Print This Post

NAFOSTED được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2010

Ngày 29/12, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo khoa học và công nghệ – Hội nhà báo Việt Nam đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện Khoa học Công nghệ nổi bật năm 2010 do các nhà báo trong lĩnh vực KH&CN trên cả nước bình chọn. Trong 10 sự kiện KH&CN được bình chọn năm nay, có 2 sự kiện thuộc lĩnh vực cơ chế chính sách; 2 sự kiện thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; 4 sự kiện thuộc lĩnh vực khoa học ứng dụng; 1 sự kiện thuộc lĩnh vực hội nhập quốc tế về KH&CN và 1 sự kiện thuộc lĩnh vực tôn vinh các nhà khoa học.

10 sự kiện được các nhà báo bình chọn lần lượt là:

1. NAFOSTED tạo bước đột phá trong đổi mới cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học
Quỹ phát triển KH và CN Quốc gia (NAFOSTED) bước đầu xây dựng được phương thức quản lý hoạt động khoa học theo chuẩn mực quốc tế. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học cơ bản của Việt Nam gần hơn với trình độ nghiên cứu ở các nước phát triển. Quỹ hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế đã góp phần tạo dựng được môi trường học thuật lành mạnh, các nhà khoa học có động lực nghiên cứu, có điều kiện thuận lợi theo đuổi nghiên cứu lâu dài.
2. Thành lập viện nghiên cứu trong doanh nghiệp
Năm 2010 có nhiều doanh nghiệp thành lập viện nghiên cứu. Một hướng đi tích cực, bảo đảm cho sự phát triển vững chắc cho doanh nghiệp. Viện nghiên cứu Công nghệ FPT ra đời đã tạo ra môi trường gắn kết, thu hút và quy tụ nhiều “chất xám” không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển các ngành công nghiệp, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế nước nhà. Viện nghiên cứu Thủy sản Bình An cũng dự kiến tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong thủy sản như chọn giống, sản xuất giống, thức ăn nuôi thủy sản, thuốc phòng trị bệnh, vắc-xin, chế phẩm sinh học, công nghệ chế biến, gia tăng giá trị cho sản phẩm … đáp ứng yêu cầu thực tế của ngành.
3. Hoàn thành công trình nghiên cứu tổng thể về 1000 năm Thăng Long Hà Nội (KX-09)
Chương trình: “Nghiên cứu, phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và giá trị lịch sử, văn hóa 1000 năm Thăng Long – Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô” (KX – 09). Được biết, chương trình KX – 09 đã đưa ra được 54 giải pháp khoa học được đề xuất nhằm phát triển Thủ đô. Đây được đánh giá là bộ “Bách khoa thư” mới về Hà Nội.
4. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản của văn hoá thế giới
Năm 2010 là năm ghi nhận của thế giới về nhiều giá trị di sản của Việt Nam trong đó có Hoàng thành Thăng Long. Các nhà khoa học đưa ra những lập luận xác đáng khẳng định giá trị cũng như chính sách hỗn hợp để bảo tồn và phát huy giá trị của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trước ý kiến của ICOMOS muốn hoãn việc xem xét công nhận khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong năm 2010.
5. Lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công ghép tim từ người chết não
Trên cơ sở những thành công của ghép thận, ghép gan và ghép tim trên thực nghiệm, tháng 7-2009, Bộ KH và CN đã phê duyệt đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não” thuộc chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng” do GS. TS. Nguyễn Tiến Bình (Giám đốc Học viện Quân y) làm chủ nhiệm. Bệnh Viện 103, Học Viện Quân y, Bộ Quốc phòng đã thực hiện thành công ca ghép tim trên người đầu tiên tại Việt Nam cho bệnh nhân Bùi Văn Nam 48 tuổi, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
6. Công bố chíp xử lý 32–bit VN 1632
Chíp VN 1632 là một trong các sản phẩm của đề tài “ Nghiên cứu, phát triển phương pháp thiết kế và chế tạo chíp vi xử lý điều khiển RISC, mã số KC.01.08/06-10 do Bộ KH và CN đầu tư. Chip VN 1632 đáp ứng được yêu cầu của các hệ thống điều khiển phức tạp, đòi hỏi tốc độ cao như trong điện thoại di động, mã hóa/giải mã dữ liệu, thiết bị truyền thông, xử lý ảnh…
7. Cần cẩu siêu trường, siêu trọng 1200 tấn của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung
Xí nghiệp cơ khí Quang Trung Ninh Bình đã thiết kế, chế tạo và lắp đặt cầu trục gian máy, cầu trục trung gian và cầu trục chân đế cho công trình thủy điện Sơn La – công trình trọng điểm cấp Quốc gia, công trình thuỷ điện thế kỷ của Việt Nam. Sản phẩm “Cầu trục gian máy 1200T/200T/20T” được dùng để nâng, hạ Roto tua bin có trọng lượng 1.200 tấn. Đây là sản phẩm lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay, do chính các kỹ sư Việt Nam nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.
8. Phần mềm diệt vi-rút Việt Nam lọt vào top 10 phần mềm diệt vi-rút tốt nhất thế giới
Kết quả được đưa ra từ kỳ kiểm định cuối năm của Phòng thí nghiệm vi-rút Bulletin (Anh)tổ chức kiểm định phần mềm diệt vi-rút có tiếng trên thế giới. Phần mềm diệt vi-rút Bkav của Việt Nam đạt điểm RAP 91.3/100, đứng thứ bảy trong bảng xếp hạng 64 phần mềm tham gia kiểm định.
9. Hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân
Ngày 30-3, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã tổ chức lễ ký bản ghi nhớ về hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Bản ghi nhớ mở ra cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng cơ sở an ninh và an toàn, tiếp cận các nguồn nhiên liệu hạt nhân đáng tin cậy; quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng.
10. Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải toán học Fields
Với sự kiện này, Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ hai sau Nhật Bản có nhà toán học đoạt giải này. Huy chương Fields là một giải thưởng được trao cho tối đa bốn nhà toán học không quá 40 tuổi tại mỗi kỳ Đại hội Toán học Thế giới của Hiệp hội toán học quốc tế (IMU). Ngày 17-8, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định phê duyệt chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học VN đến năm 2020. Một trong những điểm then chốt của chương trình là thành lập Viện nghiên cứu và đào tạo cấp cao về toán mà GS Ngô Bảo Châu sẽ đảm nhận chức vụ Viện trưởng.