Hội nghị tập huấn chuyên đề hướng dẫn các quy định về chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ tại Đà Nẵng
Hội nghị tập huấn chuyên đề hướng dẫn các quy định về chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ đã nhận được sự tham dự của khoảng hơn 100 đại biểu, là các nhà khoa học đang công tác tại các tổ chức chủ trì khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Toàn cảnh Hội nghị
Với mục đích cung cấp thông tin về các chương trình tài trợ, hỗ trợ đang triển khai, hướng dẫn cách thức nộp hồ sơ đề nghị tài trợ, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các đề tài nghiên cứu và các hoạt động khoa học được tài trợ, hỗ trợ, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn các quy định về chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ tại TP. Đà Nẵng vào ngày 29/8 vừa qua. Hội nghị tập trung vào bốn nội dung chính: cung cấp thông tin tổng quan về chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ, giới thiệu chương trình Nghiên cứu ứng dụng (NUCD) đã chính thức triển khai và mời nộp hồ sơ tháng 8 vừa qua, một số lưu ý trong quá trình đăng ký và triển khai chương trình Nghiên cứu cơ bản (NCCB) và hướng dẫn sử dụng chữ ký số thông qua hệ thống đăng ký hồ sơ trực tuyến của Quỹ.
Tại Hội nghị, bà Đỗ Phương Lan, Phó Giám đốc CQĐH Quỹ trình bày báo cáo giới thiệu tổng quan về các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ bao gồm: chương trình NCCB trong Khoa học tự nhiên và kỹ thuật (KHTN&KT) và Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV), chương trình đột xuất, tiềm năng, chương trình nghiên cứu ứng dụng, chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực và các chương trình hợp tác quốc tế. Ngoài ra, báo cáo cũng cung cấp các thông tin về kết quả hoạt động của Quỹ giai đoạn 2008 – 2018. Tính đến hết năm 2018, Quỹ đã tài trợ cho 2880 đề tài, nhiệm vụ, tổng kinh phí là hơn 2000 tỷ đồng. Các hoạt động tài trợ, hỗ trợ của Quỹ góp phần phát triển nguồn lực KH&CN, nâng cao năng suất KH&CN quốc gia, đóng góp tỷ trọng lớn trong công bố quốc tế tại Việt Nam.
Năm 2009, Quỹ bắt đầu triển khai tài trợ chương trình NCCB trong lĩnh vực KHTN&KT, năm 2010 bắt đầu triển khai trong lĩnh vực KHXH&NV. Đến nay, chương trình NCCB là một trong những chương trình tài trợ trọng tâm của Quỹ, với hàng nghìn lượt nhà khoa học được hỗ trợ thực hiện các hoạt động nghiên cứu mỗi năm. Để giúp các nhà khoa học có những lưu ý cần thiết trong quá trình nộp hồ sơ đăng ký tài trợ và triển khai thực hiện đề tài NCCB, ông Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc CQĐH Quỹ đã có những giải đáp cụ thể trong báo cáo tại Hội nghị. Theo đó, báo cáo cung cấp thông tin chung về các quy định của chương trình, hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký và triển khai đề tài. Báo cáo nhấn mạnh một số lưu ý trong quá trình đăng ký và triển khai như thuyết minh đề tài (ý nghĩa, mục tiêu, kế hoạch nghiên cứu, sản phẩm, thời gian thực hiện), dự toán công lao động, các nội dung quản lý kinh phí, báo cáo giữa kỳ, các thay đổi trong quá trình thực hiện đề tài.
Đề tài nghiên cứu ứng dụng do Quỹ tài trợ được quản lý theo quy định tại Thông tư số 15/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ KH&CN. Kể từ ngày 01/01/2017 – thời điểm Thông tư có hiệu lực đến nay, CQĐH Quỹ đã tiếp nhận một số hồ sơ đăng ký thuộc lĩnh vực KHXH&NV. Năm 2019 là năm đầu tiên Quỹ thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia chương trình theo đợt. Để cụ thể hóa quy trình và lưu ý khi thực hiện, bà Nguyễn Thị Mỹ An, cán bộ phòng KHTN&KT đã báo cáo tại Hội nghị nội dung “Một số lưu ý trong đăng ký và triển khai đề tài NCUD do Quỹ tài trợ”. Theo đó, các nhà khoa học cần lưu ý yêu cầu đối với chủ nhiệm đề tài (CNĐT), yêu cầu sản phẩm đối với lĩnh vực. Đối với lĩnh vực KHTN&KT, sản phẩm sẽ là công nghệ mới, bao gồm bí quyết kỹ thuật, phương án, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ, đồng thời đáp ứng các yêu cầu (với 01 đề tài): có 2 bằng độc quyền sáng chế hoặc 2 bằng bảo hộ giống cây trồng hoặc 1 bằng độc quyền sáng chế và 1 bằng bảo hộ giống cây trồng; hoặc 1 bằng độc quyền sáng chế hoặc 1 bằng bảo hộ giống cây trồng; hoặc 1 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín hoặc 1 bằng bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích. Đối với lĩnh vực KHXH&NV yêu cầu sản phẩm là phương pháp, cách thức mới để giải quyết các vấn đề về xã hội, con người, đồng thời đáp ứng yêu cầu có ít nhất 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học có uy tín (trong đó ít nhất 01 bài trên tại chí quốc tế có uy tín) đối với mỗi đề tài. Dự kiến trong những năm tiếp theo, Quỹ sẽ tăng số lượng tài trợ tương ứng với 2 đợt xét chọn/năm.
Hệ thống quản lý hồ sơ trực tuyến được Quỹ xây dựng và áp dụng từ năm 2010, hỗ trợ việc nộp hồ sơ trực tuyến các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ, hỗ trợ CNĐT theo dõi thông tin, nộp báo cáo trong quá trình thực hiện đề tài. Hiện hệ thống được áp dụng đối với chương trình NCCB, chương trình NCUD và một số chương trình hợp tác quốc tế. Thực hiện lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến và chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, CQĐH Quỹ đang triển khai áp dụng và khuyến khích các nhà khoa học nộp hồ sơ được ký số qua hệ thống đăng ký trực tuyến OMS. Để giúp các nhà khoa học có thông tin về quy trình sử dụng hệ thống và cách thức sử dụng hồ sơ ký số, anh Nguyễn Thành Trung, bộ phận Tin học của Quỹ đã có những hướng dẫn cụ thể trong báo cáo tại Hội nghị. Báo cáo tập trung lưu ý các lỗi thường gặp khi sử dụng hệ thống, ngoài ra nêu lên ưu điểm của việc sử dụng hồ sơ ký số và hướng dẫn trực quan trên hệ thống của Quỹ.
Nhà khoa học trao đổi tại Hội nghị
Trong phần trao đổi thảo luận, các đại biểu tham dự đặt nhiều câu hỏi liên quan đến điều kiện của chủ nhiệm đề tài, thành viên nghiên cứu, thời gian thực hiện đề tài, kết quả và kinh phí của đề tài. Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm đến các nội dung của chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực KH&CN quốc gia như hỗ trợ công bố quốc tế, hỗ trợ nghiên cứu sau tiến sỹ, hay hỗ trợ xuất bản sách… Các thắc mắc và góp ý của đại biểu được đại diện Lãnh đạo CQĐH Quỹ giải đáp cụ thể.
Đại diện CQĐH Quỹ trao đổi cùng nhà khoa học tại Hội nghị
Các Hội nghị tuyên truyền của Quỹ nói chung và Hội nghị tại Đà Nẵng lần này là cơ hội để Quỹ có thể trực tiếp cung cấp những thông tin cần thiết, hữu ích giúp các nhà khoa học chuẩn bị tốt hồ sơ đăng ký tài trợ và thực hiện hiệu quả các đề tài khoa học được Quỹ tài trợ. Hội nghị cũng là diễn đàn ghi nhận các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học để Quỹ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học triển khai thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, các hoạt động nâng cao năng lực do Quỹ tài trợ, hỗ trợ.
Tải các báo cáo tại Hội nghị tại đây.
Tin: TrangVQ/Ảnh: VânHT