Giới thiệu chung về VIIP

GIỚI THIỆU TÓM TẮT VỀ DỰ ÁN “ĐỔI MỚI SÁNG TẠO HƯỚNG TỚI NGƯỜI THU NHẬP THẤP”

Dự án đã dừng thực hiện từ tháng 7/2016.

Ngày 6 tháng 9 năm 2013, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã ký kết Hiệp định tín dụng số 5249-VN theo đó hai bên nhất trí hỗ trợ cho Dự án “Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp” (VIIP) với tổng số vốn là 55 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 625.000 USD. Thời gian thực hiện dự án 5 năm (từ năm 2014 đến 2018).

Mục tiêu dài hạn của dự án là áp dụng, cải tiến công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho người thu nhập thấp. Mục tiêu này sẽ được thưc hiện bằng các biện pháp nâng cao năng lực của Việt Nam trong thực hiện các chương trình đổi mới sáng tạo, thông qua việc hỗ trợ tài chính để phát triển, áp dụng, tiếp nhận, mở rộng quy mô và thương mại hóa các công nghệ sáng tạo và đặc biệt tập trung vào tăng cường năng lực công nghệ và sáng tạo của các tổ chức nghiên cứu và triển khai (RDIs) và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).

Cục Phát triển Doanh nghiệp (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là cơ quan chủ trì dự án, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) là cơ quan tổ chức thực hiện toàn bộ hợp phần 1 và phần “Cấp phát – Grant” thuộc hợp phần 2 của dự án, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tổ chức thực hiện phần “Cho vay – Credit” thuộc hợp phần 2 của dự án.

Đối tượng thụ hưởng chính của dự án là các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp tham gia đổi mới, nâng cấp và thương mại hóa các công nghệ, các các nhân và nhóm cá nhân có ý tưởng đổi mới sáng tạo. Đối tượng thụ hưởng cuối cùng kết quả của đổi mới sáng tạo công nghệ là người thu nhập thấp.

Các lĩnh vực ưu tiên của dự án trong 5 năm tới (2014-2018) đã được Hội đồng tư vấn thách thức phát triển quốc gia xác định, gồm:  Y – dược học cổ truyền; Nông nghiệp – Thủy – hải sản; và Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)  như một công cụ cung cấp dịch vụ cho người thu nhập thấp.
Để đạt được các mục tiêu nói trên, Dự án đã được thiết kế theo 4 hợp phần:

Hợp phần 1: Phát triển công nghệ
Tạo ra các công nghệ hoặc hoàn toàn mới hoặc tiếp nhận các công nghệ hiện có sẵn một cách sáng tạo và phù hợp, hoặc của nước ngoài hoặc được phát triển ở trong nước bởi các tổ chức R&D chính thức, các doanh nghiệp hoặc các nhà sáng tạo cá nhân.

Hợp phần 2: Mở rộng và thương mại hóa kết quả đổi mới – sáng tạo

Hợp phần 3: Chuyển giao tri thức quốc tế và tăng cường năng lực
Tăng cường năng lực cho một số cơ quan của Việt Nam nhằm xây dựng một hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới Việt nam đủ mạnh, có khả năng thiết kế, phát triển, tiếp thu, thích nghi, nâng cấp và khai thác các đổi mới sáng tạo;

Hợp phần 4: Quản lý, Giám sát và Đánh giá dự án
Hỗ trợ xây dựng năng lực quản lý để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí dự án và đạt được các mục tiêu dự án một cách bền vững.
Trong phạm vi hợp phần 1 và một phần của hợp phần 2, NAFOSTED sẽ cấp kinh phí dưới dạng tài trợ không hoàn lại thông qua các Tiểu dự án cho các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp và các nhà sáng chế cá nhân để thực hiện việc phát triển công nghệ mới hoặc thúc đẩy hoàn thiện các công nghệ hiện đang ở mức thí điểm/thử nghiệm, các sản phẩm từ qui mô thử nghiệm lên quy mô có thể thương mại hóa. Dự án khuyến khích người đăng ký tài trợ liên kết hợp tác với các đối tác liên quan và ủng hộ người đăng ký có thể đề xuất các công nghệ mới tạo ra ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Sơ đồ 1. Sơ đồ tổng thể quản lý dự án VIIP

Chú thích:
VTB – Vietinbank
VCB – Vietcombank
HP1, HP2, HP2, HP4 – 4 hợp phần của dự án VIIP
N1, N2, N3, N4 – 4 nhóm tiểu dự án của dự án VIIP

Tham khảo thêm thông tin trên website của Dự án VIIP tại: www.viip.org.vn