sử. Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã được thảo luận, ghi nhận để tiến hành hoàn thiện Thể lệ biên soạn chính thức của Đề án. Thể lệ biên soạn sẽ được Ban Chủ nhiệm Đề án ban hành như quy chế áp dụng trong công tác biên soạn của toàn Đề án. Sau khi được ban hành, tất cả các thành viên tham gia nghiên cứu, biên soạn có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc theo các thể lệ để đảm bảo tính khoa học, thống nhất cho toàn bộ công trình – Bộ Lịch sử Việt Nam.


Ban Chủ nhiệm Đề án chủ trì buổi Hội thảo

Đề án “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” là đề án Khoa học xã hội cấp Quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và tổ chức thực hiện theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ. Bộ máy quản lý Đề án bao gồm Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia và Ban Chủ nhiệm Đề án. Đề án với sản phẩm là 25 tập Lịch sử Việt Nam, 5 tập Biên niên Lịch sử Việt NamCơ sở dữ liệu về lịch sử Việt Nam. Bộ Lịch sử Việt Nam mang tính chất của bộ Quốc sử, tổng kết các kết quả nghiên cứu của giới sử học trong và ngoài nước về lịch sử Việt Nam từ trước tới nay, đồng thời nghiên cứu bổ sung một số nội dung cần thiết nhằm đảm bảo tính liên tục, toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam với yêu cầu khoa học, khách quan, cập nhật.

Tác giả bài viết: Mai

Nguồn tin: DAQS