Print This Post

Hội nghị khoa học về kết quả triển khai một số đề tài ngành Hóa học do NAFOSTED tài trợ

Ngày 06/10/2017, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) đã tổ chức Hội nghị khoa học báo cáo một số kết quả thực hiện đề tài Nghiên cứu cơ bản (NCCB) ngành Hóa học do Quỹ tài trợ. Tham dự báo cáo tại Hội nghị có các chủ nhiệm của 07 đề tài do Quỹ tài trợ, cùng các nhà khoa học, các nhà quản lý đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung và ngành Hóa học nói riêng. Chủ trì Hội nghị là GS.TS Nguyễn Hải Nam (Thường trực Hội đồng khoa học ngành Hóa học).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc Cơ quan điều hành (CQĐH) Quỹ cho biết Hội nghị được tổ chức với mục tiêu chính là cung cấp thông tin cũng như tạo diễn đàn cho các nhà khoa học đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức triển khai các hoạt động khoa học, thực hiện đề tài và thảo luận về kết quả nghiên cứu đề tài NCCB nói chung, đề tài NCCB ngành Hóa học nói riêng do Quỹ tài trợ.


GS.TS Nguyễn Hải Nam chủ trì Hội nghị

Các báo cáo tại Hội nghị thuộc các chuyên ngành hẹp là Hóa học Vật liệu, Hóa Lí, Hóa tính toán, Hóa Dược – Hóa Hợp chất thiên nhiên và Hóa Môi trường. Trong nghiên cứu “Tính chất hệ polymer composit trên cơ sở nền nhựa epoxy chứa các hạt BaTiO3”, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn và nhóm nghiên cứu đã thành công trong chế tạo hạt nano BaTiO3 và BaTiO3 có pha tạp một số nguyên tố, làm cơ sở cho hướng nghiên cứu chế tạo các lớp phủ composit thông minh cho các ứng dụng dân dụng và quốc phòng. Trong một nghiên cứu khác, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng cũng đã thành công trong việc đưa ra được phương pháp tổng hợp hydrocarbon xanh từ dầu dừa bằng phản ứng decarboxyl hóa. Kết quả này là cơ sở cho ứng dụng trong tương lai gần sắp tới. Nghiên cứu trong lĩnh vực hóa lí do nhóm nghiên cứu của GS.TSKH. Lưu Cẩm Lộc  đã chế tạo thành công các xúc tác hỗn hợp mang ưu điểm của xúc tác oxid kim loại và kim loại quí. Kết quả này sẽ là cơ sở khoa học cho việc chế tác hệ xúc tác hỗn hợp có hiệu quả cao cho quá trình oxi hóa sâu ở nhiệt độ thấp nhằm tiết kiệm năng lượng và giảm sự hình thành các chất độc hại. Trong hai nghiên cứu trong lĩnh vực Hóa Dược và Hóa học các hợp chất thiên nhiên được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng và GS.TS. Nguyễn Hải Nam, hàng loạt các hợp chất mới tiềm năng có hoạt tính sinh học mạnh, đặc biệt là hoạt tính kháng ung thư, đã được thiết kế, tổng hợp hoặc phân lập từ thiên nhiên. Các kết quả này là tiền đề để có thể phát triển các thuốc điều trị ung thư mới tại Việt Nam. Cuối cùng, một nghiên cứu trong lĩnh vực hóa môi trường do nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Từ Bình Minh thực hiện đã đánh giá được hiện trạng, mức độ cũng như rủi ro phơi nhiễm của một số nhóm chất hữu cơ mới tại Việt Nam. Nghiên cứu này có đóng góp quan trọng, là cơ sở khoa học giúp các nhà quản lí đưa ra các quy định nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường ở nước ta trong các năm tới.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn và GS.TSKH Lưu Cẩm Lộc báo cáo tại Hội nghị
STT Tên báo cáo Trình bày
1 Tính chất hệ polyme compozit trên cơ sở nền nhựa epoxy chứa các hạt BaTiO3. PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
2 Động học và cơ chế oxy hóa CO trên các xúc tác hỗn hợp Pt và CuO GS.TSKH Lưu Cẩm Lộc, Viện Công nghệ Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN VN
3 Tương tác của các hợp chất hữu cơ với CO2: độ bền, vai trò tương tác và liên kết hydro với sự tham gia liên kết cộng hóa trị C-H PGS.TS Nguyễn Tiến Trung, Khoa Hóa học, Trường Đại học Quy Nhơn
4 Nghiên cứu tổng hợp Hydrocacbon xanh từ dầu dừa bằng phản ứng Decacboxyl hóa, sử dụng xúc tác trên cơ sở Hydrotalcite. PGS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng, Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
5 Tìm kiếm hoạt chất trong vài loài địa y Parmotrema, Roccella, Dendriscosticta, Lobaria có khả năng ức chế vài dòng tế bào ung thư. Kết quả và triển vọng GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng, Khoa Hoá học, Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, Đại Học Quốc Gia TP. HCM
6 Tổng hợp và tác dụng kháng tế bào ung thư theo cơ chế ức chế histone deacetylase của một số acid hydroxamic mới mang dị vòng GS.TS. Nguyễn Hải Nam, Trường Đại học Dược Hà Nội
7 Đánh giá hiện trạng ô nhiễm, phát thải và rủi ro phơi nhiễm của một số nhóm chất ô nhiễm hữu cơ mới PGS.TS Từ Bình Minh, Khoa Hoá học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Danh sách các báo cáo tại Hội nghị

Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Phạm Đình Nguyên chia sẻ Quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học trong việc triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu, đồng thời cảm ơn các nhà khoa học đã tham dự, trình bày báo cáo tại Hội nghị, cảm ơn các thành viên Hội đồng khoa học ngành Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội và các cán bộ, chuyên viên của Quỹ đã hết sức ủng hộ và có đóng góp tích cực để Hội nghị được tổ chức thành công

Nguồn tin: nafosted