Print This Post

Hội thảo khoa học “Nam Trung Bộ và Nam Bộ trong lịch sử Việt Nam”

Ngày 18/12/2016, tại Hội trường trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chủ nhiệm Đề án Khoa học xã hội cấp Quốc gia “Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nam Trung Bộ và Nam Bộ trong lịch sử Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có PGS.TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), Ban Chủ nhiệm, thư ký Đề án, thành viên Ban Biên soạn của các đề tài thuộc Đề án và các nhà khoa học, học viên, nghiên cứu sinh thuộc các viện, trường, trung tâm nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, dân tộc học, văn hóa tại miền Nam.

GS Phan Huy Lê – Chủ nhiệm Đề án

Tại Hội thảo, GS Phan Huy Lê, Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu, biên soạn Bộ Lịch sử Việt Nam đã giới thiệu tổng quan về Đề án, những yêu cầu và quan điểm cơ bản trong nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam cũng như các vấn đề cần thảo luận để đi đến thống nhất về quan điểm và cách trình bày lịch sử Nam Trung Bộ và Nam Bộ trong tổng thể bộ lịch sử Việt Nam.

Hội thảo đã nghe báo cáo 7 vấn đề chính về lịch sử Nam Trung Bộ và Nam Bộ trong lịch sử Việt Nam, bao gồm: văn hóa Óc Eo và Nhà nước Phù Nam; văn hóa Sa Huỳnh – Chămpa và Nhà nước Lâm Ấp; vùng đất Tây Nguyên trong lịch sử Việt Nam; Đàng Trong và vấn đề Nam tiến trong lịch sử Việt Nam; Biển đảo và vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa – Trường Sa theo hướng tiếp cận toàn bộ; vùng đất bị đối phương chiếm đóng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và vấn đề thể chế Quốc gia Việt Mam, Việt Nam Cộng hòa. Yêu cầu của hội thảo là không đi sâu vào nội dung chuyên môn mà trên cơ sở kết quả nghiên cứu hiện nay, xác định mối quan hệ với lịch sử Việt Nam và thống nhất cách trình bày trong bộ Lịch sử Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Các nhà khoa học đã đóng góp ý kiến, thảo luận rất cởi mở, sôi nổi về 7 nhóm vấn đề trong nội dung Hội thảo. Các ý kiến đóng góp đã được Ban thư ký ghi chép đầy đủ để Ban Chủ nhiệm nghiên cứu trong quá trình tổ chức biên soạn lịch sử Nam Trung Bộ và Nam Bộ trong bộ Lịch sử Việt Nam với yêu cầu đảm bảo tính khách quan, toàn bộ và toàn diện của lịch sử dân tộc. Trước khi kết thúc hội thảo, GS Phan Huy Lê đã phát biểu tổng kết, nêu lên những quan điểm đã thống nhất và những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
Hội thảo “Nam Trung Bộ và Nam Bộ trong lịch sử Việt Nam” đã thống nhất quan điểm biên soạn về lịch sử Nam Trung Bộ và Nam Bộ trong tổng thể bộ Lịch sử Việt Nam. Ngoài hội thảo bàn về 7 vấn đề trên, theo kế hoạch Ban Chủ nhiệm Đề án sẽ tổ chức hội thảo thứ 2 dự kiến vào ngày 25-2-2017 tiếp tục trao đổi thêm về một số vấn đề liên quan đến toàn bộ Đề án. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác chưa đạt được sự thống nhất trong giới sử học, liên quan đến từng đề tài hay nhóm đề tài, Ban Chủ nhiệm Đề án giao cho các đề tài và nhóm đề tài tổ chức hội thảo để đi đến thống nhất trong quá trình biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam.
Đề án “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” là đề án Khoa học xã hội cấp Quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và tổ chức thực hiện theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ. Bộ máy quản lý Đề án bao gồm Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia và Ban Chủ nhiệm Đề án. Sản phẩm của Đề án là 25 tập Lịch sử Việt Nam, 5 tập Biên niên Lịch sử Việt NamCơ sở dữ liệu về lịch sử Việt Nam. Bộ Lịch sử Việt Nam mang tính chất của bộ Quốc sử, tổng kết các kết quả nghiên cứu của giới sử học trong và ngoài nước về lịch sử Việt Nam từ trước tới nay, đồng thời nghiên cứu bổ sung một số nội dung cần thiết nhằm đảm bảo tính liên tục, toàn bộ và toàn diện của lịch sử Việt Nam với yêu cầu khoa học, khách quan, cập nhật.

Nguồn tin: nafosted

Bài viết liên quan