Nâng cao hiệu quả hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Bỉ
Ngày 14/5 tại Hà Nội, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã đón tiếp ngài Geert Bourgeois – Thủ hiến vùng Flanders, Vương quốc Bỉ cùng đoàn đại biểu của Quỹ nghiên cứu vùng Flanders (FWO) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Tham dự buổi tiếp có GS.TS Phan Tuấn Nghĩa – Thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ, GS.TS Nguyễn Hải Nam – thành viên Hội đồng khoa học hỗn hợp NAFOSTED – FWO năm 2017.
Tại buổi tiếp, ông Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc Cơ quan điều hành (CQĐH) Quỹ chào mừng đoàn đại biểu vùng Flanders do thủ hiến Geert Bourgerois dẫn đầu tới thăm Quỹ. Giám đốc CQĐH Quỹ cho biết hợp tác NAFOSTED và FWO được thực hiện đều đặn với mỗi đợt kêu gọi đăng kỳ và xem xét tài trợ mỗi hai năm. Kể từ năm 2009 đến nay, hai quỹ đã đồng tài trợ 33 đề tài hợp tác nghiên cứu song phương, trong đó 14 đề tài đã hoàn thành và được đánh giá kết quả đạt, đem lại nhiều kết quả khoa học chất lượng với hơn 40 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín; đồng thời đào tạo cho gần 40 nghiên cứu sinh và thạc sĩ.
Đại diện NAFOSTED và FWO báo cáo quá trình hợp tác giữa hai quỹ
GS.TS Phan Tuấn Nghĩa – Thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ nhận quà tặng
từ ông Geert Bourgeois – Thủ hiến vùng Flanders, Vương quốc Bỉ
GS. Maarten Hertog – Trường Đại học KULeuven và PGS.TS Trần Thị Định – Trường Đại học Nông nghiệp Việt Nam đã giới thiệu đề tài “Nghiên cứu tính chịu nhiệt và điều khiển quá trình chín đột biến của quả ở mức độ phân tử”. Mục tiêu của đề tài là làm sáng tỏ cơ chế điều khiển quá trình chín đột biến của cà chua chịu nhiệt/nhạy cảm với nhiệt thông qua quá trình truyền và nhận tín hiệu etylen, mô hình hoá mối tương quan giữa quá trình sinh tổng hợp etylen và con đường dẫn truyền tín hiệu để sản sinh chất thụ thể trong quá trình chín đột biến của quả. Kết quả của đề tài sẽ tạo ra bước đột phá trong những nghiên cứu cơ bản về sinh tổng hợp etylen trong quá trình phát triển và chín quả của cà chua chịu nhiệt/ nhạy cảm với nhiệt, là cơ sở để cải thiện chất lượng cà chua sau thu hoạch. Những kết quả nghiên cứu này cũng sẽ được áp dụng cho các loại cây ăn quả quan trọng khác có cùng qui luật phát triển và chín đột biến.
Nhóm các nhà khoa học gồm GS. An Verberckmoes – Trường Đại học Ghent, TS. Đỗ Hữu Nghị – Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã đồng trình bày đề tài “Nghiên cứu khai thác tiềm năng giá trị của Lignin bằng chuyển hóa enzyme, xúc tác hóa học và phân tách các hợp chất thơm từ chúng”. Các kết quả nghiên cứu sẽ giúp hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về cấu trúc lignin của sinh khối (rơm rạ…) cũng như các thành phần liên kết của cấu trúc polymer (ether, ester, C-C) với các đơn vị thành phần phenolic. Tính mới của đề tài là cách tiếp cận dựa trên sự tấn công của enzyme và xúc tác hóa học lên cấu trúc lignin kết hợp với công nghệ phân tách màng tiên tiến; phát triển các enzyme có hoạt tính cao và đặc hiệu để thu được các sản phẩm phản ứng cho phát triển các polymer có đặc tính mới; depolymer hóa bằng xúc tác hóa học ở điều kiện tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường hơn (sử dụng dung môi “xanh”) và phát triển tối ưu hóa sử dụng các xúc tác khác nhau (sinh học và hóa học) một cách phù hợp.
Tác giả bài viết: NTM Quyên
Nguồn tin: nafosted