Print This Post

NAFOSTED trao đổi với các tổ chức khoa học công nghệ và nhà khoa học khu vực phía Nam

Trong cùng ngày 16/7/2019, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tổ chức trao đổi với các tổ chức khoa học công nghệ, nhà khoa học khu vực phía Nam tại hai sự kiện diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh: Hội nghị đánh giá hoạt động tài trợ/hỗ trợ của Quỹ đối với tổ chức khoa học và công nghệ và Hội nghị khoa học trao đổi kinh nghiệm công bố quốc tế.

Hội nghị đánh giá hoạt động tài trợ/hỗ trợ của Quỹ đối với các tổ chức KH&CN

Nhằm mục đích đánh giá kết quả tài trợ, hỗ trợ và tiếp nhận các ý kiến của các tổ chức KH&CN về hoạt động giai đoạn 2008 – 2018, cung cấp thông tin về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ, Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia đã tổ chức Hội nghị đánh giá hoạt động tài trợ/hỗ trợ của Quỹ đối với các tổ chức KH&CN. Tham dự Hội nghị có CQĐH Quỹ, Ban kiểm soát Quỹ và đại diện Lãnh đạo, ban KH&CN của 20 tổ chức KH&CN có nhiều đề tài do Quỹ tài trợ khu vực phía Nam.

        

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc CQĐH Quỹ đã cung cấp các thông tin tổng quan về Quỹ, các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ, một số kết quả sau 10 năm hoạt động và một số thông tin tài trợ khu vực phía Nam (từ Quy Nhơn trở vào). Theo đó, Quỹ đã tài trợ cho nhà khoa học, nhóm nghiên cứu thuộc 72 tổ chức chủ trì tại khu vực, với số lượng đề tài đã tài trợ là 574 đề tài, tổng kinh phí được phê duyệt là 422 tỷ đồng. Ba tổ chức chủ trì có số lượng đề tài nhiều nhất khu vực phía Nam (giai đoạn 2008 – 2018) là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG-HCM (91 đề tài), Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM (75 đề tài) và Trường Đại học Quốc tế – ĐHQG-HCM (59 đề tài).

Mười TCCT nhiều đề tài khu vực phía Nam

(Số liệu đề tài được tài trợ giai đoạn 2008 – 2018)

Ông Đỗ Tiến Dũng cũng trình bày chi tiết về cơ chế hoạt động của Quỹ, bao gồm cơ chế đánh giá khoa học yêu cầu kết quả nghiên cứu công bố dưới dạng bài báo đăng tạp chí khoa học (danh mục tạp chí uy tín), văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (bằng sáng chế, giải pháp hữu ích); xem xét tài trợ, hỗ trợ thông qua hồ sơ, đảm bảo tính khách quan và giảm thủ tục, thời gian đánh giá, tạo thuận lợi cho nhà khoa học; chuyên gia, hội đồng khoa học có năng lực khoa học và uy tín trong cộng đồng khoa học (lựa chọn dựa trên kết quả nghiên cứu và tín nhiệm của nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu).

Cơ chế tài trợ của Quỹ cũng yêu cầu nhóm nghiên cứu phải có kết quả nghiên cứu phù hợp với kết quả đăng ký (yêu cầu) của đề tài để đảm bảo tính khả thi của đề tài và tăng tính minh bạch của việc xem xét tài trợ. Kinh phí hỗ trợ tập trung cho các hoạt động trực tiếp của đề tài như công lao động khoa học, nguyên vật liệu và các hoạt động của đề tài (hội thảo, điều tra, khảo sát). Quy mô các chương trình tài trợ theo trung hạn và gắn với kết quả thực hiện giai đoạn trước để thực hiện theo lộ trình phù hợp và đảm bảo chất lượng và hiệu quả tài trợ. Thủ tục tài trợ hướng tới đơn giản hóa và tin học hóa thủ tục hành chính, cải thiện cách thức và thái độ hỗ trợ, xử lý của cán bộ Quỹ.

Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức chủ trì cũng trình bày tham luận đánh giá tác động hoạt động tài trợ, hỗ trợ của Quỹ đối với tổ chức chủ trì, phương thức quản lý các đề tài của Quỹ tại tổ chức chủ trì.

TS. Trần Văn Mẫn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM

TS. Trần Văn Mẫn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG-HCM đánh giá cao cơ chế tài trợ của Quỹ. NAFOSTED thực hiện cơ chế xét duyệt theo hội đồng, quản lý trực truyến nên đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong quá trình đánh giá xét chọn đề tài. Nhiều tiến sĩ trẻ có thể xây dựng nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, nhóm nghiên cứu nhỏ, trẻ, tăng tiềm lực nghiên cứu khoa học của trường. Cơ chế quản lý tài chính của NAFOSTED cũng tương đối tiện lợi (các chi phí quản lý gián tiếp không nằm trong chi phí thực hiện nghiên cứu khoa học), các chuyên viên quản lý khoa học của NAFOSTED luôn hỗ trợ nhiệt tình cho các nhà khoa học. Đại diện Trường Đại học KHTN TP.HCM cũng đưa ra các đề xuất liên quan đến việc tăng kinh phí đề tài, công bố thông tin chi tiết quá trình đánh giá xét chọn, cácthủ tục đối với đề tài đã nghiệm thu. Ngoài ra, TS. Trần Văn Mẫn hy vọng thời gian tới NAFOSTED có thể thành lập Văn phòng Đại diện khu vực phía Nam.

TS. Phạm Tấn Thi, Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ & Dự án, Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM đưa ra các đánh giá cụ thể về tác động của hoạt động tài trợ, hỗ trợ của Quỹ đến Đại học Bách khoa, bao gồm nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học của TCCT, tăng số lượng và chất lượng công bố quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tài trợ của Quỹ góp phần hình thành 66 nhóm nghiên cứu thuộc 05 nhóm liên ngành: Cơ khí – Cơ điện tử – Động lực – Ứng dụng, Điện – Điện tử – Máy tính, Hoá – Vật liệu – Môi trường, Xây dựng – Địa chất, Quản lý – Hệ thống công nghiệp. Bên cạnh đó, để thuận lợi trong việc theo dõi tiến độ, trường đã xây dựng phương thức quản lý đề tài của Quỹ tài trợ thành quy trình ISO, với các bước thực hiện chi tiết từ khi bắt đầu nộp hồ sơ cho đến khi nghiệm thu đề tài.

Đại diện Trường Đại học Quốc tế, Đại học Nguyễn Tất Thành, Viện Địa lý Tài nguyên & Môi trường, Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ đều đưa ra tác động của Quỹ đối với việc hình thành các nhóm nghiên cứu, đặc biệt là nhóm nghiên cứu mạnh, tăng số lượng bài báo cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu.

Đối với các đề xuất để đẩy mạnh hoạt động của Quỹ, đại diện các tổ chức cho rằng, Quỹ cần có chiến lược để thúc đẩy các nhóm nghiên cứu mạnh, đẩy mạnh hơn các hoạt động hợp tác quốc tế, mở rộng danh mục tạp chí để thúc đẩy các nhà khoa học trẻ tham gia nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và cấp kinh phí đề tài.

Lãnh đạo CQĐH Quỹ trao đổi, phản hồi các ý kiến của tổ chức chủ trì tại Hội nghị về quy mô, kinh phí các chương trình tài trợ, hỗ trợ, tài trợ nhóm nghiên cứu mạnh. Bên cạnh đó, CQĐH Quỹ cũng đưa ra các thông tin liên quan đến chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, các tiêu chí tài trợ cho nhà khoa học trẻ, cách thức xét duyệt hồ sơ hiện tại và phương hướng nghiên cứu, điều chỉnh để có cách thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. CQĐH Quỹ cảm ơn đại diện các tổ chức đã tham dự và chia sẻ thông tin tại Hội nghị, là nguồn tham khảo quản trọng để CQĐH Quỹ tập hợp và đề xuất, hoàn thiện phương thức phù hợp cho hoạt động của Quỹ trong giai đoạn tiếp theo.


Đại diện các TCCT khu vực phía Nam chụp ảnh lưu niệm cùng CQĐH Quỹ, đại diện BKS Quỹ

Hội nghị khoa học trao đổi kinh nghiệm công bố quốc tế

Chiều cùng ngày, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tổ chức Hội nghị khoa học trao đổi kinh nghiệm công bố quốc tế. Hội nghị đã thu hút gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý đang công tác tại các tổ chức KH&CN, các trường, viện khu vực phía Nam tham dự.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc CQĐH Quỹ cho biết, Hội nghị khoa học được tổ chức với mục đích tạo diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi kinh nghiệm công bố quốc tế trong hai lĩnh vực KHTN&KT và KHXH&NV và mong rằng qua đó sẽ có thể kết nối các nhà khoa học trong cùng lĩnh vực nghiên cứu, cùng chia sẻ kinh nghiệm nâng cao số lượng và chất lượng công bố quốc tế tại Việt Nam.

Quỹ đã mời bốn diễn giả thuộc hai lĩnh vực KHTN&KT, KHXH&NV tham dự báo cáo tại Hội nghị bao gồm: PGS.TS Lê Văn Cảnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế – ĐHQG-HCM trình bày báo cáo về nội dung “Công bố quốc tế trong đổi mới giáo dục đại học theo hướng hội nhập”; PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu CIRTECH – Đại học Công nghệ TP.HCM trình bày báo cáo về nội dung “Kinh nghiệm xây dựng nhóm nghiên cứu và phương pháp tăng năng suất, chất lượng công bố quốc tế”; GS.TS Võ Văn Sen – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG-HCM và PGS.TS Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí minh trình bày báo cáo về nội dung “Một số khó khăn và kinh nghiệm khắc phục đối với công bố quốc tế trong KHXH&NV”. Bên cạnh báo cáo của bốn diễn giả thuộc hai lĩnh vực KHTN&KT và KHXH&NV, Quỹ cũng phối hợp cùng Viện UTS Insearch mời giảng viên trình bày nội dung “Kỹ năng viết và trình bày nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh”.

PGS.TS Lê Văn Cảnh

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng

PGS.TS Võ Xuân Vinh

TS. Vũ Thị Thanh Nhã

Tải các báo cáo Hội nghị tại đây.

Trong phần trao đổi tại Hội nghị, các đại biểu tham dự bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng các nhóm nghiên cứu và các chương trình tài trợ, hỗ trợ của NAFOSTED. Các đại biểu đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến điều kiện công bố quốc tế đối với đề tài do Quỹ tài trợ, quy trình xét duyệt đề tài, kinh phí tài trợ, việc hỗ trợ tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế, điều chỉnh danh mục tạp chí quốc tế có uy tín cũng như hỏi thêm các phương pháp cụ thể sử dụng tiếng Anh học thuật trong các công trình khoa học… Bên cạnh giải đáp các thắc mắc liên quan đến chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ, ông Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc CQĐH Quỹ cho biết, NAFOSTED luôn khuyến khích các nhà khoa học tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế như tham gia các hội nghị khoa học quốc tế, thực hiện nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài để mở rộng mạng lưới nghiên cứu quốc tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học.

Hội nghị đã nhận được những phản hồi tích cực từ các nhà khoa học. Các đại biểu tham dự đề xuất Quỹ nên tiếp tục tổ chức các Hội nghị liên quan đến chủ đề công bố quốc tế trong thời gian tới.

Tin, ảnh: TrangVQ