Print This Post

MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP – CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CƠ BẢN

CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI, THÀNH VIÊN NHÓM NGHIÊN CỨU 

1. Đề tài nghiên cứu cơ bản có thể có người nước ngoài làm thành viên tham gia đề tài được không?

Nhà khoa học nước ngoài có thể tham gia đề tài NCCB với vai trò là thành viên nhóm nghiên cứu. Bên cạnh đó, đề tài có thể thuê nhà khoa học nước ngoài theo hình thức thuê chuyên gia. Trong trường hợp nhiệm vụ có nhu cầu thuê chuyên gia nước ngoài, căn cứ trên nội dung công việc, chủ nhiệm đề tài cần thuyết minh tính cần thiết của việc thuê khoán chuyên gia, kết quả của chuyên gia, tiêu chí đánh giá kết quả thuê chuyên gia. Tổng kinh phí thuê chuyên gia ngoài nước không quá 50% tổng dự toán kinh phí chi tiền công trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.

2. Điều kiện để thành lập nhóm nghiên cứu mạnh và kinh phí cho các đề tài nghiên cứu do nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện được xem xét, tài trợ tương ứng với thời gian, nội dung và nhóm nghiên cứu  tham gia nhận được là gì?

Nhóm nghiên cứu mạnh là tập thể các nhà khoa học xây dựng được hướng nghiên cứu chung, dài hạn; có mục tiêu, kế hoạch nghiên cứu cho từng giai đoạn cụ thể; nội dung nghiên cứu có tính đột phá và cần nhiều thành viên tham gia thực hiện. Tiêu chuẩn của chủ nhiệm đề tài và các thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu mạnh được nêu cụ thể tại Điều 10 Thông tư số 37/2014/TTBKHCN ngày 12/12/2014. Kinh phí nghiên cứu được xem xét thẩm định tương ứng với nội dung và khối lượng công việc của nghiên cứu đề xuất.

Thời gian thực hiện: Đối với đề tài do nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện, căn cứ đề xuất của chủ nhiệm đề tài và kiến nghị của Hội đồng Khoa học, Hội đồng Quản lý Quỹ xem xét, quyết định thời gian phù hợp để thực hiện đề tài.

Sản phẩm công bố: Đề tài do nhóm nghiên cứu mạnh thực hiện, kết quả nghiên cứu phải có ít nhất 02 bài báo công bố trên tạp chí ISI có uy tín và 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín.

3. Chủ nhiệm đề tài và các thành viên của đề tài có bị giới hạn độ tuổi hay không?

Không có giới hạn về độ tuổi của chủ nhiệm đề tài cũng như các thành viên tham gia đề tài.

4. Đề tài dự kiến có một nghiên cứu sinh trong thời gian thực hiện đề tài thì có thể đăng ký hồ sơ được không? Đề tài NCCB có bắt buộc phải có thư ký khoa học không?

Chương trình NCCB không quy định bắt buộc phải có thư ký khoa học, và không bắt buộc số lượng nghiên cứu sinh tham gia đề tài. Nghiên cứu sinh tham gia thực hiện đề tài phải có nội dung luận án phù hợp với đề tài, có quyết định giao đề tài luận án không quá 24 tháng tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ. Quỹ khuyến khích và ưu tiên các đề tài tham gia đào tạo sau đại học trong khuôn khổ các đề tài NCCB do Quỹ tài trợ.

5. Có thể có đồng chủ nhiệm thực hiện đề tài NCCB không?

Hiện tại Quỹ không áp dụng cơ chế đồng chủ nhiệm đối với đề tài NCCB. Một đề tài NCCB sẽ chỉ có 1 chủ nhiệm đề tài.

6. Quỹ có áp dụng cơ chế dành riêng cho nhóm nghiên cứu trẻ (=< 35 tuổi) không?

Nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài tại Quỹ được phân loại thành 2 nhóm: nhóm nghiên cứu đáp ứng các tiêu chuẩn chung và nhóm nghiên cứu mạnh (xem chi tiết tại Điều 10, Thông tư 37/2014/TT-BKHCN), không phân loại theo độ tuổi.

7. Cá nhân có được đăng ký đề tài không?

Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, cá nhân có quyền đề xuất, đăng ký đề tài do Quỹ tài trợ. Tuy nhiên hồ sơ đăng ký phụ thuộc vào từng chương trình tài trợ, hỗ trợ cụ thể. Ví dụ, đối với chương trình NCCB, cá nhân đề xuất cần có tổ chức bảo trợ, đóng vai trò của Tổ chức chủ trì trong quản lý, thực hiện nghiên cứu. Đề xuất của cá nhân cũng sẽ hạn chế khi đánh giá tiêu chí về đào tạo, phát triển nhóm nghiên cứu

 

TIẾP NHẬN VÀ ĐÁNH GIÁ XÉT CHỌN HỒ SƠ

8. Những tiêu chí đánh giá đề cương của đề tài NCCB là gì?

Tiêu chí đánh giá xét chọn đề tài NCCB (Theo điều 12 – Thông tư 37/2014/BKHCN)

  1. a) Sự cần thiết của vấn đề nghiên cứu và sự phù hợp với hướng nghiên cứu cơ bản được Quỹ tài trợ;
  2. b) Tính mới, tính sáng tạo của vấn đề nghiên cứu được đề xuất;
  3. c) Mục tiêu, nội dung rõ ràng; phương pháp và kế hoạch nghiên cứu phù hợp để đạt được mục tiêu;
  4. d) Năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu; điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật của tổ chức chủ trì phục vụ nghiên cứu;

đ) Kết quả dự kiến; khả năng thành công của đề tài; ý nghĩa khoa học và triển vọng ứng dụng kết quả nghiên cứu;

  1. e) Đóng góp đào tạo sau đại học;
  2. g) Dự toán kinh phí nghiên cứu hợp lý.

9. Xin cho biết như thế nào là một hồ sơ hoàn chỉnh và hợp lệ được Quỹ đồng ý đưa vào đánh giá xét chọn, các tiêu chí đánh giá đối với hồ sơ và tiêu chí nghiệm thu đề tài NCCB trong KHTN. Những lỗi mà chủ nhiệm đề tài thường mắc phải dẫn đến bị từ chối xét duyệt.

Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ được lập theo các biểu mẫu (quy định kèm theo các chương trình tài trợ); có xác nhận của cơ quan công tác, tổ chức chủ trì hoặc bảo trợ và được nộp trong thời hạn theo thông báo của Quỹ.

Hồ sơ hợp lệ, thỏa mãn các điều kiện đối với các chương trình tài trợ (Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài, yêu cầu về thời gian thực hiện và kết quả nghiên cứu của đề tài) được đưa vào đánh giá, xét chọn.

Tiêu chí đánh giá đối với hồ sơ và tiêu chí nghiệm thu đề tài NCCB trong KHTN: CNĐT và TCCT nộp báo cáo tổng hợp, báo cáo tình hình sử dụng kinh phí kèm minh chứng đúng quy định (thời gian, thể thức). Báo cáo tổng hợp bao gồm: 01 bản mềm (nộp trên hệ thống OMS) và 01 bản in (được in từ hệ thống OMS và có xác nhận của lãnh đạo tổ chức chủ trì theo quy định); kết quả nghiệm thu được đánh giá dựa trên các báo cáo, đối chiếu với hợp đồng khoa học đã ký và các quy định liên quan.

Một số lỗi thường gặp dẫn đến hồ sơ không được đưa vào xét duyệt:

– Hồ sơ không được lập theo mẫu quy định, bản cứng và bản mềm không đồng bộ; thiếu chữ ký tươi, dấu đỏ của các thành viên nghiên cứu hoặc tổ chức chủ trì, nộp sau thời hạn tiếp nhận hồ sơ;

– CNĐT chưa đáp ứng yêu cầu (ví dụ: chưa có bằng TS, chưa có các công bố theo danh mục đã quy định quy định, đang thực hiện đề tài giai đoạn trước do Quỹ tài trợ,…)

10. Nghiên cứu cơ bản về chính sách ngành, chính sách quản lý, chiến lược thường gồm liên ngành khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ và khoa học xã hội thì nên nộp hồ sơ theo chương trình nào?

Các hồ sơ đề nghị thực hiện các nghiên cứu cơ bản về chính sách ngành, chính sách quản lý, chiến lược sẽ được đánh giá, xem xét theo chương trình NCCB trong KHXH&NV.

11. Thuyết minh đề cương đăng ký đề tài NCCB có hạn chế về số trang không?

Thuyết minh đề cương đề tài NCCB không giới hạn về số trang. Tuy nhiên, một số mục thuộc thuyết minh đề cương giới hạn số từ tối đa (ví dụ: mục “Tóm tắt”), có ghi chú cụ thể trên hệ thống quản lý trực tuyến của Quỹ. Thuyết minh nên bao hàm đủ thông tin đề xuất, luận cứ khoa học, đồng thời đảm bảo ngắn gọn, tạo thuận lợi cho công tác đánh giá xét chọn.

12. Người chủ trì đề tài KHCN có cần phải nộp bằng Tiến sỹ vào thời điểm đăng ký hay không? Nếu chưa được cấp bằng Tiến sỹ thì ứng viên có thể thay thế/chứng minh bằng giấy tờ nào?

Tại thời điểm đăng ký, Chủ nhiệm đề tài phải có bằng Tiến sỹ hoặc có học hàm giáo sư/phó giáo sư,. Chủ nhiệm đề tài không cần nộp bằng Tiến sỹ khi đăng ký hồ sơ tài trợ. Tuy nhiên, các nhà khoa học nên upload bằng tiến sỹ (phần minh chứng quá trình đào tạo) trong lý lịch khoa học trên hệ thống OMS của Quỹ theo quy định.

13.  Chương trình NCCB trong KHTN&KT và KHXH&NV sẽ mở đợt kêu gọi hồ sơ vào khoảng thời gian nào? Nếu hồ sơ nộp đợt 1 mà không được tài trợ có được tiếp tục nộp đợt 2 hay không?

Việc kêu gọi hồ sơ thực hiện đề tài NCCB trong KHTN&KT và KHXH&NV sẽ được thực hiện đều đặn hàng năm. Chương trình NCCB trong KHTN&KT dự kiến tiếp nhận hồ sơ tháng 6 và tháng 12 hằng năm, chương trình NCCB trong KHXH&NV dự kiến tiếp nhận hồ sơ tháng 3 và tháng 9 hằng năm. Tùy vào tình hình thực tế mỗi năm, thời gian tiếp nhận có thể điều chỉnh. Các thông tin mới nhất về đợt nhận hồ sơ đề tài NCCB sẽ được thông báo trên website chính thức của Quỹ www.nafosted.gov.vn

Các nhóm nghiên cứu nộp hồ sơ đợt 1 mà không được tài trợ có thể tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị tài trợ đợt 2.

14.  Điều kiện và quy trình xét duyệt đề tài NCCB như thế nào?

Các hồ sơ đề tài nộp tới Quỹ sẽ được kiểm tra tính hợp lệ về thủ tục hành chính, kiểm tra điều kiện của CNĐT và tổ chức chủ trì. Các hồ sơ đề tài hợp lệ sẽ được đưa vào đánh giá xét chọn (đánh giá phản biện với chuyên gia trong/ngoài HĐKH, đánh giá tại buổi họp của HĐKH). Các đề tài được HĐKH đề xuất tài trợ sẽ được xem xét, phê duyệt trên cơ sở kế hoạch tài trợ, hỗ trợ và cân đối kinh phí được phân bổ.

Sau khi có quyết định phê duyệt danh mục tài trợ chính thức từ Hội đồng Quản lý Quỹ, Quỹ sẽ tiến hành rà soát nội dung và kinh phí, thông báo tới các chủ nhiệm đề tài để ký Hợp đồng thực hiện đề tài.

15. Việc phát triển các ý tưởng (chưa phải thực hiện đề tài nghiên cứu) thì có được thực hiện, hỗ trợ từ NAFOSTED không?

Hiện tại, Quỹ chỉ thực hiện hỗ trợ các hoạt động KH&CN thông qua 2 hình thức: tài trợ, hỗ trợ đề tài, nhiệm vụ KH&CN và hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực KH&CN. Như vậy Quỹ hiện không tài trợ việc phát triển ý tưởng (mà không dự kiến được hướng thực hiện theo khuôn mẫu của một đề tài nghiên cứu)

 

THỰC HIỆN VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ TÀI 

16. Những thành viên tham gia một đề tài KH-CN của NAFOSTED có được phép tiếp cận với với kết quả nghiên cứu của các đề tài khác của NAFOSTED không? Nếu có thì bằng cách nào?

Các đề tài nghiên cứu do Quỹ tài trợ đều hướng tới kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học hoặc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy, các nhà khoa học đều có thể tiếp cận được các kết quả nghiên cứu do Quỹ tài trợ.

Theo quy định về quản lý thông tin KH&CN, các đề tài cấp Quốc gia (trong đó có đề tài do Quỹ tài trợ) phải đăng ký kết quả thực hiện đề tài tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia. Các nhà khoa học có thể tiếp cận với các kết quả nghiên cứu của các đề tài từ NAFOSTED thông qua Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

17. Nếu đăng ký thành công đề tài, nhưng chủ nhiệm đề tài ở nước ngoài trong phần lớn thời gian thực hiện thì có thể tiến hành nghiên cứu ở nước ngoài có được không?

Trường hợp chủ nhiệm đề tài đi công tác, làm việc tại nước ngoài, tổng thời gian ở nước ngoài không quá 1/3 thời gian thực hiện đề tài.

18. Bài báo ISI được công nhận là kết quả của đề tài tính từ thời điểm nào?

Các sản phẩm công bố được công nhận là kết quả của đề tài phải được công bố trong thời gian thực hiện hợp đồng và thời gian gia hạn, chờ công bố (nếu có).

19. Quỹ có quy định cụ thể về chỉ số IF cho bài báo ISI để được công nhận là kết quả của đề tài không?

Quỹ không có quy định về chỉ số IF của bài báo ISI. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần tham khảo Danh mục tạp chí ISI có uy tín, tạp chí quốc tế có uy tín và tạp chí quốc gia có uy tín để công bố các kết quả nghiên cứu cho phù hợp.

20. Nếu đề tài không đạt đủ số bài ISI theo đăng ký thì xử lý như thế nào?

Trong trường hợp đề tài NCCB không hoàn thành đủ về số lượng công bố ISI, đề tài sẽ được đánh giá nghiệm thu ở mức “Không đạt” và có các hình thức xử lý theo quy định. Lưu ý, theo quy định tại Thông tư 37/2014/TT-BKHCN, một bài báo ISI uy tín (tạp chí ISI hàng đầu) có thể được HĐKH xem xét đề xuất thay thế cho 02 bài báo quốc tế uy tín theo đăng ký.

21. Vì thời gian để viết bài báo quốc tế và gửi tạp chí duyệt có thể kéo dài nên công bố khoa học của đề tài có thể muộn hơn thời gian thực hiện đề tài được không?

Thông tư 37/2014/TT-BKHCN quy định “Thời gian chờ công bố” như sau: Đối với các đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu và gửi báo cáo kết quả thực hiện của đề tài theo thời hạn quy định nhưng bài báo quốc tế là kết quả công bố của đề tài chưa được đăng hoặc chấp nhận đăng chính thức, trong thời gian 12 tháng sau khi kết thúc thời gian thực hiện hợp đồng (kể cả thời gian gia hạn nếu có), chủ nhiệm đề tài cập nhật kết quả công bố bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín để Quỹ tiến hành nghiệm thu đề tài theo quy định.

Trường hợp đề tài không có khả năng hoàn thành đúng thời hạn theo hợp đồng, chậm nhất 60 ngày trước khi kết thúc thời hạn thực hiện hợp đồng, tổ chức chủ trì và chủ nhiệm đề tài phải báo cáo bằng văn bản, giải trình lý do và kiến nghị về việc gia hạn thực hiện đề tài gửi Cơ quan điều hành Quỹ kèm theo báo cáo tình hình thực hiện đề tài đến thời điểm đề nghị gia hạn thực hiện.

Trong thời hạn 30 ngày, Cơ quan điều hành Quỹ xem xét và có văn bản trả lời về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận gia hạn thực hiện đề tài. Thời gian gia hạn tối đa 12 tháng.

22. Nếu đề tài đã được phê duyệt và ký hợp đồng giữa Quỹ, Chủ nhiệm đề tài và trường A (tổ chức chủ trì), nhưng sau đó CNĐT thay đổi công tác qua trường B và trường A vẫn quản lý đề tài (không có bất kì tranh chấp gì), thì địa chỉ đơn vị trên bài báo khi nghiệm thu của chủ nhiệm là trường B được không? Thành viên đề tài trường B vẫn có tên trong bài báo và lời cảm ơn cuối bài báo vẫn theo qui định của quỹ.

Khi Chủ nhiệm đề tài chuyển cơ quan công tác nhưng không thay đổi Tổ chức chủ trì đề tài, các vấn đề liên quan đến đề tài được thực hiện theo Hợp đồng đã ký giữa Quỹ, Tổ chức chủ trì và Chủ nhiệm đề tài. Việc ghi địa chỉ trên bài báo phụ thuộc vào thoả thuận riêng giữa Chủ nhiệm đề tài với Tổ chức chủ trì và/hoặc Cơ quan công tác.

23. Có thể cám ơn nhiều Quỹ tài trợ trong một bài báo được không?

Có thể cám ơn nhiều đơn vị tài trợ trong một bài báo, tuy nhiên cần xác định rõ các nội dung tài trợ của từng đơn vị, đảm bảo thể hiện đầy đủ nội dung tài trợ của Quỹ NAFOSTED và không có trùng lặp về nội dung tài trợ giữa các đơn vị tài trợ. Hình thức cảm ơn (chú thích kết quả nghiên cứu của đề tài được Quỹ tài trợ) phải tuân thủ theo hợp đồng ký kết

 

QUẢN LÝ KINH PHÍ ĐỀ TÀI

24.  Việc khoán chi cho các đề tài NCCB khoa học tự nhiên và kỹ thuật thực hiện từ khi nào và cách thức khoán là gì?

Các đề tài NCCB trong KHTN&KT từ năm 2009 đến năm 2015 được thực hiện khoán chi từng phần theo quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN.

Các đề tài NCCB trong KHTN&KT đánh giá xét chọn từ năm 2016 trở đi được thực hiện khoán chi từng phần hoặc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng theo Thông tư liên tịch 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC.

25. Trong đề tài NCCB nếu mời chuyên gia nước ngoài sang hợp tác nghiên cứu (trường hợp không phải thành viên đề tài) thì có được thanh toán chi phí đoàn vào không?

Nếu thuyết minh đề cương trình bày rõ về kế hoạch hợp tác, đưa ra mục chi đoàn vào trong dự toán và được phê duyệt, chuyên gia nước ngoài sẽ được thanh toán chi phí đoàn vào theo quy định.

26. Một phần thí nghiệm của đề tài sẽ được thực hiện ở một viện A ở nước ngoài nhưng người đứng đầu viện A đó không có tên trong thành viên đề tài này thì có cần giấy phối hợp từ viện A hay giấy tờ khác nào đó không ?

Các thí nghiệm có thể được dự toán trong phần công việc của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp hoặc “thuê khoán chuyên môn”. Trong câu hỏi nêu, có thể có trường hợp viện nước ngoài không phải là đơn vị phối hợp, bao gồm thành viên của đề tài trực tiếp tham gia làm thí nghiệm hoặc viện đó thực hiện theo nội dung “thuê khoán chuyên môn”.

27. Có thể thay đổi dự toán kinh phí trong quá trình thực hiện không? Thủ tục như thế nào?

Đề tài có thể thay đổi dự toán nhưng không được điều chỉnh tổng mức dự toán  và hình thức giao khoán đã được phê duyệt .

Tùy theo trường hợp đề tài được phê duyệt dưới thức khoán chi đến sản phẩm cuối hay khoán chi từng phần theo thông tư 27/2015/BKHCN-BTC, nội dung và thủ tục điều chỉnh sẽ được thực hiện tương ứng, cụ thể:

– Khoán chi đến sản phẩm cuối cùng: được quyền điều chỉnh mục chi và định mức chi trên cơ sở thống nhất của TCCT và CNĐT, phù hợp với quy chế chi tiêu nội bộ của TCCT, phương án triển khai các nội dung công việc của đề tài.

– Khoán chi từng phần: Đối với kinh phí không được giao khoán được điều chỉnh dự toán do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở đề xuất của tổ chức chủ trì. (chú ý không được điều chỉnh mức chi phí quản lý chung)