Print This Post

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tổ chức Hội nghị đánh giá xét chọn đề tài NCCB trong lĩnh vực KHTN&KT đợt 2 năm 2017

Ngày 29/7 tại Hà Nội, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ) đã tổ chức Hội nghị đánh giá xét chọn đề tài Nghiên cứu cơ bản (NCCB) trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật (KHTN&KT) đợt 2 năm 2017. Tham dự Hội nghị có GS.TS Phan Tuấn Nghĩa, thành viên HĐQL Quỹ, các thành viên Hội đồng khoa học (HĐKH) ngành thuộc lĩnh vực KHTN&KT, cán bộ CQĐH Quỹ và đại diện các cơ quan truyền thông thuộc Bộ Khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN).
Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đỗ Tiến Dũng – Giám đốc CQĐH Quỹ cung cấp một số thông tin chung về hoạt động của Quỹ, kết quả và định hướng thực hiện cũng như các lưu ý, phương thức trong việc đánh giá xét chọn các hồ sơ thuộc lĩnh vực KHTN&KT. Sau 9 năm đi vào hoạt động, Quỹ đã tài trợ cho hơn 2.400 nhiệm vụ với hàng chục nghìn lượt nhà khoa học tham gia thực hiện, hỗ trợ hơn 700 hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ Quốc gia (NCNL). Mỗi năm, Quỹ tiếp nhận trên 600 hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ KH&CN, tài trợ từ 250 – 300 nhiệm vụ KH&CN, và trung bình các nhóm nghiên cứu được Quỹ tài trợ công bố 600 – 800 bài báo ISI mỗi năm.Kinh phí dành cho chương trình NCCB trong giai đoạn 2011 – 2015 chiếm khoảng 75% tổng kinh phí tài trợ của Quỹ. Tính đến nay, Quỹ đã tài trợ trên 2000 đề tài (8000 lượt nhà khoa học) NCCB và trên 600 hoạt động NCNL trong lĩnh vực KHTN&KT. Kinh phí tài trợ trung bình của chương trình NCCB trong lĩnh vực KHTN&KT giai đoạn 2014 – 2016 là 800 triệu/đề tài .

Từ năm 2009, các HĐKH ngành trong lĩnh vực KHTN&KT đã hoạt động ba nhiệm kỳ tham gia chủ yếu vào đánh giá khoa học như nghiên cứu cơ bản, giải thưởng Tạ Quang Bửu, giới thiệu chuyên gia đánh giá trong nước và quốc tế và một số hoạt động khác bao gồm tư vấn về chính sách, cơ chế đánh giá khoa học, nâng cao chất lượng công bố cũng như tuyên truyền các hoạt động của Quỹ. Hiện nay, Quỹ cũng đang tiến hành giới thiệu và đề xuất thành viên HĐKH ngành trong lĩnh vực KHTN&KT nhiệm kỳ 2017 – 2019.Định hướng cho những năm tiếp theo, Quỹ sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu (công bố quốc tế), hỗ trợ nhóm nghiên cứu mạnh (về kinh phí và thời gian thực hiện), thực hiện tiếp nhận hồ sơ 02 lần một năm, đẩy mạnh chương trình hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực khoa học và công nghệ Quốc gia, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu.

Kết thúc tiếp nhận hồ sơ đăng ký thực hiện đề tài NCCB trong KHTN&KT đợt 2 năm 2017, Quỹ đã tiếp nhận 310 hồ sơ đề nghị tài trợ lĩnh vực KHTN&KT. Số lượng hồ sơ trung bình là 38 hồ sơ/ngành trong đó các ngành có số lượng hồ sơ lớn nhất là Vật lý (76 hồ sơ), Hóa học (58 hồ sơ) và Y – Sinh Dược học (49 hồ sơ).

Sau báo cáo của Giám đốc CQĐH Quỹ, hội nghị lắng nghe các ý kiến trao đổi từ phía HĐKH ngành. Các đại biểu là thành viên HĐKH ngành trong lĩnh vực KHTN&KT đánh giá cao hoạt độngvà tầm ảnh hưởng của Quỹ đến việc nâng cao số lượng và chất lượng các nghiên cứu khoa học ở Việt Nam cũng như công bố các kết quả nghiên cứu này.. Có ý kiến cho rằng, trong giai đoạn tới, việc nâng cao chất lượng  công bố công trình khoa học sẽ gặp một số thách thức, do thực tế hiện nay, sự tham gia của nhà khoa học Việt Nam trong các công bố quốc tế còn hạn chế (tỷ lệ trung bình của các công bố ISI là 1 nhà khoa học Việt Nam, 2 nhà khoa học nước ngoài). Các đại biểu cũng đưa ra kiến nghị trong năm năm tới, Quỹ nên tổ chức Hội thảo khoa học, để các nhà khoa học trong các lĩnh vực đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, có cơ hội trao đổi, cập nhật các thông tin về hoạt động của Quỹ.

Thành viên HĐKH ngành lĩnh vực KHTN&KT trao đổi tại hội nghị

Trong không khí trao đổi thẳng thắn tại hội nghị, các đại biểu cũng phản hồi một số thông tin liên quan đến quá trình triển khai đề tài như quy trình cấp kinh phí, nghiệm thu đề tài. Đồng thời, các đại biểu mong muốn có thông tin cung cấp tới các kho bạc địa phương (quận, huyện) để có thể hỗ trợ nhóm nghiên cứu hoàn thiện thủ tục thuận lợi hơn. Các thành viên HĐKH ngành cũng trao đổi tại hội nghị về thực tế triển khai hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh, đề nghị Quỹ sớm triển khai các chương trình NCNL Quốc gia như hỗ trợ nghiên cứu sau Tiến sĩ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu.

Trao đổi với các nhà khoa học tại Hội nghị, đại diện HĐQL và CQĐH Quỹ cho biết, theo thống kê sơ bộ của Quỹ, các công trình do Quỹ tài trợ có “nội lực” cao (với các nhà khoa học Việt Nam chiếm đa số về tỷ lệ tác giả). Điều này phù hợp với định hướng của Quỹ, trong đó các nhà khoa học Việt Nam thực sự chủ trì các nghiên cứu và công trình công bố do Quỹ tài trợ. Đại diện HĐQL và CQĐH Quỹ cũng trao đổi chi tiết về kinh phí, quy trình quản lý đề tài, triển khai hỗ trợ NCNL, nhóm nghiên cứu mạnh.

Phát biểu bế mạc hội nghị, GS.TS Phan Tuấn Nghĩa – Thành viên HĐQL Quỹ đánh giá cao đóng góp của các nhà khoa học trong HĐKH ngành và khẳng định thành công của Quỹ có được nhờ đóng góp lớn từ sự tâm huyết của HĐKH. Hoạt động của Quỹ cùng sự trách nhiệm của HĐKH đã giúp các chương trình tài trợ, hỗ trợ của Quỹ tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Với số lượng hồ sơ đăng ký tài trợ ngày càng tăng cùng với việc tổ chức nhiều đợt đánh giá hàng năm, khối lượng công việc của HĐKH cũng sẽ ngày một nhiều hơn. Đại diện HĐQL Quỹ hy vọng, các nhà khoa học trong HĐKH của Quỹ sẽ luôn sát sao với các hoạt động đánh giá, góp phần tăng chất lượng tài trợ của Quỹ. Đánh giá về tình hình NCCB trong thời gian vừa qua, GS nhận định số lượng các đề tài được tài trợ và chất lượng công bố đều có xu hướng tăng, sự hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có định hướng nghiên cứu đặc thù, có khả năng thực hiện các nghiên cứu có tầm vóc, hướng tới chuẩn mực các nhóm nghiên cứu đẳng cấp quốc tế là một điều tất yếu và cần được khuyến khích. Ghi nhận những phản hồi của các nhà khoa học tại Hội nghị, GS.TS Phan Tuấn Nghĩa xác nhận Quỹ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và phản hồi, để nâng cao hiệu quả của hoạt động của Quỹ trong tài trợ, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Tác giả bài viết: TrangVQ

Nguồn tin: nafosted