Print This Post

MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

1. Các loại tài trợ của quỹ đối với các nhà nghiên cứu? Điều kiện để được tài trợ là gì?

Hiện nay, Quỹ đã và đang triển khai một số chương trình tài trợ, hỗ trợ bao gồm:

  • Chương trình Nghiên cứu cơ bản (Thông tư 37/2014/TT-BKHCN);
  • Chương trình Nghiên cứu ứng dụng (Thông tư 15/2016/TT-BKHCN);
  • Chương trình Đột xuất, tiềm năng (Thông tư 40/2014/TT-BKHCN);
  • Chương trình cho vay (Thông tư 14/2016/TT-BKHCN), Bảo lãnh vốn vay;
  • Các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN Quốc gia (Thông tư 09/2015/TT-BKHCN);
  • Một số chương trình Hợp tác quốc tế: Việt – Bỉ (FWO), Việt – Anh (RCUK), Việt – Đức (DFG), Việt – Úc (NHMRC);

Để có thông tin (về yêu cầu hồ sơ, điều kiện…) chi tiết, vui lòng đọc quy định tại các văn bản hướng dẫn đối với từng chương trình.

2. Quy trình và thủ tục để tham gia một chương trình của Quỹ?

Hiện nay, Quỹ đang triển khai nhiều chương trình tài trợ, hỗ trợ, mỗi chương trình có các quy định về quy trình và thủ tục chi tiết được ban hành trong các Thông tư tương ứng. Về cơ bản, đối với các chương trình tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN, các hồ sơ đề tài nộp tới Quỹ sẽ được kiểm tra tính hợp lệ về thủ tục hành chính, kiểm tra điều kiện của CNĐT và tổ chức chủ trì. Các hồ sơ đề tài hợp lệ sẽ được đưa vào đánh giá xét chọn (đánh giá phản biện với chuyên gia trong/ngoài HĐKH, đánh giá tại buổi họp của HĐKH). Các đề tài được HĐKH đề xuất tài trợ sẽ được xem xét, phê duyệt trên cơ sở kế hoạch tài trợ, hỗ trợ và cân đối kinh phí được phân bổ.

Sau khi có quyết định phê duyệt danh mục tài trợ chính thức từ Hội đồng Quản lý Quỹ, Quỹ sẽ tiến hành rà soát nội dung và kinh phí, thông báo tới các chủ nhiệm đề tài để ký Hợp đồng thực hiện đề tài.

3. Quy trình xét duyệt các đề xuất nghiên cứu xin hỗ trợ từ Quỹ?

Quá trình đánh giá xét chọn các nhiệm vụ do Quỹ tài trợ được thực hiện theo quy trình, quy định trong các Thông tư đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. Cụ thể, đối với chương trình Nghiên cứu cơ bản, các nhiệm vụ đều được đánh giá bởi chuyên gia phản biện có chuyên môn sâu về lĩnh vực, đáp ứng các yêu cầu về thành tích công bố; và bởi hội đồng khoa học ngành. Hội đồng khoa học ngành có nhiệm kỳ 2 năm, được bầu chọn bởi các nhà khoa học trong cùng lĩnh vực (quá trình ứng cử, đề cử, bầu chọn đều được thực hiện trên hệ thống quản lý trực tuyến và thông báo công khai trên website của Quỹ). Kết quả đánh giá đều được ghi lại trong các phiếu đánh giá cũng như các biên bản họp. Đối với chương trình NCCB trong KHTN&KT, Quỹ đã tiến hành thử nghiệm mời phản biện quốc tế từ năm 2014 và hiện nay đã áp dụng đối với tất cả các lĩnh vực.

4. Làm sao để có thể tiếp cận kết quả nghiên cứu mà Quỹ đã tài trợ (báo cáo, dữ liệu, bài báo, …. của các đề tài dự án)?

Hiện nay, các kết quả nghiên cứu do Quỹ tài trợ được lưu trữ tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia theo quy định. Nhà khoa học có thể đăng ký thẻ đọc tại Thư viện KH&CN Quốc gia để có quyền truy cập từ xa tới các nguồn tin KH&CN trong nước và quốc tế.