Print This Post

Hội nghị thường niên về Khoa học Thông tin và Máy tính lần thứ 8 (NICS 2021)

Hằng năm, Hội nghị thường niên về Khoa học Thông tin và Máy tính (tên tiếng Anh: NAFOSTED Conference on Information and Computer Science – NICS) được tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy phát triển nghiên cứu và tạo diễn đàn trao đổi học thuật chất lượng cao giữa các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học máy tính, công nghệ thông tin và truyền thông. Sau 7 năm tổ chức, Hội nghị NICS đã dần khẳng định là một trong 5 hội nghị khoa học uy tín trong lĩnh vực khoa học thông tin và máy tính được tổ chức hàng năm tại Việt Nam.

Hội nghị NICS năm 2021 được Học viện Kỹ thuật Quân sự đảm nhiệm là đầu mối tổ chức. Hội nghị được Hội đồng khoa học ngành Khoa học thông tin và máy tính của NAFOSTED tư vấn về chuyên môn, được IEEE bảo trợ về mặt kỹ thuật và được NAFOSTED hỗ trợ kinh phí. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Học viện Kỹ thuật quân sự và Hội đồng Khoa học ngành KHTT&MT của Quỹ đã nỗ lực phối hợp để có phương thức tổ chức thích hợp, an toàn và vẫn đảm bảo được chất lượng trao đổi chuyên môn giữa các nhà khoa học tham dự.

Một số thông tin nổi bật về Hội nghị NICS 2021 như sau:

  • Được bảo trợ kỹ thuật bởi IEEE, IEEE Vietnam Section;
  • Bao gồm 20 tiểu ban kỹ thuật;
  • 98 bài báo khoa học chất lượng được Ban Chương trình của Hội nghị lựa chọn để trình bày tại Hội nghị trong tổng số 135 bài báo khoa học của 485 nhà khoa học đến từ 18 quốc gia gửi tham gia Hội nghị;
  • 2 báo cáo mời tại NICS 2021 do hai nhà khoa học uy tín thế giới trình bày: 1) GS Sylvain Guilley (Viện Télécom Paris, Pháp) – một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực Bảo mật phần cứng, giới thiệu về “CRYScanner: Tìm thư viện mật mã bị lạm dụng”; 2) GS Masayuki Fujita (Đại học Osaka, Nhật Bản) – một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ sóng THz, giới thiệu về “Các hệ thống và linh kiện THz tiên tiến hướng tới ứng dụng trong 6G và hơn thế nữa”;

Các đại biểu tham dự hội nghị đã có cơ hội trao đổi học thuật và khả năng hợp tác, chia sẻ nhiều hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực ICT, đặc biệt chú trọng về chủ đề Trí tuệ nhân tạo và Học sâu, học máy.

Tin: Phòng KHTN&KT

Bài viết liên quan