Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Truyền thông khoa học

Tin sự kiện, Tin tức, Truyền thông khoa học

Hội đồng nghiên cứu toàn cầu quan tâm đặc biệt đến sử dụng AI trong quản lý nghiên cứu

Từ ngày 29/10 đến ngày 1/11/2024, phiên họp thường niên của Hội đồng nghiên cứu toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Phiên họp được Quỹ Khoa học tự nhiên Quốc gia – Trung Quốc (NSFC) và Quỹ Khoa học Quốc gia – Sri Lanka đồng chủ trì tổ chức với sự tham dự của đại diện 14 tổ chức chính sách, tài trợ nghiên cứu KHCN và ĐMST khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và các học giả đến từ 03 Đại học (Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học KHCN Hồng Kong – Quảng Châu) của nước chủ nhà Trung Quốc. Đại diện Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã tham dự phiên họp. Nội dung thảo luận chính trong phiên họp gồm 05 chủ đề: 1) Quản lý nghiên cứu trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI); 2) Hợp tác, cùng sáng tạo để giải quyết các thách thức toàn cầu; 3) Giới và sự bình đẳng, đa dạng và hòa nhập; 4) Đánh giá nghiên cứu có trách nhiệm; 5) Hợp tác đa phương. Tham dự phiên họp, TS. Phạm Đình  Nguyên, Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) đã cùng điều phối phiên thảo luận với chủ đề Quản lý nghiên cứu trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI). Phiên thảo luận xoay quanh một số chủ đề chính bao gồm lợi ích và bất lợi trong việc áp dụng AI vào nghiên cứu và quản lý nghiên cứu; khả năng nâng cao hiệu quả và tính khách quan trong sử dụng AI trong quản lý tài trợ nghiên cứu; làm thế nào để giảm thiểu những tác động tiêu cực, rủi ro (lệ thuộc công nghệ và lạm dụng đạo đức), đảm bảo tính công bằng và sự giám sát của con người trong các quyết định tài trợ được hỗ trợ bởi AI; cải thiện kiến thức về AI cho các nhà nghiên cứu và nhân viên của cơ quan tài trợ; vấn đề đạo đức trong xây dựng, thúc đẩy các chính sách cũng như hướng dẫn về AI; phương thức đảm bảo tiếp cận công bằng toàn cầu với công nghệ và hạ tầng AI. TS. Phạm Đình Nguyên – Giám đốc CQĐH Quỹ (bìa phải) trao đổi tại phiên thảo luận Các thảo luận thể hiện sự đồng thuận về tiềm năng của AI trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiệu quả trong triển khai nghiên cứu; tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề đạo đức liên quan đến AI, quyền riêng tư dữ liệu, tính minh bạch, tính bảo mật, sự công bằng, và trách nhiệm giải trình; nhấn mạnh hợp tác quốc tế là cần thiết để giải quyết các thách thức chung. Tuy nhiên, có các ý kiến khác nhau đối với một số vấn đề cụ thể – ví dụ sử dụng AI trong nhận xét phản biện (peer review) phục vụ xét chọn tài trợ nghiên cứu. Để sử dụng AI có trách nhiệm và tối đa hóa lợi ích tiềm năng của nó, các học giả cho rằng cần thiết phải nâng cao hiểu biết về AI cho các nhà nghiên cứu và các bên liên quan. Phiên họp Hội đồng nghiên cứu toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 2024 là một trong 05 phiên họp song song ở các khu vực khác nhau trên Thế giới (Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông – Bắc Phi, Châu Phi cận Sahara) nhằm chuẩn bị nội dung cho phiên họp thường niên lần thứ 13 Hội đồng nghiên cứu toàn cầu sẽ diễn ra vào năm 2025. Hội đồng nghiên cứu toàn cầu (GRC)   Hội đồng nghiên cứu toàn cầu bao gồm những người đứng đầu các cơ quan tài trợ nghiên cứu trên toàn thế giới, hướng đến mục tiêu: 1. Tăng cường kết nối và hợp tác giữa các cơ quan tài trợ nghiên cứu; 2. Thúc đẩy chia sẻ dữ liệu và thực hành tốt nhất cho hợp tác nghiên cứu chất lượng cao; 3. Tạo diễn đàn cho các cuộc họp thường kỳ của lãnh đạo các cơ quan tài trợ nghiên cứu; 4. Đáp ứng các cơ hội và giải quyết các vấn đề quan tâm chung nhằm hỗ trợ nghiên cứu và giáo dục; 5. Là nguồn lực cho các tổ chức nghiên cứu có khát vọng tạo dựng môi trường nghiên cứu hàng đầu thế giới; 6. Tìm kiếm cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khoa học toàn cầu và cộng đồng nghiên cứu trên toàn thế giới. Tin: NAFOSTED

Kết quả tài trợ nổi bật, Truyền thông khoa học

Ô nhiễm vi nhựa trong các loài sò vẹm có ở mức đáng lo ngại?

Với sự tài trợ của NAFOSTED và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, nhóm các nhà khoa học ở ĐH Tài nguyên và Môi trường, Bệnh viện Phổi Trung ương, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam… và các đồng nghiệp Pháp thực hiện nghiên cứu ở vùng duyên hải miền Bắc, trên các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường ăn uống. Nguồn: Shutterstock Hiện đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về sự xuất hiện của vi nhựa ở nhiều hệ sinh thái khác nhau, ví dụ như trầm tích bờ biển Đà Nẵng, Tiền Giang, Vũng Tàu sông Sài Gòn và kênh, lõi trầm tích sông Hồng và Tiên Yên… Lo ngại về vi nhựa trên nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở Việt Nam, đã có nghiên cứu đánh giá ở Thanh Hóa ghi nhận các nồng độ vi nhựa ở vẹm xanh châu Á (Perna viridis), nghêu Bến (Meretrix lyrata), ngao hai cồi (Tapes dorsatus)… Tuy nhiên vẫn chưa rõ ảnh hưởng của mùa (mùa khô và mùa mưa) và vùng địa lý với sự phân bố của vi nhựa. Nhóm nghiên cứu đặt giả thuyết có thể là cơ chế mùa và vùng địa lý sẽ đem lại những gợi ý về quản lý môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Họ đã thu thập sò huyết và vẹm xanh từ các bãi lầy triều thuộc cửa Ba Lạt, Vân Đồn, Cát Bà, nơi có liên quan trực tiếp đến những hoạt động nhân sinh rất đa dạng như nuôi trồng thủy sản, du lịch, vận tải… Mẫu được lấy trong mùa mưa (tháng 7/2020) và mùa khô (tháng 1/2021). Phân tích cho thấy, nồng độ vi nhựa ở sò huyết từ 1,25 đến 2,67 mảnh/con và từ 0,38 đến 1,48 mảnh/gam khô. Vi nhựa dạng sợi chiếm nhiều nhất trong tổng số vi nhựa với 93 % trong khi dạng mảnh chỉ 7%. Phần lớn dạng sợi có nhiều màu sắc như hồng 26 %, tía 18 %, xanh lam 17%, xám 11% và đen 10%. Dẫu không có xu hướng khác nhau về hình dạng, màu sắc vi nhựa ở ba địa điểm lấy mẫu cũng như theo mùa nhưng có một số thông tin khác như vi nhựa nhỏ nhất là 50 µm, vi nhựa lớn nhất là 2.000 µm và các vi nhựa nhỏ dưới 1 mm chiếm tới hơn 90 % vi nhựa ở mẫu sò huyết. Ở vẹm xanh, nồng độ vi nhựa từ 2,13 đến 6,75 trên một con và từ 0,33 đến 1,36 vi nhựa/gam khô. Tương tự sò huyết, không có sự khác biệt về nồng độ trên các con vẹm xanh, vi nhựa dạng sợi lấn át, chiếm 93 %, còn lại là dạng mảnh. Họ quan sát được 10 dạng màu sắc phổ biến và một nửa vi nhựa ở vẹm xanh từ 100 đến 300 µm (46 %), còn lại là 300 đến 1000 µm (43 %). Phân tích thành phần hóa học cho thấy, chủ yếu là các dạng polymer với 53 % polyethylene (PE) – loại nhựa phổ biến trong bao bì đóng gói; 35 % polypropylene (PP) – loại nhựa nhiệt dẻo thường làm đồ gia dụng, và 12 % polyvinyl chloride (PVC) – loại nhựa nhiệt dẻo trong sản xuất công nghiệp. Sự lấn át của vi nhựa dạng sợi của cả vẹm xanh lẫn sò huyết cho thấy xu hướng ô nhiễm của môi trường nước và trầm tích, từng được khẳng định trong nghiên cứu lấy mẫu ở bốn địa điểm khác nhau trên vịnh Bắc Bộ. Sự khác biệt về các dạng polymer ở hai loài có thể liên quan đến nơi sống của từng loại. Các nhà khoa học cho rằng, nguồn ô nhiễm có thể chủ yếu từ hoạt động du lịch, sinh hoạt và một phần đáng kể của nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Vậy lượng vi nhựa này có ảnh hưởng đến sức khỏe con người? Ước tính, việc ăn các loài sò vẹm chứng tỏ con người có thể phơi nhiễm 900 đến 11.500 vi nhựa/người/năm, không tính đến việc ăn các tạo vật của biển khác, như cá, muối… Tuy nhiên, mức độ phơi nhiễm vi nhựa qua uống nước chai và bia cao gấp 15 lần, còn hít thở, nguồn nhiễm lớn nhất cho người, gấp 3.000 lần so với uống. Nghiên cứu chỉ dấu con người đang phải đối mặt với nguy cơ rủi ro cao do phơi nhiễm vi nhựa qua ba đường chính: ăn uống, hít thở và uống nước. Do đó, họ cho rằng cần có những nghiên cứu tương lai để bổ sung thêm vào cơ sở dữ liệu về nhựa ở Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh vào việc quản lý tốt hơn trong việc sử dụng, tái chế và quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam để bảo vệ môi trường và sức khỏe. Trong quá trình này, có thể sử dụng các loài hai mảnh vỏ như một chỉ thị sinh học về vi nhựa. Bài báo được xuất bản trên Regional Studies in Marine Science, “Occurrence of microplastics in bivalves from the northern coast of Viet Nam”. Tin: Thanh Nhàn – Tạp chí Tia Sáng

Thông báo, Tin tức, Truyền thông khoa học

Thông tin về Hội nghị thượng đỉnh các nhà khoa học trẻ toàn cầu năm 2025 (Global Young Scientists Summit 2025)

Global Young Scientist Summit 2025 (GYSS 2025) – Hội nghị thượng đỉnh các nhà khoa học trẻ toàn cầu lần thứ 13 sẽ được tổ chức tại Singapore vào đầu năm 2025. Đây là hội nghị được tổ chức thường niên bởi Quỹ Nghiên cứu quốc gia của Singapore (NRF Singapore). Tiếp tục với chủ đề “Advancing Science, Creating Technologies for a Better World”, hội nghị GYSS là diễn đàn đa ngành, đa văn hóa, đa thế hệ, một nơi mà các nhà khoa học trẻ trên toàn thế giới có thể trao đổi trực tiếp và được truyền cảm hứng từ các nhà khoa học danh tiếng và các nhà lãnh đạo về công nghệ trên thế giới. Thời gian: ngày 6 – 10/1/2025 (từ thứ Hai tới thứ Sáu); Lĩnh vực: Hóa học, Vật lý, Y dược, Toán học, Khoa học máy tính và kỹ thuật Ngôn ngữ sử dụng trong hội nghị: Tiếng Anh Diễn giả tại GYSS 2025: các nhà khoa học uy tín, được công nhận với các giải thưởng Nobel, Fields Medal, Millennium Technology Prize, Turing Award và các giải thưởng khoa học danh giá khác. Quyền lợi của nhà khoa học Việt Nam tham dự: Tham dự trực tiếp các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị trực tiếp tại Singapore (các buổi thuyết trình, hội thảo, các phiên trao đổi hỏi đáp với các diễn giả và các nhà khoa học khác, buổi thảo luận nhóm nhỏ với diễn giả đã được chọn trước, thuyết trình ngắn về nghiên cứu của bản thân…) Ban tổ chức tài trợ chi phí trong thời gian hội nghị: phòng ở (phòng ghép đôi tại khách sạn địa phương); đi lại giữa hotel và địa điểm Hội nghị; bữa ăn (Ban tổ chức thông báo chi tiết tới người được xác nhận tham dự) Ban tổ chức không tài trợ chi phí: đi lại khứ hồi Việt Nam – Singapore Tiêu chuẩn đăng ký Học vấn: Các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ hoặc tương đương (<5 năm sau khi có bằng tiến sĩ tại thời điểm diễn ra Hội nghị); Nghiên cứu sinh (Thạc sĩ và Tiến sĩ); Sinh viên đại học. (Lưu ý, các nhà khoa học đã nắm giữ học hàm giáo sư, phó giáo sư không thuộc đối tượng tham dự) Chưa từng tham gia theo hình thức trực tiếp các hội nghị GYSS trước đó (trừ tham gia online năm 2021 – 2022); Thành thạo tiếng Anh, đủ khả năng tham gia vào các buổi thảo luận; Có thành tích, đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu đang theo học, hoặc làm việc. Nhận được sự chứng thực của một tổ chức được mời cung cấp người được đề cử Tham khảo thêm thông tin hội nghị GYSS tại trang web: https://www.nrf.gov.sg/gyss/

Tin sự kiện, Tin tức, Truyền thông khoa học

Kết nối các nhà khoa học Việt Nam, các nước Đông Nam Á với các nhà khoa học Anh trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm

Trong các ngày từ 20-22/02/2024, Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh (FCDO), Tổ chức Nghiên cứu và đổi mới Vương Quốc Anh (UKRI) và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Thái Lan (NSTDA) đã phối hợp tổ chức Sự kiện kết nối các nhà khoa học trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm liên quan đến các nước Đông Nam Á “Networking event: infectious diseases relevant to Southeast Asia” tại thành phố Bangkok, Thái Lan. Sự kiện đã thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu là các đại diện của các tổ chức, cơ quan tài trợ, các nhà khoa học đến từ Vương quốc Anh và 07 quốc gia khu vực Đông Nam Á (Cambodia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).    Đại diện các tổ chức, cơ quan tài trợ của các quốc gia Đông Nam Á và Vương quốc Anh tại sự kiện Tham gia sự kiện phía Việt Nam có Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Hà Nội và 11 nhà khoa học trong lĩnh vực Y Sinh – Dược học được NAFOSTED giới thiệu. Tại sự kiện, đại diện NAFOSTED đã có trao đổi với các tổ chức, cơ quan tài trợ từ Vương quốc Anh và các nước Đông Nam Á khác về kế hoạch nhằm triển khai hoạt động tài trợ nghiên cứu khoa học trong năm 2024. Bên cạnh đó, NAFOSTED cũng có một buổi làm việc với Tổ chức Nghiên cứu và đổi mới Vương quốc Anh – UKRI và Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Vương quốc Anh – MRC (trực thuộc UKRI) nhằm thảo luận hoàn thiện thỏa thuận hợp tác, chuẩn bị cho chương trình hợp tác tài trợ trong năm và mở rộng các hoạt động hợp tác trong tương lai. Các đại biểu đoàn Việt Nam và đại diện Ban tổ chức sự kiện Xoay xung quanh chủ đề về bệnh truyền nhiễm và kháng kháng sinh (AMR) liên quan tới khu vực Đông Nam Á, các phiên thảo luận và hoạt động trong khuôn khổ sự kiện đã tạo cơ hội cho các nhà khoa học, các đơn vị tài trợ mở rộng và thiết lập quan hệ, kết nối các ý tưởng. Sự kiện cũng đồng thời giới thiệu về chương trình tài trợ UK – South East Asia dự kiến triển khai từ tháng 3/2024 và thông tin về các tổ chức, cơ quan dự kiến tham gia đồng tài trợ. (Xem thêm thông báo giới thiệu chương trình tại đây https://www.ukri.org/opportunity/ukri-southeast-asia-collaboration-on-infectious-diseases/ ) Các nhà khoa học Việt Nam tham gia thuyết trình chia sẻ ý tưởng tại sự kiện Tin: Bộ phận HTQT

Tin sự kiện, Tin tức, Truyền thông khoa học

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: “Thu hút nhân tài, tạo động lực thúc đẩy nghiên cứu cơ bản vì sự phát triển bền vững”

Sáng ngày 20/2/2024, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã có cuộc gặp, chuyện trò thân mật với GS. Ngô Bảo Châu – Giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, nhằm lắng nghe các ý kiến để khoa học và công nghệ đóng góp hơn nữa vào sự phát triển chung của đất nước. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và GS. Ngô Bảo Châu tại trụ sở Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và GS. Ngô Bảo Châu đã có những trao đổi về các chính sách nhằm thu hút nhân tài quốc tế, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ Việt Nam xuất sắc, được đào tạo bài bản tại các quốc gia phát triển. Bộ trưởng mong muốn có thêm thông tin nhằm điều chỉnh chính sách, tạo cơ hội cho nhà khoa học Việt Nam có sự tương tác, hợp tác chặt chẽ, thường xuyên với các nhà khoa học xuất sắc quốc tế. Cũng tại buổi trao đổi, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững, chẳng hạn: Thúc đẩy các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản lớn, dài hạn theo các định hướng mũi nhọn phục vụ phát triển bền vững đất nước; Gắn kết chặt chẽ các hoạt động khoa học và công nghệ với giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và GS. Ngô Bảo Châu cũng thảo luận về việc hoàn thiện cơ chế, mô hình của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia theo hướng phù hợp thông lệ và chuẩn mực quốc tế để hoạt động tài trợ, hỗ trợ của Quỹ góp phần đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước. Sau buổi trao đổi, GS. Ngô Bảo Châu đã giới thiệu với Bộ trưởng về Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cũng như các hoạt động của Viện. Tin: NAFOSTED

Thông báo, Tin sự kiện, Tin tức, Truyền thông khoa học

Viện Hàn lâm Anh quốc (British Academy) thông báo mời nộp đề xuất nghiên cứu trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn

Viện Hàn lâm Anh quốc (British Academy) thông báo mời nộp đề xuất nghiên cứu trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn, liên quan đến chính sách quản trị công nghệ; y tế (ứng phó đại dịch, kháng kháng sinh, ảnh hưởng của các điều kiện xã hội đến sức khỏe); ứng phó biến đổi khí hậu (bình đẳng giới, quyền của cộng đồng, bảo tồn di sản). Chương trình được Quỹ Hợp tác Khoa học Quốc tế (ISPF) của Chính phủ Anh tài trợ, có mục đích thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học Anh và các nước đối tác, trong đó có Việt Nam. Yêu cầu hợp lệ: Đề xuất do một tổ chức nghiên cứu của Anh và một tổ chức nghiên cứu của Việt Nam cùng xây dựng. Tổ chức chủ trì có thể đến từ Anh hoặc Việt Nam. Các nhà khoa học lưu ý sớm đọc kỹ tài liệu hướng dẫn của mỗi chương trình tài trợ để hiểu toàn bộ các yêu cầu và các bước nộp hồ sơ. Mức tài trợ: 200.000 Bảng/dự án 18 tháng. Hạn nộp hồ sơ: 10/4/2024. Thông tin chi tiết về 8 chương trình, vui lòng xem tại website https://www.thebritishacademy.ac.uk/programmes/oda-challenge-oriented-research-grants-2024/ Lưu ý: Các nhà khoa học Việt Nam muốn nhận email thông tin về các chương trình tài trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của Chính phủ Anh, vui lòng đăng ký với Chị Phan Liên Hương, ĐSQ Anh, email: phan.huong@fcdo.gov.uk.   Tin: Đại sứ quán Anh

Thông báo, Tin sự kiện, Truyền thông khoa học

Đăng ký dự hội thảo kết nối ngành y tế với các nhà khoa học Anh

Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) bắt đầu triển khai hợp tác với UKRI (Quỹ Nghiên cứu và đổi mới Vương Quốc Anh) từ năm 2016. Trong giai đoạn tiếp theo, NAFOSTED đang hoàn thiện các thủ tục và  dự kiến sẽ tiếp tục triển khai hợp tác với MRC (Hội đồng nghiên cứu Y khoa Vương Quốc Anh) trong năm 2024. Trong khuôn khổ hợp tác nêu trên, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia và Đại sứ quán Anh trân trọng thông báo Sự kiện kết nối các nhà khoa học Anh và các nước Đông Nam Á trong lĩnh vực y tế về (i) Bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch bệnh và (ii) Kháng thuốc, sẽ diễn ra tại Bangkok từ ngày 20-22/2/2024. Đây là sự kiện để các nhà khoa học quốc tế kết nối, chia sẻ ý tưởng nghiên cứu, hướng đến việc cùng xây dựng các đề xuất nghiên cứu thuộc Quỹ Hợp tác Khoa học Quốc tế (ISPF) và các chương trình hợp tác nghiên cứu y tế khác của Chính phủ Anh. Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh (FCDO) và Hội đồng Nghiên cứu Y học Vương quốc Anh (MRC) hân hạnh đài thọ chi phí đi lại (vé máy bay khứ hồi) và ăn ở trong thời gian tham gia sự kiện cho 10 nhà khoa học Việt Nam tham gia sự kiện. Các nhà khoa học được mong đợi tham gia sự kiện với tư cách đại diện cho tổ chức nghiên cứu của mình, để chia sẻ về thế mạnh và những hướng nghiên cứu chính của cả tổ chức, chứ không đơn thuần đại diện cho nhóm nghiên cứu của cá nhân nhà khoa học. Thông tin chi tiết về sự kiện có thể tham khảo tại đường link: Networking event: infectious diseases relevant to Southeast Asia – UKRI. Xin lưu ý đường link đăng ký trên website này chỉ dành cho các nhà khoa học Anh. Kính mời các nhà khoa học Việt Nam quan tâm, gửi đơn bày tỏ quan tâm (theo mẫu đính kèm) và CV khoa học về địa chỉ email phan.huong@fcdo.gov.uk trước 17:00 ngày 17/12/2023 (giờ Việt Nam). Tên file được đặt theo mẫu: Họ tên_EOI và Họ tên_CV. Xin lưu ý, ở thời điểm này, Ban tổ chức không giới hạn số đơn Bày tỏ quan tâm từ mỗi tổ chức nghiên cứu của Việt Nam. Kết quả sẽ được gửi tới các nhà khoa học vào cuối tháng 12/2023 hoặc đầu tháng 1/2024. Tin: NAFOSTED & Đại sứ quán Anh

Kết quả tài trợ nổi bật, Tin sự kiện, Tin tức, Truyền thông khoa học

Giải thưởng Tạ Quang Bửu – khích lệ các nhà khoa học Việt Nam thực hiện các nghiên cứu cơ bản xuất sắc

Ngày 18/5/2014, lần đầu tiên, Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu nhằm vinh danh các nhà khoa học Việt Nam là tác giả của công trình nghiên cứu cơ bản(i) xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Qua 9 năm tổ chức và triển khai, nhìn lại chặng đường đã đi qua, có thể thấy Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã bước đầu tạo được uy tín và niềm tin trong cộng đồng khoa học Việt Nam, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Trong quá trình triển khai, chất lượng Giải thưởng phù hợp thông lệ quốc tế là điểm quan trọng nhất, luôn được Lãnh đạo Bộ Khoa học & Công nghệ nhấn mạnh khi chỉ đạo triển khai tổ chức Giải thưởng. Chính việc yêu cầu cao về chất lượng giải thưởng theo thông lệ quốc tế đã dần tạo nên uy tín của Giải thưởng theo thời gian. Để giải quyết điều này, một số điểm quan trọng sau đây được thiết kế và nghiêm cẩn thực hiện: – Đặt ra tiêu chí rõ ràng, phù hợp thông lệ quốc tế để đánh giá, lựa chọn ứng viên. Đó là đánh giá ứng viên giải thưởng thông qua chất lượng các kết quả nghiên cứu cơ bản được ứng viên công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. – Chất lượng các kết quả nghiên cứu cơ bản được xác định qua ý nghĩa và giá trị của nghiên cứu, có tham khảo chất lượng, xếp hạng tạp chí khoa học đăng tải các kết quả nghiên cứu cơ bản. – Việc đánh giá chất lượng các kết quả nghiên cứu cơ bản, lựa chọn ứng viên giải thưởng được thực hiện qua hai vòng đánh giá nghiêm cẩn, vòng 1 đánh giá bởi các Hội đồng khoa học nghiên cứu cơ bản của NAFOSTED là các nhà khoa học cùng ngành, vòng 2 đánh giá bởi Hội đồng Giải thưởng, là các nhà khoa học xuất sắc, uy tín cao ở nhiều ngành khác nhau. Cả hai vòng đánh giá đều có tham khảo đánh giá của chuyên gia quốc tế độc lập. Uy tín, sự thành công trong nghiên cứu khoa học của các thành viên Hội đồng Giải thưởng trong môi trường học thuật quốc tế đỉnh cao và công tác đánh giá xét chọn hoàn toàn chủ động, dân chủ và độc lập của Hội đồng Giải thưởng cũng là những yếu tố quan trọng đem lại thành công, chất lượng và uy tín cho Giải thưởng. Giải thưởng đã góp phần động viên, khích lệ các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu cơ bản xuất sắc, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong nước hội nhập quốc tế. GS.TS Nguyễn Hữu Việt Hưng – Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2014 – Cái thú vị nằm ở những công trình sắp được nghiên cứu PGS.TS. Nguyễn Bá Ân – Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2014 – “Chỉ cần một photon có tần số vượt ngưỡng” PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan – Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 GS.TSKH. Ngô Việt Trung – Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 Tính đến hết năm 2022, 18 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 04 nhà khoa học trẻ đã được trao tặng Giải thưởng trong tổng số hơn 400 hồ sơ đăng ký tham dự. Giải thưởng đã ghi nhận sự phân bố đa dạng các nhà khoa học về độ tuổi, về giới tính, về vùng miền trên cả nước. Giải thưởng được trao cho các nhà khoa học thuộc đầy đủ các ngành trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật, với các công trình tính lý thuyết thuần túy (thuộc các ngành Toán học, Vật lý, Khoa học thông tin và máy tính), cũng như các công trình có tính ứng dụng cao, sát với thực tế của Việt Nam (thuộc các ngành Vật lý – vật liệu, Hóa học, Khoa học trái đất và môi trường, Y dược, Nông nghiệp). Thống kê nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu theo giới tính và vùng miền Ngày 15 tháng 8 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu ban hành kèm theo Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 18). Đây là kết quả của quá trình tiếp nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết từ các nhà khoa học, nhà quản lý trong các Hội đồng khoa học chuyên ngành, Hội đồng Giải thưởng và từ các tổ chức khoa học công nghệ trên khắp cả nước với mong muốn Giải thưởng được tổ chức tốt hơn nữa, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, đáp ứng lòng mong mỏi của cộng đồng khoa học nói chung và cộng đồng khoa học nghiên cứu cơ bản nói riêng. Theo đó, Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ mở rộng việc xem xét trao giải thưởng cho các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn. Thực tế cho thấy, sau thời gian triển khai và đạt được những kết quả nhất định trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật, việc mở rộng Giải thưởng sang lĩnh vực Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn là cần thiết. Các tiêu chí đánh giá, xét tặng Giải thưởng được áp dụng chung bên cạnh việc xem xét tính đặc thù trong mỗi lĩnh vực. Giải thưởng sẽ tiếp nhận hồ sơ theo hình thức đề

Thông báo, Tin sự kiện, Truyền thông khoa học

Viện Hàn lâm Anh quốc mời nộp hồ sơ tổ chức khoa học đào tạo kỹ năng công bố quốc tế ngành khoa học xã hội và nhân văn

Với mục tiêu khuyến khích việc công bố quốc tế từ các nước đang phát triển, Viện Hàn lâm Anh quốc (Viện Hàn lâm Quốc gia chuyên về khoa học xã hội của Vương quốc Anh) mời các nhà khoa học nộp đề xuất tổ chức các hội thảo đào tạo kỹ năng công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam mở rộng mạng lưới nghề nghiệp, phát triển kỹ năng viết và nhận được tư vấn chuyên môn trực tiếp từ các nhà khoa học Anh. Điều kiện nộp hồ sơ: Chủ trì đề xuất là một nhà khoa học đang làm việc tại trường Đại học/Viện Nghiên cứu tại Anh. Đồng chủ trì là một nhà khoa học đang làm việc tại Việt Nam. Hội thảo phải được tổ chức tại Việt Nam. Trị giá tài trợ: 30.000 Bảng/đề xuất 24 tháng.  Hạn nộp hồ sơ trực tuyến: 6/12/2023. Thông tin chi tiết về chương trình, xin xem tại đường link: https://www.thebritishacademy.ac.uk/funding/writing-workshops/ và tại đây. Tin: Đại sứ quán Anh tại Việt Nam

Thông báo, Tin sự kiện, Truyền thông khoa học

Thông báo về Hội nghị thượng đỉnh các nhà khoa học trẻ toàn cầu năm 2024 (Global Young Scientists Summit 2024)

Global Young Scientist Summit 2024 (GYSS 2024) – Hội nghị thượng đỉnh các nhà khoa học trẻ toàn cầu lần thứ 12 sẽ được tổ chức tại Singapore vào đầu năm 2024. Đây là hội nghị được tổ chức thường niên bởi Quỹ Nghiên cứu quốc gia của Singapore (NRF Singapore) kể từ năm 2013. Hội nghị GYSS là diễn đàn đa ngành, đa văn hóa, đa thế hệ, một nơi mà các nhà khoa học trẻ trên toàn thế giới có thể trao đổi trực tiếp và được truyền cảm hứng từ các nhà khoa học danh tiếng và các nhà lãnh đạo về công nghệ trên thế giới. Thông tin cụ thể như sau: Thời gian: ngày 08 – 12/1/2024 (từ thứ 2 tới thứ 6); Lĩnh vực: Hóa học, Vật lý, Y dược, Toán học, Khoa học máy tính và kỹ thuật Ngôn ngữ sử dụng trong hội nghị: Tiếng Anh Diễn giả tại GYSS 2024: các nhà khoa học uy tín, được công nhận với các giải thưởng Nobel, Fields Medal, Millennium Technology Prize, Turing Award và các giải thưởng khoa học danh giá khác. Quyền lợi của nhà khoa học Việt Nam tham dự: – Tham dự trực tiếp các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị trực tiếp tại Singapore (các buổi thuyết trình, hội thảo, các phiên trao đổi hỏi đáp với các diễn giả và các nhà khoa học khác, buổi thảo luận nhóm nhỏ với diễn giả đã được chọn trước, thuyết trình ngắn về nghiên cứu của bản thân…) – Ban tổ chức tài trợ chi phí trong thời gian hội nghị: phòng ở (phòng ghép đôi tại khách sạn địa phương); đi lại giữa hotel và địa điểm Hội nghị; bữa ăn (Ban tổ chức thông báo chi tiết tới người được xác nhận tham dự) – Ban tổ chức không tài trợ chi phí: đi lại khứ hồi Việt Nam – Singapore Tiêu chuẩn đăng ký – Trình độ: Sinh viên đại học, Thạc sỹ, Tiến sỹ, Nghiên cứu sinh sau tiến sỹ, Lưu ý, các nhà khoa học đã nắm giữ học hàm giáo sư, phó giáo sư không thuộc đối tượng tham dự; Không quá 35 tuổi (tính tới tháng 1/2024); Chưa từng tham gia theo hình thức trực tiếp các hội nghị GYSS trước đó (trừ tham gia online năm 2021 – 2022); Thành thạo tiếng Anh, đủ khả năng tham gia vào các buổi thảo luận; Có thành tích, đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu đang theo học, hoặc làm việc. Các nhà khoa học trẻ Việt Nam phù hợp với các tiêu chí nêu trên và mong muốn tham dự hội nghị GYSS 2024, tham khảo thêm thông tin hội nghị GYSS tại trang web: https://gyss.nrf.gov.sg/ Giai đoạn 2019 – 2022, Quỹ NAFOSTED đã giới thiệu 34 Nhà khoa học trẻ Việt Nam tới Ban tổ chức Hội nghị GYSS. Trong đó, 32 Nhà khoa học trẻ Việt Nam thông qua giới thiệu của Quỹ NAFOSTED đã được lựa chọn tham dự vào các kỳ Hội nghị GYSS. Tin: NAFOSTED

Lên đầu trang