Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Tin tức

Tin sự kiện, Tin tức

Hội nghị Giới thiệu chương trình tài trợ tại Bình Định

Nằm trong kế hoạch tuyên truyền về các chương trình tài trợ của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED), ngày 17 tháng 8 năm 2012, tại Sở Khoa học công nghệ tỉnh Bình Định, Cơ điều hành Quỹ NAFOSTED phối hợp với Quỹ phát triển khoa học công nghệ Bình Định đã tổ chức Hội nghị Giới thiệu các chương trình tài trợ của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia đối với các tổ chức, các nhà khoa học tại Bình Định. Tham dự hội nghị có các nhà khoa học đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu và đại diện của một số doanh nghiệp có các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tại Hội nghị, ông Mai Thế Bình, Phó Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ NAFOSTED đã giới thiệu với các đại biểu quy định về tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, cùng các hướng dẫn cụ thể về việc lập dự toán cho các đề tài nghiên cứu cơ bản, phương thức sử dụng và thanh quyết toán kinh phí đề tài. Ông Mai Thế Bình cũng lưu ý các nhà khoa học thời hạn nhận hồ sơ đề tài NCCB trong KHXH&NV để xét duyệt tài trợ trong năm nay là trước 16h30 ngày 14/9/2012. Thông tin về chương trình bảo lãnh vốn vay, cho vay và các chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ cũng được thảo luận tại hội nghị. Các doanh nghiệp đã trao đổi những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại khi tiếp cận với các chương trình chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ. Đây là những ý kiến quý báu giúp Quỹ NAFOSTED làm cơ sở trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi Thông tư liên tịch số 2341/2000/TTLT/BKHCNMT-BTC về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18/9/1999 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ. Quỹ NAFOSTED dự kiến sẽ tổ chức thêm hai đợt tuyên truyền các chương trình tài trợ tại khu vực phía Nam từ nay đến cuối tháng 8 năm 2012.

Tin sự kiện, Tin tức

Lãnh đạo Quỹ làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Khóa 13

Ngày 31/7/2012, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã có buổi làm việc với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Khóa 13.Tham dự buổi làm việc về phía UB KHCN&MT Quốc Hội khóa 13 gồm có đồng chí Phan Xuân Dũng, Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm ủy ban KHCN&MT làm trưởng đoàn;về phía Bộ Khoa học và công nghệ, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia có Thứ trưởng Lê Đình Tiến, chủ tịch HĐQL Quỹ, Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải, – Trưởng ban soạn thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi,các ủy viên Hội đồng quản lý và lãnh đạo cơ quan điều hành Quỹ. Tại buổi làm việc, đại diện Lãnh đạo cơ quan điều hành Quỹ đã báo cáo với Ủy ban tình hình hoạt động của Quỹ từ khi đi vào hoạt động đến nay, cũng như những khó khăn và thuận lợi trogn quá trình hoạt động. Thay mặt hội Chủ tịch Hội đồng quản lý cũng đã trả lời những thắc mắc, chất vấn của chủ nhiệm ủy ban và phó chủ nhiệm và các ủy viên thường trực ủy ban. Các đồng chí trong đoàn làm việc của Ủy ban đánh giá cao những đóng góp của Quỹ cho sự phát triển khoa học và công nghệ, nhất là tạo ra được cơ chế tài chính mới cho các nhà khoa học tham gia nghiên cứu tạo được uy tín tốt trong giới khoa học. Cũng trong buổi làm việc trên, Lãnh đạo Quỹ PTKHCNQG cũng có đề xuất một số ý kiến về tình hình thực hiện chính sách và pháp luật đầu tư cho khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường, đồng thời cũng đóng góp ý kiến cho Luật Khoa học và công nghệ sửa đổi.

Tin sự kiện, Tin tức

Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên năm 2012

Ngày 21/7/2012 tại Hà Nội, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia đã tổ chức Hội nghị triển khai đánh giá xét chọn các đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên (KHTN) năm 2012. Hội nghị có sự tham dự của Hội đồng quản lý, Cơ quan điều hành Quỹ và hơn 70 nhà khoa học là thành viên các Hội đồng khoa học ngành trong KHTN nhiệm kỳ 2012 – 2015. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Lê Đình Tiến đã tới tham dự và chỉ đạo Hội nghị. Tại Phiên họp toàn thể vào buổi sáng, Quỹ đã tiến hành lễ ra mắt 08 Hội đồng khoa học ngành nhiệm kỳ 2012 – 2015 thuộc 7 lĩnh vực: Toán học, Khoa học Thông tin và Máy tính, Vật lý, Hóa học, Khoa học Trái đất, Khoa học Sự sống (phân thành hai chuyên ngành Y sinh – Dược học, Sinh học – Nông nghiệp) và Cơ học. GS.TS Ngô Việt Trung – Chủ tịch HĐKH ngành Toán học nhiệm kỳ 2012 – 2015 phát biểu tại Hội nghị. Cũng trong Phiên họp buổi sáng, Hội nghị đã nghe báo cáo của TS. Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ về tình hình tiếp nhận hồ sơ đề tài nghiên cứu cơ bản trong KHTN năm 2012. Số lượng hồ sơ đề nghị tài trợ qua các năm Báo cáo cho thấy các chính sách và hoạt động tài trợ của Quỹ đang dần thu hút các nhà khoa học trẻ (độ tuổi dưới 40) và các nhà khoa học từ miền Trung và miền Nam, thúc đẩy đáng kể phong trào nghiên cứu khoa học trong các các cơ quan, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học công nghệ trên cả nước. Tỷ lệ đề tài/hồ sơ đầu vào theo vùng miền Tỷ lệ đề tài/hồ sơ đầu vào theo độ tuổi của chủ nhiệm đề tài Buổi chiều, các Hội đồng khoa học ngành tiến hành các phiên họp riêng để triển khai hoạt động đánh giá xét chọn. Dự kiến, phiên họp đánh giá tiếp theo của các Hội đồng sẽ được tiến hành từ trung tuần tháng 8/2012. Quỹ dự kiến công bố Danh mục đề tài được đề nghị tài trợ vào đầu tháng 9/2012. Xem thêm hình ảnh các HỘI ĐỒNG

Thông báo

Danh sách đề tài khoa học tự nhiên năm 2011 (Đợt III)

Ngày 11/05/2012, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ khoa học và công nghệ quốc gia đã phê duyệt đợt 3 Danh mục 01 đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên được Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ thực hiện từ năm 2012 (Quyết định số 24/QĐ-HĐQLQ). Danh sách cụ thể các đề tài được phê duyệt đợt này được liệt kê dưới đây: STT (1) Mã đề tài (2) Tên đề tài (3) Chủ nhiệm đề tài (4) Đơn vị chủ trì (5) Thời gian thực hiện – theo tháng (6) KHOA HỌC TRÁI ĐẤT (01 đề tài) 1 105.04-2011.24  Nghiên cứu cổ từ trên các thành tạo bazan Pécmi  ở vùng Tây Bắc Việt Nam; tái tạo vị trí cổ địa lý của khu vực nghiên cứu. TS. Cung Thượng Chí  Viện Địa chất, Viện KH&CN VN 36  

Tin tức, Truyền thông khoa học

Hội thảo “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”

Trong các ngày từ 22 đến 24/6/2012, Công ty Cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã tiến hành tổ chức Hội thảo về “Dự án KH&CN “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều  kiện Việt Nam”. Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN, các đơn vị đối tác, các công ty, Tổng công ty trong ngành cùng các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành thuộc các viện, trường đại học có quan tâm đã tham dự hội thảo. Qua trao đổi, chia sẻ của các chuyên gia, các đại biểu đã có được một cái nhìn cụ thể, đa chiều đối với lĩnh vực thiết kế và chế tạo giàn khoan dầu khí. Hội thảo cũng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ của công ty PV Shipyard trong việc nghiên cứu, tiếp cận triển khai thực hiện các đề tài để từng bước làm chủ thiết kế chi tiết, công nghệ chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam, hứa hẹn mở ra triển vọng phát triển của ngành nghề mới đặc thù và đầy hứa hẹn này trong tương lai. Dự án Chế tạo giàn khoan tự nâng là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia lần đầu tiên được thiết kế chi tiết và lắp dựng tại Việt Nam, được Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ thực hiện các đề tài thuộc dự án và giao cho Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) – Tập đoàn dầu khí Việt Nam chủ trì. Dự án này được thực hiện song song cùng với dự án đầu tư sản xuất đóng mới giàn khoan dầu khí tự nâng 90m nước đầu tiên tại Việt Nam (nay được đặt tên là Giàn Tam Đảo 03) do PV Shipyard là đơn vị trực tiếp tham gia thiết kế chi tiết, chế tạo, mang tính thực tiễn và ứng dụng cao. Hội thảo không chỉ góp phần giúp các chủ nhiệm đề tài – những cán bộ kỹ thuật trẻ của Công ty PV Shipyard, hoàn thiện các kết quả đề tài, mà còn nâng cao nhận thức một cách đầy đủ về ý nghĩa quan trọng trong công tác triển khai thực hiện các dự án KH&CN, từng bước tạo ra một đội ngũ cán bộ trẻ có đủ năng lực, kinh nghiệm, góp phần phát triển doanh nghiệp trong tương lai.            (Ảnh: Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia và những người quan tâm tham gia)

Tin sự kiện, Tin tức

Thành lập các Hội đồng khoa học ngành trong KHTN nhiệm kỳ 2012 – 2015

Ngày 04/7/2012, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia đã ký Quyết định số 26/QĐ-HĐQLQ về việc thành lập các Hội đồng Khoa học ngành trong KHTN nhiệm kỳ 2012-2015. Thành viên của các Hội đồng khoa học ngành là các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trên phạm vi cả nước, được lựa chọn theo quy trình quy định của Quỹ, dựa trên các thành tích nghiên cứu và kết quả giới thiệu của các nhà khoa học. Giai đoạn 2012-2015, Quỹ thành lập các Hội đồng khoa học thuộc 7 lĩnh vực: Toán học, Khoa học thông tin và máy tính, Vật lý, Hóa học, Khoa học Trái đất, Khoa học Sự sống và Cơ học. Riêng đối với lĩnh vực Khoa học Sự sống, do tính đặc thù trong các lĩnh vực chuyên môn, các đề tài sẽ được phân loại để đánh giá theo hai Hội đồng chuyên ngành: Sinh học – Nông nghiệp và Y sinh – Dược học. Danh sách các Hội đồng Khoa học ngành trong KHTN nhiệm kỳ 2012-2015:

Tin sự kiện, Tin tức

Kết thúc nhiệm kỳ 3 năm hoạt động của các Hội đồng khoa học ngành trong Khoa học tự nhiên

Các Hội đồng Khoa học ngành trong khoa học tự nhiên (KHTN) của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia được thành lập để tư vấn cho Quỹ trong việc đánh giá xét chọn và đánh giá kết quả nghiên cứu của các đề tài nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực KHTN do Quỹ tài trợ, cũng như trong việc xác định hướng nghiên cứu ưu tiên, xây dựng các cơ chế chính sách phát triển Quỹ. Các thành viên trong Hội đồng được lựa chọn từ các nhà khoa học có thành tích nghiên cứu xuất sắc trên phạm vi cả nước, công tâm và tự nguyện. Trong hơn ba năm vừa qua, 75 nhà khoa học là thành viên của các Hội đồng Khoa học ngành đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ, tư vấn một cách khách quan, công tâm cho các hoạt động tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản trong KHTN của Quỹ. Nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ hoạt động 2009-2012, thay mặt Hội đồng quản lý và Cơ quan điều hành Quỹ, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Lê Đình Tiến đã gửi thư cảm ơn đến thành viên các Hội đồng Khoa học ngành. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ đánh giá cao công lao và những đóng góp của Hội đồng Khoa học ngành trong nhiệm kỳ vừa qua và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các nhà khoa học trong các hoạt động của Quỹ trong thời gian tới. Thư cảm ơn của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ gửi các thành viên Hội đồng Khoa học ngành.

Tin tức

Thông báo tài trợ NCCB KHXH&NV bắt đầu thực hiện từ năm 2013

THÔNG BÁO TÀI TRỢ NGHIÊN CỨU CƠ BẢN TRONG KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN BẮT ĐẦU THỰC HIỆN TỪ NĂM 2013 Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia công bố tài trợ đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn thực hiện từ năm 2013. Thời hạn nhận hồ sơ để xét duyệt đợt này là trước 16h30 ngày 14/9/2012, các hồ sơ nhận được sau thời hạn này sẽ xét chọn vào đợt sau. 1.      Mục tiêu tài trợ nghiên cứu cơ bản: – Tạo điều kiện và xây dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, có tính liên tục, kế thừa và đổi mới nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn. – Phát triển năng lực nghiên cứu cơ bản của cá nhân, tập thể ở các trường đại học, viện nghiên cứu; hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh đạt trình độ quốc tế; góp phần đào tạo nhân lực khoa học xã hội và nhân văn trình độ cao. – Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học; thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế, tăng nhanh số lượng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. – Thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế trong nghiên cứu cơ bản nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung. 2.     Phạm vi tài trợ: Đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc các ngành: Triết học, Tôn giáo học, Xã hội học, Chính trị học; Kinh tế học; Luật học; Sử học, Khảo cổ, Dân tộc học; Khu vực học, Quốc tế học; Tâm lý học, Giáo dục học; Văn học, Ngôn ngữ học; Văn hóa học, Nghiên cứu nghệ thuật, Báo chí, Truyền thông. 3.      Đối tượng: Các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ có chức năng nghiên cứu cơ bản đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn nêu tại Quy định tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-HĐQLQ ngày 08/4/2010 của Hội đồng quản lý Quỹ (các tạp chí khoa học chuyên ngành được tính điểm do Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước quyết định năm 2011 có bổ sung năm 2012). 4. Hồ sơ đăng ký đề tài: 4.1 Hồ sơ đăng ký đề tài, bao gồm: – Đơn đăng ký đề tài ( Phụ lục 1-ĐĐK; Phụ lục 1e ); – Thuyết minh đề tài ( Phụ lục 2-TMĐT , Phụ lục 2e- TMĐT ); – Năng lực của tổ chức chủ trì, Lý lịch khoa học của  chủ nhiệm đề tài và các thành viên nghiên cứu ( Phụ lục 3-NLTC , Phụ lục 3e-NLTC , Phụ lục 3.1-LLKH , Phụ lục 3.1e-LLKH ) – Các tài liệu chứng minh thành tích nghiên cứu: Chỉ nộp 03 bài đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc gia và 01 sách chuyên khảo hoặc 01 bài đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế có giá trị chứng minh theo quy định, được công bố trong 5 năm gần đây tính đến thời điểm nộp hồ sơ.(theo danh mục tạp chí …) Các biểu mẫu hồ sơ đăng ký đề tài có thể tải từ trang Web của Quỹ theo địa chỉ: (www.nafosted.gov.vn). 4.2 Quy định về hồ sơ đăng ký: – Bản in trên giấy bao gồm 01 bộ hồ sơ tiếng Việt (hồ sơ gốc có chữ ký, dấu đỏ) và 01 bộ hồ sơ tiếng Anh (có chữ ký, không cần đóng dấu). Hồ sơ đăng ký phải được lập theo các biểu mẫu của Quỹ, có chữ ký của chủ nhiệm đề tài và xác nhận của tổ chức chủ trì hoặc bảo trợ (tổ chức chủ trì hoặc bảo trợ là tổ chức khoa học và công nghệ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản mở tại kho bạc nhà nước); – Bản điện tử nộp trên Hệ thống OMS hoặc được lưu trong đĩa CD (file dạng Word, font chữ Times New Roman, khổ chữ 13) có ghi tên chủ nhiệm đề tài và ngành nghiên cứu (nội dung bản điện tử phải phù hợp với nội dung hồ sơ gốc). – Các tài liệu chứng minh thành tích nghiên cứu (không đóng cùng Đơn đăng ký, Thuyết minh đề tài, Lý lịch khoa học), gồm: * 01 bản toàn văn (sách chuyên khảo và tạp chí khoa học chuyên ngành); * 02 bản sao các trang bìa và trang cuối đầy đủ các thông tin về tên tác giả, tên công trình, năm xuất bản, nhà xuất bản, thời gian nộp lưu chiểu (sách chuyên khảo) và trang bìa tạp chí, mục lục và trang đầu bài báo (tạp chí khoa học chuyên ngành). – Trước khi nộp hồ sơ, chủ nhiệm đề tài lập Phiếu khai Hồ sơ theo mẫu của Quỹ (02 bản) để đối chiếu và giao nhận. 4.3  Thời hạn và địa chỉ nhận hồ sơ: Thời hạn nhận hồ sơ đăng ký đề tài: Từ 08h30 ngày 14/8/2012 đến trước 16h30 ngày 14/9/2012. Hồ sơ đăng ký đề tài được gửi đến: Cơ quan điều hành Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ phận Hành chính), Số 38 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Điện thoại: (04) 3936 7750/ 3936 9502. Dự kiến thời gian tổ chức đánh giá xét chọn, công bố kết quả: – Rà soát phân loại hồ sơ:                15/9/2012 đến 30/9/2012 – Tổ chức đánh giá xét chọn:           01/10/2012 đến 15/11/2012 – Tổng hợp, công bố kết quả:          16/11/2012 đến 15/12/2012 –

Tin sự kiện, Tin tức

Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về đánh giá nghiên cứu khoa học

Trung tuần tháng 5 vừa qua, các cơ quan tài trợ nghiên cứu khoa học thuộc chính phủ từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh về đánh giá nghiên cứu khoa học do Quỹ khoa học quốc gia Hoa Kỳ (National Science Foundation – NSF) đứng ra tổ chức tại Arlington, Virginia (Hoa Kỳ). Cuộc họp thượng đỉnh lần này là kết quả của một chuỗi các hội nghị khu vực đã được tổ chức trong suốt một năm qua nhằm xác định những nguyên tắc cốt lõi về đánh giá trong khoa học – yếu tố quan trọng hỗ trợ lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tìm ra những chuẩn mực và kinh nghiệm tốt nhất nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu đa quốc gia và giữa các châu lục. Hội nghị đã thống nhất các nguyên tắc giúp các nhà tài trợ có thể đánh giá và lựa chọn ra các dự án nghiên cứu khoa học xứng đáng nhất. Phát biểu tại hội nghị, ông Suresh, giám đốc Quỹ khoa học Hoa Kỳ, nói “Bản tập hợp chung này không nhất thiết bao gồm tất cả các nguyên tắc, nhưng đây là những nguyên tắc cơ bản nhất mà tất cả chúng tôi đều đã nhất trí với nhau”, và “những thỏa thuận như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án nghiên cứu đa quốc gia”. Ngoài ra, Hội đồng Nghiên cứu toàn cầu (Global Research Council – GRC) gồm các nhà lãnh đạo các tổ chức tài trợ khoa học công lập từ khoảng 50 quốc gia cũng đã được chính thức tuyên bố thành lập. Ông Suresh cũng cho biết: “Chúng tôi không định tạo ra một bộ máy quan liêu mới”, mà thay vào đó là tạo ra diễn đàn cho các “cuộc thảo luận cấp cao về các vấn đề, chính sách tổng quát hơn”, trong đó sẽ tập trung phát triển các quan điểm chung về bảo vệ tính minh bạch trong nghiên cứu và mở rộng việc tiếp cận thông tin”. Quỹ phát triển khoa học công nghệ và quốc gia đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần này. Đây là cơ hội quý giá cho Nafosted học hỏi, trao đổi các kinh nghiệm về công tác quản lý và đánh giá khoa học, cũng như tăng cường các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức tài trợ khoa học trên thế giới. Thông tin thêm về Hội nghị xin tham khảo tại trang web: http://news.sciencemag.org/scienceinsider/2012/05/new-global-research-council-take.html

Tin sự kiện, Tin tức

Quyết định bổ nhiệm giám đốc Quỹ

Ngày 28/5/2012, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao quyết định bổ nhiệm ông Đỗ Tiến Dũng giữ chức vụ Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, nhiệm kỳ 5 năm. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/6/ 2012.

Lên đầu trang