Print This Post

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tổ chức Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn tài trợ đợt 1 năm 2018

Ngày 18/10 tại Hà Nội, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) đã tổ chức Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài Nghiên cứu cơ bản (NCCB) trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) tài trợ đợt 1 năm 2018. Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Đoàn Thăng, thành viên Hội đồng quản lý (HĐQL) Quỹ, bà Đào Thị Minh Nguyệt, thành viên Ban Kiểm soát Quỹ, Lãnh đạo Cơ quan điều hành (CQĐH) Quỹ, các nhà khoa học thuộc 07 Hội đồng khoa học (HĐKH) ngành/liên ngành trong lĩnh vực KHXH&NV và các cán bộ CQĐH Quỹ. Tham dự hội nghị, còn có Bà Helen Niblock, chuyên gia Hội đồng nghiên cứu Anh (RCUK).


Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc CQĐH Quỹ tổng kết một số hoạt động của Quỹ. Từ năm 2016, thực hiện nghị quyết của HĐQL Quỹ, CQĐH  Quỹ tiến hành tiếp nhận hồ sơ, xét chọn tài trợ 2 lần một năm đối với các chương trình NCCB. Những năm gần đây, chất lượng tài trợ được đảm bảo thông qua hoạt động đánh giá của HĐKH và hệ thống bình duyệt của các tạp chí khoa học quốc tế, quốc gia uy tín. Trong quá trình triển khai các hoạt động, HĐKH và CQĐH Quỹ đã xem xét, đề xuất áp dụng các tiêu chí đánh giá phù hợp đối với từng lĩnh vực khoa học, trình HĐQL Quỹ quyết định những điều chỉnh phù hợp với từng ngành/liên ngành trong lĩnh vực KHXH&NV. Năm 2017, CQĐH Quỹ đã trình HĐQL Quỹ phê duyệt danh mục tạp chí trong nước và quốc tế đã được điều chỉnh để phù hợp với ngành/liên ngành trong lĩnh vực KHXH&NV.

Về hoạt động chung, Quỹ áp dụng các phương thức tiếp nhận đánh giá, phản biện trực tuyến đối với lĩnh vực KHXH&NV. HĐKH có thể tra cứu thông tin thuyết minh đề tài và nhà khoa học thông qua hệ thống hồ sơ điện tử. Phương thức này nhận được sự đồng tình và ủng hộ của các nhà khoa học, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí trong đăng ký và triển khai đề tài nghiên cứu.

Về kết quả thực hiện, những năm đầu sau khi áp dụng quy định về công bố quốc tế, số lượng hồ sơ đề nghị tài trợ lĩnh vực KHXH&NV có giảm đi so với trước, tuy nhiên số lượng hồ sơ hợp lệ tăng dần theo các năm. Năm 2017, số lượng hồ sơ hợp lệ, được tài trợ cũng tăng so với những năm trước đó. Tuy cơ cấu các ngành có sự chênh lệch khá lớn, nhưng trong giai đoạn hiện nay đã có những tín hiệu đáng mừng khi số lượng hồ sơ một số ngành có tăng nhẹ. Trong thời gian tới, danh mục tạp chí uy tín đã được mở rộng tương đối nhiều, hy vọng sẽ tạo đà cho việc tăng số lượng hồ sơ đề xuất. Giám đốc CQĐH Quỹ hy vọng, chương trình NCCB trong lĩnh vực KHXH&NV tiếp tục phát triển, tăng trưởng về số lượng cũng như chất lượng, đóng góp nghiên cứu và phát triển cho lĩnh vực.

Tiếp theo, ông Mai Thế Bình – Phó Giám đốc CQĐH Quỹ báo cáo về kết quả tiếp nhận và kiểm tra điều kiện hồ sơ đề nghị tài trợ thuộc chương trình NCCB trong KHXH&NV năm 2018 đợt 1. Trong đó, số lượng hồ sơ nhận được là 64 hồ sơ. Quỹ đã rà soát xác định 49 hồ sơ đủ điều kiện đưa vào đánh giá xét chọn, 03 hồ sơ đề nghị HĐKH xem xét lại điều kiện và có 12 hồ sơ không hợp lệ. Số lượng hồ sơ đăng ký phân bổ tất cả các ngành, số lượng hồ sơ nhiều nhất với 35 hồ sơ đủ điều kiện đưa vào đánh giá xét chọn tập trung ở ngành Kinh tế. Ông Mai Thế Bình chia sẻ những thông tin liên quan đến các chương trình tài trợ, hỗ trợ khác trong lĩnh vực (bao gồm chương trình tài trợ các nhiệm vụ đột xuất, tiềm năng), và một số kết quả triển khai chương trình NCCB trong lĩnh vực KHXH&NV năm vừa qua.

Tại Hội nghị, Bộ phận Tin học, CQĐH Quỹ giới thiệu các bước cập nhật lý lịch khoa học và phản biện hồ sơ trên hệ thống quản lý trực tuyến. Để tạo điều kiện cho các nhà khoa học, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống quản lý đề tài trực tuyến đã được Quỹ sử dụng từ năm 2012 trong việc đánh giá hồ sơ đăng ký tài trợ chương trình NCCB trong KHTN&KT và bắt đầu triển khai từ năm 2016 đối với KHXH&NV. Bắt đầu từ năm 2017, ngoài việc quản lý hồ sơ đề tài trực tuyến, Quỹ sẽ tiến hành gửi/nhận kết quả phản biện trực tuyến đối với các đề tài đề nghị tài trợ trong lĩnh vực KHXH&NV.


Ông Nguyễn Đoàn Thăng – thành viên HĐQL Quỹ phát biểu tại Hội nghị
Trao đổi tại Hội nghị, thành viên HĐQL Quỹ, Ông Nguyễn Đoàn Thăng đánh giá cao hoạt động có hiệu quả và trách nhiệm của HĐKH và CQĐH Quỹ trong việc triển khai, đánh giá và xét chọn tài trợ đề tài. Dưới góc độ là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, ông Nguyễn Đoàn Thăng hy vọng các ngành/liên ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV, đặc biệt ngành Kinh tế học có những bước phát triển để có những hỗ trợ cụ thể đối với các doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

PGS.TS Đặng Hoàng Minh – HĐKH liên ngành Tâm lý học, Giáo dục học
Các thành viên HĐKH ngành/liên ngành lĩnh vực KHXH&NV cũng đóng góp một số ý kiến liên quan đến các tiêu chí đánh giá, đảm bảo chất lương, để thúc đẩy mạnh hơn các nghiên cứu hướng đến tầm quốc tế, các cách thức để kết quả của nghiên cứu cơ bản gắn với thực tế đời sống, việc phân chia ngành sao cho phù hợp với các đề tài liên ngành. Một số đề xuất cũng được các đại biểu đưa ra như thang điểm đánh giá kết quả nghiệm thu, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả nghiên cứu trực tiếp với HĐKH. Ngoài ra, các đại biểu cũng hy vọng Quỹ mở rộng hợp tác với các Quỹ, các Viện nghiên cứu lớn trên thế giới để Quỹ có tầm ảnh hưởng mạnh và rộng hơn. Đại biểu cũng mong muốn chuyên gia từ RCUK chia sẻ một vài kinh nghiệm cụ thể trong đánh giá tác động của NCCB đối với kinh tế xã hội tại Vương quốc Anh.
Bà Helen Niblock – chuyên gia Hội đồng nghiên cứu Anh quốc (RCUK)

Trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị, bà Helen Niblock, chuyên gia RCUK chia sẻ một số thông tin cụ thể về thực tế triển khai cũng như đánh giá tác động của các nghiên cứu đối với kinh tế – xã hội. Chính phủ Anh rất quan tâm đến tác động của nghiên cứu, các tài trợ có tính ứng dụng. Thông thường, các trường đại học sẽ có những tổng kết về các tác động của nghiên cứu, cụ thể như nghiên cứu có khả năng, hoặc có thể tạo ra sản phẩm ứng dụng. Bà Helen Niblock cũng cho biết, tại Anh, các tác động của nghiên cứu cơ bản đối với kinh tế – xã hội có thể cần phải có thời gian dài để đánh giá và chính phủ có hệ thống theo dõi chi tiết để đánh giá tác động này một cách cụ thể. Đại diện RCUK rất hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác với Việt Nam trong các nghiên cứu xuất sắc trong tương lai.

Ông Đỗ Tiến Dũng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu là thành viên của HĐKH và cho biết, định hướng của Quỹ vẫn tập trung vào NCCB trong đó tài trợ cho nguồn lực khoa học tốt, đặc biệt là trong các trường đại học để phát triển các nghiên cứu sau này, góp phần đào tạo thế hệ nghiên cứu mới. Hiện nay, sự xuất hiện của nhiều đề tài nghiên cứu đa ngành đặt ra yêu cầu cho Quỹ cần có những xem xét cụ thể để các đề tài được đánh giá tại những hội đồng có tỉ trọng lớn nội dung trong đề tài. Về thang điểm đánh giá tài trợ, Quỹ sẽ tiếp tục rà soát để có những điều chỉnh phù hợp hơn. Về hợp tác quốc tế, hiện nay Quỹ đã triển khai một số chương trình hợp tác với các Quỹ như Quỹ khoa học Flanders FWO (Bỉ), Quỹ khoa học quốc gia DFG (Đức), RCUK (Anh). Hiện nay, các chương trình hợp tác quốc tế được triển khai phần lớn theo Biên bản thỏa thuận (MOU), Quỹ sẽ tiếp tục xem xét và mở rộng hợp tác trong tương lai. Hiện tại, tỷ lệ hợp tác quốc tế của Quỹ đối với lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật là 2 nhà khoa học Việt Nam và 1 nhà khoa học nước ngoài tham gia, phản ánh sự hợp tác rộng rãi với sự chủ trì của các nhà khoa học Việt Nam trong các nghiên cứu do Quỹ hỗ trợ. Về ý kiến đề nghị thay đổi quy định để các nhóm nghiên cứu tham gia báo cáo kết quả trực tiếp với HĐKH, ông Đỗ Tiến Dũng cho biết quy trình đánh giá dựa trên hồ sơ hiện nay nhằm giảm thiểu việc phát sinh thủ tục cho các nhà khoa học, nhất là đối với các nhà khoa học ở khu vực miền Nam và miền Trung.

Ngay sau phiên họp toàn thể, HĐKH tiếp tục họp các hội đồng chuyên ngành đánh giá xét chọn, rà soát điều kiện hồ sơ thuộc lĩnh vực nghiên cứu và phân công phản biện.

Tác giả bài viết: TrangVQ

Nguồn tin: nafosted