Hai nhà khoa học được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024
Sáng 15/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam (18/5), kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024) và Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự buổi lễ và cùng Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tặng hoa, trao quyết định và kỷ niệm chương cho hai nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay. Buổi lễ cũng vô cùng vinh dự với sự hiện diện của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm và nhiều đồng chí Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương và địa phương.
Toàn cảnh buổi Lễ
Triển khai từ năm 2013, đến nay, Bộ KH&CN đã trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho 18 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 4 nhà khoa học trẻ. Sau 10 năm tổ chức Giải thưởng, ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư sửa đổi Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Đây là kết quả của quá trình tiếp nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết từ các nhà khoa học, nhà quản lý trong các Hội đồng khoa học chuyên ngành, Hội đồng Giải thưởng và các tổ chức khoa học công nghệ, đáp ứng mong muốn của cộng đồng khoa học nói chung và cộng đồng nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng. Theo quy định mới, từ năm 2024, việc triển khai Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ được mở rộng xem xét trao giải thưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; tiếp nhận hồ sơ theo hình thức đề cử nhằm thúc đẩy cá nhân, tổ chức khoa học và công nghệ chủ động ghi nhận, đề xuất trao Giải thưởng cho các nhà khoa học xuất sắc. Đây là hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế trong tổ chức giải thưởng khoa học, chủ động ghi nhận, tôn vinh, qua đó khích lệ mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học xuất sắc. Đây cũng là năm đầu tiên, Hội đồng xét tặng Giải thưởng sẽ xem xét, lựa chọn nhà khoa học để trao giải thưởng thông qua việc đánh giá kết quả nghiên cứu cơ bản trong tối đa 03 bài báo khoa học quốc tế được công bố trong thời gian tối đa 07 năm. Điều này giúp xem xét toàn diện hơn thành tích của các nhà khoa học, đồng thời vẫn duy trì cơ hội cho các nhà khoa học trẻ tương đương với các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu.
Trong kỳ xét tặng Giải thưởng lần này, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia – Cơ quan thường trực Giải thưởng – đã tiếp nhận 97 hồ sơ hợp lệ, trong đó có 76 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật (KHTN&KT), 21 hồ sơ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV); 71 hồ sơ đề cử Giải thưởng chính và 26 hồ sơ đề cử Giải thưởng cho nhà khoa học trẻ. Theo đánh giá của các Hội đồng khoa học Nghiên cứu cơ bản của Quỹ và Hội đồng xét tặng Giải thưởng, chất lượng các hồ sơ đề cửnăm nay khá đồng đều, nhiều hồ sơ rất xuất sắc. Tuy là năm đầu tiên triển khai tiếp nhận hồ sơ đề cử lĩnh vực KHXH&NV, số lượng nhận được ít hơn khi so với lĩnh vực KHTN&KT, nhưng chất lượng của các hồ sơ lĩnh vực này – thể hiện qua các tạp chí đăng tải các kết quả nghiên cứu – là rất tốt.
Các thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Ban Tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024
Năm 2024, phiên họp Hội đồng xét tặng Giải thưởng được tổ chức trực tuyến tại 04 điểm cầu Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh – Pháp – Hoa Kỳ. Hội đồng xét tặng Giải thưởng – bên cạnh đại diện của các Hội đồng khoa học nghiên cứu cơ bản của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia – còn bao gồm các nhà khoa học quốc tế xuất sắc trong các lĩnh vực KHTN&KT, KHXH&NV: TS. Nguyễn Trọng Hiền, chuyên gia NASA – Giáo sư CALTECH, Hoa Kỳ; GS. TS. Nguyễn Đức Khương, Trường Kinh doanh IPAG, Cộng hòa Pháp; GS.TS. Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam; GS.TS. Philippe Papin, Giáo sư sử học Đại học Sorbone, chuyên gia Viện khảo cứu cao cấp Pháp tại Việt Nam. Các nhà khoa học thuộc lĩnh vực KHXH&NV lần đầu tham gia Hội đồng xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu nhưng hoàn toàn hòa nhập với các nhà khoa học thuộc lĩnh vực KHTN&KT trong đánh giá, xét chọn hồ sơ, đồng thời cũng đặt ra tiêu chuẩn, đòi hỏi rất cao đối với ứng viên trong lĩnh vực này.
Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng xét tặng Giải thưởng từ kết quả thu được sau các vòng đánh giá nghiêm cẩn, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã quyết định trao Giải thưởng cho hai nhà khoa học là PGS.TS. Trần Mạnh Trí và TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, đều là những nhà khoa học còn khá trẻ.
PGS.TS. Trần Mạnh Trí sinh năm 1981, đang công tác tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông được trao giải thưởng qua cụm ba công trình công bố năm 2021 trên các tạp chí thuộc top 5% các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen – góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp. Các kết quả nghiên cứu đã làm sáng tỏ quy luật phân bố, nguồn gốc phát tán và rủi ro do các độc chất hữu cơ nhóm phthalate và siloxane tích lũy trong không khí và nguồn nước tại Việt Nam, từ đó đề ra các giải pháp nhằm quản lý, sử dụng, kiểm soát các hóa chất tổng hợp trên một cách hiệu quả. Các kết quả nghiên cứu trên có đóng góp quan trọng mang tính định hướng dẫn dắt các nghiên cứu trong lĩnh vực phân tích, độc học môi trường.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh sinh năm 1979, công tác tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam – được trao giải thưởng qua 01 công trình duy nhất công bố năm 2020 trên tạp chí Physical Review Letters, là tạp chí khoa học hàng đầu Thế giới của ngành Vật lý. Công trình trình bày các kết quả nghiên cứu sự truyền dẫn nhiệt điện trong mạch Kondo điện tích ba kênh và khảo sát khả năng chuyển đổi trực tiếp sự chênh lệch nhiệt độ thành điện thế trong chấm lượng tử kim loại. Đây là một hướng nghiên cứu rất quan trọng trong vật lý, sẽ có đóng góp lớn cho công nghệ máy tính lượng tử. Công trình có 3 kết quả đột phá về hướng nghiên cứu, đưa ra các dự đoán và diễn giải đều mới mẻ và khác biệt với kiến thức đã có trước đó, nhưng không mâu thuẫn với thực nghiệm, đồng thời đề xuất một số thí nghiệm mới về truyền dẫn lượng tử. Đã có 5 nhóm nghiên cứu thực nghiệm lớn trên thế giới triển khai các nghiên cứu theo dự báo và đề xuất này. GS. Kiselev (đồng tác giả của công trình) nói ý tưởng của TS Nguyễn Thị Kim Thanh là một kiệt tác tao nhã về vật lý hiện đại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tặng hoa, trao Quyết định và Kỷ niệm chương cho hai nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024
Mặc dù trong kỳ xét chọn năm nay, không có nhà khoa học thuộc lĩnh vực KHXH&NV được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu, nhưng với chất lượng các hồ sơ đề cử, Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ sớm được trao cho các nhà khoa học lĩnh vực KHXH&NV trong những kỳ xét tặng Giải thưởng tiếp theo.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng hai nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay, đồng thời, ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, kết quả đạt được và những đóng góp của đội ngũ các nhà khoa học nói riêng và ngành KHCN nói chung cho đất nước. Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực của các nhà khoa học Việt Nam đã bền bỉ triển khai nghiên cứu, thí nghiệm trong điều kiện vật chất, hạ tầng, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, nhưng đã vượt qua các rào cản, đạt được các kết quả nghiên cứu đỉnh cao, đưa khoa học Việt Nam ghi dấu ấn và hội nhập thế giới.
Cũng theo Thủ tướng, kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 18/5/2014, Ngày KH&CN Việt Nam đã trở thành ngày hội của các nhà khoa học, những người làm KHCN trên cả nước.