Print This Post

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề hướng dẫn các quy định của Quỹ tại TP. Hồ Chí Minh

Ngày 10 tháng 8, tại TP. Hồ Chí Minh, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) đã tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề hướng dẫn các quy định của Quỹ. Hội nghị thu hút hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà quản lý, đại diện các tổ chức khoa học và công nghệ đang công tác tại TP. Hồ Chí Mính và các tỉnh lân cận.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc cơ quan điều hành (CQĐH) Quỹ cho biết, hằng năm, Quỹ có kế hoạch giới thiệu, hướng dẫn các quy định, văn bản mới của Quỹ tới các nhà khoa học khu vực miền Bắc, Trung và Nam. Bên cạnh đó, năm 2018 cũng là năm thứ mười Quỹ đi vào hoạt động, nhân dịp hội nghị ngày, Quỹ cũng chia sẻ tới các nhà khoa học, nhà quản lý một số kết quả hoạt động giai đoạn 2008 – 2017.

Hội nghị tập huấn chuyên đề năm 2018 gồm bốn phần trình bày. Trong phần mở đầu, ông Đỗ Tiến Dũng giới thiệu về một số thông tin chung của Quỹ và kết quả hoạt động giai đoạn 2008 – 2017. Ngoài cung cấp thông tin tổng quan về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ, ông Đỗ Tiến Dũng còn trình bày tại Hội nghị một số kết quả của Quỹ sau 10 năm hoạt động. Theo đó sau 10 năm, hoạt động của Quỹ đã góp phần phát triển nguồn nhân lực KH&CN quốc gia với hơn 10.000 lượt nhà khoa học được tài trợ/hỗ trợ, hơn 2400 Tiến sỹ được đào tạo thông qua các đề tài được tài trợ. Các chương trình tài trợ, hỗ trợ cũng góp phần nâng cao năng suất khoa học và công nghệ với số lượng các nhiệm vụ được tài trợ lớn (trên 2500 nhiệm vụ), kết quả và sản phẩm vượt trội, đóng góp tỷ trọng lớn trong công bố quốc tế tại Việt Nam (trên 3500 bài báo ISI được công nhận là kết quả của trên 1500 đề tài đã nghiệm thu).

Trong giai đoạn mười năm hoạt động, các chương trình được tổ chức, thực hiện hướng tới chất lượng và tính khách quan trong tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Điều kiện đánh giá năng lực và kết quả nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế (tạp chí khoa học được xếp hạng, bảo hộ sở hữu trí tuệ). Việc đánh giá, xem xét tài trợ được thực hiện thông qua hồ sơ, đánh giá khoa học bởi chuyên gia trong nước và quốc tế có năng lực, uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu nhằm tăng tính khách quan và tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu ở xa. Kinh phí tài trợ được tập trung cho các hoạt động nghiên cứu, bao gồm công lao động, nguyên vật liệu và hoạt động của đề tài nhằm tối ưu hiệu quả tài trợ và tăng số lượng nhóm nghiên cứu được hỗ trợ.

GĐ CQĐH Quỹ cũng trình bày một số kết quả từ đánh giá của nhà khoa học đã chủ trì các đề tài NCCB, hợp tác song phương giai đoạn 2009 – 2014 (các đề tài đã tài trợ và đánh giá kết quả) tổng hợp trên 800 phiếu thực hiện trực tuyến.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ là cần thiết, giúp các nhà khoa học dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ trong và ngoài nước. Các tài trựo của Quỹ cũng đóng vai trò quyết định trong việc giúp các nhà khoa học nâng cao chất lượng nghiên cứu, tăng số lượng công bố khoa học.

Một số kết quả đánh giá tác động của Quỹ đối với nhà khoa học

Đối với các nhóm nghiên cứu, tài trợ của Quỹ được đánh giá là cần thiết trong việc xây dựng nhóm nghiên cứu, duy trì hướng nghiên cứu mong muốn, tạo dựng quan hệ với đồng nghiệp trong nước, duy trì quan hệ với đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Các tài trợ của Quỹ cũng được đánh giá có vai trò quyết định đến việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và tăng số lượng công bố khoa học của các nhóm nghiên cứu.

 Tác động tài trợ, hỗ trợ của Quỹ đối với nhóm nghiên cứu Không ảnh hưởng Cần thiết (để duy trì công tác chuyên môn) Ảnh hưởng quyết định
Xây dựng nhóm nghiên cứu 3.23% 55.28% 41.49%
Duy trì hướng nghiên cứu mong muốn 1.74% 51.93% 46.34%
Tạo dựng quan hệ với đồng nghiệp trong nước 5.71% 64.97% 29.32%
Duy trì quan hệ với đồng nghiệp trong nước 5.84% 65.71% 28.45%
Tạo dựng quan hệ với đồng nghiệp quốc tế 13.54% 58.51% 27.95%
Duy trì quan hệ với đồng nghiệp quốc tế 13.17% 60.00% 26.83%
Nâng cao chất lượng nghiên cứu 1.61% 38.63% 59.75%
Tăng số lượng công bố 0.75% 36.89% 62.36%

Về công tác tổ chức, thực hiện các chương trình tài trợ, hỗ trợ, các hoạt động của Quỹ cũng nhận được các đánh giá tích cực của các nhà khoa học.

Đánh giá cách thức triển khai chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ (1: Rất kém, 2: Kém, 3: Trung bình (như các chương trình tài trợ khác NKH đã tham gia), 4: Tốt, 5: Rất tốt)

Để giúp các nhà khoa học có thông tin chi tiết hơn về chương trình nghiên cứu cơ bản (NCCB), ông Nguyễn Minh Quân (Phòng Khoa học tự nhiên và kỹ thuật) trình bày tại Hội nghị nội dung “Hướng dẫn một số quy định nộp hồ sơ và triển khai chương trình NCCB do Quỹ tài trợ”. Phần trình bày tập trung hướng dẫn điều kiện đăng ký tài trợ, thành phần hồ sơ, các bước thực hiện và một số lưu ý khi xây dựng thuyết minh đề tài. Đối với nội dung triển khai chương trình, phần trình bày hướng dẫn cụ thể các công việc sau khi đề tài được phê duyệt tài trợ bao gồm chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ ký hợp đồng; Quản lý tài chính; Báo cáo định kỳ; Quản lý thay đổi đề tài; Báo cáo cuối kỳ và đánh giá kết quả thực hiện; Thanh lý Hợp đồng.

Năm 2017, Hội đồng quản lý Quỹ ban hành Danh mục tạp chí quốc gia và quốc tế uy tín lĩnh vực KHXH&NV. Để giúp các nhà khoa học có thông tin cũng như cập nhật các điều chỉnh trong danh mục mới so với danh mục cũ (ban hành năm 2015), bà Nguyễn Thị Linh Chi (Phòng Khoa học xã hội và nhân văn) giới thiệu tại Hội nghị về Danh mục tạp chí ban hành kèm theo Quyết định số 224/2017-HĐQL). Bà Nguyễn Thị Linh Chi cho biết, Danh mục tạp chí mới được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình tài trợ trong lĩnh vực, nguồn lực nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH&NV. Nguyên tắc của việc lựa chọn tạp chí vào Danh mục là bảo đảm chất lượng đối với các danh mục tạp chí quốc tế, quốc gia, lựa chọn theo các chỉ số, xếp hạng quốc tế phổ biến, có uy tín.

Bên cạnh đó, bài trình bày của ông Lê Đức Lập (Phòng Dự án) nhằm cung cấp thông tin cụ thể cho nhà khoa học về chương trình tài trợ nhiệm vụ KH&CN đột xuất, tiềm năng (theo Thông tư 40/2014/TT-BKHCN). Bên cạnh phần giới thiệu chung về Chương trình đột xuất và tiềm năng (phạm vi tài trợ, đối tượng và yêu cầu đối với đề tài), phần trình bày còn cung cấp thông tin về một số kết quả các hoạt động đã triển khai có liên quan đến Chương trình và kế hoạch triển khai năm 2018 và một số vấn đề cần lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ. Đối với chương trình tiềm năng, Quỹ đã tiếp nhận 60 hồ sơ đăng ký tài trợ đợt 1 (tháng 6/2017) thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau khi đánh giá xét chọn, 09 nhiệm vụ được đề nghị tài trợ với tổng kinh phí tài trợ hơn 16 tỉ đồng. Hiện nay, Quỹ đã thực hiện việc ký hợp đồng tài trợ đối với các nhiệm vụ trên và dự kiến sẽ thông báo thu hồ sơ đợt 2 vào tháng 8-9/2018.

Với nhiều thông tin được cung cấp, phần trao đổi – thảo luận diễn ra rất sôi nổi và thẳng thắn với gần 50 câu hỏi được các đại biểu và đại diện CQĐH Quỹ thảo luận tại Hội nghị. Các đại biểu tại Hội nghị quan tâm đến nhiều nội dung trực tiếp khi triển khai đề tài như thời gian ký hợp đồng và cấp kinh phí, tiến độ cấp kinh phí hằng năm, quy trình đấu thầu mua sắm, các nội dung liên quan đến sản phẩm của đề tài (thời gian công bố bài báo, tiêu chí quy đổi bài báo ISI, minh chứng trong đào tạo Nghiên cứu sinh đối với đề tài…), thủ tục nghiệm thu đề tài. Danh mục tạp chí quốc gia và quốc tế uy tín lĩnh vực KHXH&NV cũng là một trong những nội dung được các đại biểu trao đổi tại Hội nghị. Đối với những nhà khoa học chưa đăng ký các chương trình tài trợ/hỗ trợ của Quỹ, các nội dung hỗ trợ thuộc chương trình Hỗ trợ nâng cao năng lực như thực tập nghiên cứu ngắn hạn, báo cáo tại hội nghị nước ngoài và hỗ trợ nghiên cứu sau tiến sĩ được đặt ra tại Hội nghị.

Đại diện CQĐH Quỹ, Giám đốc Đỗ Tiến Dũng, PGĐ Phạm Đình Nguyên, Bà Phan Thị Minh Nguyệt – Kế toán trưởng và ông Lê Đức Lập – Phụ trách phòng Dự án trao đổi và giải đáp các thắc mắc của đại biểu tại Hội nghị.

Đại diện CQĐH Quỹ và các đại biểu trao đổi – thảo luận tại Hội nghị

Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng gửi lời cảm ơn tới các đại biểu tham dự đã đặt những câu hỏi rất chi tiết và thẳng thắn tới Quỹ và hi vọng phần trao đổi, giải đáp đã hỗ trợ, cung cấp thông tin cụ thể để các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu triển khai đăng ký tài trợ từ Quỹ trong thời gian tới. Dự kiến, hội nghị tập huấn chuyên đề hướng dẫn các quy định của Quỹ sẽ tiếp tục được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 tới đây.

Bài viết liên quan