Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Tin tức

Tin sự kiện

Thông báo về việc tổ chức giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018

1.  Mục đích, ý nghĩa Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển.2. Các lĩnh vực xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu Giải thưởng được xét tặng cho các công trình nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, bao gồm: a) Khoa học tự nhiên: toán học, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, các khoa học trái đất và môi trường, sinh học, khoa học tự nhiên khác; b) Khoa học kỹ thuật và công nghệ; c) Khoa học y, dược; d) Khoa học nông nghiệp.3. Đối tượng tham gia Giải thưởng Tạ Quang Bửu Tác giả của công trình nghiên cứu khoa học cơ bản xuất sắc thuộc các lĩnh vực xét tặng Giải thưởng. 4. Cơ cấu giải thưởng – Từ một (01) đến ba (03) Giải thưởng dành cho tác giả của công trình khoa học. – Một (01) Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) là tác giả của công trình khoa học. 5. Quyền lợi của nhà khoa học được tặng Giải thưởng – Được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng. – Được nhận Tiền thưởng. 6. Thời gian xét giải thưởng Tạ Quang Bửu –  Các tổ chức, các nhân đề cử hoặc tự ứng cử gửi hồ sơ đăng ký xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu tới Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia từ ngày 15/12/2017 đến hết ngày 21/01/2018. – Công tác xét chọn Giải thưởng: từ tháng 2/2018 đến tháng 4/2018. – Trao giải thưởng: tháng 5/2018. 7. Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng, do cá nhân, tổ chức khoa học và công nghệ đề cử hoặc cá nhân nhà khoa học ứng cử, bao gồm: a) Đăng ký tham gia xét tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu (Mẫu TQB01); b) Bài báo công bố công trình khoa học theo quy định; c) Thuyết minh công trình khoa học (Mẫu TQB02); d) Lý lịch khoa học (Mẫu TQB03); đ) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (trường hợp công trình khoa học là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng hoặc nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước); e) Các tài liệu có liên quan khác (nếu có). Tải toàn bộ tại đây. Trường hợp hồ sơ được lựa chọn đưa vào đánh giá tại Hội đồng Giải thưởng, tác giả được xem xét trao Giải thưởng phải bổ sung bản xác nhận về mức độ đóng góp đối với công trình khoa học từ các tác giả còn lại của công trình. Hồ sơ đăng ký đề nghị gửi tới: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia Địa chỉ: Tầng 4, 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội Điện thoại: 84-24-39367750 Hồ sơ bản mềm được gửi tới email: nafosted@most.gov.vn và cc tới email: thanhtt@most.gov.vn Website: http://www.nafosted.gov.vn 8. Thông tin chi tiết xin liên hệ: Ông Trần Tuấn Thanh Điện thoại: 84-24-39.36.7750 (ext.: 201) Thông tin thêm có thể tham khảo tại: Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN ngày 12/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Tác giả bài viết: ThanhTT Nguồn tin: nafosted

Tin sự kiện

Họp Hội đồng hỗn hợp đánh giá xét chọn đề tài hợp tác song phương Việt – Bỉ 2017

Ngày 30/11 và 1/12/2017, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia và Quỹ khoa học Flanders – Vương quốc Bỉ (FWO) đã tổ chức phiên họp Hội đồng hỗn hợp đánh giá xét chọn đề tài hợp tác song phương Việt – Bỉ năm 2017 tại Hà Nội. Phiên họp có sự tham gia của đại diện CQĐH Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), đại diện Quỹ khoa học Flanders – Vương quốc Bỉ (FWO) – Bà Isabelle Verbaeys, Trưởng bộ phận Hợp tác quốc tế, cùng 10 nhà khoa học (5 nhà khoa học phía Việt Nam và 5 nhà khoa học phía Bỉ) trong các lĩnh vực công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học môi trường, sinh học phân tử, sinh sản, khoa học vật liệu/kỹ thuật hóa học, kỹ thuật điện, toán học/công nghệ thông tin và truyền thông, dược, kinh tế học và xây dựng. Hội đồng họp đánh giá xét chọn 22 hồ sơ đăng ký thực hiện đề tài thuộc chương trình hợp tác song phương Việt – Bỉ. Bà Isabelle Verbaeys, Trưởng bộ phận Hợp tác quốc tế Quỹ khoa học Flanders – Vương quốc Bỉ phát biểu tại buổi họp Sau phiên họp đánh giá xét chọn, đại diện hai Quỹ trao đổi về tình hình và kết quả triển khai chương trình đồng tài trợ theo biên bản thỏa thuận đã ký và các biện pháp để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới. Tác giả bài viết: TrangVQ Nguồn tin: nafosted

Tin sự kiện

NAFOSTED đón tiếp và làm việc với Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Lào (FOSTED)

Triển khai các nội dung đã ký kết trong Biên bản thỏa thuận (MOU) giữa Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Lào (FOSTED) tại Nghệ An tháng 6 năm 2017, trong tuần từ 6 – 10/11, đoàn công tác của FOSTED đã tới trao đổi và làm việc tại Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) Quốc gia. Theo Biên bản thỏa thuận, Quỹ NAFOSTED phối hợp cùng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Lào (FOSTED) trong một số hoạt động hợp tác nghiên cứu và xây dựng chính sách cũng như nâng cao năng lực cán bộ phục vụ cho việc triển khai các chương trình tài trợ, hỗ trợ hoạt động KH&CN của FOSTED. Đoàn công tác của FOSTED gồm 07 thành viên thuộc Ban thư ký Hội đồng quản trị và Trưởng các Bộ phận Kế hoạch hợp tác, Bộ phận Đánh giá và Bộ phận Tài chính của FOSTED. Trưởng đoàn là bà Keophayvanh DOUANGSVANH, Chánh văn phòng Viện Khoa học Quốc gia Lào, Bộ Khoa học và Công nghệ Lào, Trưởng Ban thư ký Hội đồng quản trị FOSTED. Trong tuần làm việc, Đoàn đã nghe giới thiệu tổng quan về các hoạt động của Quỹ NAFOSTED, các nội dung chi tiết về xây dựng kế hoạch hoạt động và kế hoạch tài chính, kinh nghiệm trong công tác tài chính quỹ, đặc biệt là các kinh nghiệm trong công tác tài chính cho các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ. Về các nội dung chuyên môn trong triển khai các chương trình, đoàn đã làm việc với các phòng chuyên môn về kinh nghiệm xây dựng và quản lý các chương trình tài trợ, hỗ trợ của NAFOSTED. Hai bên đã trao đổi chi tiết về quy trình thực hiện các chương trình, bao gồm tiếp nhận hồ sơ, đánh giá xét chọn, cấp tài trợ, theo dõi, đánh giá kết quả các đề tài. Đoàn cũng đã có trao đổi ngắn với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng quản lý NAFOSTED Trần Quốc Khánh về các nội dung hợp tác giữa hai quỹ cũng như các hoạt động trong chuyến thăm lần này của Đoàn. Đoàn FOSTED trao đổi tại Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội Bên cạnh đó, đoàn cũng tới thăm và làm việc với Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong các tổ chức chủ trì thực hiện đề tài tại Quỹ. Tại đây, đoàn đã có buổi trao đổi với nhóm nghiên cứu của Trung tâm cũng như với Ban giám hiệu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội về thực tế triển khai nghiên cứu cũng như sử dụng nguồn tài trợ tại các đơn vị chủ trì. Kết thúc tuần làm việc, hai bên đã tổng kết, thống nhất biên bản làm việc của chuyến công tác. Hai Quỹ chụp ảnh lưu niệm Bà Keophayvanh DOUANGSVANH, Chánh văn phòng Viện Khoa học Quốc gia Lào, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban thư ký Hội đồng quản trị FOSTED, Trưởng đoàn phát biểu cảm ơn sự tiếp đón của Quỹ. Bà Keophayvanh cho rằng chuyến công tác đã rất thành công và đoàn công tác đã nhận được nhiều kinh nghiệm quý giá cho hoạt động của FOSTED sắp tới. FOSTED sẽ mang các kinh nghiệm học được tại Việt Nam về nghiên cứu để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế tại Lào. Bên cạnh đó, Bà Keophayvanh cũng mong muốn NAFOSTED tiếp tục hỗ trợ tư vấn về kinh nghiệm cho FOSTED khi đi vào triển khai các công việc thưc tế trong thời gian tới. Với định hướng tài trợ cho các nghiên cứu quan trọng và có lợi cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Lào, FOSTED hiện đang tiến hành xây dựng các văn bản cần thiết để thực hiện các chương trình tài trợ, hỗ trợ của mình. Vì vậy, FOSTED cũng mong muốn được NAFOSTED hỗ trợ trong việc xây dựng các văn bản pháp quy cần thiết cho các chương trình tài trợ, hỗ trợ. Sau trao đổi, hai bên thống nhất tiếp tục phối hợp triển khai các hoạt động theo Biên bản thỏa thuận đã ký kết. Tác giả bài viết: TrangVQ Nguồn tin: nafosted

Tin sự kiện

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đón tiếp và làm việc với chuyên gia Hội đồng nghiên cứu Anh Quốc (RCUK)

Năm 2016, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Hội đồng nghiên cứu Anh (RCUK), theo đó hai Quỹ sẽ hợp tác đồng tài trợ và hợp tác trong chia sẻ kinh nghiệm quản lý các chương trình tài trợ nghiên cứu. Trong cùng năm, NAFOSTED đã phối hợp với RCUK và một số đơn vị tài trợ khác trong Đông Nam Á tổ chức Hội nghị kết nối cho nhà khoa học các nước và tiến hành tiếp nhận hồ sơ cũng như đánh giá xét chọn 01 đợt, tài trợ 05 nhiệm vụ. Trong năm 2017, hội nghị kết nối đã được tổ chức vào đầu tháng 10 tại Indonesia và dự kiến sẽ kết thúc tiếp nhận hồ sơ vào tháng 2/2018. Bên cạnh chương trình đồng tài trợ, hai phía cũng có chương trình hợp tác trao đổi cán bộ. Trong tháng 9, NAFOSTED đã cử cán bộ sang RCUK trao đổi, và tương ứng, trong thời gian từ 16 – 20/10/2017 RCUK đã cử bà Helen Niblock, Quản lý Bộ phận kết nối nghiên cứu và doanh nghiệp, Hội đồng nghiên cứu kỹ thuật khoa học và Vật lý tới trao đổi tại Quỹ. Chương trình trao đổi cán bộ nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, giúp hai bên hiểu rõ hơn về quá trình triển khai thực tế của đối tác, từ đó đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác trong giai đoạn tiếp theo. Bà Helen Niblock, chuyên gia RCUK Cán bộ CQĐH Quỹ tại buổi trao đổi với bà Helen Niblock Trong một tuần trao đổi và làm việc tại Quỹ, bà Helen Niblock đã được nghe giới thiệu về tổng quan về các hoạt động của Quỹ của Quỹ, và có cơ hội trình bày, giới thiệu về RCUK với toàn thể cán bộ Cơ quan điều hành (CQĐH) Quỹ. Đại diện RCUK cũng tham gia một số hoạt động lớn tại CQĐH Quỹ như tham dự Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài NCCB trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn tài trợ đợt 1 năm 2018. Bên cạnh đó, bà Helen Niblock cũng có các buổi trao đổi trực tiếp với các bộ phận chuyên môn chức năng là Phòng Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật và Phòng Kế hoạch – Tổng hợp (CQĐH Quỹ). Qua các buổi trao đổi, đại diện RCUK đã có thêm thông tin về các hoạt động chung, các chương trình của Quỹ, cũng như chi tiết cách thức hoạt động, quy trình xử lý hồ sơ, tổ chức đánh giá hồ sơ, theo dõi đề tài qua hệ thống trực tuyến. Đồng thời, cán bộ CQĐH Quỹ có cơ hội có thêm thông tin chia sẻ về kinh nghiệm quản lý chương trình của RCUK. Bên cạnh các buổi làm việc với Quỹ, đại diện RCUK cũng tới thăm và trao đổi với nhóm quản lý chương trình Newton tại Đại sứ quán Anh và nhóm thực hiện đề tài “Khai thác nhiều lợi ích từ hệ thống rừng ngập mặn bền vững” Tại Viện nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong các tổ chức chủ trì đang triển khai thực hiện đề tài hợp tác được tài trợ trong khuôn khổ chương trình đồng tài trợ NAFOSTED – RCUK năm 2016. Ông Phạm Đình Nguyên – Phó Giám đốc CQĐH Quỹ trong buổi trao đổi tổng kết chuyến công tác Kết thúc chuyến công tác, đại diện hai Quỹ có buổi tổng kết, rút kinh nghiệm và trao đổi về kế hoạch tiếp theo. Kết luận tại buổi tổng kết, ông Phạm Đình Nguyên – Phó Giám đốc CQĐH Quỹ đánh giá cao quá trình làm việc, chia sẻ kinh nghiệm quản lý chương trình giữa hai phía, và hy vọng chương trình đồng tài trợ sắp tới sẽ ngày càng phát triển. Tác giả bài viết: TrangVQ Nguồn tin: nafosted

Tin sự kiện

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tổ chức Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn tài trợ đợt 1 năm 2018

Ngày 18/10 tại Hà Nội, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) đã tổ chức Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài Nghiên cứu cơ bản (NCCB) trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) tài trợ đợt 1 năm 2018. Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Đoàn Thăng, thành viên Hội đồng quản lý (HĐQL) Quỹ, bà Đào Thị Minh Nguyệt, thành viên Ban Kiểm soát Quỹ, Lãnh đạo Cơ quan điều hành (CQĐH) Quỹ, các nhà khoa học thuộc 07 Hội đồng khoa học (HĐKH) ngành/liên ngành trong lĩnh vực KHXH&NV và các cán bộ CQĐH Quỹ. Tham dự hội nghị, còn có Bà Helen Niblock, chuyên gia Hội đồng nghiên cứu Anh (RCUK). Toàn cảnh Hội nghị Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc CQĐH Quỹ tổng kết một số hoạt động của Quỹ. Từ năm 2016, thực hiện nghị quyết của HĐQL Quỹ, CQĐH  Quỹ tiến hành tiếp nhận hồ sơ, xét chọn tài trợ 2 lần một năm đối với các chương trình NCCB. Những năm gần đây, chất lượng tài trợ được đảm bảo thông qua hoạt động đánh giá của HĐKH và hệ thống bình duyệt của các tạp chí khoa học quốc tế, quốc gia uy tín. Trong quá trình triển khai các hoạt động, HĐKH và CQĐH Quỹ đã xem xét, đề xuất áp dụng các tiêu chí đánh giá phù hợp đối với từng lĩnh vực khoa học, trình HĐQL Quỹ quyết định những điều chỉnh phù hợp với từng ngành/liên ngành trong lĩnh vực KHXH&NV. Năm 2017, CQĐH Quỹ đã trình HĐQL Quỹ phê duyệt danh mục tạp chí trong nước và quốc tế đã được điều chỉnh để phù hợp với ngành/liên ngành trong lĩnh vực KHXH&NV. Về hoạt động chung, Quỹ áp dụng các phương thức tiếp nhận đánh giá, phản biện trực tuyến đối với lĩnh vực KHXH&NV. HĐKH có thể tra cứu thông tin thuyết minh đề tài và nhà khoa học thông qua hệ thống hồ sơ điện tử. Phương thức này nhận được sự đồng tình và ủng hộ của các nhà khoa học, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí trong đăng ký và triển khai đề tài nghiên cứu. Về kết quả thực hiện, những năm đầu sau khi áp dụng quy định về công bố quốc tế, số lượng hồ sơ đề nghị tài trợ lĩnh vực KHXH&NV có giảm đi so với trước, tuy nhiên số lượng hồ sơ hợp lệ tăng dần theo các năm. Năm 2017, số lượng hồ sơ hợp lệ, được tài trợ cũng tăng so với những năm trước đó. Tuy cơ cấu các ngành có sự chênh lệch khá lớn, nhưng trong giai đoạn hiện nay đã có những tín hiệu đáng mừng khi số lượng hồ sơ một số ngành có tăng nhẹ. Trong thời gian tới, danh mục tạp chí uy tín đã được mở rộng tương đối nhiều, hy vọng sẽ tạo đà cho việc tăng số lượng hồ sơ đề xuất. Giám đốc CQĐH Quỹ hy vọng, chương trình NCCB trong lĩnh vực KHXH&NV tiếp tục phát triển, tăng trưởng về số lượng cũng như chất lượng, đóng góp nghiên cứu và phát triển cho lĩnh vực. Tiếp theo, ông Mai Thế Bình – Phó Giám đốc CQĐH Quỹ báo cáo về kết quả tiếp nhận và kiểm tra điều kiện hồ sơ đề nghị tài trợ thuộc chương trình NCCB trong KHXH&NV năm 2018 đợt 1. Trong đó, số lượng hồ sơ nhận được là 64 hồ sơ. Quỹ đã rà soát xác định 49 hồ sơ đủ điều kiện đưa vào đánh giá xét chọn, 03 hồ sơ đề nghị HĐKH xem xét lại điều kiện và có 12 hồ sơ không hợp lệ. Số lượng hồ sơ đăng ký phân bổ tất cả các ngành, số lượng hồ sơ nhiều nhất với 35 hồ sơ đủ điều kiện đưa vào đánh giá xét chọn tập trung ở ngành Kinh tế. Ông Mai Thế Bình chia sẻ những thông tin liên quan đến các chương trình tài trợ, hỗ trợ khác trong lĩnh vực (bao gồm chương trình tài trợ các nhiệm vụ đột xuất, tiềm năng), và một số kết quả triển khai chương trình NCCB trong lĩnh vực KHXH&NV năm vừa qua. Tại Hội nghị, Bộ phận Tin học, CQĐH Quỹ giới thiệu các bước cập nhật lý lịch khoa học và phản biện hồ sơ trên hệ thống quản lý trực tuyến. Để tạo điều kiện cho các nhà khoa học, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hệ thống quản lý đề tài trực tuyến đã được Quỹ sử dụng từ năm 2012 trong việc đánh giá hồ sơ đăng ký tài trợ chương trình NCCB trong KHTN&KT và bắt đầu triển khai từ năm 2016 đối với KHXH&NV. Bắt đầu từ năm 2017, ngoài việc quản lý hồ sơ đề tài trực tuyến, Quỹ sẽ tiến hành gửi/nhận kết quả phản biện trực tuyến đối với các đề tài đề nghị tài trợ trong lĩnh vực KHXH&NV. Ông Nguyễn Đoàn Thăng – thành viên HĐQL Quỹ phát biểu tại Hội nghị Trao đổi tại Hội nghị, thành viên HĐQL Quỹ, Ông Nguyễn Đoàn Thăng đánh giá cao hoạt động có hiệu quả và trách nhiệm của HĐKH và CQĐH Quỹ trong việc triển khai, đánh giá và xét chọn tài trợ đề tài. Dưới góc độ là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, ông Nguyễn Đoàn Thăng hy vọng các ngành/liên ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV, đặc biệt ngành Kinh tế học có những bước phát triển để có những hỗ trợ cụ thể đối với các doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. PGS.TS Đặng Hoàng Minh – HĐKH liên ngành Tâm lý học, Giáo dục học Các thành viên HĐKH

Tin sự kiện

Hội nghị khoa học về kết quả triển khai một số đề tài ngành Hóa học do NAFOSTED tài trợ

Ngày 06/10/2017, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) đã tổ chức Hội nghị khoa học báo cáo một số kết quả thực hiện đề tài Nghiên cứu cơ bản (NCCB) ngành Hóa học do Quỹ tài trợ. Tham dự báo cáo tại Hội nghị có các chủ nhiệm của 07 đề tài do Quỹ tài trợ, cùng các nhà khoa học, các nhà quản lý đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nói chung và ngành Hóa học nói riêng. Chủ trì Hội nghị là GS.TS Nguyễn Hải Nam (Thường trực Hội đồng khoa học ngành Hóa học). Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc Cơ quan điều hành (CQĐH) Quỹ cho biết Hội nghị được tổ chức với mục tiêu chính là cung cấp thông tin cũng như tạo diễn đàn cho các nhà khoa học đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức triển khai các hoạt động khoa học, thực hiện đề tài và thảo luận về kết quả nghiên cứu đề tài NCCB nói chung, đề tài NCCB ngành Hóa học nói riêng do Quỹ tài trợ. GS.TS Nguyễn Hải Nam chủ trì Hội nghị Các báo cáo tại Hội nghị thuộc các chuyên ngành hẹp là Hóa học Vật liệu, Hóa Lí, Hóa tính toán, Hóa Dược – Hóa Hợp chất thiên nhiên và Hóa Môi trường. Trong nghiên cứu “Tính chất hệ polymer composit trên cơ sở nền nhựa epoxy chứa các hạt BaTiO3”, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoàn và nhóm nghiên cứu đã thành công trong chế tạo hạt nano BaTiO3 và BaTiO3 có pha tạp một số nguyên tố, làm cơ sở cho hướng nghiên cứu chế tạo các lớp phủ composit thông minh cho các ứng dụng dân dụng và quốc phòng. Trong một nghiên cứu khác, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng cũng đã thành công trong việc đưa ra được phương pháp tổng hợp hydrocarbon xanh từ dầu dừa bằng phản ứng decarboxyl hóa. Kết quả này là cơ sở cho ứng dụng trong tương lai gần sắp tới. Nghiên cứu trong lĩnh vực hóa lí do nhóm nghiên cứu của GS.TSKH. Lưu Cẩm Lộc  đã chế tạo thành công các xúc tác hỗn hợp mang ưu điểm của xúc tác oxid kim loại và kim loại quí. Kết quả này sẽ là cơ sở khoa học cho việc chế tác hệ xúc tác hỗn hợp có hiệu quả cao cho quá trình oxi hóa sâu ở nhiệt độ thấp nhằm tiết kiệm năng lượng và giảm sự hình thành các chất độc hại. Trong hai nghiên cứu trong lĩnh vực Hóa Dược và Hóa học các hợp chất thiên nhiên được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Kim Phi Phụng và GS.TS. Nguyễn Hải Nam, hàng loạt các hợp chất mới tiềm năng có hoạt tính sinh học mạnh, đặc biệt là hoạt tính kháng ung thư, đã được thiết kế, tổng hợp hoặc phân lập từ thiên nhiên. Các kết quả này là tiền đề để có thể phát triển các thuốc điều trị ung thư mới tại Việt Nam. Cuối cùng, một nghiên cứu trong lĩnh vực hóa môi trường do nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Từ Bình Minh thực hiện đã đánh giá được hiện trạng, mức độ cũng như rủi ro phơi nhiễm của một số nhóm chất hữu cơ mới tại Việt Nam. Nghiên cứu này có đóng góp quan trọng, là cơ sở khoa học giúp các nhà quản lí đưa ra các quy định nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường ở nước ta trong các năm tới. PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn và GS.TSKH Lưu Cẩm Lộc báo cáo tại Hội nghị STT Tên báo cáo Trình bày 1 Tính chất hệ polyme compozit trên cơ sở nền nhựa epoxy chứa các hạt BaTiO3. PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội 2 Động học và cơ chế oxy hóa CO trên các xúc tác hỗn hợp Pt và CuO GS.TSKH Lưu Cẩm Lộc, Viện Công nghệ Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN VN 3 Tương tác của các hợp chất hữu cơ với CO2: độ bền, vai trò tương tác và liên kết hydro với sự tham gia liên kết cộng hóa trị C-H PGS.TS Nguyễn Tiến Trung, Khoa Hóa học, Trường Đại học Quy Nhơn 4 Nghiên cứu tổng hợp Hydrocacbon xanh từ dầu dừa bằng phản ứng Decacboxyl hóa, sử dụng xúc tác trên cơ sở Hydrotalcite. PGS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng, Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội 5 Tìm kiếm hoạt chất trong vài loài địa y Parmotrema, Roccella, Dendriscosticta, Lobaria có khả năng ức chế vài dòng tế bào ung thư. Kết quả và triển vọng GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng, Khoa Hoá học, Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, Đại Học Quốc Gia TP. HCM 6 Tổng hợp và tác dụng kháng tế bào ung thư theo cơ chế ức chế histone deacetylase của một số acid hydroxamic mới mang dị vòng GS.TS. Nguyễn Hải Nam, Trường Đại học Dược Hà Nội 7 Đánh giá hiện trạng ô nhiễm, phát thải và rủi ro phơi nhiễm của một số nhóm chất ô nhiễm hữu cơ mới PGS.TS Từ Bình Minh, Khoa Hoá học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội Danh sách các báo cáo tại Hội nghị Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Phạm Đình Nguyên chia sẻ Quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học trong việc triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu, đồng thời cảm ơn các nhà khoa học đã tham dự, trình bày báo cáo tại Hội nghị, cảm ơn các thành viên

Tin sự kiện

Hội nghị tập huấn chuyên đề giới thiệu một số quy định về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ tại Hà Nội

Ngày 6/10, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề giới thiệu một số quy định về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ. Hội nghị đã thu hút hơn 400 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà quản lý, đại diện các đơn vị và doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Hà Nội và các khu vực lân cận tới tham dự. Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ (CQĐH) cho biết, hằng năm Quỹ tổ chức Hội nghị tập huấn về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ nhằm mục đích phổ biến thông tin về các chương trình của Quỹ tới các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu tham gia những hoạt động của Quỹ, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu, chuẩn bị bài báo khoa học, các nguồn dữ liệu khoa học. Mặt khác, qua Hội nghị, Quỹ cũng muốn tiếp nhận thông tin, phản hồi nhằm hoàn thiện hoạt động của Quỹ. Toàn cảnh Hội nghị Về hoạt động của Quỹ, ông Đỗ Tiến Dũng trao đổi, các chương trình của Quỹ đang ngày càng được phổ biến, được sự tham gia tích cực của cộng đồng khoa học. Hằng năm, Quỹ tài trợ từ 250 – 300 nhiệm vụ KH&CN, cùng hàng trăm hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN Quốc gia. Hoạt động của Quỹ hướng tới nâng cao chất lượng nghiên cứu, trực tiếp hỗ trợ công tác nghiên cứu của các tổ chức KH&CN, chất lượng nghiên cứu và đào tạo của các trường đại học. Mỗi năm, có 700 – 800 bài báo ISI là kết quả của các nghiên cứu do Quỹ tài trợ được công bố. Số lượng các đề tài hỗ trợ các viện nghiên cứu duy trì và tăng mạnh đối với các trường đại học. Bên cạnh đó, hoạt động của Quỹ cũng hướng tới phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ chất lượng cao, hỗ trợ đồng đều các lĩnh vực, hỗ trợ trao đổi học thuật, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Tại Hội nghị, các đại biểu nghe Bà Nguyễn Thị Huyền Trang – Phụ trách phòng Kế hoạch – Tổng hợp giới thiệu tổng quan, cung cấp cái nhìn toàn diện về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ. Bên cạnh đó, phần trình bày cũng đề cập đến những điểm thay đổi mới được áp dụng đối với một số chương trình, những thông tin cập nhật nhất về tình hình triển khai đến nay giới thiệu về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ. Bà Đỗ Phương Lan – Phó Giám đốc CQĐH Quỹ giới thiệu một số quy định về chương trình cho vay theo Thông từ 14/2016/TT-BKHCN mới ban hành ngày 30/6/2016. Chương trình cho vay Quỹ với lãi suất ưu đãi đối với các dự án có ứng dụng khoa học công nghệ, hoặc đổi mới công nghệ, với điều kiện có bảo đảm tiền vay và có hiệu quả kinh tế. Đại diện NXB Wiley, Bà Yelena Parada, Phó Giám đốc Dự án trình bày với các đại biểu tại Hội nghị về một số kỹ năng, kinh nghiệm công bố công trình khoa học, các công cụ hỗ trợ nghiên cứu, quản lý KH&CN. Đại diện NXB Wiley – Bà Yelena Parada trao đổi tại Hội nghị Trong phần trao đổi, thảo luận, các đại biểu tại Hội nghị phản hồi với Lãnh đạo Quỹ nhiều vấn đề xoay quanh cách thức và quy trình đăng ký tài trợ, hỗ trợ của Quỹ, thông tin cụ thể về các chương trình tài trợ đề tài Nghiên cứu cơ bản (NCCB), đề tài Đột xuất, Tiềm năng, đề tài Nghiên cứu ứng dụng, các chương trình Hợp tác quốc tế. Các đại biểu tham dự Hội nghị đặc biệt quan tâm đến các điều kiện đối với chủ nhiệm đề tài và thành viên nghiên cứu và danh mục tạp chí uy tín thuộc chương trình NCCB trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn. Một số Chủ nhiệm đề tài (CNĐT) tham dự Hội nghị chia sẻ tâm huyết đào tạo và phát triển đội ngũ nhà khoa học trẻ, mong muốn Quỹ có những xem xét hợp lý đối với những đề tài do các nhà khoa học trẻ đủ điều kiện tham gia với tư cách CNĐT. Các đại biểu đến từ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN quan tâm đến các điều kiện và lãi suất cụ thể chương trình cho vay. Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN Quốc gia cũng được các nhà khoa học quan tâm và đưa ra thắc mắc về các nội dung hỗ trợ tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế; hỗ trợ tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế trong nước; chương trình thực tập nghiên cứu ngắn hạn… Bên cạnh đó, đại biểu cũng mong muốn Quỹ có những giải đáp cụ thể hơn về các chương trình hợp tác quốc tế đang triển khai. Đại biểu trao đổi tại Hội nghị Lãnh đạo CQĐH Quỹ: Giám đốc Đỗ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Mai Thế Bình, Phó Giám đốc Đỗ Phương Lan, Phó Giám đốc Phạm Đình Nguyên và đại diện NXB Wiley cùng trao đổi với đại biểu tại Hội nghị. Lãnh đạo CQĐH cho biết, đối với mỗi chương trình tài trợ/hỗ trợ đều có những điều kiện và tiêu chí khác nhau trong quy trình và đánh giá hồ sơ. Đối với chương trình NCCB (hiện chiếm khoảng 70% kinh phí tài trợ của Quỹ), điều kiện được quy định cụ

Tin sự kiện

Thông báo thay đổi địa điểm tổ chức Hội nghị tháng 10 năm 2017

Theo kế hoạch hoạt động năm 2017, nhằm mục đích cung cấp thông tin về các chương trình tài trợ, hỗ trợ cũng như kết nối, tạo diễn đàn để nhà khoa học trao đổi các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm công bố quốc tế, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) đã đăng thông báo tổ chức “Hội nghị tập huấn chuyên đề giới thiệu một số quy định về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ và Hội nghị khoa học báo cáo một số kết quả triển khai đề tài NCCB ngành Hóa học do Quỹ tài trợ” vào ngày 06/10/2017 tại Hà Nội. Do có sự thay đổi về quy mô Hội nghị, Quỹ trân trọng thông báo tới các nhà khoa học đã đăng ký tham dự địa điểm chính xác như sau: – Hội nghị tập huấn chuyên đề giới thiệu một số quy định về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ  Thời gian: 08:30 – 12:00 ngày 06/10/2017 (Đăng ký đại biểu từ 08:00) Địa điểm: Phòng Hội trường tầng 10, Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Số 1 Đại Cồ Việt, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội – Hội nghị khoa học báo cáo một số kết quả triển khai đề tài NCCB ngành Hóa học do Quỹ tài trợ Thời gian: 14:00 – 17:30 ngày 06/10/2017 (Đăng ký đại biểu từ 13:30) Địa điểm: Phòng Hội trường tầng 10, Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Số 1 Đại Cồ Việt, P. Lê Đại Hành, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội Tải chương trình Hội nghị tại đây Tác giả bài viết: TrangVQ Nguồn tin: nafosted

Thông báo, Tin tức

Kết quả đánh giá hồ sơ tham gia Hội thảo kết nối nhà khoa học Việt Nam – Vương quốc Anh

Ngày 15/9/2017, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã tổ chức đánh giá 40 hồ sơ đăng ký tham gia Hội thảo kết nối nhà khoa học Việt Nam – Vương quốc Anh do Hội đồng nghiên cứu về Môi trường (NERC) trực thuộc Hội đồng nghiên cứu Anh quốc (RCUK) tổ chức tại Jakarta, Indonesia. Các hồ sơ được đánh giá dựa vào sự phù hợp về lĩnh vực nghiên cứu, thành tích nghiên cứu khoa học cũng như nhu cầu hợp tác của cơ quan công tác của các cá nhân đăng ký. Danh sách 07 nhà khoa học được lựa chọn tham gia Hội thảo kết nối Việt Nam – Vương quốc Anh tại Jakarta từ ngày 10-11/10/2017 như sau: STT Họ và tên Cơ quan công tác 1 Bùi Lê Vinh Học viện Nông nghiệp Việt Nam 2 Đỗ Hoài Nam Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam 3 Mai Văn Trịnh Viện Môi trường Nông nghiệp 4 Nguyễn Nguyệt Minh Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam 5 Phạm Hữu Tỵ Trường Đại học Nông lâm – Đại học Huế 6 Quách Thị Khánh Ngọc Đại học Nha Trang 7 Trần Hữu Tuấn Đại học Huế Các nhà khoa học không tham gia Hội thảo kết nối Việt Nam – Vương quốc Anh vẫn có thể nộp hồ sơ đăng ký chương trình hợp tác đồng tài trợ năm 2017 giữa NAFOSTED và RCUK. Thông tin chi tiết về cách thức đăng ký chương trình đồng tài trợ sẽ được đăng tải trong các thông báo tiếp theo trên website của Quỹ.

Tin sự kiện

Thông báo tổ chức Hội nghị tháng 10 năm 2017

Theo kế hoạch hoạt động năm 2017, nhằm mục đích cung cấp thông tin về các chương trình tài trợ, hỗ trợ cũng như kết nối, tạo diễn đàn để nhà khoa học trao đổi các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm công bố quốc tế, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) dự kiến tổ chức “Hội nghị tập huấn chuyên đề giới thiệu các quy định của Quỹ và Hội nghị khoa học báo cáo một số kết quả nghiên cứu do Quỹ tài trợ” vào ngày 06/10/2017 tại Hà Nội. Hội nghị tập huấn chuyên đề giới thiệu các quy định của Quỹ sẽ cung cấp thông tin về các chương trình tài trợ/hỗ trợ của Quỹ nói chung, giới thiệu và hướng dẫn các quy định của chương trình cho vay theo TT14/2016/TT-BKHCN. Bên cạnh đó, hội nghị có sự tham gia của đại diện NXB Wiley giới thiệu về một số kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết cho việc công bố quốc tế cũng như một số công cụ hỗ trợ hữu ích tới các nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học và công nghệ. Hội nghị khoa học báo cáo một số kết quả nghiên cứu do Quỹ tài trợ sẽ giới thiệu một số kết quả nghiên cứu của ngành Hóa học, thuộc chương trình Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kĩ thuật. Được chia làm hai phiên làm việc, các nhà khoa học sẽ chia sẻ kết quả nghiên cứu của một số đề tài do Quỹ tài trợ kết thúc trong hai năm gần đây (2016 – 2017). Chương trình dự kiến TT Nội dung Thực hiện Buổi sáng 1 Giới thiệu các chương trình tài trợ/hỗ trợ của Quỹ CQĐH Quỹ 2 Hướng dẫn các quy định của chương trình cho vay theo TT14/2016/TT-BKHCN CQĐH Quỹ 3 Trình bày về một số kỹ năng, kinh nghiệm công bố công trình khoa học, các công cụ hỗ trợ nghiên cứu, quản lý KH&CN. Nhà xuất bản Wiley 4 Trao đổi, thảo luận Đại biểu tham dự Buổi chiều 5 Báo cáo một số kết quả nghiên cứu ngành Hóa học, chương trình Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Các nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài do Quỹ tài trợ Trân trọng kính mời các cá nhân, tổ chức đăng ký tham dự hội nghị tại đây. Thời hạn đăng ký đến hết ngày 29/9/2017. Tác giả bài viết: TrangVQ Nguồn tin: nafosted

Lên đầu trang