Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN và hoạt động nâng cao năng lực KH&CN quốc gia do Quỹ tài trợ, hỗ trợ

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BKHCN ngày 30 tháng 12 năm 2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ (đề tài nghiên cứu cơ bản, đề tài nghiên cứu ứng dụng, đề tài đột xuất và đề tài tiềm năng) và hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ tài trợ, hỗ trợ (Thông tư sửa đổi).

Thông tư sửa đổi nhằm khắc phục một số bất cập về hành chính trong quá trình triển khai, đồng thời hướng tới việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tài trợ, hỗ trợ của Quỹ, tập trung vào một số điểm sau:

– Ưu tiên hỗ trợ nhà khoa học trẻ;

– Trao quyền chủ động nhiều hơn cho các tổ chức chủ trì và chủ nhiệm đề tài trong quá trình triển khai thực hiện đề tài;

– Giảm số lượng sản phẩm bắt buộc trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, bỏ quy định về danh mục tạp chí ISI có uy tín, chỉ giữ lại danh mục tạp chí quốc tế có uy tín, tăng thời gian thực hiện đề tài nghiên cứu cơ bản, chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu nhưng khi đánh giá xét chọn sẽ xem xét chặt chẽ kết quả thực hiện nhiệm vụ được tài trợ trước đó (nếu có), mức chất lượng sản phẩm theo đăng ký, ý nghĩa, tác động của nghiên cứu và gia tăng cạnh tranh;

– Hướng các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm nghiên cứu, đã được Quỹ tài trợ tập trung vào các đề tài hướng tới các mục tiêu lớn, dài hạn nhằm thúc đẩy các kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc, đột phá, kết hợp xây dựng nhóm nghiên cứu, đào tạo nhân lực khoa học trình độ cao;

– Đơn giản hóa và giảm thiểu số lượng hồ sơ trực tiếp, đẩy mạnh việc nộp hồ sơ trực tuyến. Các báo cáo tài chính phục vụ đánh giá giữa kỳ và khi kết thúc nhiệm vụ được tích hợp cùng mẫu dùng để cấp tiếp kinh phí nhằm giảm thiểu số lượng biểu mẫu báo cáo cho tổ chức chủ trì và chủ nhiệm đề tài cũng như thời gian xử lý của cơ quan quản lý.

– Quy định trách nhiệm của tổ chức chủ trì và chủ nhiệm đề tài trong việc đảm bảo liêm chính học thuật, đạo đức nghiên cứu, công khai thông tin về nghiên cứu tại đơn vị, cung cấp thông tin về nghiên cứu phục vụ truyền thông đại chúng.

Thông tư sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15 tháng 2 năm 2025. Toàn văn Thông tư sửa đổi xem tại đây.

Khi nộp hồ sơ đăng ký đề tài mới, hồ sơ báo cáo giữa kỳ và hồ sơ báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề tài, với những thay đổi quy định tại Thông tư số 10/2024/TT-BKHCN, các tổ chức KHCN và các nhà khoa học lưu ý những điểm chính sau đây:

1. Khi nộp hồ sơ đăng ký đề tài mới:

a) Lập hồ sơ trên hệ thống quản lý trực tuyến của Quỹ theo các mẫu biểu mới được ban hành, bao gồm: Đơn đăng ký thực hiện đề tài, Thuyết minh đề tài (bản online và ký số), Lý lịch khoa học của chủ nhiệm đề tài và các thành viên (bản online).

b) Các nội dung cần lưu ý khi xây dựng thuyết minh đề tài (theo mẫu mới):

 – Mô tả thiết kế của từng nội dung nghiên cứu (thay vì tách biệt nội dung và phương pháp nghiên cứu như trước đây).

 – Mô tả kết quả tra cứu tình trạng kỹ thuật (state of the art) đối với trường hợp kết quả dự kiến có bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc bằng bảo hộ giống cây trồng; luận giải về khả năng tạo ra sản phẩm mới (đối với đề tài Tiềm năng).

 – Năng lực cơ sở vật chất của tổ chức chủ trì: Danh sách thiết bị có thể sử dụng trong hoạt động nghiên cứu của đề tài.

 – Đăng ký kết quả dự kiến, kết quả công bố (quốc tế có uy tín, văn bằng bảo hộ, bài báo trong nước…) và đào tạo nghiên cứu sinh phù hợp với từng loại hình đề tài theo quy định.

 – Dự kiến số lượng bài báo Q1-Q2; các tạp chí quốc tế có uy tín sẽ gửi đăng bài báo (trong trường hợp đăng ký sản phẩm công bố là bài báo quốc tế có uy tín).

 – Thuyết minh về tác động xã hội của đề tài: Những lợi ích tiềm năng mà nghiên cứu có thể mang lại cho cộng đồng, xã hội.

 – Thông tin ngắn gọn về các tài trợ nghiên cứu trước đây mà chủ nhiệm đề tài đã nhận (nếu có). Kết quả thực hiện đề tài đã được tài trợ trong quá khứ (nếu có) là thông tin quan trọng để xem xét trong quá trình đánh giá xét chọn.

2. Trong quá trình thực hiện đề tài

– Báo cáo định kỳ: i) Nộp báo cáo định kỳ trên hệ thống quản lý trực tuyến của Quỹ (bản ký số) theo đúng mẫu, đầy đủ thông tin và đúng hạn theo quy định (12 tháng một lần). ii) Cung cấp thông tin về các nội dung, công việc nghiên cứu đã và đang thực hiện theo thuyết minh đề tài (mục 6 – Kế hoạch triển khai), có ghi chú về các vấn đề phát sinh, thay đổi và cung cấp minh chứng, tài liệu liên quan để làm căn cứ đánh giá; iii) Cung cấp thông tin về sản phẩm công bố, đào tạo, tình hình sử dụng kinh phí… theo mẫu báo cáo.

– Tuân thủ liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu; công bố công khai thông tin về đề tài dưới dạng poster (theo mẫu trong Thông tư sửa đổi) tại tổ chức chủ trì trong quá trình thực hiện.

– Tổ chức chủ trì tiếp nhận và quản lý sử dụng kinh phí đề tài theo quy định hiện hành; ban hành quy chế chi tiêu nội bộ để quản lý sử dụng kinh phí đề tài.

– Tổ chức chủ trì quản lý sát sao việc triển khai thực hiện đề tài theo tiến độ và mục tiêu đã được phê duyệt, chủ động điều chỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền của mình (nội dung, thành viên đề tài, mua sắm vật tư, nguyên, nhiên vật liệu…) theo đề xuất của chủ nhiệm đề tài (nếu có) và thông báo cho Quỹ bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày kể từ khi có quyết định điều chỉnh. Đối với các nội dung cần điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Quỹ, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm đề tài gửi hồ sơ đề nghị để Quỹ xem xét, xử lý theo quy định.

3. Khi nộp hồ sơ báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề tài:

– Nộp báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện trên hệ thống quản lý trực tuyến của Quỹ (bản ký số) theo đúng mẫu, đầy đủ thông tin (theo mẫu quy định trong Thông tư sửa đổi) và đúng hạn (muộn nhất 30 ngày sau khi kết thúc đề tài).

– Cung cấp thông tin về nội dung công việc đã thực hiện, các vấn đề thay đổi phát sinh, số liệu, dữ liệu thu thập được và các kết quả nghiên cứu đạt được. Lưu ý số liệu, dữ liệu thu được trong quá trình thực hiện đề tài là kết quả quan trọng được sử dụng khi đánh giá kết quả thực hiện đề tài.

– Kết quả công bố và đào tạo, trạng thái của các công bố: Đã đăng/gửi đăng (đối với bài báo); đã được cấp bằng/chấp nhận đơn hợp lệ (đối với văn bằng bảo hộ).

– Đánh giá mức độ thành công của đề tài so với mục tiêu đề ra.

– Mô tả tác động xã hội của đề tài dựa trên kết quả nghiên cứu đạt được (sử dụng cho truyền thông KH&CN) và kiến nghị về phát triển kết quả nghiên cứu.

Quỹ NAFOSTED trân trọng thông báo để các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN được biết ./.

Lên đầu trang