Print This Post

Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài Nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn tài trợ đợt 2 năm 2018

Ngày 20/4/2018 tại Hà Nội, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tổ chức Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài Nghiên cứu cơ bản (NCCB) thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) tài trợ đợt 2 năm 2018. Tham dự Hội nghị có các nhà khoa học là thành viên Hội đồng khoa học (HĐKH) lĩnh vực KHXH&NV nhiệm kỳ 2016 – 2018, Cơ quan điều hành Quỹ, Trưởng Ban Kiểm soát Quỹ cùng đại diện các cơ quan truyền thông Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ báo cáo một số kết quả tài trợ chương trình NCCB trong lĩnh vực KHXH&NV và thông tin triển khai đánh giá hồ sơ năm 2018 đợt 2. Theo đó, chương trình NCCB trong lĩnh vực KHXH&NV được triển khai từ năm 2011 đến nay đã tài trợ gần 400 đề tài. Kinh phí tài trợ được phê duyệt trung bình khoảng 700 – 800 triệu/đề tài. Về tình hình triển khai đánh giá hồ sơ năm 2018, ông Đỗ Tiến Dũng cho biết, theo chiến lược KH&CN 2011 – 2020 hướng tới tăng số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước trung bình 15 – 20%/năm; hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng giải quyết vấn đề trọng yếu quốc gia, việc tài trợ của Quỹ sẽ hướng tới tiếp tục nâng cao chất lượng nhóm nghiên cứu (công bố quốc tế, hỗ trợ nhóm nghiên cứu mạnh) và hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, hỗ trợ trao đổi học thuật trong nước và quốc tế.

Từ năm 2016, Quỹ triển khai đánh giá, tài trợ hai lần một năm, giúp các nhà khoa học có thêm thời gian và cơ hội đề xuất tài trợ cho các nghiên cứu. Trong năm 2017, Hội đồng khoa học đã đề xuất Danh mục tạp chí quốc tế và quốc gia có uy tín trong lĩnh vực KHXH&NV, việc điều chỉnh, mở rộng danh mục các tạp chí nhằm mục tiêu phù hợp với đặc thù của từng ngành trong công bố quốc tế. Danh mục tạp chí đã được Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt và ban hành ngày 8/11/2017.

Ông Mai Thế Bình, Phó Giám đốc CQĐH Quỹ báo cáo kết quả tiếp nhận hồ sơ đăng ký tài trợ năm 2018 đợt 2 và phương thức đánh giá, xét chọn đề tài. Trong đợt tiếp nhận hồ sơ này, CQĐH Quỹ đã tiếp nhận 43 hồ sơ đề nghị tài trợ, trong đó hai ngành Kinh tế học và liên ngành Triết học, Chính trị học, Xã hội học có số lượng hồ sơ nhiều nhất.

Tại Hội nghị, Quỹ cũng đã giới thiệu và hướng dẫn chi tiết về hệ thống đánh giá, xét chọn đề tài NCCB cho các nhà khoa học. Hệ thống đánh giá, phản biện đề tài trực tuyến khắc phục một số khó khăn, hạn chế của phương pháp gửi nhận truyền thống, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, giúp các chuyên gia có thể tham gia tư vấn mọi lúc, mọi nơi và bảo mật thông tin về các đề tài tham gia.

Nhân dịp triển khai đánh giá xét chọn đợt 2 năm 2018 đề tài NCCB trong KHXH&NV, các nhà khoa học dành nhiều thời gian trao đổi về các chính sách và tiếp tục cải thiện việc thực hiện các chương trình tài trợ, hỗ trợ. Trao đổi về vấn đề xây dựng tạp chí quốc tế uy tín trong lĩnh vực KHXH&NV, PGS.TS Phạm Quang Minh, thành viên HĐKH liên ngành Triết học, Chính trị học, Xã hội học cho biết, vừa qua, một tạp chí thuộc lĩnh vực KHTN&KT của trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã được chấp nhận vào cơ sở dữ liệu ISI và Scopus. Đối với chương trình NCCB trong lĩnh vực KHXH&NV, vấn đề được đặt ra ngoài việc thúc đẩy công bố quốc tế trong KHXH&NV, là cần chú ý hỗ trợ cho các tạp chí trong nước đạt chuẩn quốc tế. Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Phan Huy Lê, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, GS.TS Lê Huy Bắc cho rằng cần đưa ra kế hoạch xây dựng một tạp chí quốc tế uy tín trong lĩnh vực KHXH&NV với các bài viết được tuyển chọn công phu, được phản biện và biên tập bởi các chuyên gia quốc tế uy tín. PGS.TS Mai Quỳnh Nam cũng chia sẻ  bên cạnh những hỗ trợ của Quỹ đối với các nhà khoa học trẻ có bài báo quốc tế, cần có thêm những hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ hơn để các nhà khoa học cùng hợp tác, xây dựng một tạp chí quốc tế uy tín của Việt Nam. Các nhà khoa học cũng đánh giá, đưa ra định hướng về việc xây dựng tạp chí quốc tế chuyên ngành Việt Nam học là khả thi, và hi vọng Quỹ có những chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các trường Đại học, các Viện nghiên cứu để thực hiện mục tiêu này.

Các nhà khoa học trao đổi tại Hội nghị

Trao đổi về việc điều chỉnh danh mục tạp chí quốc tế uy tín, các nhà khoa học cho rằng, việc danh mục tạp chí được mở rộng và điều chỉnh cho thấy Quỹ đã chú ý đến đặc thù của các ngành khác nhau, qua đó hỗ trợ và thúc đẩy các nhà khoa học lĩnh vực KHXH&NV trong việc công bố quốc tế. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng bày tỏ hi vọng thời gian tới có thể điều chỉnh, mở rộng thêm danh mục các chương sách của các nhà xuất bản uy tín thế giới như Reddit, Springer…

Một số vấn đề khác cũng đã được các thành viên HĐKH trăn trở và kiến nghị với Quỹ như tăng số lượng hồ sơ đầu vào bằng việc phổ biến các chương trình, chính sách của Quỹ đến các trường đại học, các viện nghiên cứu; hỗ trợ các nhà khoa học tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế chuyên ngành…

Trao đổi với các nhà khoa học tại Hội nghị, đối với vấn đề xây dựng tạp chí quốc tế uy tín trong lĩnh vực KHXH&NV, ông Đỗ Tiến Dũng cho biết, hiện nay, chương trình Hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ của Quỹ có nội dung nâng cao chất lượng, chuẩn mực của Tạp chí KH&CN trong nước (Thông tư 09/2015/TT-BKHCN). Về việc ban hành danh mục tạp chí, Giám đốc CQĐH Quỹ chia sẻ, bên cạnh việc điều chỉnh danh mục tạp chí cho phù hợp với đặc điểm của nguồn lực nghiên cứu trong các ngành, liên ngành, Quỹ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học để có những điều chỉnh hợp lý về chính sách trong việc triển khai đề tài NCCB giúp các đề tài được tài trợ đồng đều hơn. Trong thời gian tới, hi vọng các thành viên HĐKH sẽ tiếp tục tư vấn cho Quỹ, cũng như giới thiệu và đề xuất các nhà khoa học uy tín cho HĐKH lĩnh vực KHXH&NV nhiệm kỳ 2018 – 2020.

Bài viết liên quan