NAFOSTED tổ chức Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài NCCB trong KHTN&KT đợt 1 năm 2017
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc CQĐH Quỹ trình bày một số một số kết quả năm 2016 và phương hướng thực hiện triển khai đánh giá hồ sơ năm 2017- Đợt 1. Theo thống kê, đầu năm 2016, trong lĩnh vực KHTN&KT, Quỹ đã tiếp nhận 401 hồ sơ, đánh giá xét chọn 383 hồ sơ, phê duyệt tài trợ 210 hồ sơ. Trong năm vừa qua, Quỹ cũng thực hiện ký hợp đồng 239 đề tài 2015, đánh giá định kỳ 306 đề tài, đánh giá kết quả 201 đề tài NCCB trong KHTN&KT. Về kết quả thực hiện từ năm 2009 – 2013, số đề tài đã được đánh giá là 871 đề tài, số đề tài được nghiệm thu đạt là 775 đề tài, số bài báo ISI được HĐKH công nhận là 2564.
Tổng kết chung hoạt động của Quỹ trong năm 2016, Giám đốc CQĐH Quỹ đánh giá, Quỹ đã góp phần phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất KH&CN Quốc gia. Số lượng các nhà khoa học, các nhiệm vụ được tài trợ/hỗ trợ lớn, mang lại kết quả và sản phẩm khoa học vượt trội, góp tỷ trọng lớn trong số lượng và chất lượng công bố quốc tế.
Từ năm 2017, Quỹ định hướng tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu (công bố quốc tế), hỗ trợ nhóm nghiên cứu mạnh, bắt đầu thực hiện tiếp nhận hồ sơ 02 lần một năm, hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực KH&CN Quốc gia và tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu. Năm 2017, Quỹ đã tiếp nhận hồ sơ đợt 1 với 303 hồ sơ, đưa ra đánh giá xét chọn 294 hồ sơ. Các thống kê cho thấy, đăng ký năm 2017 tiếp tục có xu hướng cân bằng hơn so với giai đoạn trước về tỷ lệ hồ sơ giữa các vùng miền trong cá nước, tỷ lệ hồ sơ từ các các khối trường đại học – viện nghiên cứu, tỷ lệ nam – nữ chủ trì các đề tài nghiên cứu. Đặc biệt, tỷ lệ chủ trì các đề tài nghiên cứu trong hồ sơ 2017 vẫn đạt khoảng 60% với người chủ trì nghiên cứu không quá 40 tuổi, thể hiện xu thế hỗ trợ của Quỹ đối với các nhóm nghiên cứu trẻ, có năng lực chuyên môn cao.
Trao đổi tại Hội nghị, các thành viên HĐKH ngành lĩnh vực KHTN&KT đưa ra một số ý kiến đánh giá và đóng góp về hoạt động của Quỹ. Các nhà khoa học đều cho rằng, Quỹ đã tạo ra môi trường nghiên cứu thuận lợi, góp phần tăng tỉ trọng công bố quốc tế của đất nước. Đóng góp ý kiến về hoạt động của Quỹ, các nhà khoa học là thành viên HĐKH ngành như GS.TS Nguyễn Đức Chiến, GS.TS Nguyễn Văn Hiếu, PGS.TS Nguyễn Văn Lập, PGS.TS Phạm Văn Hùng, PGS.TS Đồng Văn Quyền trao đổi liên quan đến kế hoạch phân bổ kinh phí hợp lý để đầu tư vào chi tiết đối với từng ngành, các nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đánh giá xét chọn như cách thức đánh giá đề tài phù hợp với thay đổi về cơ chế tài chính (Thông tư 27 và Thông tư 55), điều kiện tham gia nhóm nghiên cứu, vai trò của nhà khoa học nước ngoài trong nhóm nghiên cứu, hình thức họp online. GS.TSKH Đinh Dũng, GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, GS.TS Nguyễn Hữu Dư đề xuất một số định hướng như nên tăng trưởng số lượng hay chất lượng các kết quả nghiên cứu, nguyên tắc cập nhật danh mục ISI uy tín, danh mục tạp chí uy tín, tăng cường hợp tác quốc tế.
Ông Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc CQĐH Quỹ trao đổi các chính sách về quản lý khoa học mà Quỹ đang thực hiện, với định hướng tương đồng với kiến nghị của các nhà khoa học về tiếp tục tăng cường chất lượng các nghiên cứu do Quỹ tài trợ, các phương thức thực hiện cụ thể trong giai đoạn tới. Các ý kiến sẽ được CQĐH Quỹ ghi nhận và nghiên cứu để đưa vào kế hoạch, tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ.
Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Đoàn Thăng, thành viên HĐQL Quỹ đánh giá cao kết quả hoạt động của Quỹ trong năm 2016. Các hoạt động kiểm tra, đánh giá được thực hiện thường xuyên, đảm bảo tiến độ các nghiên cứu do Quỹ tài trợ cũng như giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Phương hướng hoạt động của Quỹ trong năm 2017 là tiếp tục duy trì số lượng và tăng chất lượng các nghiên cứu, đồng thời triển khai đánh giá kết quả, như tác động của các chương trình tài trợ, hỗ trợ đối với sự phát triển của ngành, lĩnh vực, và KT-XH của đất nước.
Tác giả bài viết: TrangVQ
Nguồn tin: nafosted