Print This Post

Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn năm 2022 là Năm Quốc tế về Khoa học cơ bản

Nghị quyết về việc ban hành năm 2022 là Năm Quốc tế về Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào ngày 2 tháng 12 năm 2021. Với nghị quyết này, Đại hội đồng Liên hợp quốc đề nghị các quốc gia thành viên, các tổ chức của hệ thống Liên hợp quốc và các tổ chức toàn cầu cũng như các bên liên quan, các cá nhân khác nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học cơ bản đối với phát triển bền vững, phù hợp với các ưu tiên quốc gia. Năm Quốc tế về Khoa học cơ bản sẽ giúp tăng cường sự tham gia toàn diện vào khoa học, tăng cường giáo dục và đào tạo khoa học, tăng cường tài trợ cho khoa học cơ bản, và phổ biến Khoa học Mở.

Đề án Năm Quốc tế về Khoa học cơ bản vì phát triển bền vững được xây dựng từ năm 2018, dưới sự chủ trì của ông Michel Spiro, Chủ tịch được chỉ định của Liên đoàn Quốc tế về Vật lý Thuần túy và Ứng dụng (IUPAP) và GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam (Pháp), với sự tham gia của 40 Viện Hàn lâm, Viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế trên thế giới. Đề án còn có sự bảo trợ cấp cao về khoa học của 28 nhà khoa học đạt giải Nobel và giải Field. GS Ngô Bảo Châu là người Việt Nam duy nhất trong Hội đồng Bảo trợ cấp cao về khoa học cho Đề án này. Việt Nam là quốc gia đầu tiên chấp nhận đồng tác giả dự thảo bản đề án trình lên Liên hợp quốc.

UNESCO sẽ đóng vai trò là cơ quan chủ trì và đầu mối của Năm quốc tế Khoa học cơ bản. Chương trình của Năm quốc tế Khoa học cơ bản sẽ được phát triển với sự cộng tác của các tổ chức có liên quan khác của hệ thống Liên hợp quốc, IUPAP, CERN và các tổ chức, liên đoàn liên quan của họ trên toàn thế giới. Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản vì Phát triển Bền vững (IYBSSD2022) sẽ chính thức được khai mạc với Hội nghị “Khoa học, Đạo đức học và Sự phát triển con người” tổ chức ngày 30 tháng 6 – ngày 1 tháng 7 năm 2022 tại trụ sở UNESCO (Paris). Các sự kiện và hoạt động sẽ được tổ chức trên khắp thế giới cho đến ngày 30 tháng 6 năm 2023.

Trong hơn 10 năm vừa qua, Bộ Khoa hoc và Công nghệ đã rất chú trọng và quan tâm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản thông qua chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ và tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu, nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản.

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) là cơ quan tài trợ, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Nghiên cứu cơ bản đối tượng quan trọng nhất được NAFOSTED tập trung, ưu tiên nguồn lực tài trợ từ rất sớm. Định hướng của NAFOSTED trong chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản là phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu KH&CN trình độ cao, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu của Việt Nam theo thông lệ và hội nhập quốc tế. Được triển khai từ năm 2009 đến nay, NAFOSTED đã tài trợ cho trên 15.000 lượt nhà khoa học tham gia nghiên cứu thông qua hơn 3.500 nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, qua đó đào tạo trên 3.500 tiến sỹ gắn với công bố khoa học quốc tế. Những năm gần đây, các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản do NAFOSTED tài trợ đóng góp trung bình trên 1000 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí thuộc hệ thống WoS (ISI) mỗi năm.

NAFOSTED cũng là cơ quan thường trực của Giải thưởng Tạ Quang Bửu – giải thưởng hàng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng được xét, trao tặng cho nhà khoa học là tác giả chính của công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc được thực hiện tại Việt Nam và công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Sau 8 năm tổ chức, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao tặng Giải thưởng cho 20 nhà khoa học, trong đó có 16 nhà khoa học nhận Giải thưởng chính và 04 nhà khoa học nhận Giải thưởng trẻ.

 Nguồn: https://www.iybssd2022.org/en/home/