Print This Post

NAFOSTED tổ chức thành công hội thảo khoa học “Quản lý KH&CN, đầu tư cho KH&CN thông qua cơ quan tài trợ”

Ngày 8/11/2016 tại Hà Nội, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Quản lý KH&CN, đầu tư cho KH&CN thông quan cơ quan tài trợ”. Tham dự hội thảo, về phía diễn giả khách mời có ông Svend Otto Remøe – Cố vấn đặc biệt Hội đồng nghiên cứu Na Uy RCN, Bà Anke Stahl – Trưởng VPDD Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức DAAD Hà Nội (cho Việt Nam, Lào, Cam – pu – chia và Mi – an – ma), Ông Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội thảo cũng đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các tổ chức KH&CN.


Toàn cảnh Hội thảo ngày 8/11/2016
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc CQĐH Quỹ, chia sẻ hiện nay mô hình hoạt động của Quỹ đã bước đầu thu được một số kết quả khả quan nhờ việc áp dụng phương thức hoạt động của mô hình Quỹ khoa học phổ biến trên thế giới. Mục tiêu của hội thảo là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, mô hình tài trợ thông qua các tổ chức tài trợ nhằm tiếp tục hoàn thiện phương thức hoạt động, tăng cường hiệu quả tài trợ, hỗ trợ của Quỹ. Hội thảo bao gồm các chủ đề về vai trò và tác động của cơ quan tài trợ đến hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo quốc gia (trình bày bởi chuyên gia Hội đồng nghiên cứu Na Uy), hoạt động hỗ trợ trao đổi học thuật (trình bày bởi DAAD) và xây dựng năng lực nghiên cứu, phát triển trường đại học nghiên cứu (trình bày của Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ông Svend Otto Remøe – Chuyên gia Hội đồng nghiên cứu Na Uy (RCN)
Mở đầu hội nghị, Ông Svend Otto Remøe trình bày về “Đầu tư phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo quốc gia: từ thực tế kinh nghiệm của Na Uy và Hội đồng nghiên cứu Na Uy”. Trong phần trình bày, chuyên gia Hội đồng nghiên cứu Na Uy đưa ra các thông tin cơ bản về nền kinh tế Na Uy hiện nay, những khó khăn, thách thức quốc gia này hiện đang đối mặt qua đó nêu lên các chỉ số đánh giá trình độ phát triển KH&CN tại Na Uy. Sau phần tổng quan, ông Svend Otto Remøe chia sẻ những kinh nghiệm của Na Uy và Hội đồng nghiên cứu Na Uy trong đầu tư, phát triển KH&CN quốc gia, trong đó nhấn mạnh một số nội dung nổi bật: xây dựng chiến lược dài; tập trung đầu tư các chương trình nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu định hướng và đổi mới và sáng tạo. Hoạt động của RCN hiện nay có nhiều điểm tương đồng với NAFOSTED trong các nội dung tài trợ cũng như một số hình thức đánh giá. Với quy mô lớn, nguồn vốn hàng năm lên đến 1 tỉ Euro, Hội đồng nghiên cứu Na Uy đang chứng minh hiệu quả trong hoạt động phát triển khoa học và công nghệ trong nước cũng như hợp tác quốc tế, đây thực sự là một mô hình tốt để Quỹ có thể tham khảo và học hỏi.

Bà Anke Stahl – Trưởng VPDD DAAD Hà Nội cho Việt Nam, Lào, Cam – pu – chia, Mi – an  ma
Sau phần trình bày của ông Svend Otto Remøe, hội thảo tiếp tục nghe phần chia sẻ của bà Anke Stahl về “Kinh nghiệm quản lý các chương trình tài trợ nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật của DAAD tại Đông Nam Á”. DAAD thực hiện các chương trình hỗ trợ trao đổi học thuật, trong đó có nhiều điểm tương đồng với hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN quốc gia tại NAFOSTED. DAAD có mạng lưới rộng lớn, tài trợ cho 200 chương trình, mang đến cơ hội học bổng cho sinh viên khắp thế giới được học tập và trao đổi kiến thức cũng như cách thức quản lý khoa học. Phần trao đổi về các hoạt động mà DAAD mang lại thông tin hữu ích đối với các đại biểu tham dự hội thảo, cũng như là nguồn tham khảo để Quỹ tổ chức các chương trình hỗ trợ, tài trợ. Đặc biệt là việc tổ chức các chương trình hỗ trợ trao đổi học thuật, tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt Nam trao đổi, tiếp xúc với các nhà khoa học và môi trường nghiên cứu quốc tế.

Ông Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

Phần trình bày thứ ba của Ông Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia về “Tăng cường tiềm lực KH&CN ở Đại học Quốc gia Hà Nội”. Ông Nguyễn Hữu Đức đưa ra so sánh tương quan giữa vị trí của trường Đại học Quốc gia với một số trường Đại học trong khu vực để từ đó định hướng chiến lược phát triển thời gian tới của trường. Bên cạnh đó, Ông cũng nêu lên bốn nguyên tắc của Đại học Quốc gia Hà Nội xoay quay các mục tiêu quản trị đại học; định hướng nghiên cứu và công bố quốc tế; định hướng ưu tiên cho quốc gia; phát triển con người. Ông Nguyễn Hữu Đức kỳ vọng trong thời gian tới, Quỹ Nafosted sẽ phát triển các chương trình hỗ trợ/tài trợ phù hợp để giúp các nhà khoa học đang hoạt động trong các tổ chức KH&CN nâng cao năng lực nghiên cứu, hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh, phát triển khoa học công nghệ nước nhà.Nội dung trao đổi của ba diễn giả nhận được sự quan tâm của các đại biểu tham dự. Trong phần trình bày của diễn giả Hội đồng nghiên cứu Na Uy (RCN), các đại biểu quan tâm đến mô hình hoạt động hiện nay của RCN, đặc biệt là hoạt động của bộ phận định hướng chiến lược ưu tiên mà hiện nay RCN đang có. Các nhà khoa học, nhà quản lý có mặt tại hội thảo cũng trao đổi với chuyên gia về một số khác biệt trong hoạt động tài trợ KH&CN giữa Na Uy và Việt Nam như lý do RCN chỉ tập trung đầu tư phát triển các chương trình nghiên cứu dài hạn; chính sách thuế cho ưu đãi tài trợ các doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ; sự khác nhau giữa đổi mới – sáng tạo và khởi nghiệp trong sự tương quan với mô hình khởi nghiệp đang khá phổ biến ở Việt Nam. Trả lời những thắc mắc của Đại biểu, ông Svend Otto Remøe cho biết bộ phận định  hướng chiến lược ưu tiên đóng vai trò quan trọng thứ hai trong bộ máy tổ chức của RCN, có chức năng thực hiện các chương trình tài trợ quy mô lớn, quản lý, phát triển thị trường lao động. Bộ phận đảm nhận thực hiện các chương trình năng lượng, biến đổi khí hậu, y tế… Bên cạnh đó, ông Remoe cũng nêu lên lý do RCN thực hiện các chương trình dài hạn do Chính phủ muốn tránh đưa ra những tầm nhìn ngắn hạn, thiếu định hướng. Chương trình dài hạn sẽ cho thấy hiệu quả hơn các chương trình ngắn hạn. Ông cũng nhấn mạnh không phải đầu tư 10 năm mà là kế hoạch thực hiện dài hạn trong 10 năm. Khác với các chương trình khởi nghiệp, hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp có thể thực hiện bởi tất cả các doanh nghiệp có đổi mới trong công nghệ, thiết bị… Do vậy, có thể khuyến khích các cơ sở tư nhân nghiên cứu, khuyến khích doanh nghiệp dùng vốn, lợi nhuận đầu tư cho đổi mới sáng tạo và các hoạt động kinh doanh khác. Na Uy hiện cũng có những ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Hệ thống tín dụng về thuế hiện nay tại Na Uy đơn giản, không nhiều thủ tục, được vận hành bởi Bộ Tài chính.

Bà Anke Stahl nhận được một số câu hỏi về việc đánh giá hiệu quả các hoạt động của DAAD cũng như việc quản lý mạng lưới học sinh, sinh viên toàn cầu. Theo bà Stahl, DAAD đánh giá các chương trình sau khoảng 6 – 8 năm về sự ảnh hưởng của kết quả với thị trường lao động. Đối với sinh viên, việc đánh giá sẽ diễn ra ở hai tiêu chí: đánh giá khóa học thành công ở mức nào và khả năng tiếp tục chương trình của người học. Việc đánh giá tài chính sẽ được thực hiện qua một đơn vị độc lập sau khoảng 5 – 6 năm. Bà Stahl cũng cho biết hiện nay, mạng lưới các cựu sinh viên đang kết nối rất tốt qua các website, các sự kiện, mang lại cơ hội chia sẻ không biên giới. Tuy nhiên, việc duy trì mạng lưới cựu sinh viên cũng còn nhiều thách thức.


Đại biểu đặt câu hỏi tại hội thảo

Khả năng tăng nguồn nhân lực cán bộ làm nghiên cứu, tiềm năng hợp tác của các nhà khoa học, các nhà quản lý tại Đại học Quốc gia trong tương lai cũng như những thách thức trong việc xây dựng những đề án có chất lượng là những vấn đề đại biểu đặt ra trao đổi với Ông Nguyễn Hữu Đức. Thảo luận về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Đức cho biết Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay là một trong những thành viên sáng lập mạng lưới các trường Đại học ASEAN, tuy nhiên lực lượng nghiên cứu còn hạn chế nên các hợp tác trong khuôn khổ ASEAN cần thêm thời gian để đạt được kết quả tương ứng với tiềm năng. Đối với phát triển khoa học và công nghệ đất nước bằng các đề án có chất lượng, ông đặt ra kỳ vọng mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, có những chính sách mở với nghiên cứu và công bố khoa học. Để thực hiện được những điều này, các nhà khoa học, các tổ chức khoa học công nghệ rất cần có sự hỗ trợ đắc lực từ phía Quỹ.

Các nội dung trao đổi tại hội thảo mang lại nhiều thông tin cũng như đặt ra thêm những trăn trở, các hướng giải quyết cho các nhà quản lý, các nhà khoa học tại Việt Nam. Các chia sẻ những nội dung thực tế và kinh nghiệm thú vị, tạo ra sự kết nối giữa cộng đồng quản lý khoa học công nghệ trên thế giới, qua đó có những đánh giá về sự phát triển của khoa học và công nghệ đất nước trong khu vực cũng như toàn cầu, mang lại những bài học kinh nghiệm cho các đơn vị tài trợ KH&CN như Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

Ảnh: MinhVV

Tác giả bài viết: TrangVQ

Nguồn tin: nafosted

Bài viết liên quan