Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Thắt chặt hợp tác KH&CN Việt Nam – Lào trên nền tảng đại học, đưa hợp tác nghiên cứu lên tầm cao mới

Ngày 04/7/2025, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Việt Nam, đoàn Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lào (FOSTED) do ông Samlane Phankhavong, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, Phó Chủ tịch FOSTED dẫn đầu đã có buổi làm việc quan trọng với Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Buổi làm việc không chỉ là dịp trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu trong triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, mà còn mở ra nhiều hướng hợp tác thực chất giữa các đơn vị tài trợ và cơ sở đào tạo – nghiên cứu hàng đầu của hai quốc gia.

Toàn cảnh buổi làm việc.

ĐHKHTN – NAFOSTED – FOSTED: Mở rộng trục hợp tác nghiên cứu khoa học khu vực

Phát biểu chào mừng, PGS.TS. Trần Mạnh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN cho biết, Trường luôn giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam với đội ngũ cán bộ là những nhà khoa học giàu tâm huyết, chuyên gia đầu ngành, có năng lực nghiên cứu mạnh.

Trong những năm gần đây, Trường không ngừng nâng cao chất lượng và quy mô nghiên cứu khoa học. Giai đoạn 2019-2024, Trường đã và đang triển khai 26 nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia, 75 đề tài do Quỹ NAFOSTED tài trợ, cùng hàng trăm đề tài các cấp khác và hợp đồng chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp. Trung bình mỗi năm, tổng kinh phí cho nghiên cứu đạt gần 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trường đã công bố hơn 2.600 bài báo quốc tế thuộc hệ WoS/Scopus, sở hữu 48 bằng độc quyền sáng chế, xây dựng được 7 phòng thí nghiệm trọng điểm và 17 nhóm nghiên cứu mạnh.

PGS.TS. Trần Mạnh Cường đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các Quỹ tài trợ nghiên cứu, đặc biệt là Quỹ NAFOSTED, trong việc hỗ trợ cộng đồng nghiên cứu của Trường cũng như của cả nước trong thời gian qua. Đồng thời, bày tỏ tin tưởng rằng với sự hiện diện của đại diện ba bên: Trường ĐHKHTN – đơn vị nghiên cứu, Quỹ NAFOSTED – đơn vị tài trợ nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, Quỹ FOSTED – cơ quan phát triển KH&CN của Lào, sẽ mở ra nhiều triển vọng hợp tác mới, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) giữa hai quốc gia.

PGS.TS. Trần Mạnh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Samlane Phankhavong, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, Phó Chủ tịch Quỹ FOSTED bày tỏ ấn tượng sâu sắc trước thành tựu nghiên cứu của Trường ĐHKHTN. Theo ông, đây là những kinh nghiệm quý báu mà Lào có thể học hỏi trong quá trình xây dựng, triển khai và ứng dụng các chương trình nghiên cứu khoa học một cách bài bản và hiệu quả hơn.

Đánh giá về quan hệ hợp tác giữa Quỹ NAFOSTED và Quỹ FOSTED, ông Samlane Phankhavong cho rằng, thời gian qua hai bên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết; đồng thời kỳ vọng, với sự tham gia và đóng góp từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu uy tín của Việt Nam – đặc biệt là từ Trường ĐHKHTN sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ FOSTED, mở rộng chiều sâu hợp tác KH&CN giữa hai quốc gia. Qua đó, tạo ra những kết nối thực chất, góp phần cụ thể hóa các nội dung hợp tác giữa hai Quỹ; thúc đẩy hệ sinh thái nghiên cứu KH,CN&ĐMST tại Lào phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn trong thời gian tới.

Ông Samlane Phankhavong, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, Phó Chủ tịch Quỹ FOSTED phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phú Bình, Phó Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, Bộ KH&CN Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Lào đã ghi nhận nhiều dấu ấn đáng kể, đặc biệt là giữa hai quỹ NAFOSTED và FOSTED. Từ nền tảng chia sẻ mô hình tổ chức, phương pháp quản lý đến xây dựng thể chế, hai quỹ đã cùng nhau triển khai hiệu quả nhiều hoạt động thiết thực, đặt nền móng vững chắc cho một cơ chế tài trợ nghiên cứu bài bản tại Lào.

Ông Nguyễn Phú Bình cho biết thêm, Luật KH,CN&ĐMST của Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 6 đã chính thức khẳng định vai trò trung tâm của các trường đại học trong hoạt động nghiên cứu cơ bản. Đây là bước chuyển dịch quan trọng, tạo điều kiện để những cơ sở như Trường ĐHKHTN – nơi đã triển khai gần 300 đề tài do NAFOSTED tài trợ, tiếp tục phát huy thế mạnh, đóng góp cho hệ sinh thái KH&CN quốc gia và khu vực.

Với vai trò cầu nối tri thức, Quỹ NAFOSTED không chỉ hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng chính sách, mà còn trực tiếp chuyển giao cho FOSTED hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để tổ chức và quản lý hoạt động tài trợ KH&CN. Đến nay, các văn bản này đã được Bộ Giáo dục và Thể thao Lào chính thức ban hành, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các chương trình tài trợ và hỗ trợ nghiên cứu tại nước bạn. Song song với đó là các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm quản lý KH&CN cho đội ngũ cán bộ FOSTED – được duy trì xuyên suốt quá trình hợp tác.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dư địa để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng hợp tác song phương. Một ví dụ điển hình là mảng hợp tác theo nghị định thư – lĩnh vực mà NAFOSTED đang đẩy mạnh, nhằm kết nối các nhà khoa học từ nhiều quốc gia.

“Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi là buổi làm việc hôm nay sẽ không dừng lại ở trao đổi kinh nghiệm, mà sẽ tạo đòn bẩy cho các chương trình hợp tác nghiên cứu mang tính chiều sâu, gia tăng số lượng và chất lượng các nhiệm vụ KH&CN chung giữa hai quốc gia, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và tự cường về KH&CN trong khu vực,” ông Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phú Bình, Phó Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, Bộ KH&CN Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Khơi thông hợp tác KH&CN: Chia sẻ mô hình, đồng hành phát triển

Tại buổi làm việc, các bên đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các hướng nghiên cứu khoa học mà nhà Trường có thế mạnh và đang triển khai; khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, triển khai nhiêm vụ KH&CN cần sự hỗ trợ, tài trợ của các Quỹ tài trợ trong nghiên cứu KH&CN; giải pháp tháo gỡ và tiềm năng hợp tác song phương trong thời gian tới.

PGS.TS. Hoàng Minh Thảo, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Chuyển đổi số, ĐHKHTN chia sẻ kinh nghiệm triển khai các đề tài do Quỹ NAFOSTED tài trợ và khẳng định vai trò quan trọng của chính sách nội bộ trong phát triển nghiên cứu chất lượng cao. Theo đó, nhà trường hiện áp dụng đồng bộ nhiều chính sách như: khuyến khích thành lập và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, hỗ trợ nhân lực trẻ, khen thưởng công trình có giá trị học thuật cao, cũng như đẩy mạnh đào tạo và liêm chính khoa học… qua đó, góp phần nâng cao vị thế học thuật của nhà trường.

Bên cạnh đó, trường cũng đang chuyển dịch mạnh mẽ sang hướng ứng dụng thực tiễn, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ vật liệu, môi trường và trí tuệ nhân tạo… những mũi nhọn có tiềm năng thương mại hóa cao và sức ảnh hưởng rộng rãi. Đây cũng là cơ sở để thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp và phát triển các chương trình nghiên cứu liên ngành gắn với nhu cầu xã hội.

PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang, ĐHKHTN nhấn mạnh kỳ vọng về việc tăng số lượng hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Lào thông qua các đề tài nghị định thư, đồng thời mong muốn hai quỹ tiếp tục tạo điều kiện để Trường ĐHKHTN và Đại học Quốc gia Lào có thể thiết lập các chương trình hợp tác nền tảng.

Các đại biểu của ĐHKHTN chia sẻ tại buổi làm việc.

Về phía Lào, bà Keophayvanh Douangsavanh, Chánh Văn phòng Viện Khoa học Quốc gia Lào, Trưởng ban Thư ký FOSTED, Thành viên Hội đồng Quản lý FOSTED đánh giá cao sự đồng hành thiết thực của Việt Nam trong quá trình xây dựng và vận hành Quỹ FOSTED; nhờ mô hình và kinh nghiệm từ Việt Nam, đặc biệt là từ Quỹ NAFOSTED, Lào đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình tài trợ nghiên cứu.

Đánh giá Trường ĐHKHTN là đơn vị có kinh nghiệm tổ chức và thực hiện đề tài bài bản, bà bày tỏ quan tâm đến cách thức nhà trường chuyển giao kết quả nghiên cứu vào đời sống – một khâu mà phía Lào còn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm đối với công bố quốc tế, mô hình phát triển các phòng thí nghiệm trọng điểm và cơ sở nghiên cứu chuyên sâu của Trường ĐHKHTN.

Ông Phouphet Kyophilavong, đại diện phía Lào, đánh giá cao mô hình tài trợ của NAFOSTED và bày tỏ mong muốn học tập để hoàn thiện hệ sinh thái nghiên cứu tại Lào – nơi mà điều kiện tài chính, ngôn ngữ và hạ tầng phòng thí nghiệm vẫn còn hạn chế. Ông đề xuất hai bên nên có định hướng chung, xác định các lĩnh vực ưu tiên để phát triển đề tài liên kết; đồng thời lập đầu mối phối hợp giữa các cơ sở nghiên cứu của hai nước.

Các đại biểu đoàn công tác Quỹ FOSTED chia sẻ tại buổi làm việc.

Buổi làm việc diễn ra trong không khí cởi mở, chân thành và mang tính xây dựng cao. Những nội dung được chia sẻ không chỉ giúp hai bên hiểu sâu hơn về hệ sinh thái nghiên cứu khoa học của nhau, mà còn mở ra nhiều triển vọng hợp tác chiến lược, góp phần thúc đẩy phát triển KH&CN bền vững trong khu vực.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.

Lên đầu trang