Print This Post

Nghiên cứu công nghệ tạo chủng giống gốc để sản xuất vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung do HPV

Trong thời gian từ tháng 9/2012 đến tháng 6/2016, nhóm nghiên cứu tại Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) do GS.TS. Nguyễn Thu Vân dẫn đầu đã thực hiện đề tài độc lập cấp nhà nước: “Nghiên cứu công nghệ tạo chủng giống gốc để sản xuất vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung do HPV”.

Human papillomavirus (HPV) gây nhiều dạng bệnh khác nhau ở người. Các týp HPV liên quan đến quá trình phát triển ung thư biểu mô (cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn và hầu họng) được xem là các týp có nguy cơ cao. Trong đó týp 16 và 18 là nguyên nhân của gần 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung trên thế giới. Các týp HPV nguy cơ thấp gây u sùi mào gà lành tính ở đường sinh dục, đường hô hấp và các loạn sản cổ tử cung mức độ thấp. Trong đó, HPV 6 và 11 là nguyên nhân của trên 90% các trường hợp u sùi mào gà đường sinh dục và u sùi đường hô hấp tái phát, 9 đến 12% các tổn thương loạn sản cổ tử cung mức độ thấp. Nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy HPV16 và 18 là các týp phổ biến nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HPV týp 58 cũng chiếm từ 11% đến 19% các trường hợp HPV dương tính tại Việt Nam cũng như tại một số nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Phillipin.

Xác định HPV là tác nhân vi rút gây bệnh, từ đó hình thành các nghiên cứu tạo ra vắc xin phòng lây nhiễm vi rút. Tuy nhiên do chủng HPV hoang dại không phù hợp để phát triển vắc xin do khó nhân nuôi trong môi trường nhân tạo nên các nghiên cứu hướng đến tạo ra dạng tiểu thể giống vi rút (virus-liked particles – VLP) bằng cách biểu hiện protein L1 của vi rút trên các hệ tế bào khác loài như vi khuẩn, nấm men hay baculovirus/tế bào côn trùng. VLP này có tính sinh miễn dịch cao ở chuột và thỏ, kháng thể được sản sinh có khả năng trung hòa và ức chế đặc hiệu týp khi tiến hành thử nghiệm trung hòa giả dạng vi rút (pseudovirion neutralization assay). Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang tiếp tục nghiên cứu protein L2 của HPV. Một số nghiên cứu cho thấy huyết thanh thu được ở các động vật thí nghiệm sau khi tiêm peptit L2 có thể trung hòa chéo với nhiều giả dạng vi rút (pseudovirus – PSV) của các týp HPV khác nhau. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng vắc xin tái tổ hợp có cài gen mã hóa vùng L2 của vi rút HPV sẽ có khả năng ngừa nhiễm nhiều týp hơn và làm giảm giá thành vắc xin so với việc phải bổ sung thêm các týp cho vắc xin vùng L1. Hai vắc xin đang được lưu hành tại Việt Nam là Cervarix (GSK) và Gardasil (MSD) mới chỉ chứa 4 kháng nguyên của 4 týp 6, 11, 16 và 18. Trong nước hiện cũng chưa có cơ sở nào tiến hành nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng ung thư cổ tử cung do HPV.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn trong nước và trên thế giới, đề tài nghiên cứu độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu công nghệ tạo chủng giống gốc để sản xuất vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung do HPV’ nhằm đạt muc tiêu tạo được các chủng vắc xin giống gốc để sản xuất vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung do HPV.

Đề tài đã được Hội đồng cấp nhà nước (được thành lập theo Quyết định số 2506/QĐ-BKHCN ngày 06/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) nghiệm thu chính thức vào ngày 29/9/2016, đánh giá xếp loại “KHÁ”.

Kết quả nổi bật của đề tài là đã tạo được 10 chủng giống gốc để sản xuất vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung do HPV, trong đó chủng HPV týp 58 là týp lưu hành phổ biến tại Việt Nam. Typ HPV 58 hiện chưa có trong thành phần của các vắc xin thương mại do vậy đây là nguy cơ ung thư cổ tử cung tiềm tàng chưa dự phòng được tại Việt Nam.

Kết quả này của đề tài sẽ góp phần chủ động tạo chủng giống tiến tới sản xuất vắcxin trong nước với giá thành thấp, đáp ứng được nhu cầu sử dụng rộng rãi cho mọi người dân. So sánh với các vắcxin HPV hiện đang lưu hành, việc chủ động sản xuất vắcxin HPV trong nước sẽ làm giảm chi phí sản xuất cho mỗi liều vắc xin từ đó có được giá bán phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam. Ung thư cổ tử cung do HPV hiện nay là một vấn đề của y tế công cộng tại Việt Nam với hàng ngàn người có nguy cơ nhiễm bệnh và tử vong mỗi năm. Khi người dân bị nhiễm bệnh, chi phí điều trị sẽ lớn gấp nhiều lần so với chi phí tiêm phòng đồng thời gây gánh nặng lên gia đình và xã hội. Tạo được chủng giống tiến tới sản xuất được vắc xin HPV trong nước sẽ làm giảm chi phí tiêm phòng cho bệnh nhân, nhiều người dân sẽ được tiếp cận và phòng ngừa bệnh hơn đặc biệt là người nghèo. Nghiên cứu, phát triển và tiến tới đưa ra sử dụng rộng rãi vắc xin HPV được sản xuất trong nước là cần thiết và để Việt Nam dần tự túc được vắcxin với giá thành chấp nhận được và chất lượng cao. Kết quả nghiên cứu của đề tài này có ý nghĩa lớn trong việc dự phòng bệnh ung thư cổ tử cung do HPV nói riêng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói chung. Điều này sẽ góp phần vào sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế và xã hội.

Để Việt Nam sớm sản xuất được vắc xin phòng bệnh ưng thư cổ tử cung do HPV, nhóm nghiên cứu mong muốn được tiếp tục đầu tư một cách toàn diện như xây dựng qui trình công nghệ sản xuất, nghiên cứu lâm sàng và sản xuất thử nghiệm vắc xin HPV.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài (Mã số 10/2012/ĐTĐL) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), 24 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội, website: www.vista.gov.vn

Tác giả bài viết: Bộ phận Dự án

Nguồn tin: nafosted