Print This Post

Tài trợ nghiên cứu cơ bản 2024 của NAFOSTED: Đảm bảo chất lượng, chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển tổ chức, mạng lưới hợp tác hướng đến các nhiệm vụ khoa học công nghệ lớn, đóng góp quan trọng cho phát triển của đất nước

Ngày 28/11/2024, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tổ chức Hội thảo khoa học về xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ năm 2024. Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn – thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ Phạm Đình Nguyên cùng đông đảo các nhà khoa học là thành viên các Hội đồng khoa học Nghiên cứu cơ bản ở cả hai lĩnh vực KHTN&KT, KHXH&NV của Quỹ, Lãnh đạo và các cán bộ Cơ quan điều hành Quỹ đã tham dự Hội thảo.

Mở đầu Hội thảo, bà Trương Thị Thanh Huyền đại diện cho đơn vị quản lý nhiệm vụ của Cơ quan điều hành (CQĐH) Quỹ đã có bài trình bày, giới thiệu về bức tranh chung trong tài trợ nghiên cứu cơ bản (NCCB) của Quỹ những năm qua, tình hình triển khai, tiếp nhận và chuẩn bị cho đánh giá xét chọn đề tài trong năm 2024. Năm nay, để phù hợp với tiến độ và lượng kinh phí Quỹ được cấp cũng như các quy định về định mức và giao kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN, việc triển khai xét chọn tài trợ NCCB trong hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật (KHTN&KT), khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) phải tổ chức đồng thời và muộn hơn so với những năm trước, lĩnh vực KHTN&KT chỉ tiếp nhận hồ sơ do nhóm nghiên cứu mạnh đề xuất. Đại diện CQĐH Quỹ đề nghị các Hội đồng khoa học (HĐKH) quan tâm xem xét, ưu tiên các đề tài do nhà khoa học trẻ xuất sắc làm chủ nhiệm, các đề tài kết hợp đào tạo nghiên cứu sinh.

Phát biểu mở đầu phần trao đổi tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹcho biết Hội thảo là dịp để các nhà khoa học là thành viên các HĐKH NCCB của Quỹ cùng lãnh đạo Bộ KH&CN, đại diện cơ quan quản lý điều hành Quỹ trao đổi, góp ý về hoạt động triển khai tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu KH&CN của Quỹ nói riêng, hoạt động nghiên cứu KH&CN của Việt Nam nói chung trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội thảo

Thứ trưởng ghi nhận, tài trợ NCCB do Quỹ triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng trong 15 năm vừa qua, có thể kể đến một số tác động quan trọng như:

– Về xét chọn tài trợ: i) Đưa ra các tiêu chuẩn mới, phù hợp thông lệ quốc tế về yêu cầu kết quả đề tài, về lựa chọn thành viên các HĐKH đánh giá đề tài; ii) Xét chọn có so sánh, cạnh tranh bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để đông đảo các nhà khoa học (nhất là các nhà khoa học trẻ) trên khắp cả nước tham gia.

– Về kết quả tài trợ: i) Tạo ra xu thế công bố khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, nâng cao các chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam(GII) gắn với công bố khoa học quốc tế, tạo chuyển biến đột phá về chất lượng NCCB của Việt Nam; ii) Thúc đẩy hoạt động đào tạo đại học, sau đại học gắn liền với nghiên cứu KH&CN, nâng cao chất lượng đào tạo và xếp hạng đại học; iii) Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao trên khắp cả nước.

– Tạo động lực, cảm hứng để các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân hình thành và triển khai các Quỹ tài trợ nghiên cứu KH&CN ngoài ngân sách nhà nước (ví dụ như Quỹ VinIF).

Thứ trưởng cũng nêu lên một số vấn đề hiện nay cần xem xét, thúc đẩy, xử lý để hội thảo thảo luận, ví dụ như chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa NCCB và nghiên cứu ứng dụng triển khai, NCCB tạo nền tảng hoặc tham gia vào các nhiệm vụ lớn, giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước còn ít; làm sao thúc đẩy phát triển hình thành nhiều tổ chức, nhóm nghiên cứu mạnh, có tiềm lực; làm sao vẫn đảm bảo triển khai các nhiệm vụ được tài trợ một cách nghiêm túc, quản lý chặt chẽ, hiệu quả, nhưng sẵn sàng chấp nhận độ trễ, thất bại, rủi ro là các yếu tố đặc thù trong hoạt động nghiên cứu KH&CN để hướng đến các kết quả đột phá, xuất sắc; làm thế nào để chuẩn bị, đào tạo, phát triển nguồn lực chuyên gia đánh giá chất lượng tham gia vào các đánh giá KH&CN của Quỹ.

Trao đổi tại Hội thảo, nhiều nhà khoa học đồng ý với đánh giá của Thứ trưởng về thành công trong triển khai NCCB của Quỹ những năm qua, khẳng định đây vẫn là chương trình tài trợ nghiên cứu KH&CN chất lượng và hiệu quả của Việt Nam; đồng ý với những gợi mở định hướng tiếp theo Chủ tịch Quỹ nêu.

Các nhà khoa học thảo luận tại Hội thảo

Trao đổi về việc năm 2024 Quỹ chỉ tài trợ các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực KHTN&KT, một số nhà khoa học cho rằng phương án này trong bối cảnh kinh phí được cấp là phù hợp, tuy nhiên mong Quỹ những năm tiếp theo bên cạnh việc thúc đẩy phát triển các nhiệm vụ nghiên cứu lớn, xuất sắc, vẫn cần tiếp tục duy trì việc bồi dưỡng nguồn lực nghiên cứu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ, xuất sắc, các tiến sĩ trẻ mới từ nước ngoài về nước làm việc. Các nhà khoa học cũng nhất trí đề nghị Bộ KH&CN quan tâm, đề xuất các chính sách tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, quy định để tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của NAFOSTED, tăng kinh phí quản lý (overhead cost) cho cơ quan quản lý KH&CN và tổ chức nghiên cứu triển khai (R&D) phù hợp thông lệ quốc tế để thúc đẩy các tổ chức phát triển. Để gia tăng nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh đóng góp từ KHCN cho kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, các nhà khoa học cho rằng cần tăng tài trợ và giải ngân cho NCCB, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước tới tỷ lệ hợp lý theo thông lệ quốc tế và đặt ra mục tiêu cụ thể để phấn đấu, chẳng hạn top 3 ASEAN. Quy luật là để có một số ít kết quả nghiên cứu KHCN và đổi mới sáng tạo đưa vào cuộc sống, cần một số rất lớn các NCCBtriển khai trước đó. Các nhà khoa học cũng mong rằng Quỹ nên tiếp tục quản lý tài trợ theo thông lệ quốc tế và đẩy mạnh hội nhập quốc tế hơn nữa, gắn hoạt động nghiên cứu sau tiến sĩ, nghiên cứu sinh với các tài trợ nghiên cứu của Quỹ, giảm việc chạy theo số lượng sản phẩm đầu ra để tăng chất lượng.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, đề nghị Cơ quan điều hành Quỹ tiếp thu, nghiên cứu để sớm có những điều chỉnh hợp lý về chính sách trong quản lý và triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ, thúc đẩy và khơi thông các nguồn lực tri thức KH&CN của Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ phát biểu kết luận Hội thảo

Thứ trưởng khẳng định, Bộ KH&CN luôn quan tâm, thúc đẩy tạo môi trường thuận lợi để các nhà khoa học phát huy năng lực, triển khai các hoạt động KH&CN chất lượng. Chủ tịch HĐQL Quỹ chúc các HĐKH sẽ thật thành công trong kỳ đánh giá xét chọn đề tài NCCB lần này, vừa chọn được các đề xuất nghiên cứu chất lượng để Quỹ tài trợ, thúc đẩy các nghiên cứu xuất sắc, đột phá; vừa đảm bảo duy trì sự hỗ trợ, nuôi dưỡng đối với các nhà khoa học trẻ xuất sắc./.  

Tài trợ NCCB nhiều năm nay luôn là hoạt động trọng tâm hàng năm của NAFOSTED. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ về công sức, trí tuệ rất lớn từ cộng đồng các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2008 – 2023, Quỹ đã tài trợ hơn 4000 đề tài cho các nhà khoa học ở 350 viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức nghiên cứu triển khai (R&D), góp phần tạo dựng và thúc đẩy môi trường nghiên cứu khoa học sôi nổi nhưng nghiêm cẩn, chất lượng theo thông lệ quốc tế. Tài trợ này là động lực quan trọng thu hút nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam được đào tạo bài bản ở nước ngoài về nước làm việc, tạo dựng mạng lưới hợp tác quốc tế rộng khắp giữa các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam với các chuyên gia, nhà khoa học trên Thế giới.

Trong đợt tiếp nhận hồ sơ năm 2024, Quỹ đã tiếp nhận 247 hồ sơ đề tài cho các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật; 116 hồ sơ đề tài trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.