Print This Post

Bài viết của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhân dịp Năm Quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững

Năm 2022 đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố là Năm Quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững nhằm khuyến nghị các quốc gia thành viên và các tổ chức cá nhân có liên quan nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học cơ bản đối với phát triển bền vững, phù hợp với các ưu tiên quốc gia. Việt Nam là một trong 10 quốc gia khởi xướng và đồng tác giả Sáng kiến Năm Quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững. Nhân sự kiện trên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã có bài viết trên Tạp chí Cộng sản với tiêu đề Tăng cường đầu tư đúng tầm cho nghiên cứu cơ bản – Nhân tố nền tảng tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững đất nước.

Toàn văn bài viết được Tạp chí Cộng sản đăng tải tại địa chỉ: https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tang-cuong-dau-tu-dung-tam-cho-nghien-cuu-co-ban-nhan-to-nen-tang-tao-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-vi-su-phat-trien-ben-v

Một số thông tin tham khảo về tỷ lệ chi cho nghiên cứu cơ bản của một số quốc gia

Mỹ:

Năm 2018, tổng chi cả nước của Mỹ cho hoạt động R&D* vượt mức 600 tỷ đô la, chiếm 2,83% GDP và chi cho nghiên cứu cơ bản luôn ổn định nhiều năm trước đó ở mức 17-18% tổng chi cho R&D. Giai đoạn 2013-2017, nếu chỉ tính riêng nguồn chi từ chính phủ liên bang, chi cho nghiên cứu cơ bản của Mỹ luôn ở mức trên 22% chi cho R&D.

Trung Quốc:

Kể từ năm 2006 sau khi ban hành “Chỉ dẫn quốc gia về chương trình Phát triển khoa học và công nghệ trung và dài hạn 2006-2020”, Trung Quốc nhanh chóng lọt vào nhóm các quốc gia hàng đầu thế giới trong đầu tư cho R&D và nghiên cứu cơ bản. Tổng chi cả nước cho R&D tăng nhanh từ 1,37% GDP năm 2006 lên mức 2,1% GDP vào năm 2016. Riêng chi từ Chính phủ trung ương Trung Quốc cho R&D đạt hơn 282 tỷ nhân dân tệ vào năm 2017, tỷ lệ chi cho nghiên cứu cơ bản so với cho R&D tăng đều từ 20,3% năm 2013 lên 27,4% vào năm 2017.

Nguồn: J. Xu and C. Huang, “The Budget and Expenditure of the Basic Research: A Comparison between China and the United States,” 2019 Portland International Conference on Management of Engineering and Technology (PICMET), 2019, pp. 1-6, doi: 10.23919/PICMET.2019.8893972.

* R&D: Hệ thống hoạt động nghiên cứu – triển khai (research and experimental development) bao gồm Nghiên cứu cơ bản (Basic research), Nghiên cứu ứng dụng (applied research) và Triển khai thực nghiệm (experimental development).

Nguồn: OECD Frascati Manual 2015.

Tin: NAFOSTED