Print This Post

Thúc đẩy các nghiên cứu đột phá, xuất sắc tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở TP. Hồ Chí Minh

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã xác định khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước (Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012) và đội ngũ trí thức có vai trò to lớn đảm bảo đất nước phát triển nhanh và bền vững (Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023). Với định hướng đó và nhiều chính sách của ngành KHCN, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây năng lực và chất lượng nghiên cứu KHCN của nước nhà đã có bước phát triển mạnh mẽ. Số lượng công trình công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín (bài báo quốc tế) của Việt Nam tăng khoảng 20% mỗi năm, số lượng các nhà khoa học trẻ chủ trì các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia và tương đương gia tăng mạnh về số lượng ở các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước. Các kết quả đáng khích lệ trên là cơ sở để nền khoa học nước nhà hướng tới những mục tiêu cao hơn, trong đó có việc đầu tư cho các nghiên cứu dài hạn, liên ngành, đột phá, xuất sắc.

Nhằm tạo diễn đàn trao đổi với các nhà quản lý, nhà khoa học về các yếu tố cần thiết để xây dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi triển khai các nghiên cứu đột phá, xuất sắc, ngày 28/6/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học “Thúc đẩy các nghiên cứu đột phá, xuất sắc tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở TP. Hồ Chí Minh”. Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Lãnh đạo Cơ quan điều hành Quỹ, Giám đốc Sở KHCN TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Lãnh đạo các tổ chức KH&CN tại TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, GS.TS Phan Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử ĐHQG-HCM (đại diện nhóm nghiên cứu lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật) chia sẻ, nhờ sự quan tâm đầu tư của nhà nước cùng với sự năng động tìm kiếm các nguồn quỹ quốc tế, đến nay ĐHQG-HCM đã hình thành hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Quốc gia và các nhóm nghiên cứu tiêu biểu thuộc các lĩnh vực nằm trong định hướng nghiên cứu của ĐHQG-HCM, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử. Các trung tâm này cung cấp nguồn nhân lực không thể thiếu trong các đơn vị, các nhóm nghiên cứu. Có thể thấy, thông qua việc triển khai xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) và Trung tâm xuất sắc (TTXS) ở các cấp độ, đã góp phần tạo nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao, là hạt nhân của các nhóm nghiên cứu mạnh, có đủ năng lực triển khai các nghiên cứu đột phá, xuất sắc. Trong giai đoạn tới, GS.TS. Phan Bách Thắng cho rằng cần nâng cao yêu cầu đối với sản phẩm từ các chương trình NCM (ưu tiên chất lượng sản phẩm – IF cao, Nature index, hợp tác), đa dạng loại hình sản phẩm theo năng lực nhân sự: công bố – sáng chế – sản phẩm ứng dụng, hợp tác đồng thời cần có cơ chế tài chính bền vững, linh hoạt và cơ sở vật chất tương xứng.

Đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, TS Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV cho biết các nhóm nghiên cứu mạnh của Nhà trường còn gặp những hạn chế về nguồn nhân lực và kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học. Do đó, cần hỗ trợ từ các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, các nguồn đầu tư cho nghiên cứu khoa học của ĐHQG-HCM trong việc xây dựng các đề án hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh. Bên cạnh đó, cần có những chính sách đặc thù phù hợp với việc phát triển và thúc đẩy nghiên cứu khoa học khối ngành khoa học cơ bản trong lĩnh vực KHXH&NV.

 

Từ trái qua: PGS.TS. Trần Cao Vinh, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, TS. Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV

PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Ban Khoa học và Công nghệ ĐHQG-HCM, GS.TS Phan Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử ĐHQG-HCM 

PGS.TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban Ban Khoa học và Công nghệ ĐHQG-HCM trình bày báo cáo “Tạo dựng môi trường để thúc đẩy các nghiên cứu đột phá, xuất sắc, phát triển ĐHQG-HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á”. PGS. Lâm Quang Vinh cho biết, giai đoạn 2021-2030, ĐHQG-HCM kiên trì thực hiện một chiến lược tổng thể nhằm xây dựng và phát triển KH&CN theo hướng gắn các hoạt động KH&CN với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và hội nhập quốc tế. ĐHQG-HCM đã đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị nghiên cứu ,đầu tư nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KHCN liên ngành giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới theo các mục tiêu cụ thể. Hiện nay, các nhóm NCM và TTXS được xây dựng trên cơ sở khai thác sức mạnh hệ thống của ĐHQG-HCM, sử dụng chung nhân lực khoa học và cơ sở vật chất nhằm triển khai công tác nghiên cứu khoa học đỉnh cao có tác động lớn đến công tác đào tạo, tạo ra sản phẩm ứng dụng, nâng cao vị thế ĐHQG-HCM. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo, để triển khai các nghiên cứu đột phá, xuất sắc vẫn cần tập trung đầu tư cho hệ thống trang thiết bị với các thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, các công cụ hỗ trợ chuyên sâu; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, cung cấp các chính sách đãi ngộ hấp dẫn để giữ chân nhân tài, thu hút các chuyên gia hàng đầu từ trong và ngoài nước.

Ông Phạm Đình Nguyên, Giám đốc CQĐH Quỹ trao đổi tại Hội thảo

Tại hội thảo, TS Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia đã giới thiệu về tài trợ, hỗ trợ của Quỹ đối với các nghiên cứu đột phá, xuất sắc. Theo đó, các nhiệm vụ xuất sắc được Quỹ tài trợ thời gian qua tập trung ở hai dạng chính: i) đề tài NCCB cho các nhóm nghiên cứu mạnh; ii) đề tài hợp tác song phương. Đề tài NCCB cho các nhóm nghiên cứu mạnh được Quỹ tài trợ cần có hướng nghiên cứu dài hạn, nội dung nghiên cứu mang tính đột phá; tổ chức chủ trì phải đáp ứng các điều kiện về năng lực nghiên cứu, cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu; chủ nhiệm đề tài có kết quả nghiên cứu xuất sắc, có khả năng tập hợp được nhiều nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao tham gia thực hiện đề tài, duy trì được hợp tác nghiên cứu khoa học thường xuyên với các nhóm nghiên cứu quốc tế cùng ngành, liên ngành. Đề tài hợp tác song phương là nhiệm vụ nghiên cứu chung của nhóm nghiên cứu Việt Nam và nhóm nghiên cứu đối tác, được Quỹ và cơ quan tài trợ đối tác (ví dụ FWO – Bỉ, DFG – Đức, UKRI – Anh, SNSF – Thụy Sĩ) đồng ý cùng tài trợ. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia Quỹ triển khai là hỗ trợ rất tích cực cho các nhiệm vụ nghiên cứu xuất sắc. Giám đốc CQĐH Quỹ cho biết, giai đoạn vừa qua để nuôi dưỡng, thúc đẩy các nghiên cứu xuất sắc, tài trợ, hỗ trợ của Quỹ chú trọng quản lý, đánh giá khoa học theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế; về hành chính Quỹ đảm bảo thông tin về quy định minh bạch, đầy đủ, các thủ tục dễ dàng tiếp cận và thực hiện; về tài chính bước đầu đáp ứng nhu cầu đề xuất kinh phí của nhà khoa học, thủ tục cấp kinh phí và thanh quyết toán nhanh và thuận lợi. Giai đoạn tiếp theo, Quỹ đang báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh các quy định liên quan nhằm đảm bảo duy trì được các ưu việt về quản lý này, đồng thời điều chỉnh các quy định tài trợ của Quỹ theo hướng tiếp tục ưu tiên hỗ trợ nhà khoa học trẻ, nhóm nghiên cứu trẻ xuất sắc, thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực, đột phá, xuất sắc, dài hạn, kết nối quốc tế mạnh mẽ theo một số định hướng trọng điểm.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi từ phía các nhà khoa học, nhà quản lý tham dự về vấn đề xác định các nhiệm vụ đột phá, xuất sắc; tạo dựng môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi thúc đẩy các nghiên cứu đột phá, xuất sắc, … Gợi mở từ các ý kiến trao đổi trong Hội thảo là để thúc đẩy các nghiên cứu xuất sắc cần thiết có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cùng nguồn tài trợ nghiên cứu thích đáng, được đánh giá, xét chọn tài trợ nghiêm cẩn theo chuẩn mực quốc tế, với cơ chế tài trợ thuận lợi, phù hợp với các đặc thù của công tác nghiên cứu khoa học. Để thực hiện được việc này, cần sự phối hợp, đồng hành của các nhà quản lý, các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ, các tổ chức, cơ quan khác có liên quan.

Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cùng quan tâm và sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy các nghiên cứu xuất sắc, đột phá. Lãnh đạo Quỹ, Lãnh đạo Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý để điều chỉnh hợp lý hoạt động của hai cơ quan, đồng thời đề xuất những chính sách phù hợp nhằm gia tăng các nghiên cứu đột phá, xuất sắc trong tương lai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Tin: NAFOSTED

Bài viết liên quan