Print This Post

Hội nghị tổng kết hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia nhân dịp 20 năm thành lập, 15 năm triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ

Trong suốt 20 năm hoạt động, 15 năm triển khai tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN), Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) đã có nhiều nỗ lực và trở thành địa chỉ được đông đảo các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN trên khắp cả nước biết đến, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi, hội nhập quốc tế tại Việt Nam. 

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm thành lập, 15 năm hoạt động của Nafosted tổ chức ngày 6/12/2023 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Trần Hồng Thái đã nhấn mạnh như trên.

Toàn cảnh Hội nghị.

Được thành lập từ năm 2003 theo Nghị định số 122/2003/NĐ-CP của Chính phủ, sau 05 năm chuẩn bị hành lang pháp lý, Quỹ chính thức triển khai hoạt động tài trợ, hỗ trợ từ năm 2008. Tổ chức và hoạt động của Quỹ được thiết kế đổi mới theo mô hình cơ quan tài trợ nghiên cứu của các quốc gia phát triển, theo đó về chuyên môn Quỹ áp dụng quản lý theo thông lệ quốc tế, về tài chính và hành chính được triển khai và quản lý theo hướng đơn giản hoá, tạo thuận lợi cho các nhóm nghiên cứu, nhưng vẫn đảm bảo khoa học, chặt chẽ.

Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ gửi lời tri ân, lời cảm ơn trân trọng và chân thành nhất tới các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ KH&CN và các Bộ ban ngành có liên quan, các đơn vị quản lý trong và ngoài Bộ KH&CN, đội ngũ cán bộ Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo và chuyên viên các cơ quan quản lý của Quỹ, các thành viên HĐKH của Quỹ, các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN đã có đóng góp tích cực trong suốt quá trình hình thành và hoạt động của Quỹ 20 năm qua. Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ mong muốn qua Hội nghị sẽ có được nhiều trao đổi, nhiều ý kiến đóng góp từ các đồng chí lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà khoa học để Quỹ tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động, hoàn thiện các quy định quản lý, tiếp tục cải thiện việc triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu nhằm phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn công tác nghiên cứu KH&CN ở Việt Nam.

Kỷ yếu hoạt động giai đoạn 2008-2023 xem tại đây

Ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, GS.TS. Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Bộ KH&CN giai đoạn 2002 – 2011 và TS. Lê Đình Tiến, Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ giai đoạn 2008 – 2014 đã có những chia sẻ về quá trình hình thành và hoạt động của Quỹ trong những năm đầu tiên. GS. Hoàng Văn Phong cho biết, Chính phủ đã tạo tiền đề cho sự hình thành Quỹ ngay từ những năm 2000 – 2003 khi ban hành các văn bản liên quan đến lĩnh vực KH&CN trong đó có Đề án Đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, Luật KH&CN. Sau một thời gian dài chuẩn bị hành lang chính sách cho hoạt động của Quỹ, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia đã được thành lập với những điểm mới, nổi bật về mô hình cơ chế và về quy mô tài chính cho Quỹ. Ông cũng chia sẻ, thời gian đầu mới đi vào hoạt động, Quỹ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, nhờ sự ủng hộ của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, mô hình của Quỹ được hoàn thiện và phát triển. TS. Lê Đình Tiến cho biết hội nhập quốc tế trong đánh giá khoa học, đặt ra yêu cầu cao về chất lượng đối với tài trợ của Quỹ theo thông lệ quốc tế, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi trong quản lý tài chính, hành chính, trao cơ hội cho nhà khoa học trẻ là những điểm đột phá nhưng vô cùng thách thức khi Quỹ mới đi vào hoạt động, tuy vậy đến nay đã cho thấy là thành công. Các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ ghi nhận thành tựu của Quỹ ngày hôm nay không thể không kể đến sự tận tâm của các cán bộ Quỹ, sự đồng hành, sáng tạo, tâm huyết của các nhà khoa học, và đặc biệt là sự quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ KH&CN cùng các đơn vị phối hợp.

GS.TS. Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Bộ KH&CN giai đoạn 2002 – 2011 phát biểu tại Hội nghị

TS. Lê Đình Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, nguyên Chủ tịch HĐQL Quỹ phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, nhiều nhà khoa học đã đề cập đến các chính sách của Quỹ mang tính tiên phong, thực sự phù hợp và đã phát huy hiệu quả đối với công tác nghiên cứu khoa học tại Việt Nam thời gian qua. Thiếu tướng, GS.TS. Trần Xuân Nam – Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng – đánh giá rất cao mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ như một cơ quan tài trợ nghiên cứu KH&CN tiên tiến phổ biến tại các nước phát triển, tinh gọn, hiệu quả; phương thức quản lý và đánh giá khoa học đơn giản, linh hoạt nhưng nghiêm cẩn theo thông lệ quốc tế; minh bạch, rõ ràng về các quy định cũng như thông tin tài trợ, hỗ trợ; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong toàn bộ quá trình từ tiếp nhận hồ sơ đăng ký đến đánh giá xét chọn và đánh giá kết quả.

Thiếu tướng, GS.TS. Trần Xuân Nam phát biểu tại Hội nghị

GS.TS. Nguyễn Quảng Trường – Viện Sinh thái Tài nguyên sinh vật, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam – cho biết việc quản lý tài chính theo cơ chế của Quỹ, ưu tiên hỗ trợ nhà khoa học trẻ (dưới 40-45 tuổi), thúc đẩy các nhóm nghiên cứu xuất sắc là rất đúng hướng, đã có kết quả ấn tượng và cần tiếp tục được phát huy. PGS. TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp – Trường Đại học Quy Nhơn, Bộ GD&ĐT – chia sẻ tài trợ của Quỹ là nguồn hỗ trợ quan trọng đối với các nhà khoa học trẻ ở giai đoạn đầu sự nghiệp triển khai hoạt động nghiên cứu; quy trình, cách thức đánh giá khoa học, thủ tục hành chính và thái độ làm việc của cán bộ Quỹ đã tạo niềm tin, cảm hứng cho nhà khoa học trẻ – đặc biệt là các tiến sĩ trẻ mới được đào tạo ở nước ngoài – tham gia nghiên cứu, nhất là nghiên cứu khoa học cơ bản đỉnh cao.

PGS.TSKH Nguyễn Thị Mộng Điệp chia sẻ tại sự kiện

GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội – đánh giá rất cao việc thông qua các chương trình tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu cơ bản Quỹ đã thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN tại các trường đại học cũng như thiết lập mạng lưới kết nối, hợp tác trong nghiên cứu – cả trong nước và quốc tế, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng. Các nhà khoa học đánh giá các chương trình tài trợ, hỗ trợ, hoạt động của Quỹ đã có những tác động vô cùng tích cực, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam thời gian qua, vì vậy đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học trong cả nước tham gia. Nhiều nhà khoa học được đào tạo bài bản ở nước ngoài yên tâm trở về nước làm việc tại các trường đại học, viện nghiên cứu.

 

Đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học tham dự, đóng góp ý kiến tại Hội nghị. GS Pièrre Darriulat – nguyên Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu – CERN (bìa phải) – tham dự Hội nghị, đánh giá NAFOSTED là một mô hình tài trợ nghiên cứu KH&CN tốt và hiệu quả ở Việt Nam, rất cần được Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan ủng hộ mạnh mẽ.

Cũng nhân dịp này, nhiều cơ quan tài trợ nghiên cứu KH&CN quốc tế (như DFG – Đức, FWO – Bỉ, UKRI – Anh, SNSF – Thụy Sĩ) đã gửi lời chúc mừng, chia vui và bày tỏ mong muốn tiếp tục là đối tác dài hạn của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Hồng Thái ghi nhận, đánh giá cao các kết quả Quỹ đã đạt được và cho rằng, các hoạt động tài trợ, hỗ trợ của Quỹ đã có tác động tích cực đối với các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN trên khắp cả nước. Các kết quả nghiên cứu, sản phẩm của các chương trình tài trợ, hỗ trợ, đặc biệt là Chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản – một trong những chương trình tài trợ trọng tâm của Quỹ – đã tạo ra xu thế công bố khoa học quốc tế tại Việt Nam trong 15 năm qua, đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy chỉ số GII, GCI của Việt Nam. Từ việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH&CN của Việt Nam nâng cao chất lượng theo hướng hội nhập quốc tế, đảm bảo liêm chính nghiên cứu, nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao cũng được tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Số lượng các nhà khoa học trẻ được giao đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và tương đương, chủ trì các nhiệm vụ của doanh nghiệp, các nhà khoa học Việt Nam tham gia các dự án nghiên cứu quốc tế do nước ngoài tài trợ hoặc tham gia hội đồng biên tập các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín đang ngày càng gia tăng nhanh chóng.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái phát biểu tại Hội nghị.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Quỹ cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hàng lang pháp lý, tháo gỡ vướng mắc để có thể vận hành theo đúng thiết kế là một cơ quan tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu KH&CN chuẩn mực quốc tế, thu hút và tiếp nhận được nguồn kinh phí cả từ trong và ngoài ngân sách nhà nước, vừa đáp ứng được các đặc thù trong hoạt động triển khai nghiên cứu KH&CN, vừa đảm bảo hiệu quả tài trợ, hỗ trợ; Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, thúc đẩy các nghiên cứu khoa học xuất sắc, đột phá, quy mô lớn, có tầm nhìn dài hạn; Nâng cao hơn nữa năng lực quản trị, điều hành, minh bạch trong hoạt động, chuyển đổi số mạnh mẽ trong các hoạt động quản lý, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi đối với các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN./.

“Sự ra đời của Quỹ không chỉ đáp ứng nguyện vọng của những người làm quản lý khoa học và công nghệ, mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước” – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân

Tin: NAFOSTED