Print This Post

Giao lưu trực tuyến Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016

Giữa tháng 5/2016 sẽ diễn ra lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu lần thứ 3 nhằm vinh danh những nhà khoa học Việt có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tầm quốc tế trong nghiên cứu khoa học cơ bản.


Các vị khách mời tham dự cuộc giao lưu trực tuyến

Được trao giải lần đầu vào năm 2014, giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hàng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho khoa học và công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển.Qua hai lần trao giải, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã vinh danh 6 nhà khoa học với sáu công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc.

Theo GS. Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng, Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh các công bố khoa học xuất sắc mang tầm thế giới với Hội đồng xét chọn bao gồm các nhà khoa học tiêu biểu.

Để biết thêm về Giải thưởng khoa học danh giá này cũng như lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản nhiều khởi sắc những năm gần đây, Báo Tiền phong phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải thưởng Tạ Quang Bửu – Vinh danh những công trình nghiên cứu Việt mang tầm quốc tế”.

Cuộc giao lưu trực tuyến diễn ra vào 14h ngày thứ Tư 16 tháng 3 năm 2016 tại tòa soạn báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Khách mời giao lưu gồm có:
1. GS.TSKH Đinh Dũng, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ Enzym và Protein.
3. GS.TS Nguyễn Đức Chiến, giảng viên cao cấp của Viện Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
4. PGS.TS Trần Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ – Địa chất.
5. Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia – Cơ quan thường trực Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Đúng 14h, buổi giao lưu chính thức bắt đầu. Mở đầu cuộc giao lưu, nhà báo Trần Thanh Lâm, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong đã gửi lời cảm ơn và tặng hoa các vị khách mời.

Nói về mục đích của cuộc giao lưu, nhà báo Nguyễn Việt Hùng, Phó Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong, cho biết: “Mục đích buổi giao lưu trực tuyến về “Giải thưởng Tạ Quang Bửu – Vinh danh những công trình nghiên cứu Việt mang tầm quốc tế” hôm nay là nhằm quảng bá, vinh danh giải thưởng khoa học mang tên một nhà khoa học rất có uy tín, đồng thời là cuộc trao đổi, đóng góp ý kiến từ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu để phục vụ phát triển nhu cầu hội nhập quốc tế, khích lệ động viên nền khoa học nước nhà”.

Tại cuộc giao lưu, ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia – Cơ quan thường trực Giải thưởng Tạ Quang Bửu, cho biết: “Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ KH&CN nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Các hồ sơ đề xuất giải thưởng Tạ Quang Bửu được đánh giá qua Hội đồng khoa học chuyên ngành và Hội đồng Giải thưởng. Hội đồng khoa học chuyên ngành là các Hội đồng ngành thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia. Hội đồng Giải thưởng gồm các nhà khoa học có uy tín đại diện các Hội đồng khoa học ngành, và các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài, làm việc trong và ngoài nước.

Năm 2014 là năm đầu tiên Giải thưởng được tổ chức với 52 hồ sơ đăng ký tham dự. Qua 2 năm tổ chức, các nhà khoa học được trao tặng giải thưởng bao gồm GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (Lĩnh vực Toán học – Giải thưởng 2014) và PGS.TS Nguyễn Bá Ân (Lĩnh vực Vật lý – Giải thưởng 2014). GS. TSKH. Đinh Dũng (Lĩnh vực Khoa học máy tính và thông tin – Giải thưởng 2015), GS. TSKH. Nguyễn Đông Yên (Lĩnh vực Toán học – Giải thưởng 2015), PGS. TS Trần Thanh Hải (Lĩnh vực Khoa học trái đất và môi trường – Giải thưởng 2015), PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp (Lĩnh vực Toán học – Giải thưởng NKH trẻ 2015)”.


GS.TSKH Đinh Dũng, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trao đổi tại cuộc giao lưu, GS.TSKH Đinh Dũng, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Tôi có thể nói rằng giải thưởng Tạ Quang Bửu rất khác biệt so với các giải thưởng cấp nhà nước, cấp quốc gia về công nghệ, cũng như văn học nghê thuật. Bởi chúng ta đang muốn nâng giải thưởng này lên tầm quốc tế. Người nhận giải thưởng phải có đóng góp thật sự xuất sắc. Điều đó làm nên nét mới của giải thưởng.

Giải thưởng này cũng có sự khác biệt tôi cho là rất độc đáo, đó là không tặng cho thành tích của một quá trình mà chỉ tặng cho một tác giả chính của một công trình khoa học xuất sắc đạt tầm cỡ thế giới. Như vậy, các nhà khoa học lão thành và các nhà khoa học trẻ có ưu thế như nhau.

Thứ ba, người nhận giải phải là tác giả chính đóng vai trò cơ bản của công trình khoa học. Người được tặng giải đều phải được cộng đồng khoa học thừa nhận.

Mới ra đời được 3 năm nhưng giải thưởng đã có tiếng vang và có uy tín trong cộng đồng công nghệ. Tôi cảm thấy rất tự hào và đó là những điều rất đặc biệt của giải thưởng này.

Là người đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015, PGS.TS Trần Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ – Địa chất cho biết: “Bản thân giải thưởng có ý nghĩa quan trọng với cộng đồng khoa học trong đó có tôi. Năm ngoái tôi rất may mắn được trao giải thưởng. Tôi không dám tin mình được lựa chọn vì tiêu chí tương đối khắt khe, tôi được biết có hơn 40 bộ hồ sơ của nhiều nhà khoa học khác.

Khi tôi được biết quy trình, cách thức hội đồng đánh giá làm việc, nhất là được biết hội đồng xét chọn là các nhà  khoa học được lựa chọn từ trong và ngoài nước và tiêu chí rõ ràng nên tạo ra sự công bằng cho các nhà khoa học cả già lẫn trẻ.

Một cái rất quan trọng nữa, hiện nay cộng đồng người làm khoa học trong đó có cán bộ trẻ, họ đều biết giải thưởng này, trong thâm tâm nhiều người đặt mục tiêu làm thế nào để nhận giải thưởng này như một đóng góp không chỉ cho khoa học trong nước mà quốc tế”.

GS.TS Nguyễn Đức Chiến, giảng viên cao cấp của Viện Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá: Đầu tư nghiên cứu cơ bản hay nghiên cứu ứng dụng là một cuộc tranh luận không ngừng, nhất là ở Việt Nam. Câu hỏi hay được đặt ra là trong điều kiện kinh phí hạn hẹp thì đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản hay ứng dụng. Trong các cuộc tiếp xúc của tối với các nhà khoa học nước ngoài, nhất là những người từng đoạt giải Nobel, không ai khuyên chúng ta bỏ làm nghiên cứu cơ bản.

Ranh giới giữa hai loại hình nghiên cứu này cũng mong manh. Khi tôi hỏi một nhà khoa học Mỹ là Viện trưởng một viện nghiên cứu của Mỹ “Viện ông nghiên cứu ứng dụng hay nghiên cứu cơ bản” thì ông ấy bảo, làm gì có nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. không nên đối lặp giữa các lĩnh vực ấy vì nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng gắn bó với nhau, hỗ trợ qua lại với nhau.

Nếu coi trọng nghiên cứu ứng dụng hơn nghiên cứu cơ bản là một sai lầm vì nghiên cứu ứng dụng là bắt nguồn từ nghiên cứu cơ bản. Nghiên cứu cơ bản là nền tảng của nghiên cứu ứng dụng để tạo ra sản phẩm cho xã hội. Tôi nhớ GS Ngô Bảo Châu, năm 2011, khi anh giao lưu với sinh viên một trường đại học ở Mỹ, các em nghiên cứu sinh hỏi “phát minh của anh ứng dụng ở đâu”. Anh Châu trả lời “chả ở đâu cả”. Chúng ta không thể nói trước điều gì nhưng biết đâu. Có những nghiên cứu cơ bản ban đầu không có mục đích ứng dụng nhưng lại mang lại giá trị lợi ích khổng lồ.


GS.TS Nguyễn Đức Chiến

Ngoài ra, tại Việt Nam, phát triển nghiên cứu cơ bản thì sẽ có được đội ngũ cán bộ trẻ giỏi ở các trường, viện nghiên cứu. Điều này sẽ tác động đến chất lượng đào tạo của chúng ta. Tôi phải nói nhờ Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia mà nhiều nhà khoa học trẻ đã về nước vì họ thấy có điều kiện để nghiên cứu. Ngay tại Viện của chúng tôi, có hơn 20 nhà khoa học trẻ đã về nước. Nếu chúng ta không có đội ngũ cán bộ giỏi thì chất lượng giáo dục đại học của chúng ta không nên được. Nghiên cứu cơ bản chính là nguồn động viên, lôi kéo cán bộ trẻ từ các nguồn đào tạo về. Ở các nước tiên tiến tỷ lệ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng là 50-50. Việt Nam đang thiếu thốn thì có thể là 30-70%.

Tại cuộc giao lưu, GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ Enzym và Protein cho biết: Vai trò nghiên cứu cơ bản chưa được đánh giá đúng vì nước ta còn nghèo.

Tuy nhiên, nghiên cứu cơ bản là cái móng cho phát triển tầm cao, móng ấy không vững, không chắc thì không thể vươn cao. Hiểu đơn giản là  đầu tiên phải đi tìm nghiên cứu, quy luật sau đó mới phát triển thành công nghệ, sản phẩm. Muốn phát triển khoa học ứng dụng thì phải trên nền tảng nghiên cứu cơ bản vững chắc. Ở nước ta nhiều khi vị trí của nghiên cứu cơ bản chưa được đánh giá đúng mực. ở các nước phát triển thì ranh giới giữa hai loại hình nghiên cứu rất mong manh.

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ Enzym và Protein 

Hiện nay, trong xu thế một nước đang phát triển, nhiều người có xu thế học nghề dễ kiếm việc và thu nhập ngay. Không nhiều người lựa chọn theo nghiên cứu cơ bản. Tôi nghĩ đây là điều đáng báo động vì để phát triển khoa học, bên cạnh các nhà khoa học giỏi, ưu tú phải có những học trò xuất sắc. Trường đại học ở nước tiên tiến họ tuyển trò rất giỏi. Người giỏi mà ít theo con đường nghiên cứu là vấn đề nguy hiểm.

Ly Ly, Luulynhoanh@yahoo.com – 15:45
Ông Đỗ Tiến Dũng có thể chia sẻ tổng quan về Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Tôi tò mò không rõ giải thưởng bao nhiều tiền ạ?

Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia – Cơ quan thường trực Giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Ông Đỗ Tiến Dũng – 14:14
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ KH&CN nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh Nam Đàn – Nghệ An. Ông đỗ đầu Tú tài bản xứ và Tú tài Tây, và theo học toán vật lý tại các trường đại học Pháp và Anh. Ông từng giữ chức Tham nghị trưởng Bộ Ngoại Giao, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Giáo sư Tạ Quang Bửu là một con người cao cả và nhân hậu, có kiến thức bách khoa về các ngành khoa học, người thầy của nhiều nhà khoa học xuất sắc. Giải thưởng mang tên giáo sư Tạ Quang Bửu sẽ mang lại niềm vinh dự cho các nhà khoa học được tôn vinh, khích lệ động viên các nhà khoa học phấn đấu vì công cuộc phát triển đất nước.Các hồ sơ đề xuất giải thưởng Tạ Quang Bửu được đánh giá qua Hội đồng khoa học chuyên ngành và Hội đồng Giải thưởng. Hội đồng khoa học chuyên ngành là các Hội đồng ngành thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia. Hội đồng Giải thưởng gồm các nhà khoa học có uy tín đại diện các Hội đồng khoa học ngành, và các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài, làm việc trong và ngoài nước.

Năm 2014 là năm đầu tiên Giải thưởng được tổ chức với 52 hồ sơ đăng ký tham dự. Chủ tịch Hội đồng giải thưởng là GS Ngô Việt Trung. Hội đồng Giải thưởng có sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu (Trường Đại học Chicago) và GS Pierre Darruilat (chuyên gia Vật lý người Pháp hiện đang công tác tại Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam), GS Nguyễn Xuân Phúc (lĩnh vực Vật lý), GS Châu Văn Minh (lĩnh vực Hóa học), PGS Đặng Quang Á (lĩnh vực KHMT), GS Phan Tuấn Nghĩa (lĩnh vực Khoa học sự sống), GS Trần Trọng Hòa (lĩnh vực Khoa học trái đất), PGS Phạm Chí Vĩnh (Lĩnh vực Cơ học kỹ thuật).

Có 43 hồ sơ đăng ký tham dự Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015. Ngoài các đại diện Hội đồng khoa học ngành của Quỹ, Hội đồng giải thưởng có sự tham gia của giáo sư Vũ Hà Văn (Đại học Yale) và giáo sư Pierre Darruilat.

Các nhà khoa học được trao tặng giải thưởng bao gồm GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (Lĩnh vực Toán học – Giải thưởng 2014) và PGS.TS Nguyễn Bá Ân (Lĩnh vực Vật lý – Giải thưởng 2014). GS. TSKH. Đinh Dũng (Lĩnh vực Khoa học máy tính và thông tin – Giải thưởng 2015), GS. TSKH. Nguyễn Đông Yên (Lĩnh vực Toán học – Giải thưởng 2015), PGS. TS Trần Thanh Hải (Lĩnh vực Khoa học trái đất và môi trường – Giải thưởng 2015), PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp (Lĩnh vực Toán học – Giải thưởng NKH trẻ 2015). Lễ trao Giải thưởng 2014 và 2015 được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham dự và phát biểu tại các Lễ trao Giải thưởng.

Số tiền thưởng mỗi giải thưởng chính là 200 triệu đồng và mỗi giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ là 50 triệu đồng (đối với Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2014 và 2015). Nguồn kinh phí làm giải thưởng các năm 2014 và 2015 đều từ nguồn xã hội hóa, với sự đóng góp, ủng hộ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản.

Giải thưởng đã được lãnh đạo Bộ KH&CN quan tâm, vận động để đảm bảo nguồn kinh phí thỏa đáng, tôn vinh nỗ lực làm việc, cống hiến của các nhà khoa học. Giải thưởng được tổ chức và đảm bảo kinh phí hằng năm đã thể hiện sự úng hộ, khuyến khích của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản có chất lượng.

Thanh Hà, nguyenthanhha@gmail.com – 14:04
Chào GS Đinh Dũng, GS đã ngồi qua các Hội đồng chuyên ngành xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu trước đây, sẽ tham gia Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay với tư cách Chủ tịch HĐKH ngành Khoa học Máy tính và Thông tin và năm ngoái đã được tăng giải thưởng này. Vậy GS có thể đánh giá thế nào quy trình xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu?

GS.TSKH Đinh Dũng
GS.TSKH Đinh Dũng – 14:28
Quy trình xét chọn là chặt chẽ, khoa học, công khai và minh bạch. Đây là giải thưởng duy nhất có Hội đồng xét chọn chỉ gồm các nhà khoa học tiêu biểu, không có sự tham gia của các nhà quản lý thuần túy.Thành phần Hội đồng gồm bảy chủ tịch hội đồng ngành do cộng đồng các nhà khoa học bầu lên và thường có thêm hai nhà khoa học có uy tín quốc tế.Các công trình được đánh giá qua uy tín của tạp chí chuyên ngành mà công trình đã được đăng và nội dung khoa học nổi trội của công trình dựa trên ý kiến của các phản biện và được các hội đồng khoa học chuyên ngành của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia sơ tuyển. Mỗi công trình đều được gửi xin đánh giá của hai nhà khoa học đầu ngành trong nước và từ một đến ba nhà khoa học có uy tín trên thế giới.

Và cuối cùng, các công trình được  tặng giải thưởng đều nằm trong top 3% danh mục hàng trăm các tạp chí ISI có uy tín trong từng chuyên ngành và mỗi công trình đều có những kết quả đỉnh cao tầm cỡ quốc tế.

Hải Anh, Anhpth@gmail.com – 14:06
Thưa giáo sư Đinh Dũng, được biết hiện nay có rất nhiều giải thưởng tôn vinh các công trình khoa học, vậy đâu là điểm khác biệt giữa Giải thưởng Tạ Quang Bửu và các giải thưởng khác, thưa GS?

GS.TSKH Đinh Dũng – 14:28
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng quốc gia đầu tiên vinh danh các nhà khoa học có công trình khoa học  xuất sắc mang tầm thế giới trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên. Như vậy, người được giải thưởng phải được không chỉ cộng đồng khoa học trong nước mà cả cộng đồng khoa học thế giới công nhận là có đóng góp xuất sắc thật sự cho khoa học.

Điều đặc biệt là giải thưởng này không tặng vì thành tích nghiên cứu trong cả một quá trình, mà tặng cho nhà khoa học có đóng góp chính trong một công trình khoa học xuất sắc duy nhất. Chính vì thế mà cơ hội được tặng giải thưởng đối với các nhà khoa học lão thành đã nổi tiếng và các nhà khoa học trẻ là bình đẳng như nhau. Giải thưởng Tạ Quang Bửu chỉ tặng cho cá nhân nhà khoa học, không tặng cho cả tập thể tác giả của một công trình khoa học.  Vai trò chủ chốt trong công trình nghiên của nhà khoa học được tặng giải có ý nghĩa quyết định.

Chính vì thế mà mới ra đời được ba năm, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã có uy tín trong giới khoa học và công nghệ. Bản thân nhà khoa học được nhận Giải thưởng cũng cảm thấy rất vinh dự.

Bảo Nam, Namnb70@gmail.com – 14:10
Được biết chỉ tính năm năm lại đây, GS Đinh Dũng là chủ nhiệm của ba đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, tác giả của 15 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín. Đặc biệt, có hai công trình lớn được đăng trên “Nền móng của Toán học Tính toán”, một trong các tạp chí chuyên ngành hàng đầu. Ông có mất nhiều thời gian, tâm sức không ạ? Tôi tò mò lịch làm việc một ngày của GS ạ?

GS.TSKH Đinh Dũng – 14:47
Tôi không chỉ mất nhiều thời gian, tâm sức mà nhiều khi còn bị ảnh hưởng đến cả sức khỏe. Nhưng những điều này không làm tôi chùn bước trên con đường khoa học. Kế hoạch nghiên cứu của tôi đã được vạch sẵn đến năm tôi 70 tuổi. Tưởng như nghịch lý, nhưng cũng chính nhờ hoạt đông khoa học mà tôi mới có được sức khỏe như ngày hôm nay.Lịch làm việc một ngày của tôi tương đối đơn điệu. Trung bình tôi làm việc 8 tiếng một ngày, trong đó 6 tiếng chỉ dành cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa, thời gian trí óc minh mẫn nhất. Thời gian còn lại, tôi dùng để làm việc với nghiên cứu sinh, học viên cao học, trao đổi thư điện tử về công việc với các đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Để có sức khỏe cho công việc nghiên cứu, sau giờ làm việc tôi tập thể thao một tiếng:  bơi vào mùa hè và chạy vào mùa đông.Hải Hà, phanhaiha89@gmail.com – 14:08
Thưa GS Đinh Dũng, nhiều bạn trẻ hiện nay bỏ nghiên cứu ở các viện, trường để ra làm ngoài vì làm nghiên cứu cơ bản lương thấp, nhiều rủi ro. Là một người nghiên cứu cơ bản trong hơn 40 năm, ông có chia sẻ gì về vấn đề này không ạ?

GS.TSKH Đinh Dũng – 14:48
Đúng là nhiều bạn trẻ đã bỏ nghiên cứu khoa học để làm kinh doanh hoặc các việc khác, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc mưu sinh… Đây cũng là điều tự nhiên của cuộc sống. Để có thể trở thành một nhà khoa học chuyên nghiệp, phải thực sự say mê khoa học, tin tưởng công việc mình làm có ích cho xã hội, chấp nhận khó khăn túng thiếu và có nghị lực để vượt qua…

Hoạt động nghiên cứu khoa học của tôi không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đã có một thời gian tôi kết hợp công việc này với công tác quản lý, nhưng không được thành công lắm. Nhưng chính điều này đã giúp tôi hiểu ra rằng chỉ nên dành cuộc đời của mình cho khoa học. Cũng chính điều này cùng với niềm tin vào bản thân đã giúp tôi có thành công nhất định trong các công trình nghiên cứu.

Thanh Huyền, Huyennctv.bc@gmail.com – 15:47
Thưa ông Đỗ Tiến Dũng, tôi làm nghiên cứu về thực vật học, cơ hội để nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu có cao không ạ? Giải thưởng có cơ cấu cho các lĩnh vực không, thưa ông?

Ông Đỗ Tiến Dũng – 14:49
Giải thưởng Tạ Quang Bửu được xét tặng đối với các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, như vậy các nghiên cứu về thực vật học (thuộc Ngành Khoa học sự sống – Khoa học tự nhiên) là hợp lệ, có thể được xem xét để trao tặng giải thưởng.

Quy chế hiện hành không phân chia, cơ cấu giải thưởng theo các lĩnh vực khác nhau. Hội đồng giải thưởng, gồm các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực nghiên cứu, sẽ xem xét các đề xuất từ các hội đồng khoa học chuyên ngành (theo các lĩnh vực) để lựa chọn nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc nhất, đề xuất trao tặng giải thưởng.

Giải thưởng được tổ chức hằng năm cũng tạo điều kiện xem xét các kết quả nghiên cứu mới. Bên cạnh đó, giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ tạo điều kiện vinh danh các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi).

Lan Trâm, Lantramnnnt@yahoo.com.vn – 09:49
Thưa PGS Trần Thanh Hải, chú đánh giá như nào về sự phát triển của nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam mấy năm gần đây so với trước kia ạ?


PGS.TS Trần Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ – Địa chất

PGS.TS Trần Thanh Hải – 14:59

Trong những năm vừa qua, sự ra đời của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã thổi làn gió mới vào sự phát triển của nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam và đã đưa đến những kết quả ngoạn mục. Đó là số lượng những đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản tăng lên rất nhiều. Nhiều nhà khoa học trẻ được tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và nhiều kết quả nghiên cứu mới đã ra đời, thể hiện trong số lượng tăng vọt của các xuất bản đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (trong danh mục ISI) trong những năm qua.

Mai An, lemaian5566@gmail.com – 09:46
Thưa GS Đinh Dũng, các công trình được vinh danh ở Giải thưởng Tạ Quang Bửu được đánh giá là mang tầm quốc tế, vậy ngành Khoa học máy tính và Thông tin năm nay có nhiều công trình mang tầm quốc tế không ạ?

GS.TSKH Đinh Dũng – 15:01
Tuy không phải tất cả các công trình mang tầm cỡ quốc tế đều được tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu và tuy ngành Khoa học máy tính và Thông tin so với các ngành như vật lý, toán học thì số lượng công trình mang tầm quốc tế vẫn còn khiêm tốn, nhưng số lượng năm nay so với năm trước thì càng ngày càng tăng và điều này là một dấu hiệu đáng mừng.

Đặc biệt, trong số các tác giả của bài báo mang tầm cỡ quốc tế thì có rất nhiều gương mặt trẻ.

Quang Hung, Hungnuce@gmail.com – 09:24
Thưa GS Nguyễn Đức Chiến, có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên tập trung vào nghiên cứu ứng dụng thay vì nghiên cứu cơ bản. Ông đánh giá như nào về ý kiến này? Theo ông, vai trò của nghiên cứu cơ bản hiện nay như nào?

GS.TS Nguyễn Đức Chiến – 15:04
Không nên đối lập giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Nghiên cứu cơ bản là tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng, các thành tựu của nghiên cứu ứng dụng đều xuất phát từ nghiên cứu cơ bản. Có thể ban đầu, nghiên cứu cơ bản không nhằm vào ứng dụng thực tiễn cụ thể, nhưng nó lại cho ra những kết quả nghiên cứu ứng dụng rất tốt.

Nghiên cứu cơ bản là rất cần thiết của Việt Nam. Việc nghiên cứu cơ bản chính là tạo nên một môi trường làm việc cho các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là trong các trường đại học. Có nghiên cứu cơ bản thì chúng ta mới thu hút, lôi kéo về, và giữ được chân các nhà khoa học trẻ tài năng. Chính những người đó là những người sẽ tham gia đào tạo nhân lực trình độ cao, đào tạo ra những kỹ sư, những người sẽ sáng tạo ra công nghệ, chứ không phải là đào tạo ra kỹ thuật viên.

Kinh nghiệm của tất cả các nước là, nếu muốn có được ứng dụng khoa học, phải có các phát minh, phát hiện. Thậm chí nếu những phát minh, phát hiện đó đã được thực hiện bởi nước ngoài, nhưng vẫn cần những người làm nghiên cứu cơ bản để có thể ứng dụng tại Việt Nam.

Cho nên hiện nay, dù điều kiện kinh tế của Việt Nam có hạn chế, nhưng không thể coi nhẹ nghiên cứu cơ bản, không những trước mắt mà cả tương lai lâu dài, để chúng ta có được những công nghệ của riêng mình.

Nhà nước đã có những quan tâm hơn đến nghiên cứu cơ bản, từ việc thành lập quỹ Hỗ trợ phát triển KHCN Quốc gia, và đã có tác động lớn với việc thu hút cán bộ khoa học trẻ Việt Nam đào tạo ở nước ngoài về, tăng đáng kể những kết quả khoa học ở Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Gần đây nhất, Nhà nước đã đầu tư cho 2 chương trình phát triển toán và vật lý. Dù vậy, vẫn có sự chênh lệch giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Cần phải có sự thay đổi trong tư duy của các nhà quản lý nữa, để nghiên cứu cơ bản tiếp tục được quan tâm hơn nữa.

Quỳnh Tâm, quynhtamnguyen080301@gmail.com – 09:30
Thưa GS nguyễn Đức Chiến, GS có thể cho biết, Hội đồng khoa học ngành Vật lý của Giải thưởng năm nay có những ai ạ? Có nhà khoa học nước ngoài nào không ạ?

GS.TS Nguyễn Đức Chiến, giảng viên cao cấp của Viện Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

 

GS.TS Nguyễn Đức Chiến – 15:05
Giải thưởng Tạ Quang Bửu là dành cho người Việt Nam, và thực hiện công trình khoa học tại Việt Nam, vì vậy sẽ không có người nước ngoài đăng ký tham dự. Họ có thể là đồng tác giả của một công trình nghiên cứu nào đó.Năm nay, ngành Vật lý có 3 đề cử. Tôi chưa thể tiết lộ thông tin chi tiết.Mạnh Cường, Cuongdungnguyen@gmail.com – 15:43
PGS.TS Trần Thanh Hải: Chào chú Hải, mấy năm gần đây cháu thấy nhiều anh chị đồng nghiệp hay gửi hồ sơ lên Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Chú đã thực hiện đề tài nghiên cứu nào của Quỹ chưa ạ? Theo chú, cơ chế có thông thoáng hơn hay không? Lĩnh vực khoa học địa chất có nhiều cơ hội nhận được đề tài không ạ?

PGS.TS Trần Thanh Hải – 15:07

Tôi đã thực hiện thành công một đề tài do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia tài trợ và chính kết quả của đề tài đã dẫn tới công trình được giải thưởng Tạ Quang Bửu 2015.

Bản thân tôi cũng được tham gia vào hoạt động của Quỹ với tư cách là thành viên Hội đồng Khoa học Trái Đất và Môi trường của Quỹ. Qua quá trình tham gia hội đồng cho thấy hoạt động của Quỹ có một cơ chế rất công bằng và thông thoáng, hỗ trợ tối đa cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu đối với các đề tài nghiên cứu được Quỹ tài trợ.

Đối với lĩnh vực khoa học địa chất, đây là một lĩnh vực có nhiều cơ hội để nhận được tài trợ của Quỹ và thực tế đã có rất nhiều đề tài đã và đang được Quỹ tài trợ cho nghiên cứu ở Việt Nam về khoa học địa chất.

Tuấn Anh, Vutuananh@yahoo.com.vn – 15:42
PGS.TS Trần Thanh Hải, ông có thể chia sẻ hướng nghiên cứu của mình trong thời gian tới hay không?

PGS.TS Trần Thanh Hải – 15:09
Tôi vẫn theo đuổi hai hướng nghiên cứu chính:

-Thứ nhất là tiếp tục các nghiên cứu cơ bản nhằm tìm ra các dữ liệu và quy luật địa chất của các khu vực trên lãnh thổ Việt Nam và lân cận, từ đó khôi phục lịch sử tiến hóa địa chất của lãnh thổ Việt Nam trên cơ sở các học thuyết và lý thuyết hiện đại của thế giới, góp phân đem lại những hiểu biết mới về địa chất Việt Nam và đào tạo các nhà chuyên môn trong lĩnh vực địa chất học.

-Thứ hai là triển khai các nghiên cứu mang tính ứng dụng, phục vụ trực tiếp cho một hoạt động kinh tế như tham gia vào các chương trình tìm kiếm và sử dụng bền vững tài nguyên  địa chất, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai.

Hồng Hà, honghale6889@gmail.com – 09:38
Thưa GS Nguyễn Đức Chiến, Nhiều nhà khoa học thường khó tiếp cận đề tài, dự án. Chú thấy điều này có đúng không? Bây giờ cơ hội tiếp cận đề tài, dự án có dễ dàng hơn trước đây không ạ?

GS.TS Nguyễn Đức Chiến – 15:09
Thực ra, nói các nhà khoa học khó tiếp cận đề tài, dự án là không hoàn toàn đúng. Nếu các nhà khoa học làm việc tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, thì việc tiếp cận với đề tài dự án là không khó. Hàng năm, các đợt thông báo kêu gọi đề xuất, tuyển chọn các đề tài, dự án của các Bộ, ngành và các địa phương đều được gửi thông báo về các đơn vị.Đối với các nhà khoa học tự do, họ hoàn toàn có thể tìm hiểu tại Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia theo đường link này: https://www.nafosted.gov.vnNgọc Mai, Phungngocbctt@yahoo.com.vn – 15:40
PGS.TS Trần Thanh Hải: PGS đánh giá như nào về ngành địa chất Việt Nam hiện nay so với khu vực ạ?

PGS.TS Trần Thanh Hải – 15:11
Ngành địa chất của Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ và có thể nói rằng trong thời gian gần đây đã đạt trình độ tương đương khu vực, trong đó có một số lĩnh vực nghiên cứu tiệm cận đến trình độ quốc tế. Chúng ta có một hệ thống đào tạo, nghiên cứu và một đội ngũ các nhà địa chất thuộc loại đẳng cấp trong khu vưc.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là do thiếu nhiều thiết bị nghiên cứu tiên tiến, thiếu một đội ngũ các nhà chuyên môn và chuyên gia có trình độ cao, nên các nghiên cứu của chúng ta vẫn còn phần lớn là định tính. Số lượng các công trình nghiên cứu về khoa học địa chất được công bố trên các tạp chí uy tín trên thế giới (chẳng hạn thuộc danh mục ISI) hay việc trham gia của các nhà địa chất Việt Nam vào các diễn đàn khoa học địa chất quốc tế còn rất khiêm tốn.

Trong bối cảnh nên khoa học địa chất thế giới đã đi vào định lượng hóa cao độ như hiện nay, nếu chúng ta không có những đầu tư thích đáng để xây dựng đội ngũ, xây dựng các hệ thống phòng thí nghiệm và thiết bị nghiên cứu hiện đại và đồng bộ thì các nghiên cứu địa chất theo chiều sâu sẽ có nguy cơ thụt lùi so với một số quốc gia trong khu vực và thế giới.

Ngọc Hà, Hoangngocha.vtc@gmail.com – 15:52
Ông Đỗ Tiến Dũng: Trình độ nghiên cứu cơ bản của Việt Nam hiện nay ở vị trí nào so với thế giới và khu vực Đông Nam Á?

Ông Đỗ Tiến Dũng – 15:12
Không dễ để đánh giá trình độ nghiên cứu cơ bản của một quốc gia. Các yếu tố liên quan trực tiếp bao gồm nguồn nhân lực, môi trường và tổ chức nghiên cứu, kết quả nghiên cứu v.v… Một cách đơn giản và trực quan nhất, chúng ta có thể xem xét kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản trong đó các công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, là chỉ số tin cậy, thường được sử dụng để đánh giá.

Theo số liệu của Cục thông tin KH&CN quốc gia năm 2015, trong giai đoạn 2013-2015, số lượng các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học được xếp hạng trong CSDL Web of Science có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam hằng năm trong khoảng 2000-3000 bài báo. Số lượng này lớn hơn gấp 2 lần nếu so với giai đoạn 5 năm trước đó. So sánh với các nước trong khu vực, số lượng công bố của Việt Nam xếp dưới Singapore, Malaysia và Thái Lan, nhưng cao hơn Indonesia, Philippines. Chỉ số mức độ ảnh hưởng của các bài báo cũng ở nhóm dẫn đầu trong khu vực.

Nguyễn Văn Chung, Sinhviencautien@yahoo.com.vn – 15:51
Ông Đỗ Tiến Dũng: Được biết, năm 2015, Việt Nam tăng 19 bậc về chỉ số đổi mới sáng tạo trên bảng xếp hạng so với 2014, đứng thứ 52 trên tổng số 141 nền kinh tế (năm 2014 Việt Nam xếp thứ 71 trên thế giới). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong Top 3, chỉ sau Singapore và Malaysia (vượt qua Thái Lan). Nghiên cứu cơ bản đóng góp như nào vào vấn đề này, thưa ông?


Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia – Cơ quan thường trực Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Ông Đỗ Tiến Dũng – 15:13

Việc tăng mạnh mẽ thứ hạng của chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2015 là một điều đáng mừng đối với hoạt động KH&CN của đất nước. Hy vọng chúng ta sẽ có sự ổn định đối với các năm tiếp theo.
Đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo sử dụng nhiều tiêu chí thuộc 7 nhóm yếu tố khác nhau (Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Thị trường, Môi trường kinh doanh, Kết quả KH&CN, Kết quả sáng tạo). Theo các tiêu chí chi tiết, nghiên cứu cơ bản đóng góp trực tiếp đối với yếu tố Nguồn nhân lực và nghiên cứu, và Kết quả KH&CN.

Các yếu tố này, theo đánh giá về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt nam, đều có sự tăng tiến trong 3 năm vừa qua.

Hoàng Quân, Hoangvanquansvnn@yahoo.com.vn – 15:48
Ông Đỗ Tiến Dũng: Đến thời điểm hiện tại, Giải thưởng nhận được bao nhiêu hồ sơ, hồ sơ của lĩnh vực nghiên cứu nào là nhiều nhất ạ? Số lượng hồ sơ của các nhà khoa học trẻ tham dự có nhiều không ạ?

Ông Đỗ Tiến Dũng – 15:14
Đợt tiếp nhận hồ sơ đề xuất Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016, Quỹ nhận được 49 hồ sơ, trong đó có nhiều đề xuất trong lĩnh vực Vật lý (11 hồ sơ), Hóa học, Y sinh – dược học (6-7 hồ sơ). Tất cả các lĩnh vực nghiên cứu trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật đều có hồ sơ tham dự. Số lượng đề xuất đối với giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ là 19 hồ sơ.

Việc giải thưởng được tổ chức hàng năm nhằm thường xuyên động viên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản. Tuy nhiên, cũng có lo lắng là có thể số lượng các hồ sơ đề xuất, tham dự giải thưởng sẽ giảm đi theo các năm. Chúng tôi rất vui mừng thấy rằng số lượng hồ sơ đề xuất vẫn tương đối ổn định (khoảng 50 hồ sơ) trong các năm 2014-2016. Điều này phản ánh hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản sôi nổi trong những năm gần đây, cũng như cho thấy sự ủng hộ, hưởng ứng của các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN đối với Giải thưởng.

Dương An, Hoangduongantbvn@gmail.com – 09:44
Thưa GS Đinh Dũng, Hội đồng khoa học ngành Khoa học Máy tính và Thông tin năm nay có nhiều công trình tham gia xét chọn không ạ? Ông đánh giá như nào về chất lượng các công trình năm nay? Liệu ngành Khoa học Máy tính và Thông tin có thể nhận giải thưởng năm nay không ạ?

GS.TSKH Đinh Dũng – 15:15
Năm nay, ngành khoa học máy tính và thông tin có bốn nhà khoa học đăng ký tham gia xét thưởng giải thưởng Tạ Quang Bửu, trong đó có một nhà khoa học đăng ký giải thưởng trẻ. Hội đồng khoa học ngành khoa học máy tính và thông tin thuộc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia đã đánh giá sơ tuyển cả bốn hồ sơ này.

Hội đồng nhận xét bốn công trình này đều mang tầm quốc tế, có chất lượng tương đối tốt. Tuy nhiên, cả bốn công trình này đều không qua được vòng sơ tuyển. Bạn có thể xem thêm chi tiết tại website của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia.

Duy Phương, Namduyphuong@yahoo.com.vn – 14:54
Thưa ông Đỗ Tiến Dũng, Quỹ Phát triểni Khoa học và Công nghệ Quốc gia được các nhà khoa học đánh giá cao. Vậy thời gian tới, quỹ có mở rộng phạm vi tài trợ không ạ?

Ông Đỗ Tiến Dũng – 15:16
Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu từ năm 2009. Trong giai đoạn đầu hoạt động, Quỹ tập trung nguồn lực cho chương trình nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật, Khoa học xã hội và nhân văn. Các chương trình tài trợ của Quỹ đã đạt được một số kết quả trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và năng lực nguồn nhân lực KH&CN.

Trong thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục mở rộng chương trình nghiên cứu cơ bản, hướng tới nâng cao chất lượng và tăng cường hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Quỹ sẽ triển khai chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN quốc gia”, trong đó tập trung vào các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu (trao đổi học thuật; công bố, đăng ký kết quả nghiên cứu), chú trọng hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, góp phần xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh. Các chương trình tài trợ nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ tín dụng khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu cũng sẽ được triển khai nhằm thúc đẩy các hoạt động triển khai KH&CN vào thực tế đời sống, sản xuất.

Lan Anh, Lananhtrinhtbkt@gmail.com – 09:27
Thưa chú Chiến, năm nay, có bao nhiêu hồ sơ ngành vật lý tham dự Giải thưởng Tạ Quang Bửu rồi ạ? Khả năng ngành vật lý ẵm giải năm nay cao không ạ?

GS.TS Nguyễn Đức Chiến – 15:17
Năm nay có 3 đề cử của ngành vật lý tham dự giải thưởng Tạ Quang Bửu. Trong đó, 2 người đăng ký cho giải chính và 1 người đăng ký cho giải trẻ.

Hai nghiên cứu về vật lý lý thuyết và một nghiên cứu về thực nghiệm. Các công trình đều được đăng trên các tạp chí rất có uy tín của các chuyên ngành.

Đặc biệt, một công trình là vật lý thực nghiệm được lượng trích dẫn rất cao. Công trình này hoàn toàn là của người Việt Nam, thực hiện ở Việt Nam.

Mộc Trà, Trahoalinhctv@gmail.com – 14:39
PGS.TS Trần Thanh Hải: Nghiên cứu địa chất có phải đi nhiều không ạ? Công việc này có vất vả không, thưa chú. Nếu cháu muốn đi theo con đường nghiên cứu địa chất, chú có lời khuyên gì cho cháu không ạ?


PGS.TS Trần Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ – Địa chất.

 

PGS.TS Trần Thanh Hải – 15:19
Trước hết, tôi muốn đính chính câu hỏi là nghiên cứu địa chất có được đi nhiều không ạ chứ không phải phải đi nhiều như bạn hỏi. Về vấn đề này, xin giải thích cho bạn như sau:Trước hết, cần thấy rằng đối tượng nghiên cứu của địa chất học nói chung gồm nhiều lĩnh vực khác nhau với các đối tượng nghiên cứu hết sức khác nhau, từ các hành tinh đến các phân tử, từ trên bề mặt tới sâu trong nhân trái đất và nghiên cứu địa chất luôn được bắt đầu với việc nắm bắt thông tin về đối tượng nghiên cứu. Do vậy, nhiều cách thức khác nhau được sử dụng để tiếp cận đối tượng nghiên cứu trong đó có các quan sát  từ vũ trụ tới các nghiên cứu cực kỳ tinh vi trong phòng thí nghiệm. Như vậy, ứng với mỗi đối tượng thì việc quan sát sẽ rất khác nhau, từ rất xa (trên vũ trụ), đi nhiều nơi trên khắp thế giới để thu thập thông tin, đi sâu vào lòng đất hoặc chỉ ngồi trong các phòng thí nghiệm.Tuy nhiên, bất cứ một nghiên cứu địa chất nào cũng cần có các kiểm chứng thực địa hoặc cần các số liệu thực đia nên các nhà địa chất thường có cơ hội được đi nhiều nơi để thực hiện các nghiên cứu của mình.

Đối với cá nhân tôi, do đặc thù của nghiên cứu gắn liền với thu thập các thông tin, số liệu, mẫu vật ở thực tế nên tôi được đi nhiều nơi khi triển khai thực hiện các đề tài. Ngoài ra, do có một số đề tài hợp tác quốc tế nên tôi cũng có dịp đến nhiều miền đất khác nhau trên thế giới. Đối với tôi, được làm địa chất là một sự may mắn và đi làm địa chất là “Được” đi chứ không là “Phải” đi!
Về sự vất vả khi làm địa chất thì theo tôi trong tất cả các công việc, nếu làm thực sự đều có những vất vả riêng. Làm khoa học nói chung và làm địa chất cũng như vậy, đều khó và đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của người làm khoa học.

Nếu bạn muốn đi theo con đường nghiên cứu địa chất, thì lời khuyên đầu tiên đó là phải có sự đam mê, yêu thích và tìm hiểu về tự nhiên, về sự hình thành và vận động của Trái đất; sau đó cần một nghị lực để có thể thực hiện những công việc  của mình một cách bền bỉ, cần có đủ bản lĩnh để chấp nhận những thách thức và đôi khi cả thất bại, cần có đủ tri thức và kỹ năng ngoại ngữ để tiếp cận và tiếp thu các kiến thức tiên tiến của thế giới, cần có cả sự sáng tạo, cần cù và nhẫn nại, và cần cả những kỹ năng cơ bản để sống trong những môi trường không quen thuộc (thực địa, xa xôi, hẻo lánh…) và cuối cùng là sức khỏe nữa.

Thành Chung, Thanhchungtbtc@gmail.com – 09:26
Được biết GS Nguyễn Đức Chiến là Chủ tịch Hội đồng ngành vật lý của Giải thưởng Tạ Quang Bửu, ông đánh giá như nào về chất lượng các hồ sơ tham dự Giải thưởng Tạ Quang Bửu qua các năm?

GS.TS Nguyễn Đức Chiến – 15:20
Vì giải thưởng mới được xét trong 2 năm, nên chưa thể so sánh chính xác chất lượng của các hồ sơ tham dự. Tuy nhiên, xu hướng là chất lượng của các hồ sơ tham dự sẽ tăng dần theo từng năm.

Vân Anh, vananhho92@gmail.com – 14:15
Là người nghiên cứu khoa học nhiều năm, GS.TS Phan Tuấn Nghĩa đánh giá như nào về Giải thưởng Tạ Quang Bửu? Bản thân ông có dự định sẽ tham dự giải thưởng này không ạ?

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa – 15:21
Là người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và cũng đã được Bộ KHCN 2 lần mời tham gia Hội đồng xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu, tôi đánh giá rất cao mục tiêu, ý nghĩa cũng như các tiêu chí, quy trình, cách thức tổ chức xét chọn của giải thương.

Chính vì vậy, những nhà khoa học được tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu thật sự là những người đã có những công trình nghiên cứu rất nổi bật và họ xứng đáng được vinh danh.

Bản thân tôi và nhóm nghiên cứu hàng năm cũng có những công trình công bố trên tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, với những điều kiện nghiên cứu thực nghiệm hiện tại, chúng tôi chưa thể công bố các công trình trên tạp chí đỉnh cao. Vì vậy, trong một vài năm tới, chúng tôi chưa thể có những công trình đỉnh cao để tham gia giải thưởng.

Còn khi điều kiện nghiên cứu thực nghiệm tốt hơn, thì tôi nghĩ chúng tôi có thể có những công trình xứng tầm.

Truong Anh Tuan, tuanta@habeco.com.vn – 14:37
Kính gửi Giáo sư Phan Tuấn Nghĩa, xin anh cho biết Hội đồng Khoa học đánh giá yếu tố công trình có yếu tố nước ngoài (được thực hiện ở nước ngoài) căn cứ vào những tiêu chuẩn nào?


GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ Enzym và Protein.
GS.TS Phan Tuấn Nghĩa – 15:25
Thứ nhất, Hội đồng sẽ căn cứ vào tập thể những người thực hiện các đề tài đó, cũng như vị trí, vai trò của các tác giả trong công trình công bố.Ngoài ra, Hội đồng cũng sẽ căn cứ vào nguồn quỹ tài trợ cho nghiên cứu được ghi rõ trong công trình công bố.Một yếu tố quan trọng nữa là khi xem xét nội dung và kết quả của công trình thì các nhà khoa học đều biết rằng một số nội dung nghiên cứu chỉ có thể thực hiện khi có các hệ thống phân tích phù hợp và đủ hiện đại, có chuyên gia thích hợp.

Trần Thế, tranthe68@gmail.com – 14:18
Thưa GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, năm nay, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiều công trình tham gia xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu không ạ? Ông có nghĩ trường Đại học Khoa học Tự nhiên sẽ tiếp tục có giải hay không?

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa – 15:29
Trường đại học KHTN – ĐH QG Hà Nội từng có GS, TS Khoa học Nguyễn Hữu Việt Hưng được tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu về lĩnh vực Toán học năm 2014.

Trong năm 2015, trường cũng có 1 nhà khoa học gửi công trình tham gia giải thưởng trẻ. Tuy vậy, công trình này không được trao giải.

Năm 2016, trường có 2 nhà khoa học đăng kí tham gia xét thưởng. Một nhà khoa học đăng kí giải thưởng chính lĩnh vực Khoa học trái đất và môi trường, và một nhà khoa học đăng kí giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ lĩnh vực Toán học.

Theo thông tin từ Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia, một công trình đăng kí giải thưởng chính đã được Hội đồng đề cử xét chọn. Kết quả của việc xét chọn sẽ được Bộ KH&CN công bố trong thời gian tới.

Mai Hạnh, truongmaihanhNT@gmail.com – 16:14
Thưa GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, tôi nhớ nhiều năm trước đây, Đại học Tổng hợp (bây giờ là Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó có Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) là lựa chọn hàng đầu cho các thí sinh thi đại học. Điểm thi vào cũng khá cao. Tuy nhiên, bây giờ tôi thấy xu hướng có vẻ ngược lại. Ngày càng ít thí sinh lựa chọn thi vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Phải chăng những người đam mê nghiên cứu ngày càng ít hay cơ chế chính sách của chúng chưa thu hút được những người giỏi đam mê nghiên cứu?

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa – 15:49
Đúng, trường ĐH Tổng hợp trước đây, nay là trường ĐH KHTN – ĐH QGHN là niềm mơ ước và tự hào của nhiều thế hệ sinh viên.

Cũng dễ hiểu thôi, trong một nền kinh tế thị trường, khi mức thu nhập của người dân còn thấp thì người học thường tìm đến những ngành học dễ tìm việc làm và có thu nhập tốt.

Mặc dù, số thí sinh chọn các ngành khoa học cơ bản ở các trường ĐH có giảm so với trước đây nhưng Trường ĐH KHTN cũng rất mừng và tự hào là vẫn có một tỉ lệ cao các sinh viên xuất sắc (tức là những sinh viên đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, những sinh viên có kết quả thi ĐH cao) chọn Trường để học tập.

Thực tế, Trường chúng tôi cũng có một số ngành cơ bản có tỉ lệ thí sinh dự thi chưa cao. Nhưng, bên cạnh đó, cũng có nhiều ngành như: Công nghệ sinh học, Hóa dược, Công nghệ môi trường… vẫn có sự cạnh tranh đầu vào rất cao.

Nhận định cho rằng “những người đam mê nghiên cứu ngày càng ít hay cơ chế chính sách chưa thu hút được những người giỏi đam mê nghiên cứu” cũng đúng một phần. Người làm khoa học hay nghệ thuật hay bất cứ một loại hình nghề nghiệp nào cũng cần một môi trường, điều kiện phù hợp mới phát triển tốt.

Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt chương trình nghiên cứu cơ bản trong Toán học, Vật lý, và sắp tới, như tôi biết, Bộ KH&CN sẽ trình để Chính phủ phê duyệt chương trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất. Những chương trình này cùng với những chương trình đầu tư của Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học cơ bản phát huy tốt những năng lực và thế mạnh của mình, qua đó có những đóng góp nổi bật cho sự phát triển của đất nước.

Thành, hathanh77@gmail.com – 16:13
Bản thân vừa là một nhà quản lý, vừa là một nhà nghiên cứu, GS.TS Phan Tuấn Nghĩa đánh giá như nào về những khó khăn mà các nhà nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam đang gặp phải? Theo ông cần có những chính sách như nào để tháo gỡ khó khăn cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam?

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa – 15:51
Khó khăn chính mà các nhà khoa học cơ bản Việt Nam gặp phải là kinh phí đầu tư cho nghiên cứu cơ bản còn thấp. Chính vì vậy, sự ra đời của Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia là sự hỗ trợ có tính đột phá cho các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ.

Tuy nhiên, mức đầu tư của Quỹ cho nghiên cứu cơ bản vẫn rất thấp so với đầu tư cho nghiên cứu cơ bản ở các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Khó khăn thứ hai, đối với các nghiên cứu cơ bản liên quan đến thực nghiệm, mặc dù, trong những năm gần đây, một số cơ sở đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung, chúng ta vẫn thiếu những hệ thống thiết bị, phòng thí nghiệm đồng bộ, hiện đại.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cơ bản cũng cần những hệ thống mẫu chuẩn. Ví dụ như trong lĩnh vực Khoa học sự sống thì hệ thống các sinh vật chuẩn, các sinh vật biến đổi các gen xác định để làm mô hình cho nghiên cứu là hết sức cần thiết. Thiếu những điều kiện này, thì các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực thực nghiệm khó có được những công trình mang tính hệ thống và chất lượng cao.

Theo tôi, để tháo gỡ những khó khăn cho các nhà nghiên cứu cơ bản, trước hết nghiên cứu cơ bản cần được đánh giá đúng vị trí, vai trò của nó. Đó là khoa học nền tảng, hết sức cần thiết cho sự phát triển khoa học công nghệ hay là khoa học ứng dụng.

Theo đó, cần có sự tăng cường đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất, đủ đồng bộ và hiện đại, đi cùng việc tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của nhà khoa học.

Minh VV, NCCB@gmail.com – 14:31
Xin ông cho biết, nếu tôi đồng thời nộp hồ sơ xét Giải Chính và Giải trẻ trong cùng 1 hội đồng khoa học ngành để xem xét thì có coi là hợp lệ không? Phương thức xét như thế nào?

Ông Đỗ Tiến Dũng – 15:52
Theo quy chế của Giải thưởng, trường hợp nộp hồ sơ đối với Giải chính và Giải trẻ là hợp lệ. Trường hợp bạn đăng ký 2 giải thưởng cho hai công trình khác nhau, hội đồng ngành sẽ xem xét, đề xuất một cách độc lập theo các tiêu chí đánh giá.

Trường hợp đăng ký 2 giải thưởng cho cùng một công trình, hội đồng ngành xem xét, đề xuất không quá 1 giải thưởng lên hội đồng giải thưởng.

Nguyễn Hằng, maihangnguyen@gmail.com – 16:12
Thưa GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, công tác nghiên cứu được coi trọng như nào so với công tác giảng dạy. Những năm trở lại đây, nhà trường có nhiều công trình nghiên cứu được công bố quốc tế không ạ?

GS.TS Phan Tuấn Nghĩa – 15:54
Trường ĐH KHTN từ khi thành lập luôn luôn coi trọng công tác nghiên cứu khoa học. Bởi vì, đẳng cấp của một trường ĐH phụ thuộc rất nhiều vào nghiên cứu khoa học.

Ở Trường ĐH KHTN, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học có thể nói là được coi trọng như nhau. Việc đánh giá cán bộ giảng dạy hàng năm, bên cạnh tiêu chí về kết quả hoạt động, giảng dạy, đào tạo thì kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học như chủ nhiệm hay tham gia các đề tài nghiên cứu, số lượng công trình công bố, đặc biệt là các công bố quốc tế đều được xem là những tiêu chí chính.

Trong những năm gần đây, mỗi năm, Trường có khoảng 250 công trình công bố trên tạp chí quốc tế. Trong đó, có trên 200 công trình công bố trên tạp chí quốc tế ISI. Xét về tỉ lệ số công bố quốc tế/cán bộ khoa học, có thể nói Trường ĐH KHTN là trường đứng ở vị trí top đầu trong cả nước, mặc dù, con số này còn khá khiêm tốn so với các trường ĐH tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Cuộc giao lưu kết thúc vào lúc 16h hôm nay. Nhà báo Nguyễn Việt Hùng, Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo Tiền Phong gửi lời cảm ơn tới các vị khách mời.

Nguồn tin: tienphong.vn