Print This Post

Hội thảo khoa học về liêm chính trong nghiên cứu

Thời gian vừa qua, vấn đề liêm chính nghiên cứu đã được cộng đồng khoa học Việt Nam quan tâm, trao đổi. Nhằm tạo diễn đàn giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà khoa học về liêm chính nghiên cứu, hướng tới môi trường nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, ngày 19/12/2023, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo khoa học về Liêm chính nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, kết quả nổi bật của hoạt động KH&CN&ĐMST, đó là số lượng công bố trên các tạp chí nổi tiếng quốc tế gia tăng mạnh mẽ. Qua đó, thể hiện sự đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam trong việc phát triển nền tri thức của nhân loại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực KH&CN của quốc gia.

Cụ thể, theo cơ sở dữ liệu của Elsevier, tổng số công bố khoa học của Việt Nam trong danh mục Scopus năm 2013 là khoảng 3.800 bài và năm 2022 là gần 18.500 bài, tăng khoảng 5 lần, đưa xếp hạng của Việt Nam lên đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN, đứng thứ 12 châu Á và thứ 45 trên thế giới về số lượng công bố quốc tế trên Scopus. Số lượng công bố quốc tế này góp phần đưa chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng cao và Việt Nam xếp thứ 4 trong Đông Nam Á và xếp thứ 2 trong các quốc gia có mức thu nhập trung bình về chỉ số ĐMST.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, Hội thảo mong muốn lắng nghe ý kiến tham luận, thảo luận thẳng thắn, khách quan, đa chiều về các nội dung có liên quan đến vấn đề liêm chính trong nghiên cứu khoa học (từ các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đến việc tổ chức triển khai thực hiện, từ trách nhiệm, quyền lợi, đạo đức, của cá nhân, cộng đồng, tổ chức KH&CN…) để thống nhất, đề xuất một số giải pháp có tính khả thi, hiệu quả tăng cường tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học nói chung và công bố khoa học nói riêng nhằm nâng cao chất lượng, uy tín, giá trị của hoạt động KH&CN, giáo dục và đào tạo, đáp ứng mục tiêu và kỳ vọng của yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước.

Sau phát biểu đề dẫn của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Hội thảo lắng nghe 03 báo cáo tham luận của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trao đổi tại Hội thảo, ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc CQĐH Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia cho biết, để đảm bảo liêm chính trong hoạt động nghiên cứu, trên cơ sở Tuyên bố Singapore về liêm chính nghiên cứu tại the Second World Conference on Research Integrit, Quỹ đã ban hành Quy định về liêm chính nghiên cứu áp dụng đối với các đề tài do Quỹ tài trợ. Ông Phạm Đình Nguyên chia sẻ, Quỹ đã coi trọng thực hiện đảm bảo liêm chính trong nghiên cứu trong toàn bộ quá trình quản lý thực hiện nghiên cứu từ thiết kế cơ quan tài trợ theo thông lệ quốc tế, thủ tục đăng ký, đánh giá xét chọn đề tài, chọn lựa chuyên gia và công khai đánh giá kết quả. Trong thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, quy mô tài trợ của Quỹ, ưu tiên tài trợ cho các nghiên cứu xuất sắc, có tính đột phá, hỗ trợ nhà khoa học trẻ song hành với đảm bảo liêm chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Cũng tại Hội thảo, PGS.TS. Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước cho biết, Văn phòng HĐGSNN cũng đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm phát triển cơ sở dữ liệu tạp chí khoa học Việt Nam, qua đó, định hướng các tạp chí trong nước nâng cao chất lượng, tuân thủ liêm chính khoa học. Bên cạnh đó, đại diện VPHĐGSNN cũng cho rằng, việc soạn thảo quy định về liêm chính khoa học áp dụng cho các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục là cần thiết; cá nhân các nhà khoc học cần có ý thức tuân thủ quy định liêm chính theo quy định chung của quốc gia, theo thông lệ quốc tế.

PGS.TS. Trương Việt Anh, Trưởng Ban KH&CN Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã có tham luận về việc xây dựng liêm chính học thuật ở cơ sở giáo dục đại học. PGS.TS Trương Việt Anh cho biết, hiện tượng đạo văn vẫn tồn tại ở cả các nước phát triển hay đang phát triển. Qua khảo sát, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định các cơ sở giáo dục đại học cần ban hành quy định về liêm chính khoa học, có kế hoạch tuyên truyền phổ biến, tập huấn về liêm chính học thuật cho cán bộ, sinh viên. Các hoạt động này cần có sự phối hợp và chia sẻ giữa các đơn vị đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (giữa) chủ trì phần trao đổi thảo luận

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tham luận, thảo luận của các nhà khoa học xung quanh thực trạng, kinh nghiệm tại các cơ sở giáo dục đại học, cũng như đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện liêm chính trong nghiên cứu. Các ý kiến cho rằng, việc quy định về liêm chính trong nghiên cứu khoa học và trong học thuật là cần thiết phải bàn để đưa ra một khung và hoàn thiện dần dần, cần có cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc để xây dựng bộ tiêu chí chung về vấn đề liêm chính.

GS.TS. Nguyễn Xuân Hùng, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh mong muốn các cơ quan quản lý ban hành bộ quy quy tắc chung về liêm chính nghiên cứu, để từ đó các trường tham chiếu để xây dựng bộ quy tắc riêng.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN khẳng định “Cần hình thành thiết chế, nền tảng pháp luật, gắn với nền tảng văn hóa và giáo dục. Cần có khung quy định bao trùm về nghiên cứu học thuật dưới góc độ nhà nước”.

Theo PGS.TS Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học, Việt Nam không phải là một “hoang mạc” về liêm chính khoa học, chúng ta đã có rất nhiều quy định thể hiện trong luật, thể hiện trong nghị định, thể hiện theo các quy định của Bộ Khoa học Công nghệ, của Bộ GDĐT, của nhiều trường, nhiều tạp chí; chỉ có điều là chưa có một quy định tổng thể và giờ cần có một khung cơ chế pháp lý chung. “Điều này là bắt buộc trong việc xây dựng một bộ tiêu chí hay một quy định chung cho quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Tài Đông nhận định.

   

Các nhà khoa học trao đổi tại Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Hồng Thái khẳng định, liêm chính trong nghiên cứu khoa học là vấn đề quan trọng, nhưng là khái niệm “mở”, cần có sự cập nhật và hướng dẫn chung để thực hiện. Thứ trưởng nhấn mạnh, việc cần làm ngay là các cơ quan quản lý của Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT khẩn trương nghiên cứu đề xuất thể thức văn bản hướng dẫn để các trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện các quy chế, quy định về liêm chính. Thứ trưởng cho biết, các ý kiến tại Hội thảo sẽ được xem xét để đề xuất vào các điều khoản khi sửa đổi Luật KH&CN năm 2025. Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT khẳng định đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc về vấn đề liêm chính và công bố khoa học quốc tế. Thứ trưởng cũng mong  muốn cộng đồng khoa học sẽ có ứng xử phù hợp đối với các trường hợp liên quan đến liêm chính nghiên cứu, không quy chụp vội vàng, gây ảnh hưởng đến cá nhân cũng như tập thể những người làm nghiên cứu khoa học.

Đối với ý kiến của các nhà khoa học tại Hội thảo về việc xây dựng cơ sở dữ liệu về Tạp chí KH&CN, Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho biết Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT sẽ sớm có cơ sở dữ liệu dạng này, tạo tài nguyên cho quản lý nhà nước. Đồng thời sẽ nghiên cứu xem xét tiêu chí đánh giá các tạp chí và định hướng phát triển hệ thống tạp chí khoa học trong nước, góp phần xây dựng môi trường khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái phát biểu kết luận Hội thảo

Thứ trưởng đề nghị Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia tiếp tục nâng cao chất lượng tài trợ, hỗ trợ cho các nghiên cứu khoa học và công nghệ, đảm bảo liêm chính nghiên cứu; đẩy mạnh hỗ trợ để các nhà khoa học Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa trong các diễn đàn quốc tế về khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hội nhập quốc tế để tiến tới có ngày càng nhiều các nhà khoa học Việt Nam chủ động, tích cực chủ trì những diễn đàn khoa học và công nghệ lớn trên thế giới.

Tin: NAFOSTED