Print This Post

Vinh danh hai nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022

Ngày 18/5 tại Lễ kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 cho hai nhà khoa học có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc thuộc hai lĩnh vực Toán học và Hóa học.

Tham dự buổi Lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các đồng chí lãnh đạo Bộ, Ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học, doanh nghiệp KH&CN; thành viên Hội đồng Giải thưởng; đại diện gia đình cố GS. Tạ Quang Bửu và các phóng viên, cơ quan thông tấn, báo chí.

Tại buổi Lễ, hai nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 gồm GS. TSKH. Ngô Việt Trung, Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, lĩnh vực Toán học và PGS.TS. Nguyễn Thị Lệ Thu, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, lĩnh vực Hóa học đã có những chia sẻ xúc động khi được trao tặng Giải thưởng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng trao Giải thưởng cho hai nhà khoa học

     

GS.TSKH. Ngô Việt Trung chia sẻ niềm vinh dự khi được nhận Giải thưởng vì “giải thưởng Tạ Quang Bửu được đánh giá rất cao trong cộng đồng khoa học” và vô cùng xúc động vì “GS. Tạ Quang Bửu là người đã thay đổi cuộc đời tôi”. GS. Ngô Việt Trung chia sẻ nhờ GS. Tạ Quang Bửu mà ông không chỉ được đi học Toán tại CHLB Đức mà còn được điều trị tại đây và từ một người phải đi nạng khi học phổ thông sau đó đã có thể đi lại được gần như bình thường. PGS.TS. Nguyễn Thị Lệ Thu khẳng định “Giải thưởng thật sự là nguồn động viên lớn lao cho các nhà khoa học, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ có chất lượng ở Việt Nam”. Chia sẻ tại buổi Lễ, hai nhà khoa học đoạt Giải thưởng cũng cảm ơn và đánh giá cao hiệu quả hoạt động tài trợ của Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED).

Cũng tại buổi Lễ, GS.TS. Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng năm 2022 cho rằng “Các nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu ngày hôm nay là minh chứng rất rõ nét cho thấy nguồn nhân lực nghiên cứu KHCN trình độ cao của chúng ta là hết sức tiềm tàng” và mong muốn “với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ KH&CN và sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp, KHCN nói chung và nghiên cứu cơ bản nói riêng ở Việt Nam sẽ tiếp tục được đầu tư xứng đáng và trong tương lai gần có thể đuổi kịp, thậm chí vượt qua nhiều quốc gia phát triển trên thế giới trong việc đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội bên vững”.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu và cho biết, trong những năm vừa qua, khoa học cơ bản đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, tiêu biểu là chương trình tài trợ nghiên cứu cơ bản thông qua Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia được triển khai từ năm 2009. Khoa học cơ bản của Việt Nam do vậy đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật. Giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân công bố quốc tế của Việt Nam là 25,68%/năm. Tại Đông Nam Á, từ năm 2018 chỉ số số lượng công bố khoa học quốc tế trên 01 tỷ đô-la GDP tính theo sức mua tương đương – một chỉ số trong bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (WIPO) – của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, đứng thứ 3 khu vực, chỉ xếp sau Malaysia và Singapore. “Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ chú trọng đầu tư đúng mức cho nghiên cứu cơ bản, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp khoa học và công nghệ đầu tư cho nghiên cứu, đồng thời, kiện toàn hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng khuyến khích tự chủ, đẩy mạnh kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp; tạo điều kiện để nghiên cứu cơ bản thực sự là nền tảng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đưa đất nước bền vững đi lên”.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hàng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Giai đoạn 2019-2022 Tập đoàn PHENIKAA đã tài trợ kinh phí trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu đối với các Giải thưởng chính và Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ .

Tin: NAFOSTED

Bài viết liên quan