Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Tin sự kiện

Tin sự kiện, Tin tức

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia thông báo tuyển dụng

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tuyển 01 cán bộ (hợp đồng) quản lý khoa học. Cụ thể như sau: Yêu cầu: – Tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá trở lên các chuyên ngành: tin học, hóa học hoặc vật lý; – Ngoại ngữ trình độ B1 khung châu Âu, tin học thành thạo; – Kỹ năng: giao tiếp tốt, có khả năng làm việc độc lập và phối hợp làm việc nhóm; – Ưu tiên những người đã có kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức nghiên cứu hoặc quản lý khoa học và công nghệ, có trình độ thạc sỹ, tốt nghiệp đại học các trường danh tiếng. Công việc: – Thực hiện và quản lý các hoạt động tài trợ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật: tiếp nhận đề xuất, tổ chức xét chọn, ký kết hợp đồng, theo dõi, đánh giá tiến độ thực hiện, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện và thanh lý hợp đồng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; – Thực hiện các hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giới thiệu về Quỹ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia. Quỹ được thành lập và hoạt động theo Điều lệ do Chính phủ ban hành. Tên giao dịch quốc tế của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia là National Foundation for Science and Technology Development, viết tắt là NAFOSTED. Hồ sơ gồm: – Đơn xin việc – Sơ yếu lý lịch (theo mẫu Phụ lục 2) có ảnh; – Bản sao các văn bằng kèm bảng điểm học tập. Gửi hồ sơ về địa chỉ email: nafosted@most.gov.vn, CC: minhanh@most.gov.vn Thời hạn nộp hồ sơ: Từ ngày 1/7 -10/7 năm 2016. Tác giả bài viết: DHAnh Nguồn tin: nafosted

Tin sự kiện, Tin tức

Thành lập các Hội đồng khoa học nghiên cứu cơ bản Thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn nhiệm kỳ 2016 -2018

Ngày 24/6/2016, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã ký Quyết định số 96/QĐ-HĐQL-NAFOSTED về việc thành lập các Hội đồng khoa học ngành, liên ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn nhiệm kỳ 2016 – 2018. Quyết định có hiệu lực từ ngày 4/7/2016. Thành viên của các hội đồng khoa học ngành, liên ngành là các nhà khoa học có uy tín và năng lực chuyên môn cao, được lựa chọn theo quy trình quy định của Quỹ, dựa trên các thành tích nghiên cứu và kết quả giới thiệu của các nhà khoa học Quỹ dự kiến tổ chức phiên họp ra mắt HĐKH nhiệm kỳ mới và đánh giá xét chọn các đề tài nghiên cứu cơ bản đợt tiếp nhận hồ sơ năm 2015 và tài trợ năm 2016 vào ngày 9/7/2016. Tải Quyết định số 96/QĐ-HĐQL-NAFOSTED về việc thành lập các Hội đồng khoa học ngành, liên ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn nhiệm kỳ 2016 – 2018 tại đây

Tin sự kiện, Tin tức

NAFOSTED tổ chức ra mắt và họp phiên toàn thể HĐKH ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV nhiệm kỳ II (2016 – 2018)

Ngày 9/7/2016 tại Hà Nội, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã tổ chức ra mắt các Hội đồng khoa học ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn nhiệm kỳ II (2016 – 2018) và tiến hành họp phiên toàn thể đánh giá xét chọn các đề tài nghiên cứu cơ bản trong KHXH&NV năm 2016. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh – Chủ tịch HĐQL Quỹ, các thành viên Hội đồng khoa học ngành, liên ngành lĩnh vực KHXH&NV nhiệm kỳ II và cán bộ viên chức Cơ quan điều hành Quỹ đã tham dự hội nghị.   Chủ tịch HĐQL Quỹ Trần Quốc Khánh chụp ảnh cùng HĐKH ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV nhiệm kỳ II (2016 – 2018) Mở đầu hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ trình bày về quy trình thành lập HĐKH ngành, liên ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV nhiệm kỳ II và giới thiệu về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ. Các thành viên HĐKH được lựa chọn từ các nhà khoa học có chuyên môn sâu trong các chuyên ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV, dựa trên thành tích khoa học, uy tín trong cộng đồng khoa học và đảm bảo sự phân bố hợp lý theo đơn vị công tác. Ông Mai Thế Bình, Phó Giám đốc CQĐH Quỹ đọc Quyết định thành lập HĐKH, giới thiệu và ra mắt các thành viên hội đồng khoa học nhiệm kỳ mới. Sau lễ ra mắt HĐKH nhiệm kỳ mới, hội nghị cũng nhận được những ý kiến trao đổi tâm huyết từ phía các nhà khoa học là thành viên các HĐKH nhiệm kỳ II. Các nhà khoa học đánh giá cao chương trình tài trợ của Quỹ, trong đó tập trung vào các yếu tố khoa học, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cũng như thúc đẩy sự kết nối giữa cộng đồng khoa học trong và ngoài nước. Phát biểu tại Hội nghị khẳng định hoạt động khoa học cần hướng đến mục tiêu là tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng cao, tiếp tục hội nhập trong nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đề cập đến vinh dự và trách nhiệm khi làm việc với vai trò của thành viên Hội đồng khoa học của Quỹ. Chủ tịch HĐQL Quỹ – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị Tổng kết phiên họp toàn thể các HĐKH ngành KHXH&NV nhiệm kỳ II, Chủ tịch Trần Quốc Khánh gửi lời cảm ơn các nhà khoa học đã nhận lời tham gia HĐKH và chúc mừng các nhà khoa học đã được cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam tín nhiệm, giới thiệu tham gia các HĐKH ngành, liên ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV của Quỹ nhiệm kỳ II. Chủ tịch đề nghị HĐKH thực hiện đánh giá khoa học với trách nhiệm cao nhất để đảm bảo tính khách quan, trung thực, đề xuất thực hiện các tài trợ của Quỹ theo đúng các tiêu chí đặt ra; tăng cường hoạt động tư vấn đánh giá các chương trình, đề tài tài trợ để kịp thời đánh giá các đề xuất khoa học cũng như kết quả nghiên cứu; tiếp tục tư vấn định hướng và các chính sách hoạt động của Quỹ giúp xác định trọng tâm đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng công bố khoa học, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế. Từ năm 2015, Quỹ triển khai chương trình NCCB theo quy định tại Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ, thay thế các Quy định cũ do Quỹ tài trợ ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-HĐQLQ ngày 24/12/2008 của Hội đồng Quản lý Quỹ. Số lượng hồ sơ đề tài NCCB trong KHXH đăng ký chương trình tài trợ năm 2015 là 67 hồ sơ. Trong thời gian tới, Quỹ sẽ mời chuyên gia phản biện đánh giá các hồ sơ đề tài. Sau khi có kết quả họp phiên 2 của các HĐKH ngành, Quỹ sẽ công bố Danh mục các đề tài được tài trợ trong năm 2016 (dự kiến vào 9/2016). Tác giả bài viết: VanHT

Tin sự kiện, Tin tức

Thông báo kết quả đánh giá hồ sơ tham gia Hội thảo kết nối nhà khoa học UK – Đông Nam Á

Ngày 31/5/2016, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã tổ chức buổi họp Tổ tư vấn đánh giá 87 hồ sơ đăng ký tham gia Hội thảo kết nối nhà khoa học UK – Đông Nam Á do Hội đồng nghiên cứu Anh quốc (RCUK) và Quỹ Nghiên cứu Thái Lan(TRF) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. Các hồ sơ được đánh giá dựa vào sự phù hợp về lĩnh vực nghiên cứu, thành tích nghiên cứu khoa học, nhu cầu hợp tác của cơ quan nơi công tác và đảm bảo nguyên tắc mỗi tổ chức khoa học và công nghệ có không quá 01 đại diện trong mỗi lĩnh vực. Dựa trên đề xuất của Tổ tư vấn, Quỹ đã ra quyết định lựa chọn và thông báo tới Đại sứ quán Anh (đơn vị tài trợ) cùng các nhà khoa học đã nộp hồ sơ đăng ký. Sau quá trình trao đổi dựa vào tình hình thực tế về khả năng tham dự của các nhà khoa học được lựa chọn, cũng như đề nghị điều chỉnh từ phía Đại sứ quán Anh, Quỹ xin được thông báo danh sách 17 nhà khoa học chính thức được tài trợ tham gia Hội thảo kết nối RCUK – Đông Nam Á tại Bangkok từ ngày 15-16/6/2016 như sau: 1.      Lĩnh vực ô nhiễm khí quyển và sức khỏe con người: STT Họ và tên Cơ quan công tác 1 Tô Thị Hiền Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia HCM 2 Nguyễn Xuân Anh Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam 3 Nguyễn Minh Hiệp Viện Nghiên cứu Hạt nhân 4 Nguyễn Đức Lượng Trường ĐH Xây dựng 5 Hoàng Anh Lê Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia HN 6 Lê Thị Thanh Xuân ĐH Y Hà Nội 2.      Lĩnh vực tài nguyên nước: STT Họ và tên Cơ quan công tác 1 Trịnh Anh Đức Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam 2 Văn Phạm Đăng Trí Đại học Cần Thơ 3 Vũ Thanh Tâm Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia 4 Đặng Thương Huyền ĐH Bách Khoa – ĐH Quốc gia HCM 5 Đào Nguyên Khôi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia HCM 6 Phạm Thế Hải Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia HN 3.      Lĩnh vực đất than bùn và rừng ngập mặn nhiệt đới: STT Họ và tên Cơ quan công tác 1 Dương Thị Thủy Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam 2 Nguyễn Tài Tuệ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia HN 3 Trần Thị Thu Dung Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia HCM 4 Nguyễn Thị Kim Cúc Trường ĐH Thủy Lợi 5 Nguyễn Thế Cường Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Các nhà khoa học không tham gia Hội thảo kết nối RCUK – Đông Nam Á vẫn có thể nộp hồ sơ đăng ký chương trình đồng tài trợ năm 2016 (thuộc Quỹ Newton) giữa RCUK, TRF, DIPI và NAFOSTED. Thông tin chi tiết về cách thức đăng ký chương trình đồng tài trợ đã được đăng tải tại website của Quỹ tại đường link:http://www.nafosted.gov.vn/vi/news/Thong-bao-tai-tro/Thong-bao-nhan-ho-so-chuong-trinh-hop-tac-Vuong-quoc-Anh-Indonesia-Thai-Lan-Viet-Nam-RCUK-DIPI-TRF-NAFOSTED-nam-2016-215/ Tác giả bài viết: Vanht Nguồn tin: nafosted

Tin sự kiện, Tin tức

Kết thúc hội nghị NAFOSTED năm 2016 tại Hà Nội

Sáng 9/6/2016, NAFOSTED đã tổ chức hội nghị “trao đổi kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ KH&CN do Quỹ tài trợ/hỗ trợ” với khoảng 300 nhà khoa học, nhà quản lý, kế toán các tổ chức KH&CN tham dự. Toàn cảnh hội nghị NAFOSTED tại Hà Nội Nội dung của hội nghị tập trung cung cấp thông tin về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ; yêu cầu chi tiết về điều kiện hồ sơ, điều kiện nhóm nghiên cứu hợp lệ, yêu cầu nghiệm thu; hướng dẫn xây dựng dự toán, sử dụng và thanh quyết toán đề tài. Ngoài ra, diễn giả khách mời là GS TS Nguyễn Văn Hiếu – Viện trưởng viện đào tạo về khoa học và vật liệu (ĐHBKHN) – đã dành nhiều thời gian để chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng hồ sơ đề tài NCCB tốt, cách viết một bài báo khoa học, và để được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín.  Bà Trần Hải Yến – Phó Giám đốc thư viện (NASATI) – đã giới thiệu về các dịch vụ của Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ các nhà khoa học tra cứu các thông tin về công bố khoa học trong và ngoài nước. (Nội dung chi tiết và tải tài liệu hội nghị xem tại: http://www.nafosted.gov.vn/vi/news/Tin-hoat-dong-cua-Quy/Thong-bao-to-chuc-hoi-nghi-NAFOSTED-tai-Ha-Noi-62016-212/) Trong thời lượng cuối cùng của hội nghị, ban tổ chức đã tổng hợp, trả lời nhiều câu hỏi đã nhận được qua hệ thống đăng ký trực tuyến về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ. Trong phần trao đổi trực tiếp, các đại biểu đã bày tỏ quan tâm tới các hỗ trợ dành cho nhà khoa học trẻ, các chương trình nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ, các chương trình hợp tác song phương do Quỹ đồng thực hiện với các đối tác quốc tế. Dự kiến, trong sáu tháng cuối năm, Quỹ sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị tương tự tại miền Trung và miền Nam, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu tiếp cận thông tin và tham gia các chương trình, hoạt động khoa học và công nghệ do Quỹ tài trợ, hỗ trợ. Sau đây là một số hình ảnh của hội nghị: Bà Đỗ Phương Lan – Phó giám đốc NAFOSTED phát biểu khai mạc hội nghị Ông Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc Quỹ và bài phát biểu giới thiệu tổng quan về Quỹ và hoạt động của Quỹ Bà Nguyễn Thị Phương hướng dẫn chi tiết về các điều kiện hồ sơ và yêu cầu kết quả của từng chương trình tài trợ, hỗ trợ GS TS Nguyễn Văn Hiếu và bài thuyết trình về kinh nghiệm xây dựng hồ sơ đề tài NCCB và công bố quốc tế Bà Phan Thị Minh Nguyệt hướng dẫn tổng quan về xây dựng dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí Đại biểu đặt câu hỏi trong phần Hỏi đáp Ban tổ chức giải đáp câu hỏi của các vị đại biểu Ảnh: Hoàng Anh Tác giả bài viết: HaVTM Nguồn tin: nafosted

Tin sự kiện, Tin tức

Thông báo tổ chức hội nghị NAFOSTED tại Hà Nội (6/2016)

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trân trọng thông báo tổ chức “Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ khoa học & công nghệ do NAFOSTED tài trợ/hỗ trợ”. ·        Đối tượng: nhà khoa học, đại diện các phòng quản lý khoa học & công nghệ tại các đơn vị, kế toán tổ chức khoa học & công nghệ. ·        Địa điểm: Phòng hội nghị tầng 10, tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Số 1 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội. ·        Thời gian: 8:00 – 12:00, thứ Năm 9/6/2016 (đón đại biểu từ 7:30). Nội dung hội thảo gồm: Phần 1: Giới thiệu về Quỹ Phần 2: Các chương trình tài trợ, hỗ trợ từ Quỹ. Phần 3: Kinh nghiệm xây dựng thuyết minh đề cương đề tài nghiên cứu cơ bản và công bố quốc tế. Nghỉ giữa giờ. Phần 4: Đảm bảo thông tin cho các chương trình KH&CN cấp quốc gia. (dự kiến) Phần 5: Hướng dẫn xây dựng dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí đề tài. Hỏi đáp. Kính đề nghị các quý vị đại biểu tải tư liệu của hội nghị để nghiên cứu trước. => Đăng ký tham dự hội nghị tại đây Sơ đồ địa điểm: Tác giả bài viết: HaVTM Nguồn tin: nafosted

Tin sự kiện, Tin tức

Thông báo nội dung ôn tập xét tuyển viên chức

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia thông báo tới các thí sinh đã nộp hồ sơ dự tuyển viên chức của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia nội dung ôn tập. Thời gian dự kiến: tuần 4 tháng 7/2016 Hình thức: Vấn đáp/Bài viết Kiến thức chung 1.  Luật Viên chức và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ + Quy định chung + Quyền và nghĩa vụ của viên chức + Đào tạo, bồi dưỡng + Thôi việc, đánh giá viên chức + Khen thưởng, kỷ luật 2.  Luật khoa học công nghệ năm 2013 + Chương I, II và VI (mục 3) 3.  Nghị định số 23/2014/NĐ-CP ngày 03/04/2014 của Chính phủ Về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia 4.  Thông tư 129/2007/TTLT/BTC-BKHCN ngày 02/11/2007 về việc hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia Kiến thức riêng đối với từng vị trí I.             Đối với các vị trí quản lý khoa học 1.     Nghị định 08/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ + Chương I, III 2.  Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 + Phần II: Mục tiêu phát triển KH&CN 3.  Nghị quyết 20 TW (NQ TW6 khóa XI) + Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 4.     Thông tư 09/2015/TT-BKHCN ngày 15/05/2015 Quy định quản lý hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia hỗ trợ. 5.     Thông tư 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014 Quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ. 6.     Thông tư 40/2014/TT-BKHCN ngày 18/12/2014 Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiềm năng do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ. 7.     Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN ngày 12/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu 8.     Nghị định 40/2014/NĐ-CP về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN + Chương I, IV II.          Đối với vị trí kế toán 1.     Luật kế toán và Nghị định 128/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành 1 số điều của Luật Kế toán + Quy định về nội dung công tác kế toán + Quy định về quản lý nhà nước vè kế toán 2.     Nội dung 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam 3.     Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước 4.     Kế toán hành chính sự nghiệp và Thông tư 243/2009/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng cho Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia 5.     Các thông tư, quyết định hướng dẫn định mức, thẩm định, quản lý tài chính liên quan đến nhiệm vụ KH&CN: + Quyết định QĐ 68/QĐ-HĐQLQ-NAFOSTED Hướng dẫn thẩm định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ. + Thông tư 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014 Quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ. + Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC Thông tư liên tịch Quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước + Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 08/6/2015 hướng dẫn định mức xây dựng, phân bố dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước + Thông tư liên tịch 16/2015/TTLT-BKHCN-BTC Thông tư liên tịch Hướng dẫn việc quản lý, xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. III.      Vị trí văn phòng 1.     Thông tư 97/2010/TT-BTC Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị  đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập 2.     Thông tư 01/2010/TT-BTC Quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước. 3.     Thông tư 102/2012/TT-BTC Quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí 4.     Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; 5.     Quyết định 58/2015/QĐ-Ttg của Thủ tướng chính phủ Quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập. 6.     Thông tư 33/2014/TT-BKHCN ngày 06/11/2014  Ban hành quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ 7.     Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn theo TCVN ISO 9001:2008 8.     Quy chế Công tác văn thư, lưu trữ của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành kèm theo Quyết định số 4148 /QĐ-BKHCN. 9.     Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định hướng dẫn. Tác giả bài viết: HoangAnh Nguồn tin: nafosted

Tin sự kiện, Tin tức

Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016

Chiều 18/5/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016, tôn vinh 03 nhà khoa học có thành tích nghiên cứu xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Đại diện từ Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện các tổ chức khoa học và công nghệ trong cả nước; cùng nhiều nhà khoa học đã tới tham dự buổi lễ. Đại diện từ Chính phủ, Lãnh đạo Bộ KH&CN và 3 nhà khoa học được trao tặng giải thưởng năm 2016 tham dự Lễ trao giải Năm 2016, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã được trao cho 03 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực vật lý và khoa học trái đất. Hai giải thưởng dành cho nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học xuất sắc: GS.TS Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1972), Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh (sinh năm 1979), Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc được trao cho TS Phùng Văn Đồng (sinh năm 1981), Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. GS.TS Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Lễ trao giải GS.TS Nguyễn Văn Hiếu đạt giải thưởng với công trình “Thiết kế cấu tạo nano thứ cấp SnO2/ZnO nhằm tăng cường khả năng chống khí hơi cồn” (Design of SnO2/ZnO hierarchical nanostructures for enhanced ethanol gas-sensing performance) công bố năm 2012 trên tạp chí Sensors and Actuators B. Công trình này đưa ra phương pháp mới chế tạo nano thứ cấp có khả năng mở rộng được ứng dụng không những trong nano cảm biến nhạy khí mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như linh kiện điện tử nano, pin năng lượng. PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh phát biểu tại Lễ trao giải PGS. TS Nguyễn Ngọc Minh đạt giải thưởng với công trình “Nghiên cứu sự giải phóng Kali đi kèm với quá trình hòa tan Phytolith trong rơm rạ” (Release of potassium accompanying the dissolution of rice straw phytolith). Công trình đã được công bố năm 2014 trên tạp chí Chemosphere. Công trình này thuộc lĩnh vực Khoa học Thổ nhưỡng và Đất, nghiên cứu được cấu trúc phytolith được hình thành trong quá trình kết tủa silic ở thân cây lúa, từ đó đề xuất ra quy trình xử lý rơm rạ tránh ô nhiễm môi trường và tăng độ phì cho đất trồng trọt có thể áp dụng được trên quy mô đại trà trên các vùng đồng bằng trồng lúa. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao kỷ niệm chương cho TS Phùng Văn Đồng TS Phùng Văn Đồng đạt giải thưởng với công trình “Mô hình 3-3-1-1 cho vật chất tối” (3-3-1-1 model for dark matter) được đăng năm 2013 trên tạp chí Physical Review D  Công trình này thuộc lĩnh vực thiên văn học và vật lý năng lượng cao có ý nghĩa lý thuyết rất cao, góp phần vào việc giải thích cấu tạo vật chất và năng lượng của vũ trụ, đã phát triển và hiệu chỉnh mô hình chuẩn đã có 3-3-1 của vật chất tối trong vũ trụ thành mô hình 3-3-1-1 thông qua sử dụng các tính chất đối xứng.Phát biểu tại Lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với phát triển khoa học và công nghệ, cũng như tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản trong xây dựng lực lượng khoa học và công nghệ, tạo dựng và duy trì môi trường nghiên cứu, đào tạo có chất lượng. Được bắt đầu từ năm 2014, Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng hằng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Các tiêu chí của Giải thưởng hướng tới các công trình khoa học được thực hiện trong nước, trong thời gian gần đây, được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Theo đánh giá của GS. TS. Đinh Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng giải thưởng, các đề cử cho giải thưởng năm nay đều là những công trình khoa học xuất sắc mang tầm quốc tế. Giải thưởng Tạ Quang Bửu  không được trao tặng vì thành tích nghiên cứu trong cả một quá trình, mà cho nhà khoa học có đóng góp chính trong một công trình khoa học xuất sắc duy nhất. Vì thế giải thưởng Tạ Quang Bửu đem lại cơ hội cho cả những nhà khoa học lão thành đã nổi tiếng và những nhà khoa học trẻ. Nguồn tin: nafosted

Tin sự kiện, Tin tức

Những hoạt động của Quỹ dịp kỉ niệm ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (tháng 5/2016)

Nhân dịp ngày Khoa học & Công nghệ Việt Nam (18/5), Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng. Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016 Toàn cảnh buổi họp Hội đồng giải thưởng sáng 7/5/2016 (Ảnh: HàVTM) Ngày 7/5/2016, Hội đồng Giải thưởng đã tổ chức họp và đề xuất trao giải cho 03 nhà khoa học có kết quả nghiên cứu xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên & kỹ thuật lên Bộ Khoa học & Công nghệ. Ngày 11/5/2016, Bộ Khoa học & Công nghệ đã chính thức ký quyết định số 1091/QĐ-BKHCN trao tặng giải thưởng cho 03 nhà khoa học này, gồm 02 giải thưởng dành cho nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học xuất sắc thuộc về GS.TS. Nguyễn Văn Hiếu (Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) và 01 giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc thuộc về TS. Phùng Văn Đồng (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam). Lễ trao Giải thưởng sẽ được tổ chức vào chiều ngày 18/05/2016 tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ. Tham dự sự kiện “Những ngày Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN-EU (STI Days) 2016” Toàn cảnh buổi họp SEA-EU-NET (Ảnh: VânHT) Ngày 11, 12, và 13/5/2016, đoàn đại diện của Quỹ NAFOSTED đã tham gia sự kiện STI Days tổ chức tại Hà Nội. Trong dịp này, Quỹ lần đầu tiên tham dự buổi họp riêng dành cho các tổ chức tài trợ khoa học và công nghệ đến từ các nước Châu Âu và Đông Nam Á (SEA-EU-NET). Đây là cuộc họp tiếp nối 02 cuộc họp trước của nhóm SEA-EU-NET. Buổi họp SEA-EU-NET đã thảo luận đến khả năng cùng tổ chức cơ chế đồng tài trợ (Joint Funding Scheme) giữa các nước châu Âu và Đông Nam Á, các bước cùng tổ chức thực hiện và các yêu cầu, ưu tiên về lĩnh vực, khả năng đáp ứng tài chính của mỗi bên. Tiếp đón đại diện các Quỹ khoa học và công nghệ quốc tế tới trao đổi và tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong tương lai Tiếp đón bà Andrea Landolt, đại diện Quỹ SNSF (Thụy Sỹ) (Ảnh: TrangNH) Trong tháng 5/2016, NAFOSTED cũng đã tổ chức tiếp và làm việc với 5 đơn vị tài trợ, tư vấn về khoa học và công nghệ châu Âu tới tham dự STI Days gồm: Swiss National Science Foundation (SNSF- Thụy Sỹ), Alexander von Humboldt Foundation of Germany (Đức), Research Council of Norway (Na Uy), EU Commission và Công ty SPI (Bồ Đào Nha). Trong các buổi gặp gỡ, các bên đã cùng chia sẻ và tìm hiểu về cách thực tổ chức, hoạt động, các chương trình, nhiệm vụ và trao đổi khả năng hợp tác, hỗ trợ nhau trong các chương trình, hoạt động tổ chức, đào tạo trong tương lai. Tiếp đón ngài Svend Otto Remøe, Cố vấn đặc biệt của Research Council of Norway (Ảnh: VânHT) Tác giả bài viết: HaVTM Nguồn tin: nafosted

Tin sự kiện, Tin tức

Vài nét về Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016

GS. TS Đinh Dũng trong buổi giao lưu trực tuyến giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016 (Ảnh: Báo Tiền Phong) Được bắt đầu từ năm 2014, Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng hằng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Các tiêu chí của Giải thưởng hướng tới các công trình khoa học được thực hiện trong nước, trong thời gian gần đây, được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng trong nước đầu tiên vinh danh các nhà khoa học có công trình khoa học xuất sắc mang tầm thế giới. Các nhà khoa học được giải thưởng không chỉ được cộng đồng khoa học trong nước mà cả cộng đồng khoa học thế giới công nhận là có đóng góp xuất sắc thật sự cho khoa học. Mặt khác, các công trình khoa học này phải được các nhà khoa học thực hiện ở Việt Nam, hoặc nếu có hợp tác quốc tế thì phần công việc được thực hiện ở Việt Nam phải là chủ yếu và đóng vai trò quyết định. Điều đặc biệt là giải thưởng này không được tặng vì thành tích nghiên cứu trong cả một quá trình, mà cho nhà khoa học có đóng góp chính trong một công trình khoa học xuất sắc duy nhất. Chính vì thế mà cơ hội được tặng giải thưởng đối với các nhà khoa học lão thành đã nổi tiếng và các nhà khoa học trẻ là như nhau. Giải thưởng Tạ Quang Bửu chỉ tặng cho cá nhân nhà khoa học, không tặng cho cả tập thể tác giả của một công trình khoa học. Vai trò chủ chốt trong công trình nghiên của nhà khoa học được tặng giải có ý nghĩa quyết định. Chính vì thế mà mới ra đời được ba năm, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã có uy tín trong giới khoa học và công nghệ. Bản thân nhà khoa học được nhận Giải thưởng cũng cảm thấy rất vinh dự. Quy trình xét chọn là chặt chẽ, khoa học, công khai và minh bạch. Đây là giải thưởng duy nhất mà các nhà khoa học đóng vai trò quyết định trong việc xét chọn. Hội đồng xét chọn chủ yếu gồm các nhà khoa học tiêu biểu, đại diện cho các lĩnh vực khoa học liên quan đến giải thưởng và một số nhà khoa học quốc tế có uy tín. Các công trình được đánh giá qua uy tín của tạp chí chuyên ngành mà công trình đã được đăng và nội dung khoa học nổi trội của công trình dựa trên ý kiến của các phản biện và được các hội đồng khoa học chuyên ngành của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia sơ tuyển. Mỗi công trình đều được gửi xin đánh giá của hai nhà khoa học uy tín trong nước và hai nhà khoa học quốc tế uy tín. Và cuối cùng, các công trình được tặng giải thưởng đều nằm trong top đầu trong hàng trăm các tạp chí ISI có uy tín trong từng chuyên ngành và mỗi công trình đều có những kết quả đỉnh cao tầm cỡ quốc tế. Năm nay Giải thưởng chính Tạ Quang Bửu được trao cho hai nhà khoa học là GS.TS Nguyễn Văn Hiếu, sinh năm 1972, Đại học Bách khoa Hà Nội, và PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1979, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN. Giải thưởng trẻ Tạ Quang Bửu được trao cho TS Phùng Văn Đồng, sinh năm 1981, Viện Vật lý, Viện HLKHCNQG. Các phản biện trong nước và quốc tế, các hội đồng khoa học chuyên ngành và Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu đều đánh giá các nhà khoa học trên đây đều là tác giả chính của công trình khoa học xuất sắc tầm cỡ quốc tế, được đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế hàng đầu. Nét nổi bật đầu tiên là khác với các năm trước đây cả hai giải thưởng chính đều thuộc các nhà khoa học có tuổi đời còn trẻ. Điều này một lần nữa khẳng định rằng cơ hội được nhận giải thưởng chính là như nhau đối với các nhà khoa học “lão làng” đã có bề dầy trong nghiên cứu khoa học và các nhà khoa học trẻ. Điểm nổi bật thứ hai là các công trình khoa học mà tác giả chính của chúng được trao giải thưởng đều mang “đậm đà bản sắc Việt Nam”. Cả ba công trình đều được tài trợ và thực hiện trong khuôn khổ các đề tài nghiên cứu cơ bản thực hiện trong nước. Đặc biệt các công trình khoa học của GS.TS Nguyễn Văn Hiếu và TS Phùng Văn Đồng có các đồng tác giả hoàn toàn là các đồng nghiệp Việt Nam và hoàn toàn được thực hiên ở Việt Nam, không có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, hai công trình này được trích dẫn nhiều lần kể từ khi xuất bản: công trình khoa học của GS.TS Nguyễn Văn Hiếu (2012) được trích dẫn 69 lần và của TS Phùng Văn Đồng (2013) được trích dẫn 19 lần (không tính tự trích dẫn). Điều này chứng tỏ các công trình khoa học này được các đồng nghiệp quốc tế rất quan tâm và có ảnh hưởng lớn đến các công trình cùng lĩnh vực nghiên cứu. Điểm nổi bất thứba là các công trình khoa học của hai giải thưởng chính đều thuộc lĩnh vực khoa học thực nghiệm, có ý nghĩa thực tiễn và khả năng ứng dụng rất lớn. Công trình khoa học của GS.TS Nguyễn Văn Hiếu

Lên đầu trang