Print This Post

Thông báo về Chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật năm 2024

Đề tài nghiên cứu cơ bản (NCCB) do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) tài trợ được quản lý theo quy định tại Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Thông tư 37). Quỹ thông báo kế hoạch triển khai Chương trình tài trợ đề tài NCCB trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật năm 2024 như sau:

1. Phạm vi tài trợ

Năm 2024, để phù hợp với nguồn kinh phí hoạt động được NSNN cấp, Quỹ tiếp nhận và xem xét tài trợ hồ sơ đăng ký đề tài NCCB thuộc các ngành Toán học, Khoa học Thông tin và Máy tính, Vật lý, Hoá học, Khoa học Trái đất – Khoa học Biển; Sinh học Nông nghiệp, Cơ học – Kỹ thuật; Y sinh Dược học do nhóm nghiên cứu mạnh (theo quy định tại Thông tư 37) thực hiện, trong đó ưu tiên tài trợ đối với các đề tài do các nhà khoa học trẻ làm chủ nhiệm, các đề tài đào tạo tiến sĩ (nghiên cứu sinh tham gia đề tài là đồng tác giả của ít nhất 01 bài báo quốc tế có uy tín là sản phẩm của đề tài).

Kinh phí dự kiến: Từ 2.500 tr đồng 3.500 tr đồng/đề tài (đối với các đề tài lý thuyết) và 4.000 tr đồng 5.000 tr đồng/đề tài (đối với các đề tài thực nghiệm).(tương ứng với nội dung trong thuyết minh và sản phẩm đăng ký, phù hợp với định mức công lao động khoa học quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 02/2023/TT-BKHCN ngày 08 tháng 05 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).

Lập dự toán kinh phí: Xem hướng dẫn chi tiết tại đây.

2. Thời gian tiếp nhận hồ sơ

Từ 08h30 ngày 31/7/2024 đến 17h00 ngày 12/9/2024

Đối với các hồ sơ gửi theo đường bưu điện cần được gửi trước thời điểm kết thúc tiếp nhận hồ sơ (theo dấu bưu điện trên bì thư).

3. Phương thức nộp hồ sơ

Xem chi tiết hướng dẫn phương thức nộp hồ sơ tại đây.

Mẫu hồ sơ tải tại đây.

Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ:

Bộ phận một cửa Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Phòng 405, Tầng 4, nhà 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Quỹ khuyến khích các nhà khoa học và tổ chức chủ trì nộp hồ sơ theo cách 1 (gửi hồ sơ ký số) và ưu tiên hơn trong quá trình xét chọn tài trợ đối với các hồ sơ dạng này.

4. Một số mốc thời gian triển khai dự kiến

Đánh giá xét chọn: tháng 9/2024  tháng 11/2024

Rà soát, thẩm định kinh phí: tháng 11/2024  tháng 12/2024

Thông báo kết quả tài trợ: tháng 12/2024

Ký hợp đồng tài trợ: Quý 1/2025 (Tùy theo thời điểm Quỹ được cấp kinh phí theo kế hoạch)

5. Một số lưu ý khác

Quỹ không tiếp nhận hồ sơ có i) Chủ nhiệm đề tài do Quỹ tài trợ giai đoạn trước đó, chưa nộp báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện đề tài tính đến thời điểm bắt đầu nộp hồ sơ (ngày 31/7/2024); ii) Tổ chức chủ trì không đáp ứng các quy định tại Điều 20 Thông tư 37;

Các tổ chức chủ trì và chủ nhiệm đề tài cần đáp ứng các quy định về liêm chính nghiên cứu do Quỹ ban hành.

Mỗi nhà khoa học không nộp quá 01 hồ sơ đăng ký làm chủ nhiệm đề tài trong cùng đợt tài trợ.

Nhóm nghiên cứu mạnh:

Là tập thể các nhà khoa học xây dựng được hướng nghiên cứu chung, dài hạn; có mục tiêu, kế hoạch nghiên cứu cho từng giai đoạn cụ thể; nội dung nghiên cứu có tính đột phá và cần nhiều thành viên tham gia thực hiện. Các thành viên chủ chốt của nhóm có kết quả nghiên cứu nổi bật, cụ thể:
Chủ nhiệm đề tài có kết quả công bố trên các tạp chí ISI có uy tín phù hợp trong thời gian 05 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ, có khả năng tập hợp được nhiều nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao tham gia thực hiện đề tài, duy trì được hợp tác nghiên cứu khoa học thường xuyên với các nhóm nghiên cứu quốc tế cùng ngành, liên ngành;
Có ít nhất 02 thành viên nghiên cứu chủ chốt của đề tài đáp ứng yêu cầu: Có chuyên môn phù hợp với nội dung nghiên cứu đề tài; có học vị tiến sỹ hoặc học hàm phó giáo sư, giáo sư và có kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín trong thời gian 05 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ;
Tổ chức chủ trì đề tài có đủ điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật, năng lực nghiên cứu và cam kết hỗ trợ trong thời gian thực hiện nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu phải có ít nhất 02 bài báo công bố trên tạp chí ISI có uy tín và 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín.

Tin: NAFOSTED