Print This Post

Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Chiều 18/5, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 và Giải Báo chí viết về khoa học và công nghệ 2018.

Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019, tác giả đoạt Giải thưởng Báo chí về KH&CN năm 2018. Tham dự Lễ kỷ niệm còn có đông đảo cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương…

Từ năm 2014 đến nay, Ngày KH&CN Việt Nam 18-5 đã trở thành ngày truyền thống, ngày hội quan trọng của Ngành KH&CN. Vào dịp này, nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực được tổ chức và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng các nhà khoa học và toàn xã hội. Ngày KH&CN Việt Nam năm nay được tổ chức với chủ đề: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – kiến tạo tương lai với mong muốn ngành KH&CN Việt Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn, khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và xác định vị trí của Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay được trao cho ba nhà khoa học gồm PGS.TSKH Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (lĩnh vực Cơ học); PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (lĩnh vực Y sinh Dược học) và TS. Lê Trọng Lư, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (lĩnh vực Vật lý).

Giải thưởng Báo chí về KH&CN năm 2018 được trao cho 18 tác giả/nhóm tác giả có các tác phẩm/nhóm tác phẩm xuất sắc đến từ các cơ quan thông tấn báo chí lớn trong cả nước như: Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, VietNamNet, Đài truyền hình Việt Nam, Tuổi trẻ…

Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh chúc mừng và ghi nhận cống hiến của các tác giả đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ. Bộ trưởng  cho biết, Bộ KH&CN được Chính phủ giao nhiệm vụ huy động đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, xây dựng các chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Mọi nhiệm vụ hướng đến mục tiêu, giải quyết các bài toán lớn, đồng bộ, tổng thể theo chuỗi giá trị.

Bộ trưởng cũng chúc mừng và ghi nhận cống hiến của các nhà báo có tinh thần khoa học, những nhà báo đã nỗ lực hết mình, tìm tòi, phát hiện, phản ánh mọi lĩnh vực của ngành KH&CN, đóng góp cho sự phát triển KH&CN của đất nước bằng chính các tác phẩm của mình. Đồng thời thông qua các bài viết góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN trong thời kỳ phát triển và hội nhập.

“Chúng ta tổ chức kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam nhằm tri ân, tôn vinh các thế hệ đội ngũ cán bộ KH&CN, đồng thời khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ – thế hệ tương lai của đất nước. Các sự kiện, hoạt động được tổ chức khắp cả nước trong dịp này còn là cơ hội để tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN, kêu gọi sự quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và ứng dụng giải pháp khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các nhà khoa học, doanh nghiệp, đội ngũ phóng viên, báo chí và toàn thể quý vị đại biểu có mặt tại hội trường hôm nay đều có tinh thần yêu KH&CN; đã và sẽ tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của nền KH&CN Việt Nam”.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, trong hệ thống khoa học và công nghệ hiện nay, chúng ta cần quan tâm, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, trong đó có đội ngũ startup, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ… Nhiệm vụ này đã được Bộ luôn chú trọng.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn xác định KH,CN và đổi mới sáng tạo có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ chế, chính sách về KH&CN đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để KH&CN thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Là nhà khoa học nữ lần đầu tiên được vinh danh trong Giải thưởng Tạ Quang Bửu, PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng cho rằng, các cơ quan quản lý khoa học thời gian qua tạo môi trường, cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn tài trợ nghiên cứu và hướng đến các công trình nghiên cứu hội nhập quốc tế. Việc tổ chức giải thưởng cũng góp phần tôn vinh, nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu tới các nhà khoa học.

PGS.TSKH. Phạm Đức Chính cũng đánh giá cao khi Giải thưởng tổ chức hội đồng xét tuyển chặt, tạo uy tín cho Giải thưởng và những người được nhận giải. Theo ông Chính, các kết quả nghiên cứu cơ bản và công bố quốc tế của Việt Nam được nhem nhóm từ thời Tạ Quang Bửu có điều kiện bừng lên trong thời hội nhập và tiến bộ ngày nay là nhờ các cải cách trong chính sách khoa học, công nghệ, và giáo dục, trong đó Nafosted là một ngọn đuốc sáng. “Một tương lai tươi sáng của nước nhà khi khoa học Việt Nam ngày càng tiến bộ, dần sánh vai các cường quốc năm châu, như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và GS Tạ Quang Bửu”, PGS. Chính nói.

Phát biểu tại lễ trao giải, TS. Lê Trọng Lư cho biết, công trình nghiên cứu của ông được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu bắt nguồn từ cảm hứng của bài phát biểu GS. Richard P. Feynma từ năm 1959 về kích thước siêu nhỏ chúng ta còn rất nhiều thứ để tìm hiểu. Bài phát biểu này chính là nguồn cảm hứng và đã mở ra một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới cho lĩnh vực Vật lý sau này, đó là lĩnh vực khoa học và công nghệ nano.

Sau đó TS. Lê Trọng Lư đã nghiên cứu làm sáng tỏ cơ chế hình thành và phát triển của các hạt nano – một khám phá quan trọng cho phép điều khiển chất lượng và các thông số hạt như mong muốn thông qua việc thay đổi điều kiện tổng hợp. Công trình cũng lần đầu tiên sử dụng một loại hoá chất mới với chi phí bằng 1/20 hoá chất thường được các nhóm nghiên cứu trên thế giới sử dụng, do đó cho phép giảm giá thành sản phẩm gần 80%.

“Cho dù các kết quả thu được từ nghiên cứu mới chỉ là bước đầu và mơ ước đưa vào ứng dụng trong thực tế vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua, những hiểu biết thu được từ hướng nghiên cứu của mình thời gian qua là động lực thôi thúc chúng tôi tiến lên phía trước”, TS. Lư nói.

Hình ảnh Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5

và Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019

Quang cảnh buổi Lễ

PGS. TSKH. Phạm Đức Chính nhận hoa và Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao tại buổi Lễ

PGS. TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng nhận hoa và Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao tại buổi Lễ

TS. Lê Trọng Lư nhận hoa và Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao tại buổi Lễ

 Các tác giả nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao tại buổi Lễ

PGS. TSKH. Phạm Đức Chính, nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 phát biểu tại buổi Lễ

PGS. TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng, nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 phát biểu tại buổi Lễ

TS. Lê Trọng Lư, nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 phát biểu tại buổi Lễ

 

Hình ảnh các tác giả nhận Giải thưởng báo chí về Khoa học và Công nghệ năm 2018

Các tác giả nhận giải Khuyến khích, Giải thưởng báo chí về Khoa học và Công nghệ năm 2018

Các tác giả nhận giải Ba, Giải thưởng báo chí về Khoa học và Công nghệ năm 2018

Các tác giả nhận giải Nhì, Giải thưởng báo chí về Khoa học và Công nghệ năm 2018

 Các tác giả nhận giải Nhất, Giải thưởng báo chí về Khoa học và Công nghệ năm 2018

Các tác giả nhận Giải thưởng báo chí về Khoa học và Công nghệ năm 2018 chụp ảnh chung tại buổi Lễ

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN