Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Tin sự kiện

Tin sự kiện, Tin tức, Truyền thông khoa học

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về lĩnh vực vật lý thiên văn học tại tỉnh Bình Định

Trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 18, sáng 25/7/2022 tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, hai Hội thảo khoa học quốc tế về Vật lý thiên văn với chủ đề “Vũ trụ vàng – Vật lý thiên văn hạt nhân và tia vũ trụ trong kỷ nguyên đa thông tin” và “Vật lý thiên văn SAGI 2022 – Những hướng nghiên cứu tiên phong của vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi” đã được tổ chức với sự tham dự của Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Cũng tại sự kiện này, TS. Nguyễn Trọng Hiền – chuyên gia nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) – đã công bố khởi động Nhóm Vật lý thiên văn tại ICISE, tên viết tắt tiếng Anh là SAGI. Cùng với TS. Nguyễn Trọng Hiền, hai nhà khoa học gốc Việt là TS. Hoàng Chí Thiêm – Viện Khoa học vũ trụ và thiên văn Hàn Quốc và TS. Nguyễn Lương Quang – ĐH Mỹ ở Paris (The American University of Paris) sẽ dẫn dắt và hỗ trợ nhóm SAGI. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đã tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc các sự kiện nêu trên. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chào mừng các nhà khoa học trong và ngoài nước đến tham dự hội nghị tại ICISE, chúc mừng nhóm SAGI và cho biết các sự kiện là rất ý nghĩa khi năm 2022 đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chọn là Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững. Là một nước đang phát triển, với nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam vẫn luôn coi trọng và đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản, chú trọng thực hành theo các chuẩn mực quốc tế qua việc thành lập và vận hành Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia, từng bước tạo lập được môi trường học thuật tiên tiến trong nước, thu hút nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài về nước tiếp tục phát triển các nghiên cứu tiên phong, hình thành được các tập thể khoa học mạnh, hội nhập quốc tế. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và các nhà khoa học tại Gặp gỡ Việt Nam 2022, các nhà quản lý chúc mừng nhóm SAGI Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn sẽ thường xuyên được gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học trong và ngoài nước tại các sự kiện khoa học của Trung tâm Khoa học và giáo dục liên ngành ICISE trong thời gian tới, đồng thời gửi lời cảm ơn tới Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định và cá nhân Giáo sư Trần Thanh Vân đã luôn nỗ lực, chung tay xây dựng cộng đồng khoa học Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hội nhập quốc tế. Cũng trong chuyến công tác tại Bình Định, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã đến thăm Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, Trung tâm Khám phá khoa học Bình Định, Công viên Sáng tạo TMA, Trường Đại học Quy Nhơn; tham quan một số mô hình sản xuất của các doanh nghiệp khoa học công nghệ như Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, Công ty CP Dược – Trang Thiết bị Y tế Bình Định. Một số hình ảnh hoạt động của Bộ trưởng tại chuyến công tác: Bộ trưởng thăm và làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định    Bộ trưởng thăm Trung tâm Khám phá khoa học Bình Định, Công viên Sáng tạo TMA, Trường Đại học Quy Nhơn; tham quan mô hình sản xuất của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư   Tin: NAFOSTED

Tin sự kiện, Tin tức, Truyền thông khoa học

Việt Nam tham dự lễ khai mạc Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững

Sáng 8/7, tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris, Pháp, đã diễn ra lễ khai mạc Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững do UNESCO chủ trì tổ chức. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt tham dự lễ khai mạc và tọa đàm cấp cao về vai trò của khoa học trong hoạch định chính sách. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu trong cuộc Tọa đàm cấp cao về “Vai trò của khoa học trong hoạch định chính sách”. Tham dự hội nghị này có các bộ trưởng và các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học đạt giải Nobel, L’Oreal-UNESCO, Giải thưởng khoa học trẻ, đại diện các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân từ nhiều nước trên thế giới để trao đổi về vai trò và giá trị của khoa học, các biện pháp thúc đẩy đầu tư cho khoa học cơ bản vì tương lai bền vững. Trong cuộc Tọa đàm cấp cao về “Vai trò của khoa học trong hoạch định chính sách”, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã tham gia thảo luận cùng các khách mời là lãnh đạo cấp cao của một số nước thành viên UNESCO, trong đó có Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ của các nước: Trung Quốc, Cuba, Nam Phi, Nigeria, Honduras và hai nhà khoa học đạt giải thưởng Nobel Vật lý năm 2012 và 2021. Chia sẻ về các bài học rút ra từ đại dịch Covid-19 dẫn tới sự thay đổi mối quan hệ giữa khoa học và hoạch định chính sách, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải mạnh mẽ đổi mới tư duy trong quản lý khoa học và công nghệ, khuyến khích thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và thất bại, đồng thời, thúc đẩy tinh thần khoa học mở và đổi mới sáng tạo mở. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề xuất hình thành các nền tảng chia sẻ thông tin sáng chế, dữ liệu, công bố khoa học và phương tiện nghiên cứu nhằm giúp các nước chậm phát triển hơn có thể tiếp cận và bắt kịp với xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ thế giới. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh vấn đề lựa chọn ưu tiên và cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an toàn, an ninh cho người dân, trong đó, cần đặt người dân và con người vào trung tâm của mọi chính sách phát triển. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch mới được bầu của Đại hội đồng Liên hợp quốc Csaba Kőrösi và các đại biểu quốc tế tại hội nghị. Tham dự có Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân. Cũng trong ngày khai mạc hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận về các chủ đề “Tăng cường khoa học, công nghệ, cơ khí và toán học cho mục tiêu phát triển bền vững”, “Vai trò của khoa học cơ bản trong phát triển xã hội” và “Triển vọng của khoa học cơ bản và các mục tiêu phát triển bền vững”. Các nhà khoa học đề cập tầm quan trọng của khoa học cơ bản trong việc giải quyết những thách thức trong quá trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030. Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các nhà khoa học khẳng định đóng góp tích cực hơn nữa cho mục tiêu chung là phát triển bền vững. Các nhà khoa học cũng cho rằng, để khoa học cơ bản có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cần có hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền các nước, sự nỗ lực rất lớn của từng quốc gia cũng như sự hợp tác tích cực và tin cậy giữa các quốc gia. Ngoài ra, cần có các chính sách thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ để có thể tiếp nối và phát huy những thành tựu khoa học đã có nhằm sớm đạt mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững. Cùng ngày, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt có cuộc làm việc với Bộ trưởng Giáo dục Đại học và Nghiên cứu của Pháp, dự lễ ký Biên bản ghi nhớ Việt Nam-Pháp về hỗ trợ hợp tác về đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về công nghệ của hai nước. Năm 2022 được Liên hợp quốc tuyên bố là Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học cơ bản trong thúc đẩy tư duy sáng tạo và xã hội tri thức. Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và thúc đẩy thông qua Nghị quyết về Năm khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững tại Đại hội đồng UNESCO lần thứ 40 (10/2019) và là nước đồng tác giả Nghị quyết A/76/L.12 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (12/2021). Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Tin sự kiện, Tin tức

Hợp tác Việt Nam – Lào trong xây dựng văn bản quản lý chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ Phát triển KH&CN Lào (STDF)

Triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư “Hợp tác nghiên cứu hỗ trợ xây dựng văn bản quản lý và đào tạo nâng cao năng lực cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Lào”, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đã phối hợp với Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Lào (STDF) tổ chức Hội thảo khoa học giới thiệu 04 dự thảo văn bản quản lý các chương trình tài trợ, hỗ trợ của STDF tại thủ đô Viêng Chăn Lào từ ngày 20/6 đến 24/6/2022, để lấy ý kiến của đông đảo các tổ chức, cá nhân, nhằm hoàn thiện các dự thảo văn bản nêu trên. Trước đó, trong năm 2021 NAFOSTED và STDF đã phối hợp tổ chức 03 Hội thảo trực tuyến, 03 đợt tập huấn về các nội dung công việc có liên quan. Theo nhiệm vụ được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, NAFOSTED sẽ hỗ trợ STDF xây dựng các dự thảo văn bản quản lý phục vụ triển khai các chương trình tài trợ nghiên cứu và hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực KH&CN; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ STDF. Dự kiến kết quả nhiệm vụ bao gồm dự thảo văn bản quản lý chương trình nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu ứng dụng; lập dự toán kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực KH&CN do STDF tài trợ, hỗ trợ. Bên cạnh đó, NAFOSTED cũng hỗ trợ STDF xây dựng các quy trình nội bộ, quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng khoa học, các danh mục tạp chí uy tín đảm bảo triển khai các chương trình STDF sẽ tài trợ, hỗ trợ theo hướng hội nhập quốc tế. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Soulioudong SUNDARA – Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý STDF chủ trì, với sự tham dự của các đại biểu thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Thể thao, Kho bạc nhà nước, đại diện một số tổ chức KH&CN của Lào. Về phía NAFOSTED có TS. Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Cơ quan Điều hành Quỹ và các thành viên tham gia nhiệm vụ Nghị định thư tham dự và trình bày báo cáo tại Hội thảo. Tại Hội thảo, Thứ trưởng Soulioudong SUNDARA cảm ơn các cán bộ NAFOSTED và STDF, hoan nghênh tinh thần làm việc của cả hai phía, trong điều kiện dịch bệnh Covid – 19 vẫn phối hợp chặt chẽ và có những điều chỉnh hợp lý để triển khai có hiệu quả các hoạt động theo kế hoạch đề ra. Toàn cảnh Hội thảo khoa học Nhân dịp Hội thảo khoa học nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout SIMMALAVONG – Chủ tịch Hội đồng quản lý STDF đã dành thời gian tiếp và trao đổi cùng đoàn cán bộ NAFOSTED. Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn đối với đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Lãnh đạo Bộ KH&CN Việt Nam, các đơn vị trong Bộ và NAFOSTED đã hỗ trợ STDF Lào trong quản lý, triển khai hoạt động và nâng cao năng lực cán bộ, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác hai nước Việt Nam – Lào. Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới, NAFOSTED và STDF sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, đưa các nội dung hợp tác vào chiều sâu, đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng các nhà khoa học và nhân dân hai nước. Đoàn cán bộ NAFOSTED chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào – Chủ tịch Hội đồng quản lý STDF Tin: NAFOSTED

Thông báo, Tin sự kiện, Tin tức

Thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký chương trình hợp tác song phương NAFOSTED – DFG năm 2022

Triển khai chương trình hợp tác giữa Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ Khoa học Cộng hòa liên bang Đức (DFG), Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký đề tài thuộc chương trình năm 2022 lần 1 như sau: 1. Thời gian tiếp nhận hồ sơ: từ ngày 30/06/2022 đến 17:00 giờ Việt Nam ngày 31/08/2022 2. Lĩnh vực nghiên cứu tài trợ: Tất cả các lĩnh vực 3. Thời gian thực hiện đề tài: 2 – 3 năm 4. Kinh phí tối đa NAFOSTED tài trợ: 02 tỷ/01 đề tài 5. Cách thức đăng ký đề tài: Hồ sơ cần được phối hợp xây dựng bởi 01 nhóm nghiên cứu phía Việt Nam và 01 nhóm nghiên cứu phía Đức. Sau đó, hồ sơ phải được CNĐT phía Việt Nam nộp cho NAFOSTED qua hệ thống tiếp nhận hồ sơ trực tuyến OMS, CNĐT phía Đức nộp cho DFG qua hệ thống tiếp nhận hồ sơ trực tuyến dfg.de/en. 6. Biểu mẫu hồ sơ đăng ký phía Việt Nam: Tải về tại đây. Hướng dẫn nộp hồ sơ chi tiết (xem tại đây). Thông tin tham khảo phía DFG: – International Cooperation Opportunities within the Framework of Standing Open Proposal Submission Procedures – Joint Proposal Submission with Researchers Abroad under a Standing Open Procedure (SOP) – International relations, partner organisations and funding opportunities with individual countries and regions Tin: BP HTQT

Thông báo, Tin sự kiện, Tin tức

Thông báo tuyển dụng viên chức năm 2022

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia thông báo tuyển dụng viên chức năm 2022, cụ thể như sau: 1. Số lượng tuyển dụng: 08 người. 2. Yêu cầu chung: 2.1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức: a) Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam; b) Từ đủ 18 tuổi trở lên. c) Có đơn đăng ký dự tuyển; d) Có lý lịch rõ ràng; đ) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với vị trí dự tuyển (theo biểu chi tiết kèm theo); e) Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ; 2.2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển viên chức: a) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. 3. Vị trí, chỉ tiêu, yêu cầu điều kiện cụ thể (Phụ lục chi tiết kèm theo) 4. Hình thức tuyển dụng: Xét tuyển Xét tuyển được thực hiện theo 2 vòng như sau: – Vòng 1: Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển đăng ký tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm, nếu phù hợp thì người dự tuyển được tham dự vòng 2. – Vòng 2: Phỏng vấn hoặc thực hành để kiểm tra về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển. – Nội dung: Kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi nhiệm vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển thực hiện theo quy định Điều 10 Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. 5. Hồ sơ Cá nhân có nhu cầu tham gia dự tuyển gửi Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu kèm theo Thông báo này. – Đơn đăng ký dự tuyến (tải tại đây). – Bản sao Giấy khai sinh (không yêu cầu bản sao công chứng); – Bản Sơ yếu lý lịch tự thuật (dán ảnh 4x6cm) có xác nhận của Cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển. – Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển (không yêu cầu bản sao công chứng); – Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng viên chức (nếu có) được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực. – 02 phong bì ghi đầy đủ thông tin nơi nhận của thí sinh. Cá nhân phải khai đầy đủ và trung thực, sau khi ứng viên trúng tuyển phải hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Trường hợp người trúng tuyển không hoàn thiện đủ hồ sơ dự tuyển theo quy định hoặc có hành vi gian lận trong việc kê khai thông tin trong Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng phát hiện người trúng tuyển sử dụng văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định thì kết quả tuyển dụng sẽ bị hủy bỏ, không được đăng ký tham gia kỳ tuyển dụng kế tiếp tại Quỹ và chịu trách nhiệm trước pháp luật. 6. Thời hạn nộp hồ sơ: từ ngày 29/6/2022 đến hết ngày 29/7/2022 (từ 8h30 đến 17h). 7. Lệ phí tuyển dụng: Thực hiện theo Thông tư 92/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tuyển dụng, dự thi nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Mức thu phí: 500.000 đồng/hồ sơ đăng ký dự tuyển (Năm trăm nghìn đồng chẵn trên một hồ sơ đăng ký dự tuyển). 8. Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ Văn phòng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia Phòng 405 – 39 Trần Hưng Đạo, Hà Nội Điện thoại liên hệ: 024.39367751 (máy lẻ 602) 9. Thời gian và địa điểm xét tuyển: Kỳ xét tuyển viên chức của Quỹ dự kiến tổ chức trong khoảng thời gian 20/8/2022 – 20/9/2022. Thời gian và địa điểm cụ thể sẽ được thông báo trên website của Quỹ và trực tiếp tới từng ứng viên đạt yêu cầu tại Vòng 1. Tin: BP TCCB

Thông báo, Tin sự kiện, Tin tức

Thông báo về việc báo cáo định kỳ đề tài nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn năm 2020 đợt 2 (đã được điều chỉnh thời gian thực hiện)

Theo quy định về tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học xã hội và nhân văn do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tài trợ và hợp đồng nghiên cứu khoa học đã ký giữa Quỹ với các Tổ chức chủ trì và Chủ nhiệm đề tài, để có căn cứ cấp kinh phí đợt tiếp theo đối với các đề tài năm 2020 đợt 2 (đợt ký hợp đồng tháng 11/2020, đã được điều chỉnh thời gian thực hiện), Quỹ sẽ tổ chức đánh giá định kỳ về tiến độ, kết quả thực hiện đề tài. Đề nghị các chủ nhiệm đề tài phối hợp với các tổ chức chủ trì đề tài lập báo cáo định kỳ về tiến độ, kết quả thực hiện đề tài và gửi tới Quỹ để tiến hành đánh giá định kỳ làm cơ sở cấp tiếp kinh phí. (Báo cáo nội dung công việc từ khi bắt đầu thực hiện đến hết tháng 06/2022). Hồ sơ đánh giá định kỳ kết quả thực hiện đề tài (bản điện tử và bản giấy/hoặc ký số) gồm: – Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện đề tài (được khai nộp trực tiếp trên hệ thống OMS); – Báo cáo chi tiết tình hình sử dụng kinh phí (Mẫu Phụ lục số 01/CT-NAFOSTED); – Kết quả minh chứng cho các nội dung công việc đã thực hiện và sản phẩm nghiên cứu khoa học của đề tài. Hồ sơ đánh giá định kỳ được gửi đến Quỹ thông qua 2 bước: 1. Truy cập vào hệ thống quản lý đề tài trực tuyến (OMS) của Quỹ https://oms.nafosted.gov.vn/oms_ss thông qua tài khoản cá nhân, cập nhật thông tin báo cáo theo hướng dẫn và gửi tới Quỹ. 2. Sau khi hoàn thiện bản báo cáo trên OMS, nhà khoa học gửi hồ sơ tới Quỹ theo 1 trong 2 cách sau: a) Nộp hồ sơ điện tử (ký số) – Hồ sơ được ký bởi chữ ký số (bằng USB Token) của chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì (bao gồm báo cáo định kỳ và báo cáo tài chính) và tải lên OMS cùng kết quả minh chứng cho các nội dung công việc đã thực hiện và sản phẩm nghiên cứu khoa học. b) Nộp hồ sơ bằng bản giấy – In hồ sơ được xuất ra từ hệ thống OMS (bao gồm báo cáo định kỳ và báo cáo tài chính), ký và xác nhận bằng bút mực xanh, dấu đỏ. – Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ: Văn phòng Quỹ NAFOSTED – phòng 405, số 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngoài phong bì ghi rõ: Báo cáo định kỳ ngành/liên ngành… (Quỹ khuyến khích nhà khoa học, tổ chức chủ trì thực hiện thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến và sử dụng chữ ký số điện tử). Thời hạn tiếp nhận báo cáo: Trước 17h00 ngày 15/7/2022. (Hệ thống OMS sẽ tự động đóng sau thời gian trên). Cơ quan điều hành Quỹ sẽ tiến hành đánh giá định kỳ tình hình thực hiện các đề tài, thông báo kết quả về tình hình cấp tiếp kinh phí đợt tiếp theo tới chủ nhiệm đề tài. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị liên hệ Cơ quan điều hành Quỹ theo số điện thoại: – Hỗ trợ về chuyên môn: 02439340411 (Máy lẻ 103; 104; 105; 106) – Hỗ trợ về tin học, hệ thống OMS: 02439340411 (Máy lẻ 802; 801)./. Tin: Phòng KHXH&NV

Thông báo, Tin sự kiện, Tin tức

Thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký đề tài thuộc Chương trình tài trợ song phương NAFOSTED – FWO (Bỉ) 2022

1. Giới thiệu Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và Quỹ Khoa học Flanders (FWO) đã ký kết Biên bản thỏa thuận chung về triển khai chương trình cùng tài trợ cho các đề tài hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các nhà khoa học Việt Nam và nhà khoa học Flanders. Theo khung Thỏa thuận, thời gian thực hiện các đề tài thuộc Chương trình từ hai đến ba năm. Thuyết minh đề cương nghiên cứu cần thể hiện được ý nghĩa, giá trị của nghiên cứu, sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên, sự cần thiết và hiệu quả đối với cả phía Việt Nam và phía Flanders. 2. Lĩnh vực tài trợ Chương trình tài trợ đề tài nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn. 3. Kinh phí tài trợ NAFOSTED sẽ dành một khoản kinh phí hàng năm là 300,000 Euro để tài trợ cho các đề tài hợp tác nghiên cứu thuộc Chương trình. Kinh phí dự toán đối với các đề tài phía Việt Nam được xây dựng trên cơ sở Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ Hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. 4. Hồ sơ đăng ký Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ được phối hợp xây dựng bởi 01 chủ nhiệm đề tài (CNĐT) Việt Nam và 01 đồng CNĐT Flanders. Về phía NAFOSTED, điều kiện hợp lệ của CNĐT được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 của Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014. Phía Flander, mẫu hồ sơ đăng ký được đăng tải trên website của FWO. Phía Việt Nam, hồ sơ đăng ký đề tài gồm có: – Đơn đăng kí đề tài (Mẫu FWO 1, FWO 1V – Khai trực tiếp trên hệ thống online OMS) – Thuyết minh đề cương nghiên cứu, gồm: Thuyết minh đề cương và Dự toán kinh phí (Mẫu FWO 2.1 & 2.1V, FWO 2.2 & 2.2V). – Lý lịch khoa học của CNĐT và từng thành viên nhóm nghiên cứu (Mẫu CV1, CV2 – Khai trực tiếp trên hệ thống online OMS) Tải hồ sơ đăng ký tại đây. Cách thức nộp hồ sơ: Hồ sơ phải được CNĐT phía Việt Nam nộp cho NAFOSTED qua hệ thống tiếp nhận hồ sơ trực tuyến OMS, CNĐT phía Flanders nộp cho FWO qua hệ thống tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của FWO. Phía Việt Nam, hồ sơ được nộp theo một trong hai phương thức sau: Phương thức 1. Nộp hồ sơ qua hệ thống OMS với đầy đủ chữ ký và dấu điện tử. Phương thức 2. Nộp hồ sơ online qua hệ thống OMS. Sau đó in hồ sơ từ hệ thống, ký (mực xanh), đóng dấu xác nhận và gửi tới địa chỉ: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia Số 39 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Trên phong bì ghi rõ: Hồ sơ NAFOSTED – FWO năm 2022). Thời hạn nộp hồ sơ: từ ngày 16/06/2022 đến 17h00 ngày 20/09/2022 Hướng dẫn sử dụng hệ thống OMS, nộp hồ sơ xin tham khảo tại đây. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia khuyến khích các tổ chức chủ trì, các nhà khoa học nộp hồ sơ điện tử theo Phương thức 1 nêu trên 5. Đánh giá xét chọn đề tài Các đề tài được tài trợ là các đề tài đáp ứng các đòi hỏi về chất lượng khoa học cũng như các yêu cầu cụ thể theo quy định hiện hành của Quỹ NAFOSTED và Quỹ FWO. Các tiêu chí đánh giá bao gồm: – Năng lực của các thành viên nhóm nghiên cứu (25%); – Chất lượng thuyết minh đề cương (50%), bao gồm: Ý nghĩa khoa học, tính cấp thiết và khả thi của nghiên cứu; Các tiếp cận vấn đề nghiên cứu (phương pháp nghiên cứu) phù hợp, khả thi và tập trung để thực hiện mục tiêu; Kế hoạch nghiên cứu. – Sự cần thiết và ý nghĩa của đề tài hợp tác (25%), bao gồm: Ý nghĩa của đề tài hợp tác; Sự cân bằng trong phân công công việc và khả năng phối hợp giữa các bên Đề tài được đánh giá thông qua Hội đồng khoa học và các chuyên gia phản biện độc lập do NAFOSTED và FWO chỉ định. 6. Tiến độ thực hiện dự kiến – Ngày 15/06 – ngày 20/09/2022: Thông báo tài trợ và tiếp nhận hồ sơ – Tháng 10 – tháng 12/2022: Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và mời chuyên gia phản biện. – Tháng 2 – tháng 3/2023: Họp HĐKH hỗn hợp đánh giá xét chọn. – Tháng 3 – tháng 5/2023: Thẩm định kinh phí và nội dung đề tài. – Tháng 5 – tháng 6/2023: Ký hợp đồng tài trợ. Tin: BP HTQT

Thông báo, Tin sự kiện, Tin tức

Trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ

Ngày 13/6/2022 tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã trao quyết định bổ nhiệm đối với các đồng chí là thủ trưởng một số đơn vị trực thuộc Bộ bao gồm: Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ), Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Trước đó, ngày 01/3/2022 Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã ký Quyết định số 235/QĐ-BKHCN bổ nhiệm ông Phạm Đình Nguyên – Phó Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia giữ chức Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ. Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt (bìa trái), Thứ trưởng Lê Xuân Định (bìa phải) cùng Giám đốc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (giữa), Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước (thứ hai từ trái sang), Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (thứ hai từ phải sang) Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các đồng chí mới được giao nhiệm vụ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần tập trung dân chủ, nêu gương với vai trò người đứng đầu đơn vị, chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ trong giải quyết công việc chung và tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong các lĩnh vực phụ trách. Bộ trưởng chúc cho ba đồng chí mới nhận nhiệm vụ có nhiều sức khỏe, hạnh phúc, và tin tưởng trên cương vị mới, các đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục có nhiều thành công trong giai đoạn tiếp theo./. Tin: NAFOSTED Ảnh: Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN

Thông báo, Tin sự kiện, Tin tức

Kế hoạch thành lập các Hội đồng khoa học nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật nhiệm kỳ 2022-2024

Chương trình Nghiên cứu cơ bản (NCCB) trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật (KHTN&KT) do Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia tài trợ được triển khai từ năm 2009. Đến nay, Quỹ đã tài trợ ~ 3.000 đề tài với sự tham gia của hơn 12.000 lượt nhà khoa học tại 300 tổ chức khoa học và công nghệ trên khắp cả nước. Kết quả trung bình đối với mỗi đề tài là 03 công bố khoa học quốc tế uy tín, góp phần đào tạo 01 tiến sỹ và hơn 02 thạc sỹ. Các nhiệm vụ NCCB do Quỹ tài trợ đóng góp gần 60% tổng số công bố khoa học quốc tế uy tín của Việt Nam được tài trợ từ ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng cải thiện các chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII liên quan đến công bố khoa học quốc tế của Việt Nam trong hơn 10 năm qua. Để có được kết quả như vậy không thể không kể đến các đóng góp quan trọng của các Hội đồng khoa học NCCB trong lĩnh vực KHTN&KT (HĐKH) thông qua các hoạt động tư vấn về chuyên môn, đánh giá khoa học đối với các nhiệm vụ do Quỹ tài trợ, hỗ trợ. Trong hơn 10 năm qua, Quỹ đã 5 lần thành lập các HĐKH hoạt động theo nhiệm kỳ (2009-2012; 2013-2015, 2015-2017; 2017-2019 và 2019-2021). Theo định kỳ, từ nay đến hết tháng 12/2022, Quỹ triển khai việc thành lập HĐKH nhiệm kỳ mới (2022-2024). Kế hoạch thực hiện cụ thể như sau: TT Nội dung Thông tin chi tiết Thời gian dự kiến Bước 1 Giới thiệu nhà KH Cộng đồng khoa học giới thiệu các nhà khoa học đủ điều kiện tham gia 08 HĐKH Từ ngày 16/6-16/7/2022 Bước 2 Xác nhận tham gia và cập nhật lý lịch khoa học Các nhà khoa học được giới thiệu xác nhận  tham gia danh sách ứng viên các HĐKH và cập nhật lý lịch khoa học trên hệ thống OMS. Từ ngày 16/6-20/7/2022 Bước 3 Bình chọn HĐKH mới Các nhà khoa học được giới thiệu vào hệ thống OMS đề xuất HĐKH nhiệm kỳ 2022-2024 từ danh sách ứng viên. Từ ngày 01/8-1/9/2022 Bước 4 Tổng hợp kết quả và đề xuất HĐKH Tổng hợp kết quả giới thiệu từ cộng đồng khoa học và đề xuất HĐKH nhiệm kỳ 2022-2024 Từ ngày 15/9 -10/10/2022 Bước 5 Báo cáo HĐQL về phương án HĐKH mới Báo cáo để HĐQL chỉ đạo về phương án thành lập HĐKH nhiệm kỳ 2022-2024. Tháng 10-11/2022 Bước 6 Thành lập HĐKH Công bố 08 HĐKH nhiệm kỳ 2022-2024. Tháng 12/2022 Các Hội đồng khoa học NCCB trong lĩnh vựcKHTN&KT nhiệm kỳ 2022-2024 gồm 08 Hội đồng: 1. HĐKH ngành Toán học 2. HĐKH ngành Khoa học Thông tin và Máy tính 3. HĐKH ngành Vật lý 4. HĐKH ngành Hóa học 5. HĐKH ngành Khoa học Trái đất, Khoa học Biển 6. HĐKH ngành Sinh học Nông nghiệp 7. HĐKH ngành Cơ học và Kỹ thuật 8. HĐKH ngành Y sinh Dược học Hệ thống bình chọn các HĐKH ngành dự kiến được khởi động từ ngày 15/6/2022 và kết thúc vào ngày 20/7/2022 để các nhà khoa học đề cử/ứng cử tham gia HĐKH và cập nhật lý lịch khoa học. Việc bình chọn sẽ được tiến hành trên hệ thống từ ngày 01/8 đến 1/9/2022. Mong các nhà khoa học tích cực tham gia bình chọn thông qua tài khoản trên hệ thống quản lý trực tuyến (OMS) (http://www.nafosted.gov.vn/oms_ns/account/index.php) để việc thành lập HĐKH đảm bảo chất lượng, lựa chọn được các thành viên có năng lực, uy tín, đóng góp tốt nhất cho cộng đồng khoa học và công nghệ Việt Nam./. Tin: Phòng KHTN&KT

Tin sự kiện, Tin tức

Giám đốc Mạng lưới khoa học và đổi mới sáng tạo Vương quốc Anh tại khu vực Đông Nam Á thăm Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia

Ngày 24/5/2022, bà Elinor Buxton, Giám đốc Mạng lưới khoa học và đổi mới sáng tạo Vương quốc Anh tại khu vực Đông Nam Á đã đến thăm Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED). Cùng dự có bà Phan Thị Liên Hương, Quản lý chương trình khoa học và đổi mới sáng tạo, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam. Tiếp đoàn về phía NAFOSTED có ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ và các cán bộ hợp tác quốc tế của Quỹ. Tại buổi làm việc, ông Phạm Đình Nguyên đã giới thiệu khái quát về Quỹ và các chương trình do Quỹ tài trợ, hỗ trợ, các chương trình hợp tác giữa Quỹ và các đối tác trong đó có Vương quốc Anh. Về phía Mạng lưới khoa học và đổi mới sáng tạo Vương quốc Anh tại khu vực Đông Nam Á, bà Elinor Buxton đánh giá cao các kết quả hoạt động của NAFOSTED, cám ơn hợp tác hiệu quả có giá trị của NAFOSTED với các đối tác Anh, đặc biệt là chương trình hợp tác NAFOSTED – RCUK (nay là UKRI). Hai bên đồng ý duy trì kết nối, tiếp tục phối hợp, thúc đẩy hợp tác giữa NAFOSTED và các đối tác Anh cho giai đoạn mới. Tin: BP Hợp tác quốc tế

Lên đầu trang