Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Tin tức

Tin sự kiện, Tin tức

Đại hội Chi đoàn Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia nhiệm kỳ 2014 – 2017

Ngày 02/06/2015, tại Hà Nội, Ban chấp hành chi đoàn Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã tổ chức Đại hội Chi đoàn nhiệm kỳ 2014 – 2017. Đến dự Đại hội có đồng chí Mai Thế Bình, Bí thư Chi bộ, PGĐ. Cơ quan điều hành Quỹ, đồng chí Nguyễn Quỳnh Hoa, Chủ tịch Công đoàn Quỹ, đại diện BCH Chi đoàn một số đơn vị thuộc Khối nhà 39 Trần Hưng Đạo cùng toàn thể đoàn viên đang sinh hoạt tại Chi đoàn Quỹ. Toàn cảnh Đại hội Chi đoàn Quỹ Mở đầu Đại hội, đồng chí Tô Như Huỳnh, nguyên Phó Bí thư Chi đoàn đã đọc báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2012 – 2014 và phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2014 – 2017 của BCH Chi đoàn. Theo đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, đoàn viên Chi đoàn đã tích cực thực hiện tốt các công việc chuyên môn, tham gia xây dựng các văn bản hướng dẫn chương trình tài trợ, hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn chế độ quản lý tài chính của Quỹ. Nhiều đồng chí đoàn viên thanh niên đã được giao chủ trì hoặc tham gia các đề tài cấp cơ sở và cấp Bộ. Với những đóng góp của mình, trong những năm qua, các đoàn viên thanh niên luôn có mặt trong số các chiến sĩ thi đua cấp cơ sở của Quỹ.   Bên cạnh đó, các hoạt động phong trào của Chi đoàn Quỹ cũng đã có những bước tiến vượt bậc. Chi đoàn Quỹ đã tổ chức được các chương trình vui chơi, giao lưu cho con em cán bộ Quỹ, phối hợp cùng Ban Nữ công Quỹ tổ chức chương trình từ thiện quyên góp quần áo ấm và gạo cho đồng bào miền núi tỉnh Lai Châu. Ngoài ra, Chi đoàn cũng đã cử đoàn viên tham gia các hội nghị, hoạt động của Đoàn Khối các cơ quan Trung ương và Đoàn Bộ, tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do khối cơ quan Trung ương, Công đoàn và Đoàn Thanh niên Bộ tổ chức.   Trong báo cáo tổng kết, BCH Chi đoàn cũng ghi nhận sự quan tâm sâu sắc của Chi bộ, Lãnh đạo Quỹ cũng như Công đoàn Quỹ đã giúp đỡ Chi đoàn Quỹ triển khai tốt các công tác của Đoàn thanh niên. Đồng chí Mai Thế Bình, Bí thư Chi bộ Quỹ phát biểu tại Đại hội Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Mai Thế Bình, Bí thư Chi bộ Quỹ đã ghi nhận và biểu dương những thành tích Chi đoàn đã đạt được trong nhiệm kỳ 2012 – 2014, đánh giá cao vai trò nòng cốt của Đoàn đối với nhân lực của Quỹ, đồng thời mong muốn trong các nhiệm kỳ tiếp theo, Chi đoàn Quỹ sẽ tiếp tục phát huy, đảm bảo công tác Đoàn và chuyên môn, phát động được nhiều phong trào có ích. Đồng chí Nguyễn Thị Huyền Trang, nguyên Bí thư Chi đoàn Quỹ tặng hoa Ban chấp hành Chi đoàn khóa II Đại hội cũng đã tiến hành bầu ra Ban chấp hành Chi đoàn nhiệm kỳ mới 2014 – 2017 với ba thành viên: đồng chí Cao Hạnh Quyên (Bí thư Chi đoàn), đồng chí Phạm Thị Nương (Phó Bí thư Chi đoàn) và đồng chí Nguyễn Việt Phong (Ủy viên). Đại hội kết thúc với việc thông qua dự thảo Nghị quyết Đại hội.

Tin sự kiện, Tin tức

Lễ trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015

Ngày 16/05/2015, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ đã diễn ra Lễ trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015. Buổi lễ có sự tham dự của đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng,  Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng cùng các thành viên Hội đồng giải thưởng, ban tổ chức Giải thưởng; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành; các nhà khoa học có uy tín thuộc các Viện, trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong cả nước và các cơ quan báo chí. Lễ Trao giải Tạ Quang Bửu năm 2015 Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học và công nghệ của đất nước hội nhập và phát triển. Năm 2015, Giải thưởng đã nhận được tổng cộng 43 hồ sơ đăng ký. Trải qua các vòng đánh giá, Hội đồng Giải thưởng đã lựa chọn vinh danh 4 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực Toán học, Khoa học trái đất và Môi trường, Công nghệ thông tin và máy tính. Ba giải thưởng chính dành cho nhà khoa học là tác giả của các công trình nghiên cứu xuất sắc đã được trao cho GS.TSKH Đinh Dũng, Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TSKH Nguyễn Đông Yên, Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và PGS.TS Trần Thanh Hải, Đại học Mỏ Địa chất. Một giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) có công trình nghiên cứu xuất sắc đã thuộc về PGS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân trao giải cho 3 nhà khoa học đạt giải thưởng chính Phát biểu tại Lễ trao giải thưởng, GS. Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cũng cho biết, Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh các công bố khoa học xuất sắc mang tầm thế giới với Hội đồng xét chọn bao gồm các nhà khoa học tiêu biểu. Ngoài Chủ tịch Hội đồng khoa học các ngành, năm nay, Hội đồng Giải thưởng còn có sự tham gia của hai nhà khoa học có uy tín trên thế giới là GS. Pierre Darriulat, chuyên gia Vật lý người Pháp và GS. Vũ Hà Văn, giáo sư Toán học tại Đại học Yale, Hoa Kỳ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, GS Hoàng Tụy cùng GS.VS Nguyễn Văn Hiệu tặng hoa các nhà khoa học đạt giải Trong phát biểu chúc mừng các nhà khoa học đoạt Giải thưởng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, trong những năm gần đây, khoa học và công nghệ Việt Nam đã có những bước tiến rất quan trọng kể từ khi có Luật Khoa học và Công nghệ 2013, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 và đặc biệt là sự quan tâm của Đảng và Chính phủ cho các hoạt động khoa học và công nghệ. Số lượng các công bố trên các tạp chí ISI đã tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chia sẻ những khó khăn, tồn tại đối với các nhà khoa học Việt Nam, từ đó thể hiện mong muốn cộng đồng các nhà khoa học cùng các nhà quản lý sẽ chung tay thay đổi tư duy cũ, tạo ra cơ chế mới thuận lợi, tiệm cận với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà khoa học sáng tạo và đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Năm 2015, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được đồng hành bởi Công ty Tem Việt, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Danh sách giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015 Nhà khoa học CQ công tác Lĩnh vực Bài báo GS.TSKH Đinh Dũng Viện Công nghệ thông tin – ĐHQG Hà Nội Khoa học máy tính và thông tin Dũng, D., & Ullrich, T. (2013). N-Widths and ε-dimensions for high-dimensional approximations. Foundations of Computational Mathematics, 13(6), 965-1003. GS.TSKH Nguyễn Đông Yên Viện Toán học – Viện Hàn lâm KHCNVN Toán học Qui, N. T., & Yen, N. D. (2014). A class of linear generalized equations. SIAM Journal on Optimization, 24(1), 210-231. PGS.TS Trần Thanh Hải Trường ĐH Mỏ Địa chất Khoa học trái đất và môi trường Tran, H. T., Zaw, K., Halpin, J. A., Manaka, T., Meffre, S., Lai, C. K., …&Dinh, S. (2014). The Tam Ky-Phuoc Son shear zone in Central Vietnam: tectonic and metallogenic implications. Gondwana Research, 26(1), 144-164. Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ PGS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp Viện Toán học – Viện Hàn lâm KHCNVN Toán học Demailly, J. P., & Phạm, H. H. (2014). A sharp lower bound for the log canonical threshold. ActaMathematica, 212(1), 1-9.

Tin tức

Thông báo tài trợ các đề tài hợp tác song phương giữa Việt Nam và Flanders (Bỉ) năm 2015

1. Giới thiệu Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ Khoa học Flanders (FWO) đã ký kết một thỏa thuận khung về triển khai chương trình đồng tài trợ cho các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các nhà khoa học Việt Nam và Bỉ. Thời gian thực hiện đề tài hợp tác nghiên cứu trong khuôn khổ chương trình này là 02 (hai) năm.Thuyết minh đề cương nghiên cứu cần thể hiện được sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên, sự cần thiết và tác dụng đối với cả phía Việt Nam và phía Bỉ. 2. Phạm vi tài trợ Các đề tài nghiên cứu thuộc phạm vi tài trợ của cả hai Quỹ (FWO và NAFOSTED) đều có thể được xem xét tài trợ, bao gồm các ngành khoa học sau: –    Toán học –    Khoa học thông tin và máy tính –    Vật lý –    Hóa học –    Sinh học –    Y học –    Cơ học, kỹ thuật –    Khoa học vật liệu –    Khoa học nông nghiệp –    Khoa học trái đất và môi trường –    Khoa học xã hội và kinh tế 3. Kinh phí tài trợ Mỗi bên (NAFOSTED/FWO) sẽ dành một khoản kinh phí hàng năm là 300,000 Euro để tài trợ cho các đề tài hợp tác nghiên cứu thuộc chương trình này.Kinh phí tài trợ từ phía NAFOSTED cho mỗi đề tài hợp tác nghiên cứu thuộc chương trình này có thể lên tới 75,000 Euro/năm (tương đương 2 tỷ VNĐ) để chi trả nhân công lao động khoa học, nguyên vật liệu, thiết bị (nhỏ), chi phí đi lại của nhà khoa học Việt Nam đến Bỉ, chi phí bảo hiểm của nhà khoa học Việt Nam tại Bỉ, chi phí ăn ở của nhà khoa học Bỉ tại Việt Nam. 4. Đăng ký hồ sơ đề tài Các nhà khoa học của từng bên nộp hồ sơ đăng ký thực hiện đề tài đồng thời cho Quỹ khoa học ở nước mình.Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ do nhà khoa học Việt Nam và Flanders cùng thống nhất xây dựng, nộp đúng thời hạn cho cả hai Quỹ. Tại Flander, mẫu hồ sơ đăng ký có thể tìm thấy trên trang Web của FWO (www.fwo.be). Tại Việt Nam, hồ sơ đăng ký đề tài gồm có: – Đơn đăng kí đề tài (Mẫu F1, F1e) – Thuyết minh đề cương nghiên cứu (Mẫu F2, F2e) – Lý lịch khoa học của chủ nhiệm đề tài và từng thành viên nhóm nghiên cứu (Mẫu F3, F3e) Cách thức nộp hồ sơ: a/ Bản mềm nộp trên hệ thống quản lý đề tài trực tuyến (OMS) của NAFOSTED. Xem Hướng dẫn sử dụng hệ thống OMS tại đây. Hệ thống sẽ sẵn sàng cho việc đăng ký đề tài từ ngày 20/5/2015. b/ Bản cứng (trong đó đơn đăng ký và lý lịch khoa học xuất từ hệ thống OMS) gửi tới Cơ quan điều hành Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia theo địa chỉ: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, Số 39 Trần Hưng Đạo, Hà Nội Trên phong bì ghi rõ: Hồ sơ đăng ký thực hiện đề tài hợp tác song phương Việt – Bỉ 5. Đánh giá xét chọn đề tài Các đề tài được tài trợ là các đề tài đáp ứng các đòi hỏi về chất lượng khoa học cũng như các yêu cầu cụ thể theo quy định hiện hành của Quỹ NAFOSTED và Quỹ FWO. Các tiêu chí đánh giá bao gồm: –   Sự phù hợp (nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học được hai Quỹ tài trợ); –   Tính mới và sáng tạo; –   Trọng tâm nghiên cứu rõ ràng, cụ thể; –   Phương pháp nghiên cứu chặt chẽ và chính xác; –   Tính khả thi; –   Năng lực khoa học và thành tích nghiên cứu (tầm quốc tế) của nhóm nghiên cứu; –   Khả năng hợp tác/phối hợp giữa các nhóm nghiên cứu có liên quan; –   Tính hợp lý của kinh phí nghiên cứu đề nghị được tài trợ. Đề tài được đánh giá bởi hội đồng khoa học do NAFOSTED và FWO chỉ định cùng với việc xem xét ý kiến nhận xét của các chuyên gia phản biện độc lập. 6. Tiến độ thực hiện dự kiến –  Hạn nộp hồ sơ: Từ 08h00 ngày 20/05/2015 đến 17h30 ngày 15/07/2015 –  Kiểm tra tính hợp lệ, đánh giá của chuyên gia: tháng 7-10/2015 –  Đánh giá của Hội đồng khoa học: tháng 11/2015 –  Bắt đầu triển khai thực hiện đề tài: 01/01/2016 Thông tin về chương trình tài trợ này từ phía FWO có thể được tham khảo trên trang web của Quỹ Khoa học Flanders (www.fwo.be).

Tin sự kiện, Tin tức

Danh sách đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển. Năm 2015, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, Cơ quan Thường trực của Giải thưởng đã tiếp nhận 43 hồ sơ, trong đó 32 hồ sơ hợp lệ. Theo kế hoạch, từ ngày 19-25/4/2015, tại Hà Nội, các Hội đồng Khoa học chuyên ngành của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã đánh giá các hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng. Kết quả 09 (chín) hồ sơ đã được đề cử xét chọn tại Hội đồng Giải thưởng (danh sách kèm theo phía dưới). Dự kiến, Hội đồng Giải thưởng sẽ làm việc từ ngày 10-15/05/2015, Lễ trao Giải thưởng được tổ chức vào ngày 16/5/2015 tại Hà Nội. DANH SÁCH 09 ĐỀ CỬ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG TẠ QUANG BỬU NĂM 2015 TẠI HỘI ĐỒNG GIẢI THƯỞNG TT Ngành Tên công trình Tên người đề nghị xét tặng Cơ quan công tác ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG CHÍNH (06 đề cử) 1 Khoa học thông tin và máy tính Dũng, D., & Ullrich, T. (2013). N-Widths and ε-dimensions for high-dimensional approximations. Foundations of Computational Mathematics, 13(6), 965-1003. GS.TSKH Đinh Dũng Viện Công nghệ thông tin – ĐHQG Hà Nội 2 Cơ học Nguyen-Xuan, H., Thai, C. H., & Nguyen-Thoi, T. (2013). Isogeometric finite element analysis of composite sandwich plates using a higher order shear deformation theory. Composites Part B: Engineering, 55, 558-574. PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng Trường ĐH Việt Đức 3 Toán học Qui, N. T., & Yen, N. D. (2014). A class of linear generalized equations. SIAM Journal on Optimization, 24(1), 210-231. GS.TSKH Nguyễn Đông Yên Viện Toán học-Viện Hàn lâm KHCNVN 4 Khoa học Trái đất và Môi trường Tran, H. T., Zaw, K., Halpin, J. A., Manaka, T., Meffre, S., Lai, C. K., … & Dinh, S. (2014). The Tam Ky-Phuoc Son shear zone in Central Vietnam: tectonic and metallogenic implications. Gondwana Research, 26(1), 144-164. PGS.TS Trần Thanh Hải Trường ĐH Mỏ Địa chất 5 Vật lý Van Hieu, N., Van, P. T. H., Van Duy, N., & Hoa, N. D. (2012). Giant enhancement of H2S gas response by decorating n-type SnO2 nanowires with p-type NiO nanoparticles. Applied Physics Letters, 101(25), 253106. PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội 6 Khoa học sự sống – sinh học nông nghiệp Loc, N. H., Van Song, N., Tien, N. Q. D., Minh, T. T., Nga, P. T. Q., Kim, T. G., & Yang, M. S. (2011). Expression of the Escherichia coli heat-labile enterotoxin B subunit in transgenic watercress (Nasturtium officinale L.). Plant Cell, Tissue and Organ Culture (PCTOC), 105(1), 39-45. GS.TS Nguyễn Hoàng Lộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG TRẺ (03 đề cử) 1 Toán Demailly, J. P., & Phạm, H. H. (2014). A sharp lower bound for the log canonical threshold. Acta Mathematica, 212(1), 1-9. PGS.TSKH Phạm Hoàng Hiệp Viện Toán học-Viện Hàn lâm KHCNVN 2 Khoa học sự sống – y sinh 1. Tran, B. X. (2013). Willingness to pay for methadone maintenance treatment in Vietnamese epicentres of injection-drug-driven HIV infection. Bulletin of the World Health Organization, 91(7), 475-482. TS Trần Xuân Bách Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường ĐH Y Hà Nội 3 Khoa học sự sống – sinh học nông nghiệp Hung, N. M., The, D. T., Stauffer, J. R., & Madsen, H. (2014). Feeding behavior of black carp Mylopharyngodon piceus (Pisces: Cyprinidae) on fry of other fish species and trematode transmitting snail species. Biological Control,72, 118-124. TS Nguyễn Mạnh Hùng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật

Tin sự kiện, Tin tức

Thông báo về việc tổ chức giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015

1.  Mục đích, ý nghĩa Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển. 2. Các lĩnh vực xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu Giải thưởng được xét tặng cho các công trình nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, bao gồm: a) Khoa học tự nhiên: toán học, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, các khoa học trái đất và môi trường liên quan, sinh học, khoa học tự nhiên khác; b) Khoa học kỹ thuật và công nghệ; c) Khoa học y, dược; d) Khoa học nông nghiệp. 3. Đối tượng tham gia xét Giải thưởng Tạ Quang Bửu Tác giả của công trình nghiên cứu khoa học cơ bản xuất sắc thuộc các lĩnh vực xét tặng Giải thưởng. 4. Cơ cấu giải thưởng – Từ một (01) đến ba (03) Giải thưởng dành cho tác giả của công trình khoa học. – Một (01) Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) là tác giả của công trình khoa học. 5. Quyền lợi của nhà khoa học được tặng Giải thưởng – Được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng. – Được nhận Tiền thưởng. 6. Thời gian xét giải thưởng Tạ Quang Bửu –  Các cá nhân nộp hồ sơ đăng ký xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho Cơ quan thường trực Giải thưởng từ ngày 06/3/2015 đến hết ngày 18/4/2015. – Công tác xét chọn Giải thưởng: từ ngày 20/4/2015 đến ngày 15/5/2015. – Công bố và trao giải thưởng: Ngày 18 tháng 5/2015 7. Hồ sơ xét Giải thưởng Tạ Quang Bửu Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng, do cá nhân, tổ chức khoa học và công nghệ đề cử hoặc cá nhân nhà khoa học ứng cử, bao gồm: 01 bản in và 01 bản điện tử được ghi trên đĩa quang (dạng PDF), không đặt mật khẩu. a) Đăng ký tham gia xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu (Mẫu TQB01); b) Bài báo công bố công trình khoa học theo quy định; c) Thuyết minh công trình khoa học (Mẫu TQB02) d) Lý lịch khoa học (Mẫu TQB03); đ) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (trường hợp công trình khoa học là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước); e) Các tài liệu có liên quan khác (nếu có). Trường hợp hồ sơ được lựa chọn xem xét tại Hội đồng Giải thưởng, tác giả được xem xét trao Giải thưởng phải bổ sung bản xác nhận về mức độ đóng góp đối với công trình khoa học từ các tác giả còn lại của công trình. 8. Thông tin chi tiết xin liên hệ: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia Địa chỉ: Tầng 4, 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội Điện thoại: 84-4-39367750 Email: nafosted@most.gov.vn Website: http://www.nafosted.gov.vn Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN ngày 12/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Tải mẫu đăng ký và toàn văn

Tin sự kiện, Tin tức

Quỹ Newton thông báo chương trình hỗ trợ hợp tác nghiên cứu ngăn hạn tại Vương quốc Anh – Ngành kỹ thuật

Trong khuôn khổ Quỹ Newton Việt Nam, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đang phối hợp với Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh (Royal Academy of Engineering) triển khai chương trình hợp tác “Trao đổi nghiên cứu giữa các nhà khoa học Việt Nam và Vương quốc Anh” trong lĩnh vực kỹ thuật. Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh sẽ tài trợ toàn phần cho một số đề xuất trao đổi hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học của hai nước, trong thời gian 3 tới 12 tháng. Thông tin chi tiết về chương trình và phương thức nộp hồ sơ được thông báo tại trang web của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh. Hạn nộp hồ sơ: 16.00 ngày 18/6/2015 (giờ GMT) Thông tin liên hệ: chị Phan Liên Hương, Cán bộ Chương trình Nghiên cứu, Đại sứ quán Anh, Hà Nội. Email: phan.huong@fco.gov.uk; Tel: 04. 3936 0500/ ext.2297. * Quỹ Newton Việt Nam là một chương trình hợp tác phát triển về khoa học và đổi mới sáng tạo giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Anh trong thời gian 5 năm (2014-2019). Chương trình “Trao đổi nghiên cứu giữa các nhà khoa học” là một trong các chương trình được hỗ trợ bởi Quỹ Newton.  Xin xem thêm thông tin thêm về Quỹ Newton tại đây.

Tin tức

Thông báo về kết quả tiếp nhận hồ sơ tiểu dự án VIIP đợt 1

Theo thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tiểu dự án thuộc dự án “Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp” (Dự án VIIP) đã được đăng tải trên trang web của Ban quản lý Dự án (PMU) và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký thực hiện các tiểu dự án đợt 1 bắt đầu kể từ ngày ra thông báo 10/02/2015 cho tới trước 17h00 ngày 31/3/2015. Sau thời hạn thông báo trên, Ban quản lý Dự án và Quỹ NAFOSTED đã nhận được tổng số gồm 70 hồ sơ đăng ký tiểu dự án của các đơn vị và cá nhân đăng ký. Số các hồ sơ dự án được phân theo các lĩnh vực và phân nhóm các tiểu dự án. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia xin thông báo về số lượng hồ sơ như sau: TT Nhóm TDA Tổng số hồ sơ Trong đó Tống số Tỷ lệ % NN-THS YDCT ICT Khác 1 C1-NDC 25 35,7 18 3 2 2 2 C2-A&U 18 25,7 10 3 1 4 3 C3-Grassroots 17 24,3 5 2 9 1 4 C4-S&C 10 14,3 8 0 0 2 Tổng số 70 100,0 41 8 12 9 Tỷ lệ % 100,0 – 58,6 11,4 17,1 12,9 Hiện nay, Quỹ đang phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị các thủ tục để tiến hành đánh giá các tiểu dự án trên theo quy trình và tiến độ đã được xác định. Thông tin chi tiết về kết quả đánh giá sẽ được cập nhật trong các thông báo tiếp theo.

Tin sự kiện, Tin tức

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tổ chức Đại hội Công đoàn 2015

Ngày 03/04/2015, tại Hà Nội, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã tổ chức Đại hội công đoàn nhiệm kỳ 2015-2020. Đại hội có sự tham dự của ông Đặng Quang Huấn, Chủ tịch Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, công đoàn viên chức thuộc Cơ quan điều hành Quỹ. Toàn cảnh Đại hội Công đoàn Quỹ 2015 Mở đầu Đại hội, bà Nguyễn Quỳnh Hoa, nguyên Chủ tịch công đoàn Quỹ đã trình bày báo cáo tổng kết công tác Công đoàn nhiệm kỳ 2012 – 2015, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tổng kết nhiệm kỳ vừa qua, tuy còn nhiều khó khăn về nhân lực và cơ sở vật chất, nhưng Công đoàn Quỹ đã nỗ lực chăm lo tới công việc và đời sống của từng công đoàn viên, tổ chức tốt các hoạt động tập thể, phối hợp với chính quyền cấp trên hoàn thiện bộ máy, tích cực hưởng ứng và động viên các đoàn viên công đoàn tham gia vào các hoạt động chung, các phong trào do Công đoàn Bộ phát động. Với những đóng góp của mình, tập thể Quỹ đã được vinh dự nhận cờ thi đua của Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2012, đạt danh hiệu Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc do Công đoàn Bộ và Công đoàn Viên chức Việt Nam trao tặng các năm 2012, 2013. Ông Đặng Quang Huấn phát biểu tại Đại hội Tại Đại hội, thay mặt cho công đoàn cấp trên, ông Đặng Quang Huấn đã phát biểu giới thiệu về các hoạt động của Công đoàn Bộ, đồng thời cũng biểu dương khích lệ Công đoàn Quỹ với những kết quả đã đạt được. Ông Huấn cho rằng, là một Công đoàn thuộc khối công đoàn sự nghiệp, Công đoàn Quỹ đã có những đóng góp tích cực tới hoạt động chung của Công đoàn Bộ. Cụ thể, trong năm 2014, Quỹ đã nghiên cứu, xin ý kiến đề xuất 01 trong 07 nghị định của Chính phủ hướng dẫn luật KH&CN 2013, tổ chức giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh các kết quả nghiên cứu xuất sắc. Ông Huấn hy vọng, tiếp nối những thành tích đã đạt được, Công đoàn Quỹ sẽ tiếp tục phát huy, hoàn thiện hơn nữa bộ máy của mình để phấn đấu tốt hơn trong những năm tới, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đã đưa ra cũng như nâng cao chất lượng các hoạt động. Ông Đặng Quang Huấn tặng hoa Ban chấp hành Công đoàn Quỹ nhiệm kỳ mới Đại hội lần này cũng đã bầu ra Ban chấp hành Công đoàn Quỹ nhiệm kỳ 2015-2020 với 05 thành viên, bầu 01 đại biểu chính thức và 01 đại biểu dự khuyết dự Đại hội Công đoàn Bộ. Đại hội kết thúc với việc thông qua Nghị quyết đại hội công đoàn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Tin tức

Thông báo Chương trình tài trợ NCCB trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật năm 2015

Trong khuôn khổ Chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản trong Khoa học tự nhiên và kỹ thuật, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia thông báo kế hoạch đánh giá xét chọn và tài trợ đề tài năm 2015 như sau: 1. Mục tiêu tài trợ: – Tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản trong các tổ chức khoa học và công nghệ tại Việt Nam. – Nâng cao năng lực nghiên cứu, hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh; góp phần đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao. – Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, hướng tới chuẩn mực quốc tế. – Thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học. 2. Phạm vi tài trợ Các đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật bao gồm: – Khoa học tự nhiên: Toán học, Khoa học Thông tin và máy tính, Vật lý, Hóa học, Khoa học Trái đất và môi trường, Sinh học và các khoa học tự nhiên khác; – Khoa học kỹ thuật và công nghệ; – Khoa học y, dược; – Khoa học nông nghiệp. 3. Đối tượng tài trợ – Tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam; tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có chức năng nghiên cứu khoa học; tổ chức nước ngoài tham gia hợp tác nghiên cứu với tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam. – Cá nhân nhà khoa học là công dân Việt Nam; nhà khoa học nước ngoài tham gia hợp tác nghiên cứu với tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân nhà khoa học Việt Nam. 4. Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài và yêu cầu về kết quả đề tài 1. Đối với tổ chức chủ trì đề tài: a) Các tổ chức khoa học và công nghệ có đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, có chức năng hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đề tài; b) Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của tổ chức chủ trì đối với các đề tài đã được Quỹ tài trợ. 2. Đối với chủ nhiệm đề tài: a) Có chuyên môn phù hợp với nội dung nghiên cứu đề tài, đang làm công tác nghiên cứu tại một tổ chức khoa học và công nghệ. Trường hợp chủ nhiệm đề tài không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ nào, phải được một tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam uy tín trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp bảo trợ và chấp nhận làm tổ chức chủ trì; b) Có năng lực nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của đề tài: có học vị tiến sỹ hoặc học hàm phó giáo sư, giáo sư và có kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín (*)(tải Danh mục tại đây) trong thời gian 05 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ; c) Có đủ thời gian để hoàn thành nội dung nghiên cứu của đề tài theo quy định. Trường hợp chủ nhiệm đề tài đi công tác, làm việc tại nước ngoài, tổng thời gian ở nước ngoài không quá 1/3 thời gian thực hiện đề tài; d) Không vi phạm các điều kiện đăng ký chủ trì, tham gia đề tài theo quy định. 3. Thành viên nhóm nghiên cứu đề tài phải có trình độ chuyên môn và kỹ năng phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài, bao gồm: a) Thành viên nghiên cứu chủ chốt, thư ký khoa học: có học vị tiến sỹ hoặc học hàm phó giáo sư, giáo sư và có kết quả nghiên cứu phù hợp được công bố trên các tạp chí quốc gia hoặc quốc tế có uy tín trong 05 năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ. Trường hợp là thạc sĩ phải có kết quả nghiên cứu phù hợp, có 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật; 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín hoặc 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín(***)(tải Danh mục tại đây) trong 05 năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ; b) Nghiên cứu sinh tham gia thực hiện đề tài phải có nội dung luận án phù hợp với đề tài, có quyết định giao đề tài luận án không quá 24 tháng tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ; c) Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ khác. 4.  Yêu cầu đối với kết quả đề tài Kết quả nghiên cứu của đề tài phải có ít nhất 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín và 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín. Chủ nhiệm đề tài là tác giả chính của ít nhất 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín là kết quả của đề tài. Trường hợp đề tài có bài báo công bố trên tạp chí ISI có uy tín (**)(tải Danh mục tại đây) được xem xét thay thế cho 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín; (*): Tạp chí quốc tế có uy tínlà các tạp chí khoa học được lựa chọn từ danh mục SCI (Science Citation Index) và SCIE (Science Citation Index Expanded) của Viện Thông tin khoa học Quốc tế (Hoa Kỳ), được Hội đồng quản lý Quỹ quyết định trên cơ sở tư vấn của các Hội đồng khoa học

Tin tức

Thông báo về việc giới thiệu và đề xuất danh sách Hội đồng khoa học ngành trong KHTN&KT nhiệm kỳ 2015-2017

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tổ chức thành lập Hội đồng khoa học ngành (HĐKH) trong khoa học tự nhiên nhiệm kỳ mới (2015-2017). Để có cơ sở lựa chọn HĐKH mới, kính mời các nhà khoa học quan tâm giới thiệu/tự giới thiệu bản thân hoặc các nhà khoa học khác (đáp ứng đủ điều kiện) tham gia HĐKH nhiệm kỳ mới. Nhiệm vụ  của Hội đồng khoa học: Hội đồng khoa học được thành lập để tư vấn cho Quỹ về các vấn đề sau đây: Hướng nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ; Đánh giá xét chọn, đánh giá kết quả thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ; Các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của Quỹ. Tiêu chí giới thiệu: Thành tích nghiên cứu khoa học; Uy tín, khách quan, đổi mới. Kế hoạch thực hiện:  TT Nội dung Thời gian Thông tin chi tiết 1 Giới thiệu nhà khoa học Từ 24/3/2015 – 15/4/2015 Cộng đồng khoa học giới thiệu các nhà khoa học có thể tham gia Hội đồng khoa học các ngành. Danh sách giới thiệu mặc định của Quỹ bao gồm thành viên HĐKH nhiệm kỳ 2012-2015 và các Chủ nhiệm đề tài NCCB KHTN của Quỹ từ 2009 đến 2014. 2 Cập nhật lý lịch khoa học Từ 15/4/2015 – 30/4/2015 Các nhà khoa học trong danh sách đề cử cập nhật lý lịch khoa học. Chỉ những cá nhân đã cập nhật thông tin mới có tên trong danh sách lựa chọn HĐKH mới. Nhà khoa học được giới thiệu không có trong cơ sở dữ liệu nhà khoa học của Quỹ cần vào hệ thống OMS của Quỹ để cập nhật lý lịch. Chỉ những cá nhân đã cập nhật thông tin mới có tên trong danh sách lựa chọn HĐKH mới. 3 Từ 14/05/2015-28/5/2015 Các nhà khoa học (bao gồm: Chủ nhiệm đề tài, Hội đồng khoa học các ngành KHTN nhiệm kỳ 2012-2015, các nhà khoa học được đề cử) vào hệ thống OMS đề xuất HĐKH nhiệm kỳ mới 4 Tổng hợp kết quả Từ 28/5/2015 -10/6/2015 – Tổng hợp kết quả giới thiệu từ cộng đồng khoa học. – Rà soát các thông tin đăng ký của nhà khoa học. 5 Ra mắt HĐKH mới nhiệm kỳ 2015 – 2017 Tháng 6/2015 Quyết định thành lập HĐKH nhiệm kỳ 2015 – 2017 của Chủ tịch HĐQL Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia. Ghi rõ nguồn www.nafosted.gov.vn khi đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác

Lên đầu trang