Print This Post

NAFOSTED tổ chức hội nghị đánh giá xét chọn đề tài NCCB lĩnh vực KHXH&NV đợt 2 năm 2016

Ngày 28/10/2016 tại Hà Nội, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã tổ chức Hội  nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài NCCB lĩnh vực KHXH&NV đợt 2 năm 2016. Hội nghị có sự tham dự của các nhà khoa học là thành viên HĐKH ngành/liên ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV, Lãnh đạo và các cán bộ CQĐH Quỹ.

Khai mạc hội nghị, Giám đốc Đỗ Tiến Dũng có bài phát biểu tổng kết kết quả tài trợ giai đoạn 2011 – 2015 và tình hình triển khai thực hiện xét chọn hồ sơ năm 2016. Theo đó, từ năm 2011 – 2015, chương trình tài trợ cho NCCB chiếm khoảng ¾ kinh phí tài trợ của Quỹ. Tổng hợp kết quả tài trợ đề tài KHXN&NV từ 2011 – 2015 cho thấy, số lượng đề tài được tài trợ hàng năm là 40 – 95 đề tài (trung bình 56 đề tài/năm), kinh phí cấp cho các đề tài tăng nhẹ hàng năm, trung bình 700 – 750 triệu. Kết quả thực hiện các đề tài đã được đánh giá đạt tỷ lệ cao, đóng góp giải quyết các vấn đề học thuật và thực tiễn.


Toàn cảnh hội nghị

Giám đốc CQĐH Quỹ báo cáo phương hướng tài trợ của chương trình NCCB đến năm 2020 là nâng cao chất lượng nghiên cứu, nhóm nghiên cứu, đặc biệt chú trọng hỗ trợ nhóm nghiên cứu mạnh, hỗ trợ công bố quốc tế. Bên cạnh đó, Quỹ cũng tiếp tục hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, hỗ trợ trao đổi học thuật trong nước và quốc tế, đáp ứng chiến lược KH&CN từ 2011 – 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chương trình NCCB trong KHXH&NV được thực hiện theo quy định của Thông tư 37/2014/BKHCN với mục tiêu: nâng cao chất lượng của các đề tài nghiên cứu khoa học trong nước, hội nhập quốc tế, đóng góp tỉ trọng công bố quốc tế của các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước theo chiến lược khoa học và công nghệ 2011 – 2020.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nghe phần chia sẻ của TS. Trần Văn Kham – Thành viên HĐKH liên ngành Triết học, Xã hội học, Chính trị học về vấn đề nhận diện công bố quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus của KHXH&NV Việt Nam. Theo TS. Kham, hiện nay trong lĩnh vực KHXH&NV, số bài công bố quốc tế của các ngành thuộc Khoa học xã hội chiếm tỉ trọng cao hơn so với các ngành thuộc lĩnh vực Nhân văn và nghệ thuật. Một số ngành như Kinh tế học, Giáo dục học, Tâm lý có số lượngcông bố nhiều hơn các ngành như Luật học hay Văn hóa học.. Đứng trước thực trạng đó, TS. Trần Văn Kham đưa ra thảo luận tại hội nghị một vài hướng điều chỉnh điều kiện của đề tài như: ưu tiên các lĩnh vực khó xuất bản bằng cách công nhận bài viết trên các tạp chí, chương sách của các trường Đại học uy tín, được xếp hạng; chấp nhận các chương sách thuộc các nhà xuất bản uy tín (có thể xem xét  căn cứ theo danh sách phân loại về khả năng trích dẫn của Thompson Reuters…). Phần cuối bài trình bày, TS. Trần Văn Kham cũng có những cảnh báo về việc xuất hiện các tạp chí giả mạo, những tạp chí nằm trong danh mục nghi ngờ và khẳng định, số lượng hồ sơ đề nghị tài trợ tăng lên là dấu hiệu đáng mừng cho thấy các nhà khoa học đang có những nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng nghiên cứu.


TS Trần Văn Kham chia sẻ tại hội nghị

Trao đổi tại hội nghị, hầu hết các nhà khoa học đều ủng hộ quy định công bố quốc tế, tuy nhiên cần xem xét để có những điều chỉnh nhỏ sao cho có sự phù hợp với ngành. TS. Nguyễn Việt Cường – Hội đồng khoa học ngành Kinh tế, cho rằng bên cạnh các bài báo trên tạp chí quốc tế, nên công nhận thêm các chương sách của các nhà xuất bản uy tín. Mặt khác, để thuận lợi hơn trong công bố quốc tế, các nhà khoa học nên lưu ý đến các nghiên cứu liên ngành, những nghiên cứu này sẽ giúp các nhà khoa học có thêm nhiều lựa chọn các tạp chí chất lượng.

PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa – Hội đồng ngành Luật cho rằng quy định về công bố quốc tế có thể khiến các hồ sơ đăng ký tài trợ giảm về số lượng nhưng lại tăng về chất lượng các nghiên cứu. Công bố quốc tế đang là một hướng đi đúng, cần duy trì, tuy nhiên cần đa dạng hóa hình thức đánh giá như: công nhận bài in trên các trang sách, các bài đăng trong kỷ yếu của các hội nghị quốc tế. Bên cạnh đó, để góp phần phát triển của nền học thuật nước nhà, cần tăng cường hỗ trợ cho tạp chí của các trường Đại học hướng tới chuẩn quốc tế.

PGS.TS Vũ Minh Giang – HĐKH liên ngành Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học đưa ra những lưu ý khi công bố trên tạp chí nước ngoài, tránh bệnh “hình thức” khi chất lượng của một nghiên cứu không chỉ đánh giá dựa vào công bố quốc tế. Bên cạnh đó, KHXH&NV có tình trạng lệch cơ cấu khi một số ngành khó có công bố quốc tế. Vì vậy, PGS cho rằng không nên tuyệt đối hóa công bố quốc tế mà chỉ nên đưa vào tiêu chí đầu ra để quản lý chất lượng.

Kết thúc hội nghị, Ông Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc CQĐH Quỹ trao đổi một số vấn đề các nhà khoa học nêu lên và cảm ơn những ý kiến đóng góp rất tâm huyết từ các nhà khoa học. Trên cơ sở những góp ý này, Quỹ sẽ có những xem xét và điều chỉnh hợp lý để nâng cao chất lượng nghiên cứu, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tài trợ nghiên cứu khoa học.
Từ năm 2016, Quỹ NAFOSTED bắt đầu triển khai nhận hồ sơ đề tài NCCB trong KHXH&NV 2 lần/năm. Danh mục tạp chí quốc tế uy tín được cập nhật thường xuyên và do Hội đồng khoa học đề xuất để đảm bảo phù hợp với ngành. Việc xét chọn đề tài đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch, theo đúng quy định của HĐQL Quỹ. Trong đợt 2 tiếp nhận hồ sơ đề tài NCCB trong lĩnh vực KHXH&NV tháng 9 năm 2016 vừa qua, Quỹ đã nhận được 57 hồ sơ đăng ký.

Tác giả bài viết: TrangVQ

Nguồn tin: nafosted